Cựu binh Gạc Ma

(Rút từ facebook của Huy Đức)

Hồ Văn Ba đón chúng tôi bằng khoảng chục lon bia và hai con tôm, đặt trên một manh chiếu rách, trải giữa sàn xi măng chỗ lành, chỗ vá. Tôi nhìn căn nhà dột nát của anh và đoán chắc mấy lon bia đó vợ chồng anh đang phải mua thiếu ngoài chợ. Tôi “ra lệnh” cho anh không được mở lon bia nào.

Hồ Văn Ba sinh năm 1966 tại Đức Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Anh nhập ngũ tháng 8-1985. Ngày 9-3-1988, Ba – khi ấy đang là lính công binh thuộc Lữ 83 – được lệnh lên tàu 604, rời Cam Ranh ra Gạc Ma.

Trong buổi sáng 14-3-1988 lịch sử đó, Hồ Văn Ba cùng Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Dũng… đứng bên cạnh Trần Văn Phương – người về sau được gọi là anh hùng giữ cờ. Thống bị thương nặng. Ba sau đó cùng với Lê Hữu Thảo và những đồng đội sống sót khác, dùng chiếc thuyền nhôm thủng lỗ chỗ, đưa xác hai liệt sỹ (tìm thấy) và những người bị thương về đảo Sinh Tồn Lớn.

Trước khi xuất ngũ vào tháng 12-1988, Hồ Văn Ba – sau trận Gạc Ma – còn quay lại Trường Sa hai lần, mang xi măng, sắt thép ra xây đảo Co Lin và Lan Đao. Người lính “làm xong nghĩa vụ” ấy, với trình độ lớp 3 trường làng, đã trở về với nghề đi biển.

Năm 2004, anh góp 100 triệu cùng với bạn chài mua thuyền đánh cá. Gặp lúc giá dầu tăng cao, vỡ nợ, phải bán thuyền. Tới nay, vẫn còn nợ ngân hàng 50 triệu. Chị Lê Thị Thảo, vợ Ba, nói: “Mỗi tháng anh ấy đi biển 20 ngày. Từ Tết tới giờ được chủ thuyền chia cho 15 triệu”. Trong khi đó, theo giấy nợ ngân hàng, mỗi tháng gia đình anh phải trả lãi 1 đến 2 triệu đồng (bao gồm lãi phạt). Từ 4 tháng nay, nhà không có tiền trả lãi.

Cô con gái đầu của Ba, sinh 1992, học hết lớp 9, lấy chồng sanh con rồi cũng như mẹ, ngồi nhà vá lưới, chờ chồng. Chợ ở ngay đầu nhà nhưng cũng xác xơ như ngôi nhà xây đã 23 năm chưa một lần có tiền chống dột. Cô con gái thứ hai, sinh năm 1994, học hết lớp 9, nghe nói đi làm thợ may, thỉnh thoảng mới gọi về, không rõ đang ở đâu.

Cách đó mấy chục cây số là nhà của một cựu binh Gạc Ma khác, Dương Văn Lê (1966-2010), một người lính công binh thuộc Lữ 83. Xuất ngũ, Lê về quê ở xã Tây Trạch, Bố Trạch, làm nghề thợ xây.

Lê bị ung thư gan năm 2010, mất năm 2014. Cô con gái đầu của Lê thi đỗ đại học nhưng nhà không có tiền, định bỏ. Rất may, qua Lê Hữu Thảo, chúng tôi kịp liên lạc với chị Dương Thị Sen, vợ anh Lê, động viên chị và cháu mạnh dạn nhập học. Nhịp Cầu Hoàng Sa quyết định sẽ cấp học bổng cho cháu.

Một cựu binh Gạc Ma (E83) khác, Dương Văn Hường, còn có hoàn cảnh nghiệt ngã hơn. Hường bị thương khá nặng trong trận Gạc Ma, anh xuất ngũ ngay sau khi được chữa trị ở bệnh viện 175. Những chấn thương ở đầu đã khiến anh thỉnh thoảng bị lên cơn, nhiều khi vật vã ngoài rừng, nhiều khi bạo hành với vợ con.

Chị Trần Thị Huyên, vợ anh nói: “Khi tỉnh, anh dặn, nếu thấy anh lên cơn thì xin mẹ con hãy tránh ra xa, đợi khi anh qua cơn hẵng tới gần”. Tháng 3-1998, khi Hường đang chờ giám định thương binh thì, trong một lần đang chạy xe, anh bị lên cơn, chưa kịp dựng xe thì ngã lăn ra chết. Từ đó một mình chị Huyên làm rẫy nuôi ba con, đứa lớn nhất mới bảy tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy hai tuổi.

Con trai lớn của Hường, sinh 1991, học xong trung cấp tin học ở Huế không xin được việc làm, trở về cùng mẹ – ở nông trường Việt – Trung, Bố Trạch, Quảng Bình – làm rẫy nuôi hai cô em gái ăn học tiếp. Hai cô con gái của Hường, đang học cao đẳng – một ở Đà Nẵng, một ở Hà Nội – ao ước có tiền để học liên thông cho hết đại học, nhưng chị Huyên nói: “Tôi phải dằn lòng mà nói với các con, mẹ hết khả năng rồi”.

Ở Bố Trạch còn có ba cựu binh Gạc Ma khác: Lê Văn Dũng, Lê Văn Đông và Nguyễn Văn Thống. Thống bị Trung Quốc bắt làm tù binh sau trận Gạc Ma trong điều kiện bị thương rất nặng. Chính anh cũng không hiểu nhờ đâu anh sống sót khi mãi ba ngày sau mới được cứu chữa.

Đông có cuộc sống, theo anh nói, là tạm ổn. Còn Thống, là thương binh 1/4, có trợ cấp, vừa đủ để sống qua ngày cùng với một hàng gạo do vợ buôn bán thêm. Trong khi Lê Văn Dũng, vợ mất khi đứa con thứ ba chưa biết lật. Một mình làm thuê nuôi ba con và một bà chị là người tàn tật, không thể kể hết khổ cực.

Nhịp Cầu Hoàng Sa – qua Ban liên lạc những người lính có mặt trên tàu HQ 604 cũng chỉ vừa mới tìm thấy những cựu binh này – trong ngày 6-10-2015, đã đến thăm từng gia đình và đang cân nhắc phương thức hỗ trợ từng trường hợp cụ thể. Trước mắt, sẽ giúp con em của các cựu binh tiếp tục học hành. Tiếp đến, giúp các anh giải quyết nợ nần, sửa nhà và tìm một kế sinh nhai căn cơ để vượt qua hoàn cảnh cơ cực hiện tại.

Nhịp Cầu Hoàng Sa mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn theo các địa chỉ sau:

1, Đỗ Thanh Triều – Vietcombank TP.HCM – số TK 0071001176816 cho tiên đồng VN (VND) Vietcombank TP.HCM số TK 0071370974455 cho dollar

2, Trường hợp chuyển tiền mặt xin gửi: Đỗ Thanh Triều, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, điện thoại: 0903383994.

3, Tài khoản Paypal: nhipcauhoangsa@gmail.com

4, Những người ở Mỹ có thể gửi check cho “Thai Dinh” (tức Đinh Quang Anh Thái ) địa chỉ 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, USA ; với memo “Đóng góp cho quĩ Nhịp cầu Hoàng Sa”

clip_image001

Lê Hữu Thảo và Hồ Văn Ba bên hiên nhà của Ba.

clip_image002

Vợ chồng Hồ Văn Ba và đứa cháu ngoại bị bệnh tim bẩm sinh.

clip_image004

Chợ làng Đức Trung, Đức Trạch (ngay trước cửa nhà) cũng nghèo như nhà cựu binh Hồ Văn Ba.

clip_image005

Chị Dương Thị Sen và bố chồng (89 tuổi) thắp nhang cho anh Dương Văn Lê, cựu binh Gạc Ma.

clip_image006

Các đồng đội của Dương Xuân Hường (Lê Văn Dũng và Lê Hữu Thảo) đang nghe chị Trần Thị Huyền kể về những ngày anh Hường bị vết thương trên đầu hành hạ.

Comments are closed.