‘Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN’

h138_thumbVăn Việt: Tài năng và sáng tạo của hai nông dân Việt Nam không thể phát huy tại nước nhà nhưng lập tức được nước láng giềng sử dụng chỉ là một thí dụ gần nhất cho thấy “hiền tài” của đất nước ngày nay bị lãng phí, coi rẻ một cách đau lòng. Tình trạng này luôn được báo chí chính thức giải thích là do “thằng cơ chế” ù lì (mãi không sao “cải cách” được!). Không chỉ lãng phí, coi rẻ, mà không ít sáng kiến thậm chí còn bị kỳ thị, nghi ngờ, ngăn chặn… chỉ vì là sản phẩm tự phát, cá nhân, không nằm trong tổ chức, không chính thống… Những sáng kiến khoa học công nghệ – vô thưởng vô phạt đối với “hệ tư tưởng” – còn bị xử như thế, huống chi những sáng kiến trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, khoa học xã hội nhân văn, những lĩnh vực quyết định cái gốc của sự phát triển, mà bao nhiêu năm nay luôn nằm trong tình trạng “độc quyền chân lý” của một nhóm người? Câu hỏi: “Vì sao VN những năm 1960 có trình độ phát triển ngang Hàn Quốc, hơn Thái Lan mà nay đi sau gần trăm năm” không cần đặt ra nữa. Sắp đến lúc phải đặt câu hỏi khác: “Vì sao VN thua trình độ Campuchia, Lào?” Khi mọi mầm mống của cái khác, lạ, ngoài hệ thống (nhạc sĩ Văn Cao, thi sĩ Trần Dần… xưa gọi là “bàng thống”), đều bị cảnh giác, triệt bỏ, thì mọi mầm mống sáng tạo cũng bị triệt luôn. Điều hầu như ai cũng biết nhưng không thể làm gì để thay đổi. Vì sao? Vì không thay được cái gốc nhất nguyên, nhất thống, nhất thể trong tư duy chính thống, trong hệ điều hành toàn xã hội.

clip_image002_thumb[1]Xe bọc thép mà cha con ông Trần Quốc Hải đóng mới cho quân đội Campuchia

Một nhà sáng chế ở tỉnh Tây Ninh vừa được Campuchia phong tặng Huy chương Đại tướng quân vì đã giúp sửa chữa xe bọc thép cho quân đội nước này.

Ông Trần Quốc Hải, ở tỉnh Tây Ninh, và con trai là Trần Quốc Thanh đã được Nhà nước Campuchia vinh danh.

Ông Hải cũng là người từng chế tạo máy bay trực thăng và nhiều máy móc công nghiệp mà báo chí Việt Nam từng phản ánh. Tuy nhiên ông nói ở Việt Nam, đam mê của ông không được khuyến khích.

Ông Trần Quốc Hải: Xe bọc thép ở các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) thì đại đa số là dùng xe của Liên Xô cũ, nhiều xe đã trong tình trạng hỏng hóc.

Những xe này cũng không phù hợp với địa hình và điều kiện địa phương nên các tướng lĩnh Campuchia họ muốn có một loại xe phù hợp hơn.

Người Campuchia họ biết là tôi có năng lực, chế tạo máy bay rồi máy móc công nghiệp nên họ mời tôi sang, Trước hết là sửa máy nông nghiệp, sau đó thấy xe bọc thép Liên Xô chế tạo hỏng rất nhiều họ yêu cầu mình khắc phục.

Khắc phục được 11 chiếc thì họ biết mình có năng lực rồi nên họ bàn làm sao chế tạo xe bọc thép mới để không phụ thuộc vào nước ngoài.

Tới nay thì tôi cũng mới chỉ bắt đầu chế tạo hoàn toàn một chiếc xe bọc thép phù hợp với điều kiện Đông Dương.

Campuchia họ đang muốn xây dựng nhà máy để chế tạo 100 chiếc, thay thế cho loại xe của Liên Xô đã không còn phù hợp nữa.

Hiện tôi mới chỉ chế loại xe sáu bánh, họ yêu cầu chế xe tám bánh.

BBC: Thế ở Việt Nam, giới chức quân đội họ có tiếp cận ông và đề nghị ông làm việc cho họ không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chưa nghe thấy ai đề nghị gì cả.

BBC: Trước kia ông đã từng chế tạo cả trực thăng, rồi máy móc, báo chí cũng đã viết nhiều về ông. Vậy mà chính quyền tỉnh và trung ương không tiếp cận ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Cũng có tiếp cận, rồi thưởng bằng khen. Thế nhưng cơ chế của Việt Nam nó rất là ngộ.

Họ [giới chức Việt Nam] nói: “Anh chế (tạo) rất giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”

Ông Trần Quốc Hải

Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học.

Ở Việt Nam, người làm được thì họ không công nhận, người chưa làm được gì thì công nhận.

Khi làm trực thăng thì họ nói thế này: thứ nhất là không phù hợp. Thứ hai là Việt Nam không có đủ trình độ để chế tạo máy bay. Tôi cũng tranh luận với họ, nhưng họ cũng không muốn tranh luận ra ngô ra khoai.

Tôi nói ở châu Âu người ta làm máy bay từ cách đây cả trăm năm, Việt Nam không lẽ thua họ? Tôi tự hào là người Việt Nam chứ.

Họ cũng im lặng không tranh luận, nhưng về họ viết văn bản. Họ nói: “Anh chế rất là là giỏi, nhưng thôi đừng chế nữa”.

BBC: Như vậy, ông không có dự án gì ở Việt Nam ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Các dự án lớn thì cần quy hoạch của chính phủ. Không có kế hoạch của chính phủ, một mình mình thì không làm gì được.

BBC: Vừa rồi, ông được Campuchia vinh danh phải không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Họ tặng tôi huy chương Đại tướng quân, do Quốc vương Sihamoni ký lệnh và Thủ tướng Hun Sen trao tặng. Họ cũng đối xử với tôi như cấp tướng. Sống, sinh hoạt bên Campuchia họ cho tôi hưởng tiêu chuẩn cấp tướng.

BBC: Ông có ý định sống và làm việc bên Campuchia không ạ?

Ông Trần Quốc Hải: Chuyển sang sống hẳn bên đó thì tôi chưa có ý định, nhưng người Campuchia rất thân thiện và tạo điều kiện cho tôi thực hiện những đam mê của tôi nên tới đây chắc tôi sẽ tiếp tục hợp tác với họ.

Khoa học không có biên giới, nơi nào họ cần mình, họ coi trọng mình thì mình đến phục vụ cho họ. Đơn giản thế thôi.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141111_tranquochai_inv

clip_image003_thumb[1]

Hai cha con ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) bên chiếc xe bọc thép mới chế tạo

… Làm được thì có tiền, không làm được bỏ tiền túi ra đền. Ông nông dân gan góc dám làm. Xe bọc thép vận hành thành công, ông thành…Đại tướng quân hai lúa.

Ông Trần Quốc Hải không phải người xa lạ. Ông chính là “Hai Lúa” Tây Ninh từng nổi đình, nổi đám trên khắp cả nước khi tự chế trực thăng từ năm 2006.

Tuy nhiên, trước đó ông cũng đã nổi tiếng với một loạt phát minh máy móc. Là một nông dân rặt nhưng số sáng chế của ông Hải nhiều đến mức khó thống kê hết.

Đánh cược với xe bọc thép

Có thể kể những phát minh của ông Hải như chế tạo như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu); máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su… và gần đây nhất là máy trồng mì (sắn) tự động.

Danh tiếng của ông Hải vang danh. Sản phẩm máy móc của ông được nước bạn đặt hàng. Ông Hải xuất ngoại nhiều lần để chuyển giao công nghệ.

Trong một lần chuyển giao kỹ thuật máy trồng mì tại Lữ đoàn 70, ông phát hiện rất nhiều xe bọc thép xếp xó, không sử dụng được. “Mình nói cho mình thời gian nghiên cứu, bảo đảm sửa chữa được. Nhiều người trố mắt nhìn mình”-ông Hải kể.

Tất cả mọi người đều không tin vì dù ông có tiếng phát minh máy móc nông nghiệp nhưng chắc chắn không biết gì về một loại xe quân sự vô cùng phức tạp. Mặt khác, họ cho biết trước ông từng có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của Nga, Ukraina, Việt Nam đã đến sửa chữa. Xe sửa xong vận hành tốt nhưng chuyên gia quay lưng đi thì lập tức hỏng, lại phải đẩy bằng tay vào xếp xó.

“Tui nghe tức quá. Quyết tâm làm cho bằng được. Vì họ ngờ vực nên tui quyết bỏ tiền túi ra làm cho họ thấy”-ông Hải hào hứng kể.

Chuyện ông nông dân đòi móc tiền túi sửa xe bọc thép gây chấn động, đến tai Tư lệnh Lữ đoàn. Tư lệnh cũng bối rối phải gọi lên Tổng tư lệnh quân đội xin ý kiến chỉ đạo. Cả lữ đoàn hồi hộp chờ. “Mình cũng thót tim chứ. Nhưng lúc đó mình đã tin là sẽ làm được”.

Sửa xong, chế tạo luôn xe bọc thép

Rất nhanh chóng, khẩu lệnh đồng ý truyền xuống. Không chần chừ, sẵn tiền bán máy móc, ông tự bỏ tiền túi tổng cộng 25.000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất)…

“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.

Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít. Tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.

“Thực chất là động cơ quá nặng nên tốn nhiên liệu và khó vận hành. Mình phải cải tiến các chi tiết động cơ cho phù hợp là được”-ông nói.

Chiếc xe bọc thép xếp xó bỗng dưng vận hành ngon trớn. Ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác. Rất nhanh chóng, với những cải tiến của mình, những chiếc xe tưởng đã thành sắt vụn bỗng hồi sinh, gầm rú trong niềm hân hoan.

Quốc vương Campuchia ngay sau đó cấp giấy chứng nhận cho ông Hải và con trai ông, anh Trần Quốc Thanh, là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB.

“Sửa chữa được rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm. Thực chất loại xe bọc thép này không phù hợp với điều kiện nước bạn. Chúng tôi lập tức nghĩ đến việc chế tạo xe bọc thép hoàn toàn mới”-ông Hải kể tiếp.

Cả một lữ đoàn lại mắt tròn mắt dẹt, nghi ngờ ông nói liều. Ông cười xòa kể, vẫn dùng “chiêu” cũ để thuyết phục: Ông tự bỏ tiền chế tạo. Thành công thì phía bạn phải trả cả công lẫn vốn, thất bại ông chịu toàn bộ chi phí.

Lại có cái gật đầu của thượng cấp, cha con ông bắt tay vào làm. Ông cho biết, khác biệt lớn nhất của xe bọc thép BRDM 2 cũ là chỉ phù hợp với môi trường bằng phẳng, khó vận hành ở địa hình dốc, núi đèo. Đó là chìa khóa giải quyết vấn đề.

Ròng rã 4 tháng trời tự tìm kiếm cũng như mua sắm trang bị cho chiếc xe mới. Ba tháng nghiên cứu và một tháng chế tạo, cha con ông đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn.

Chiếc xe bọc thép “Made by ông Hải” mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe…vận hành trơn tru trong sự ngưỡng mộ của toàn lữ đoàn.

clip_image004_thumb[1]

Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo – Ảnh:TTO

Thông tin ngày càng lan rộng và trở thành một sự kiện được chú ý. Không chỉ lấy được cả vốn lẫn lãi từ “phi vụ” liều đầu tư chế tạo. Cha con ông Hải còn được trao tặng Huân chương đầy tự hào.

“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.

Kiến Giang

http://www.baomoi.com/Dai-tuong-quan-hai-lua-Tran-Quoc-Hai-ke-chuyen-che-tao-xe-boc-thep/145/15236240.epi

… Cùng đam mê sáng chế như ông có ông Bùi Hiển 60 tuổi ở Bình Dương làm máy bay trực thăng. Ông được gọi là “cha đẻ của máy bay trực thăng” (tất nhiên là ở Việt Nam chứ không phải toàn cầu). Làm đến chiếc thứ hai rồi nhưng vẫn canh cánh lo nó không được thi thố với đời. Nghe nói ông có mời cả mời cả chuyên gia hàng không hạ cố đến để thẩm định sản phẩm của mình. Ông tâm sự, điều ông mong mỏi nhất là các nhà sáng chế nông dân như ông được nhà nước quan tâm đến, để cống hiến tài sức cho dân tộc. Chỉ cần được “bật đèn xanh”, ông Hiển có thể chế tạo cho Việt Nam chiếc trực thăng không chỉ bay được mà còn bay cao, bay xa, đạt tiêu chuẩn của thế giới. Nhưng điều khó khăn nhất đối với nhà sáng chế chính là việc được cấp phép thử nghiệm. Ông Hiển cho biết đã làm đơn, làm kế hoạch một cách bài bản để gửi đi nhiều cơ quan quản lý, nhưng câu trả lời vẫn là… chờ đợi.

Nhắc đến ông Bùi Hiển, mình lại nhớ đến anh chàng thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng ở Long Biên chế tạo máy bay trực thăng nhưng bị cấm, bắt viết cam kết từ nay không được chế tạo máy bay nữa. Rồi bên quân đội thì bắt anh cam kết không được tiếp tục nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, phải giữ nguyên hiện trạng chiếc máy bay. Bộ đội thì bắt để nguyên trạng, nhưng công an lại bắt tháo máy, tháo cánh ra nên anh chẳng biết nghe ai. Hai trăm triệu anh bỏ ra có nguy cơ biến thành dúm sắt vụn.

Nói về niềm đam mê sáng chế, có thể kể thêm ông Nguyễn Quốc Hòa – Giám đốc công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa (Cụm công nghiệp Phong Phú, TP.Thái Bình). Ông tự chế chiếc tàu ngầm mini, với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo, đánh bắt hải sản và du lịch. Ông Hòa đã bỏ ra 1 tỷ đồng để chế tạo nó nhưng chưa thành công. Cầu mong cho công trình của ông thắng lợi để mang ra Hoàng Sa, Trường Sa, thách thức Hải quân Trung Cộng, chứ còn trông chờ ở tàu chiến của ông Phùng Quang Thanh thì… e rằng bị 16 chữ vàng khống chế.

Kể vài ví dụ về việc dân thường sáng chế để nói rằng, người Việt Nam mình cũng tài lắm chứ, đâu có kém thông minh hơn thiên hạ. Chỉ có điều, sức sáng tạo của họ thường vấp phải thế lực vô hình cản trở, đó là thằng “cơ chế”. Thằng này bao giờ cũng kìm hãm sự phát triển nhưng nó lại có quyền. Ai nghĩ ra cái gì mà trình độ của nó không kiểm soát được thì y như rằng khổ với nó. Điều trớ trêu là những nhà sáng chế trên, cấm ai có nổi cái bằng tiến sĩ, trong khi tiến sĩ nước ta có tới hàng vạn (theo Vietnamnet, con số này là 24000).

Trở lại chuyện của ông Trần Quốc Hải. Ông đã từng chế tạo máy bay trực thăng. Ông cùng ông Lê Văn Danh đã sản xuất đến chiếc máy bay thứ hai. Nhưng hai chiếc máy bay trực thăng “made in Việt Nam” do các ông chế tạo đã được “xuất khẩu” ra nước ngoài. Chiếc đầu tiên bán cho Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ hai bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc). Hình như hai chiếc này chế tạo chưa thành công cho nên mới bán để đưa vào Viện Bảo tàng. Nhưng tại sao các ông không bán (hay không bán được) ở Việt Nam để cho người Việt Nam đến tham quan, học hỏi?

Có lần, máy bay của hai ông đang trong giai đoạn “thăng” thử (tức là nhấc bụng lên khỏi mặt đất) thì bị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh bắt về “giam” ở trụ sở huyện đội huyện Tân Châu, nằm chờ cấp trên xác minh, kết luận.

http://www.rfa.org/vietnamese/blog/blog-111114-nguyentuongthuy-11112014121430.htm

Comments are closed.