Đằng sau chuyến đi Việt Nam của báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về tôn giáo

RFI

 

Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tôn giáo hoặc tín ngưỡng (ảnh UN/Paulo Filgueiras)

Ông Heiner Bielefeldt, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tôn giáo hoặc tín ngưỡng (ảnh UN/Paulo Filgueiras)

Trong cuộc họp báo ngày 31/07/2014, tại Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Việt Nam, báo cáo viên (BCV) đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt, than phiền rằng một số cá nhân mà ông “muốn gặp đã bị đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ, cảnh cáo, đe dọa, sách nhiễu hoặc bị công an ngăn cản việc đi lại”. Ngoài ra việc di chuyển của ông “cũng bị giám sát chặt bởi “những cán bộ an ninh hoặc công an”, đồng thời sự riêng tư và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ cũng bị ảnh hưởng”.

Ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành tổ chức VETO – Human Rights Defenders‘ Network – Phân ban Đức, có trụ sở tại Bad Nauheim, Đức, cho biết thêm một số thông tin:

– Theo lịch trình thỏa thuận với chính phủ Việt Nam, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc sẽ đi thăm các tỉnh và thành phố Hà Nội, Tuyên Quang, Sài Gòn, Vĩnh Long, An Giang, Pleiku và Kontum từ ngày 21 đến 31/7/2014.

Chúng tôi được báo rằng tình hình tại các nơi đó trong những ngày này rất căng thẳng, nghĩa là công an và an ninh mặc thường phục đã được gia tăng và có thái độ hăm dọa những người bị cho là có thể tiếp xúc với ông BCV.

Thí dụ ngay hôm đầu tiên ở Hà Nội ông BCV đã phải thay đổi chỗ họp với các nhân chứng vì địa điểm dự định ban đầu không còn an toàn. Các nhân chứng cho biết công an đã tăng cường nhân sự bao vây địa điểm này và có thái độ đe dọa họ. Đến hôm ông đi Tuyên Quang, tuy có bị theo dõi ngầm nhưng không bị cản trở. Tuy nhiên khi vào họp với các nhân chứng người H’Mông theo đạo Dương Văn Mình ở xã Hùng Lợi, tỉnh Tuyên Quang thì hành vi đe dọa đã thành rõ rệt. Hai cán bộ nhà nước đã ngang nhiên vào nhà dân để theo dõi cuộc trao đổi khiến cho các nhân chứng trở nên e dè. Ông BCV đã phải mời hai cán bộ này ra nhưng họ cứ cãi bướng làm mất thời giờ của ông. Cuối cùng họ cũng phải đi ra nhưng sau đó lại đứng ngoài để ghi âm. Cuối buổi các tín đồ lại khám phá ra thêm hai người khác lẻn vào nhà lúc nào không biết và ngồi nghe. Họ là dân được các nhân viên chính quyền yêu cầu đến nghe để về báo cáo.

Như vậy ngay từ những ngày đầu đã có những bằng chứng không thể chối cãi về việc vi phạm những thỏa thuận với BCV LHQ. Ông Bielefeldt là một người rất nguyên tắc nên khó có thể chấp nhận những vi phạm như vậy.

Vì sao báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc hủy dự định đi thăm An Giang, Gia Lai và Kon Tum?

Buổi gặp gỡ các đại diện tôn giáo tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn cũng xảy ra trong tình trạng căng thẳng, nghĩa là có công an bao vây ở bên ngoài nhiều hơn bình thường và đôi khi còn bước vào phạm vi nhà thờ, nhưng không có gì đáng tiếc xảy ra. Một số nhà bất đồng chính kiến ở Sài Gòn cho biết công an đã cấm họ hoặc cản trở họ đi ra khỏi nhà mặc dù họ không là những người hoạt động tôn giáo.

Cuộc gặp gỡ ở Vĩnh Long tương đối suông sẻ, có lẽ nhờ sự kiên quyết của các chức sắc Cao Đài, mặc dù trong những ngày trước đó họ bị công an theo dõi rất căng thẳng. Tuy nhiên khi vào địa phận An Giang thì tình hình đột ngột biến chuyển và dẫn đến quyết định hủy bỏ chuyến đi của ông BCV. Tại An Giang, công an đã bao vây hai địa điểm Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) độc lập mà ông BCV dự định tới là Quang Minh Tự của tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm và Đạo tràng Út Trung. Ngày hôm trước, cho đến khuya, công an đã cho ném đá, trứng vịt thối và xác mắm thối vào nhà Đạo tràng Út Trung, cũng như cho côn đồ kéo đến chửi rủa và khiêu khích.

Ném trứng và mắm vào nhà những người PGHH ăn chay trường ít nhất là bằng chứng của sự thiếu tôn trọng, bất bao dung tôn giáo. Cần biết rằng gia đình này có cha là Bùi Văn Trung, con là Bùi Văn Thâm và rể là Nguyễn Văn Minh đang ở trong tù. Trong ngày đó công an cũng đã tịch thu chiếc xe gắn máy của anh Nguyễn Hoàng Nam khi anh ta đang trên đường đi đến dự buổi niệm Phật ở Đạo tràng Út Trung. Khi ra về anh Nam đã bị công an vây đánh đổ máu đầu vào trói gô đem đi bỏ ở một quãng xa.

Sự kiện quyết định xảy ra vào buổi sáng ngày 28/7. Lúc đó ông BCV đang ngồi họp với các cộng sự viên thì khám phá một người nữ đến ngồi gần và thu âm lén. Ông đã cho gọi nhân viên của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đến để phản đối và sau đó quyết định hủy bỏ chương trình còn lại. Hành vi nghe lén nói trên chỉ là giọt nước làm tràn ly. Tối hôm trước đó ông BCV đã đi ra ngoài khách sạn để điểm mặt những nhân viên an ninh đang bao vây khách sạn.

Cần nói thêm là trên đường từ An Giang về lại Sài Gòn ông BCV lại được chứng kiện thêm một hiện trường nữa khi ông đi ngang qua nhà anh Nguyễn Bắc Truyển và chi Bùi Thị Kim Phượng ở huyện Lập Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hôm đó công an đã dùng các xe tải lớn để chặn hai đầu của một đoạn đường quốc lộ dài khoảng 2 km dẫn vào nhà anh chị này. Truyển và Phượng là hai nạn nhân của vụ tấn công, bắt người, phá nhà và xúc phạm tôn giáo PGHH vào ngày 9/2/2014 khiến cho họ bây giờ phải bỏ nhà đi lên sống tại Sài gòn.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố chính phủ Việt Nam đã “đáp ứng tất cả các yêu cầu của báo cáo viên”, điều này có đúng không?

Vấn đề là chính phủ Việt Nam đã đáp ứng thế nào chứ không phải chỉ là có hay không. Ở đây tôi phân biệt trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Có thể chính quyền trung ương có thiện chí nhưng rõ ràng các chính quyền địa phương thì không. Việc cử người đi theo hộ tống là cần thiết và các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Nhưng hộ tống và giúp đỡ giải quyết các trở ngại trong chuyến thăm viếng rất khác với việc can thiệp thô bạo vào công việc của BCV. Theo cam kết BCV phải được gặp bất cứ người nào, cho dù người đó đang bị giam cầm, và phải được gặp riêng họ mà không chịu bất sự giám sát nào. Đây là điều mà Việt Nam không giải quyết được. Thà không gặp chứ ông BCV không chấp nhận nói chuyện với bất cứ tù nhân nào khi có quản giáo ngồi kề bên. Sự có mặt của quản giáo hay bất cứ người nào khác sẽ không giúp cho ông tìm hiểu đúng sự thật. Đó là một nguyên tắc bất di bất dịch của các BCV Liên Hiệp Quốc. Đã mời BCV thì Việt Nam phải biết chuyện này.

Việc để xảy ra những cản trở – với chứng cứ rõ ràng nên không thể xem là chuyện hiểu lầm – là sự xúc phạm đối với vị trí của BCV Liên Hiệp Quốc. Dù là lỗi của ai, trung ương hay địa phương, nhưng trách nhiệm vẫn là của nhà nước. Rất tếc các báo chí ở Việt Nam đã cắt xén phát biểu của BCV Liên Hiệp Quốc trong buổi họp báo ngày 31/7/2014 vừa qua để chỉ nêu lên một mặt của vấn đề là những lời khen, lời cám ơn lịch sự tối thiểu.

Nhận xét về thành quả của chuyến đi này của báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc

Trong những năm qua đã có 6 BCV Liên Hiệp Quốc vào Việt Nam nhưng ông Bielefeldt là BCV đầu tiên về quyền dân sự và chính trị đến Việt Nam trong 16 năm qua. Đây là một điểm mới đáng khích lệ. Nhưng tôi cho rằng chính quyền Việt Nam chưa biết khai dụng mặt tích cực của chuyến viếng thăm.

Là những học giả, những chuyên gia độc lập các BCV luôn bảo vệ tính khách quan và vô tư của mình. Do đó những khuyến cáo của họ cần được trân trọng vì chúng sẽ giúp cải thiện tình hình nhân quyền. Bản báo cáo sơ khởi của ông Bielefeldt đã hé lộ một vài vấn đề cơ bản cần phải sửa đổi liên quan đến quan niệm về quyền tự do tôn giáo và cách thức đối xử của nhà nước Việt Nam đối với những người có tôn giáo. Chúng ta chờ đợi bản báo cáo chính thức và đầy đủ của ông vào tháng Ba năm tới.

Điều cần nói thứ hai là ông BCV Liên Hiệp Quốc đã được chứng kiến để có thể cảm nhận một cách đầy đủ về một chính sách đàn áp tôn giáo một cách tinh vi và toàn diện. Chính quyền đã không biết ông sẽ gặp ai tại địa điểm nào nên đã cho bao vây trên địa bàn của toàn tỉnh hay thành phố. Nếu không đi và sống tại chỗ thì làm sao BCV Bielefeldt có thể hình dung được tình trạng này khi đọc các báo cáo. Đó là lợi thế của một chuyến đi thực địa.

Nhận xét cuối cùng là cách làm việc rất hữu hiệu của nhiều tôn giáo tại Việt Nam trong việc cộng tác với BCV. Theo tôi đây là một sự hợp tác trong tương kính và tin cậy. Không có hai yếu tố này tin tức về chuyến đi không thể giữ kín để bảo đảm kết quả và sẽ khó có sự thông cảm cho việc BCV phải cắt bỏ một phần chương trình. Là những người trong cuộc họ sẽ giúp chúng ta giải mã bản báo cáo sơ khởi của ông Bielefeldt. Qua tiếp xúc này Liên Hiệp Quốc không còn là xa vời và xa lạ mà là một cơ chế để họ tiếp tục giữ liên lạc.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140804-dang-sau-chuyen-di-viet-nam-cua-bao-cao-vien-lhq-ve-ton-giao

Comments are closed.