Đặt tên đường và chiến lược phát triển của thành phố

Lê Học Lãnh Vân

[Bài này có ba phần: 1) Tên Đường Lê Văn Duyệt, 2) Cách và Ý Nghĩa của Việc Đặt Tên Đường, 3) Tên Đường Út Tịch

Phần (1) và (2) đã đăng trên Một Thế Giới, ngày 17/7/2020 (bài “Vài suy nghĩ nhân việc TP.HCM đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt”), phần (3) được thêm vào tạo thành bài viết này]

1) Tên Đường Lê Văn Duyệt

Sau bốn mươi lăm năm gỡ tên ông Lê Văn Duyệt khỏi vùng đất trước năm 1975 là Sài Gòn, Thành Phố Hồ Chí Minh đã lại lấy tên ông đặt cho một đại lộ chạy ngang qua Lăng Ông, nơi hai ông bà yên nghỉ, cũng là nơi trên trăm năm nay đã trở thành địa điểm tâm linh lịch sử lớn của thành phố.

Địa điểm tâm linh lịch sử không có nghĩa là nơi mê tín. Còn nhớ trước năm 1975, mỗi độ xuân về, Lăng Ông là nơi các cụ già lễ bái, nam thanh nữ tú dập dìu, tà áo dài nhẹ bay trong nắng Tết như tấm lòng tưởng nhớ công đức tiền nhân… Tôi chỉ xin xăm có một lần, năm mười tám tuổi, xin vì tò mò muốn biết cách thức xin xăm, lời giải xăm xem như trò giải trí thú vị mùa xuân, đọc rồi để gió cuốn bay đi. Các bạn tôi cũng vậy, nếp sống Miền Nam lúc đó đã gần như đã bỏ thói mê tín lại sau lưng, khác hẳn việc chen chúc giành giựt xin ấn đền Trần hiện nay.

Công đức ông Lê Văn Duyệt nhiều người đã biết. Văn võ toàn tài, sau chiến tranh ông xây dựng, mở mang một cõi Miền Nam hùng mạnh và giàu có. Con kinh chiến lược quân sự và kinh tế Vĩnh Tế được đào dưới thời ông cầm quyền. Ông mở mang các cơ sở từ thiện, tế bần khiến xã hội yên hòa, dân chúng sung túc, ấm no. Sau khi ông mất, Miền Nam được đặt thành sáu tỉnh gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh, thừa hưởng công khai phá của ông để tiếp tục phát triển thành miền đất giàu có nhất Việt Nam. Thời ông làm Tổng Trấn Gia Định, Miền Nam chẳng những trù phú mà oai trấn Cao Mên, Thái Lan, Miến Điện. Nước Việt Nam thực sự là một cường quốc khu vực, nhà Thanh cũng phải e dè. Lúc đó chỉ vài mươi năm sau cuộc chiến phân tranh Nguyễn – Tây Sơn!

2) Cách và Ý Nghĩa Của Việc Đặt Tên Đường

Việc đặt tên đường có nhiều cách. Đơn giản nhất là theo thói quen, theo tên cũ dân dã như Cây Xoài, Giếng Nước, Cây Quéo, Cây Gừa, Bà Hom, Bang Biện, Cả Hòn, Lò Gốm… Những tên này hoặc đặt theo hệ thực vật, hoặc theo tên người có vai vế hay có công tại địa phương, hoặc theo làng nghề… Phức tạp hơn là đặt tên theo sự kiện lịch sử như Công Xã Paris, Cách Mạng Tháng Tám, Ấp Bắc, Đồng Xoài. Hoặc đặt tên theo một giá trị được nhiều người công nhận như Tự Do, Công Lý. Hoặc theo tên danh nhân…

Ngoại trừ trường hợp tên đường, địa phương được đặt theo thói quen dân dã, trong ba trường hợp còn lại việc đặt tên phải đáp ứng các tiêu chí chung: Danh Nhân có công đức lớn có ý nghĩa với quốc gia, dân tộc, nhân loại, Sự Kiện Lịch Sử mang lại bước tiến có ý nghĩa cột mốc cho dân tộc, nhân loại, Giá Trị phải được đại đa số thành viên trong xã hội chấp nhận là cốt lõi của quốc gia, nhân loại…

Thí dụ như tên đường Lê Văn Duyệt kể trên, ghi nhớ công đức Tổng Trấn Gia Định Lê Văn Duyệt.

Thí dụ tên đường Hàm Nghi. Một ông vua dứt bỏ ngai vàng vì chống Pháp để phải bôn ba Tân Sở rồi chịu lưu đày. Khi một người dấn thân rời bỏ cung vàng, điện ngọc, người hầu, rời bỏ cuộc sống giàu sang, danh vọng, quyền lực hẳn người ấy phải vì một lý tưởng rất cao cả. Do đó, khi bước chân trên đại lộ Hàm Nghi người đời sau được gợi bao cảm hứng để sống hướng thượng, có hoài bão, có lý tưởng cao xa, không để bị tha hóa bởi vật chất tầm thường…

Đường Hàn Thuyên và đường Alexandre de Rhodes mang tên hai nhân vật lịch sử đại diện cho sự sáng tạo chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ. Chữ viết thống nhất là phương tiện chung để ghi chép, truyền bá kiến thức, sáng tạo sản phẩm văn hóa khiến lòng người cảm thông, quần tụ, yêu thương nhau, do đó hai con đường này song song với đường Thống Nhất. Tên của hai con đường gợi tầm quan trọng của giáo dục, học thuật, văn hóa trong đời sống xã hội, quan trọng vậy mới nằm ở trung tâm với song song chút nữa về hai bên là đường Hồng Thập Tự tượng trưng lòng Nhân Ái, Từ Thiện, và đường Nguyễn Du tượng trưng văn chương, văn hiến người Việt.

Tên đường Tự Do luôn nhắc nhở những tự do cơ bản của con người là một quyền đương nhiên con người sinh ra đã có, và chính quyền được dân chúng dựng nên để bảo vệ các quyền đương nhiên đó. Hiện ở phường Hiệp Phú, Quận 9 có con đường mang tên Tự Do nhưng đáng tiếc là hơi nhỏ so với tầm quan trọng của Tự Do…

Đường Công Lý giáo dục công dân bao điều về lẽ phải dựa trên nền tảng đạo đức, tính hợp lý, pháp luật, tôn giáo, bình đẳng, công bình… nhắc nhở xã hội về tính bình đẳng trước pháp luật của mỗi công dân, mỗi pháp nhân, kể cả chính quyền, đảng phái. Nghĩa là mỗi công dân, mỗi pháp nhân đều được pháp luật che chở như nhau và trừng phạt như nhau. Công Lý cũng bao hàm không phân biệt đối xử vì bất kỳ lý do chủng tộc, màu da, tôn giáo, khuynh hướng chính trị, giới tính, nguồn gốc quốc gia, tuổi tác, sức khỏe…

Có thể nói, nhìn tên những con đường được đặt cho một thành phố, người ta có thể biết được chiến lược phát triển của thành phố, thành phố chọn Giá Trị cốt lõi gì, có Tầm Nhìn ra sao và tự đặt cho mình Sứ Mạng gì!

3) Tên Đường Út Tịch

Truyện Người Mẹ Cầm Súng của Nguyễn Thi viết về bà Út Tịch là một truyện hay.

Bà Út Tịch là người phụ nữ kiên cường, gan dạ, hết lòng sống chết với cách mạng, hy sinh trong một trận oanh kích của đối phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương công lao của bà như sau:

"Đã tham gia 23 trận lớn nhỏ (có 8 trận thời kháng chiến lần I) góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 giặc, thu 70 súng. Đồng chí là một chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sĩ binh vận tài tình đã vận động phá vỡ nhiều binh sĩ địch, nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn".

Bà và gia đình bà xứng đáng hưởng sự đền công và tưởng thưởng của chính quyền cách mạng.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi việc tên bà Út Tịch được đặt cho một con đường lớn quận Tân Bình đáp ứng điều gì trong các tiêu chuẩn đặt tên đường kể trên?

Công chiến đấu cho cách mạng của bà có phải là công đức dân tộc này cần nhiều đời ghi tạc?

Với kiến thức của bà, một cô gái gia đình nghèo “đi làm mướn, ở đợ cho một địa chủ trong vùng” (Wikipedia, Út Tịch), mười ba tuổi thoát ly theo cách mạng cho tới khi mất vì chiến tranh, với hai câu nói nổi tiếng để lại của bà: “Nó đánh mình, mình đánh nó”, và “Còn cái lai quần cũng đánh”, thì…

Trong những Giá Trị Cốt Lõi của dân tộc, của nhân loại như Nhân Ái, Trung Thực, Tự Do, Bình Đẳng, Tôn Trọng Con Người… tên đường Út Tịch xiển dương giá trị nào?

Tầm Nhìn gì người ta cảm nhận khi đi trên đường Út Tịch?

Thời buổi hòa bình, xã hội dốc sức dựng xây trên nền tảng dân chủ và kinh tế tri thức, tên Út Tịch gợi mở gì trong việc xác định Sứ Mạng cho thành phố?

Rất mong được nghe chỉ bảo từ các nhà văn hóa, học thuật và các vị quan tâm tới đề tài.

Ngày 16 tháng 7 năm 2020

Comments are closed.