Dẫu biết rằng kinh khi nghĩ nỗi đường xa

 

CON MẮT TRẦN GIAN

 

 

nql

Nhà văn Nguyễn Quang Lập

 

Bọ Lập bị bắt chiều nay (6.12.2014), CA đến khám xét lúc 9h, 5 tiếng sau thì giải Bọ đi. Tôi nghe sao thấy đắng cay thế.

Tôi biết danh Bọ từ những năm đại học qua blog Quê Choa, khi ấy tôi chẳng màng gì chuyện chính trị, cũng chẳng biết Bọ có uy gì với chính trị. Tôi chỉ muốn vào blog để đọc tản văn, để nghe Bọ kể về chuyện đời vớ vẩn của những mặt người trắng đen quanh Bọ mấy mươi năm về trước đến giờ: văn sĩ, người nghèo, kẻ hèn, thân phận đàn bà… Đối với tôi, sau thói quen bật cười bởi câu “hihi” cụt lủn kết thúc đoạn văn tếu táo của Bọ, luôn luôn phả ra buông ra từ trong đâu đó nỗi cay đắng quằn quại về một thế hệ thật dài đã chịu đựng quá lâu tàn tích chiến tranh và bế tắc xã hội. Sau này, khi biết đến phim “Đời cát”, khi khổ đau cùng cả 2 nhân vật nữ của Đời cát, khi hay Bọ chính là biên kịch, sự xúc động của tôi òa ra thành nước mắt. Tôi không ngờ ông ấy hiểu cảm xúc đàn bà đến thế, ông ấy vẽ lên quê hương mến thương gần gũi thế, ông ấy kể tội chiến tranh khéo thế. Nói tóm lại, với tôi Bọ chỉ là cây đại thụ về văn chương mà tôi cứ thèm được đọc, được học mãi.

Chứ không phải một kẻ lộng ngôn chính trị. Người ta bắt Bọ đi, chưa có cáo trạng cụ thể, nhưng đang rủ nhau quàng vào cổ Bọ cái tội 258 của Luật Hình sự; cái tội đó nói Bọ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ (tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác) xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Nhẹ thì vài tháng, nặng nhất 7 năm. Ai cũng biết cả, ý “người ta” nói Bọ dùng mấy đoạn văn đúng không thể đúng hơn thật không dám thật hơn, mấy cái “hihi” “hehe”, cùng cơ thể lão già chân thậm chân thọt phải chống gậy bước đi để lôi kéo, để dụ dỗ, để xâm hại, để cổ xúy, để…vân vân. Nghe vẻ gian ác thế, nham hiểm thế.

Trong khi ai cũng lại biết cả, đau khổ của xã hội vì đâu, tai ương đất nước từ đâu. Bọ chỉ như một con sóng ngầm. Cũng có nhiều tri thức khác như Bọ cũng đang phải làm sóng ngầm. Nhưng tất cả họ đều đã già mất rồi. Nhiều người lắm, mong ở đất Việt Nam này mau mau có thêm nữa vô vàn những sóng ngầm như thế, trẻ hơn thế, để một ngày làm lên trận “đại hồng thủy” như của đất Hồng Kông. Chỉ có “người ta” là không. Chiều nay có anh bạn nhà báo già chat với tôi, nói anh thích Jong hơn vì cậu ta lên tiếng cho nhiều người không phải xuất phát từ uất ức cá nhân. Anh nói về Jong hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cũng nghĩ, ở đây, nơi tôi/anh/Bọ/dân mình đang đứng đây, có một cái roi vô hình phất phơ trên đầu từ khi còn tấm bé, bước ra đời là bước vào một bộ máy với các bánh răng kẽo kẹt được vận hành bằng bàn tay bí ẩn. Tôi với anh chat cùng nhau trên FB, tôi viết những dòng này đây, Bọ kể những chuyện trên trên blogspot ấy, chúng tôi đi ngoài đường bước vào nhà, đều có những con mắt đang nhòm theo nghi hoặc. Ở trong cái giếng làng, con ếch biết làm sao ngoài kêu lên ộp ộp? Với nó thì hòa bình không to tát đến mức đòi dân chủ đến với đồng bào (bởi vì không thể, không nổi), mà trước nhất chỉ dám cầu kẻ khác đừng làm hại mình, hại người thân mình. Thế thì có gì kém cỏi đâu nếu nói nếu viết về cái ấm ức của mình, của chung. Chưa kể con ếch có khi nào được yên thân mà lên tiếng? Biết bao nhiêu nhà trí thức đã lâm vào cái con đường 258 đó. Có lẽ ban đầu họ cũng đầy sự hồn nhiên tươi trẻ của Jong chăng, tưởng rằng cứ đem thân ra giành về cái đúng là đủ, nhưng giếng làng bé tèo tẹo, họ đứng lên thì hở ra xung quanh những gia đình bè bạn người thân liên lụy. Thế nên, trên blog Quê Choa lúc nào cũng chình ình một câu Kiều đắng đót “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Đường nào đã xa cho lắm, chuyện đời còn cứ vớ vẩn hoài, nhưng chắc lòng Bọ đã sẵn những cảnh tượng của ngày hôm nay. Bởi vậy sau khi nhà bị khám chồng bị bắt, bà Hồng vợ Bọ kể rằng: “Anh Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm”. Tôi hình dung ra Bọ, đầu trọc mắt cười tít chân gậy đi thậm thọt, đủng đỉnh chậm rãi lên xe “người ta”, tôi thoang thoáng dịu lòng dù chỉ một tí ti.

Ôi cái đường xa – đường đến một ngày thực là cái bút có thể nào xoay được chế độ – chạy sát kề con đường 258 biết là kinh là hãi thế, nhưng còn bao người vẫn theo. Đấy cuối cùng chẳng phải vì lòng yêu lẽ phải vĩ đại sao?

 

Nguồn: https://conmattrangian.wordpress.com/2014/12/06/dau-biet-rang-kinh-khi-nghi-noi-duong-xa/

http://nguyentrongtao.info/2014/12/07/dau-biet-rang-kinh-khi-nghi-noi-duong-xa/

 

 

Comments are closed.