Dịch ấu dâm & trò đấu tố trong thời đại chúng ta

FB Le Hong Lam

Chưa lúc nào các vụ lạm dụng tình dục trẻ em, nạn ấu dâm lại được nhắc nhiều đến thế trên mạng xã hội. Cứ như một nạn dịch, từ khóa ấu dâm chắc được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Từ vụ bắt giữ Minh béo tại Mỹ đến vụ ấu dâm có nguy cơ bị chìm xuồng ở Vũng Tàu; tiếp tục đến vụ ấu dâm ở một ngõ hẻm Hà Nội và trường tiểu học ở Thủ Đức (Sài Gòn) đang lây lan trên mạng gần đây. Dư luận chung là phẫn nộ với những lời nguyền rủa và đòi trừng trị đích đáng, đưa những kẻ ấu dâm biến thái ra ánh sáng. Đây cũng là những bài viết, chia sẻ bài báo nhận được lượt share nhiều nhất trên facebook. Nếu một người có lượng followers lớn lên tiếng, lượt share có thể lên đến vài ngàn. Nhận thức về ấu dâm được nâng cao, nhất là những người có con nhỏ.

Trong một bài share gần đây về bức thư của chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị không để vụ ấu dâm ở Vũng Tàu chìm xuồng gần đây, tôi có dẫn lại một câu thoại trong bộ phim Spotlight: “Cần một ngôi làng để giúp một đứa trẻ trưởng thành và cũng cần một ngôi làng để lạm dụng một đứa trẻ”. Một câu nói nổi tiếng khác về ấu dâm là: “Mọi người thường hỏi tôi: Làm sao một người lớn có thể lạm dụng một đứa trẻ? Tôi hỏi lại rằng: Làm sao mà nhiều người tốt không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn nó?”

Những vụ ấu dâm đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn. Ấu dâm là một thứ biến thái tình dục. Và có hàng loạt các bệnh lý về biến thái tình dục của con người như khổ dâm, bạo dâm, thông dâm, cưỡng dâm, phô dâm, loạn luân… Đó là những chứng, những bệnh lý liên quan đến các hành vi lệch lạc về tình dục, vừa liên quan đến não bộ, vừa lên quan đến nhân cách của người bệnh. Tình dục và các chứng biến thái về tình dục là sản phẩm của con người. Con người còn tồn tại, thì tình dục và các căn bệnh biến thái về tình dục còn tồn tại. Chúng ta không thể diệt trừ được nó, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nó. Các bệnh lý biến thái về tình dục có thể điều trị, có thể kiểm soát, có thể chữa được.

Những nạn nhân ấu dâm (và nạn nhân của các biến thái tình dục khác) có thể sống cả đời với nỗi ám ảnh và thậm chí để lại những di chứng tàn khốc. Rất nhiều nạn nhân tình dục sống trong sợ hãi, bị trầm cảm, thậm chí tự tử. Một nạn nhân của ấu dâm có thể trở thành thủ phạm của ấu dâm bởi họ không thoát khỏi những ám ảnh và di chứng đó.

Việc lên tiếng, lôi các thủ phạm ra ánh sáng, bảo vệ sự an toàn cho con trẻ là điều mà người lớn phải làm và phải nâng cao nhận thức về nó.

Chúng ta không im lặng và không thể để cho các thủ phạm của ấu dâm và các thủ phạm biến thái tình dục khác nằm trong vùng bóng tối và tiếp tục hành vi đồi bại của bọn họ. Nhưng, chúng ta cũng không thể hồn nhiên đưa một con người, khi chưa được pháp luật kết tội hoặc chưa có đủ bằng chứng kết tội, đang trong vùng nghi ngờ lên mạng xã hội, báo chí và ném đá họ. Hai hôm nay, tôi rùng mình khi nhìn thấy chân dung hai “nghi phạm” ấu dâm bị hồn nhiên đưa lên facebook và mọi người mặc nhiên chia sẻ chóng mặt như họ là những thủ phạm đã bị kết tội. Cả hai gương mặt đều bị đưa cận cảnh, bị công bố gia thế, thậm chí “thủ phạm” ở Thủ Đức bị công khai cả facebook cá nhân, số điện thoại, chỗ làm, hình ảnh người vợ bên cạnh. Các tờ báo online đưa tin về nạn nhân cũng chỉ mới nghe lời kể của phía nạn nhân với những lời khai không rõ ràng, chưa có bằng chứng cụ thể. Và cứ thế, chúng ta tiếp tay đưa họ lên sóng, ném đá và nguyền rủa không thương tiếc. Những bạn share chân dung và các thông tin về cá nhân, gia đình của hai “thủ phạm” chưa bị kết tội này, các bạn có nghĩ gì không? Có đặt ra phản biện không? Các bạn có đặt mình vào vị trí của họ, của người thân, của gia đình họ không? Các bạn có tin chắc vào lời khai của nạn nhân và những thông tin một chiều, đôi khi ngây ngô của những tờ online câu view không? Liệu bạn có tin một thủ phạm ấu dâm lại kéo nạn nhân vào trong hẻm và cưỡng hiếp tại chỗ, rồi hai đứa trẻ khác cầm roi vào đánh thủ phạm để hắn buông tha nạn nhân không? Liệu bạn có tin thủ phạm ở Thủ Đức cưỡng hiếp bé gái ngay tại trường học trong giờ nghỉ trưa không? Xin nói rõ là tôi không khẳng định có hoặc không? Nhưng những chứng cớ, lời khai này còn quá mơ hồ, không rõ ràng, thiếu dẫn chứng. Những lời khai của gia đình nạn nhân liệu có chính xác hoàn toàn? Bạn có nghĩ rằng họ đang trong cơn phẫn uất, trong nỗi lo lắng, có thể đặt ra các giả thiết nghi ngờ như vậy mà chưa có một bằng chứng cụ thể?…

Các biến thái về tình dục, đặc biệt là ấu dâm luôn là những đề tài nhạy cảm và đôi khi quá nhạy cảm để chúng ta có thể kết luận một cách dễ dàng. Nó liên quan rất nhiều đến phẩm giá và đạo đức của con người.

The Hunt – một bộ phim xuất sắc của điện ảnh Đan Mạch đã đặt ra một phản biện rùng mình, với tôi – có thể nói là chấn động về một thủ phạm bị-nghi-oan của ấu dâm. Người đàn ông trong bộ phim này, một ông giáo mẫu mực của một ngôi trường mẫu giáo, người yêu thương cô bé gái hết lòng nhưng cuối cùng bị cả cộng đồng và xã hội kết tội ấu dâm qua lời khai của cô bé gái 4 tuổi. Cô bé gái đó, một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, tối hôm trước mới nhìn thấy hình dương vật trên chiếc máy Ipad của thằng anh trai khi nó xem phim porn, và trong một phút dỗi hờn vì thầy giáo khuyên nó nên về nhà sau giờ học trong khi nó muốn chơi cùng thầy giáo, đã nói dối với bà hiệu trưởng rằng thầy giáo cho nó xem dương vật. Một lời nói dối ngây thơ, một lời nói dối mà cô bé không lường được hết hậu quả, nhưng như một quả bom phá tan tành cuộc sống của ông giáo phẩm hạnh.

Từ một lời khai chưa được kiểm chứng của đứa bé gái 4 tuổi, cả xã hội, cả cộng đồng tấn công và dồn thủ phạm bị tình nghi vào tận chân tường. Một cuộc đi săn nhân phẩm tàn khốc, mà thủ phạm-nạn nhân không thể bảo vệ cho sự vô tội của mình. “Bạn phải phản ứng thế nào nếu bạn bị buộc tội ấu dâm, trong khi bạn vô tội?” – đó là một câu hỏi đau đớn mà người đàn ông trong bộ phim này thốt lên cay đắng khi bị cả cái xã hội văn minh săn đuổi.

Tôi hoàn toàn không dám đưa ra kết luận 2 thủ phạm bị tình nghi đang bị đám đông ném đá là vô tội hay có tội khi chưa có đủ thông tin. Tôi chỉ đưa ra ví dụ về bộ phim này để đưa ra một phản biện trước khi chia sẻ hay tố cáo một điều gì đó. Chúng ta không im lặng, chúng ta phải lên tiếng trước những điều tồi tệ, khốn nạn, vô nhân đạo trong xã hội, đặc biệt là liên quan đến những đứa trẻ ngây thơ chưa có đủ nhận thức để tự bảo vệ cho mình. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ, đặt ra những phản biện trước những thông tin mà chúng ta nhận được, không thể cứ share tội vạ khi nó chưa được kiếm chứng. Không thể cứ hồn nhiên ném đá, đấu tố, lục tung cả facebook cá nhân, truy tìm nguồn gốc gia đình của thủ phạm đang bị tình nghi hay chỉ là qua lời khai của gia đình nạn nhân lên mạng khi họ chưa bị kết tội.

Nguồn: FB Le Hong Lam

Comments are closed.