Định kiến tộc người trên truyền thông đại chúng

Nguyễn Văn Chính


VTV thực hiện phim tài liệu “Dưới mái nhà chung”,
trong đó có những thước phim về tộc người
La Hủ ở Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: vtv.vn

 

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, trong đó các tộc người thiểu số chiếm khoảng 14% tổng dân số cả nước. Bình đẳng, đoàn kết, chống kỳ thị và phân biệt dân tộc luôn được đề cao như là những nguyên tắc nhất quán trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, những thông điệp và hình ảnh về các tộc người thiểu số đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng đôi khi có thể đưa lại những hệ quả không như mong đợi. Các tờ báo viết về vấn đề này thường đối diện những mâu thuẫn phải giải quyết: Một mặt, họ phải thực hiện chức năng tuyên truyền đường lối chính sách, mặt khác phải đảm bảo có sức hấp dẫn để thu hút đọc giả. Những bài viết tốt thường đáp ứng được cả hai kỳ vọng nói trên. Thế nhưng, vẫn còn khá nhiều bài viết dễ gây hiểu lầm, đặc biệt là những bài viết muốn gây tâm lý tò mò của đọc giả bằng cách đưa đầu đề giật gân và nội dung gây sốc. Chúng tôi đã phân tích các bài viết tập hợp trên một số tờ báo đại chúng để xem xét liệu các bài viết này có màu sắc định kiến dân tộc hay không, và hình ảnh về các dân tộc thiểu số đã được báo chí tạo ra như thế nào.

Khi phân tích ngôn từ được trình bày trong 373  bài báo đã thu thập từ bốn tờ báo lớn (Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Công An Nhân Dân), chúng tôi nhận thấy có tới 284 bài viết (gần 66%) sử dụng các thuật ngữ thuộc nhóm có ngụ ý tiêu cực. Hình ảnh tiêu biểu mà các bài báo này mang đến cho người đọc là tình trạng tồn tại phổ biến của những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen lười biếng và ỷ lại vào nhà nước, lối nghĩ bảo thủ và tình trạng ngu dốt. Các bài báo này thường có xu hướng kêu gọi tính cần thiết phải có sự can thiệp từ bên ngoài để cứu vớt các tộc người này, nếu không họ sẽ ở bên bờ vực của sự diệt vong (!). Khoảng 34% các bài viết sử dụng ngôn từ có ngụ ý tích cực nhưng nội dung chủ yếu là để ngợi ca những đổi thay trong quan niệm và lối sống của các cộng đồng tộc người theo quan điểm của nhà báo. Khái niệm tích cực ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối vì nó được diễn giải từ quan điểm của nhà báo thay vì của các tộc người.  
Xem xét các ngôn từ “tích cực” hay “tiêu cực” trong bối cảnh cụ thể của các bài báo, có thể hiểu được những biểu hiện, đặc điểm và mức độ định kiến của báo chí khi đưa tin, bài về các nhóm dân tộc thiểu số. Những biểu hiện định kiến của báo chí đối với dân tộc thiểu số có sáu đặc điểm chính:
– Tạo ra hình ảnh người thiểu số chỉ biết thụ động và phụ thuộc vào nhà nước.
– Quan tâm một cách thái quá đến các tập tục lạ mà báo chí thường dán nhãn cho chúng là bí ẩn, lạc hậu, mê tín và mông muội.
– Tình trạng đói nghèo và tệ nạn xã hội ở các dân tộc thiểu số thường được mô tả như là một tất yếu và không lối thoát.
– Giải thích văn hóa và kho tàng kiến thức bản địa của các tộc người qua lăng kính thiên kiến và chủ quan của nhà báo.
– Sử dụng ngôn từ, hình ảnh và đưa tin theo kiểu dán nhãn, tạo ra quan niệm phổ biến về người dân tộc thiểu số với những đặc tính điển hình là ngây thơ, cả tin, thất học và thiếu hiểu biết.
– Nhìn lối sống các tộc người thiểu số nhiều tiêu cực hơn tích cực.
Mặc dù nội dung và hình thức truyền đạt thông tin của báo chí đến người đọc khá đa dạng nhưng các tin bài này thường chỉ giải thích văn hóa các tộc người thiểu số theo một số khuôn mẫu phổ biến, có thể được nhóm lại thành ba khuynh hướng chủ đạo, đó là: “huyền bí hóa”, “lãng mạn hóa”, và “bi kịch hóa”.
Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ xuất phát từ việc các nhà báo đã nhìn nhận văn hóa các tộc người thiểu số bằng con mắt của người ngoài cuộc. Nhà thơ Dương Thuấn, người dân tộc Tày cho rằng tình trạng báo chí hiểu sai văn hóa các tộc người có thể được xem như là một sự “xúc phạm” đến tình cảm thiêng liêng về tộc người của mình:“Lắm lúc nghe trên truyền hình, đọc trên sách báo thấy người ta nói và viết sai về văn hóa của dân tộc mình thì cũng đành ngậm ngùi vậy thôi. Tâm lý của người dân tộc khi đã bị xúc phạm thường quay lưng đi hơn là nói lại.”
Để khắc phục cách nhìn phiến diện từ quan điểm chủ quan của người viết, cần hiểu văn hóa các tộc người từ quan điểm của người trong cuộc thay vì áp đặt từ bên ngoài. Các nhà báo có thể thấu hiểu vấn đề từ bên trong bằng cách cố gắng đặt mình vào trong bối cảnh xã hội cụ thể mà họ đang nói tới thay vì chỉ giải thích hiện tượng từ quan điểm chủ quan của mình.

Nhà báo Lang Quốc Khánh, một người Thái ở Nghệ An đề xuất rằng viết về đồng bào dân tộc, cần phải hiểu đúng văn hóa của họ, và muốn làm được như vậy, nhà báo phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: Phải tôn trọng bản sắc văn hóa của tộc người và phải tư duy theo lối tư duy của tộc người. Hai nguyên tắc này thể hiện đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của nhà báo.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=9492

Comments are closed.