Dân khí, nghĩ vào 30/04

Nam Dao

Chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh.

Cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh để dân trí lên hàng đầu. Sau cái ngày truyền thông lu loa gọi là ngày giải phóng 42 năm nay , chúng ta nghĩ thế nào? Dân trí: cứ nhìn sự xuống cấp của tiếng Việt trong nhà trường, chuyện các em học sinh không còn biết lịch sử, sự đóng góp gần như số zero của tầng lớp trí thức chuyên gia trong các công trình khoa học cả tự nhiên lẫn nhân văn xuất bản trên thế giới… thì, than ôi, chỉ mặt mo mới không biết đỏ vì xấu hổ! Dân sinh: môi trường ô nhiễm khắp nơi, cá chết ở ven biển Hà Tĩnh với thảm họa Formosa và nguy cơ lây lan khắp duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long xưa là vựa lúa nay nơi khô cằn nơi nhiễm mặn, rừng Tây Nguyên bị tàn phá không thương tiếc, và quả bom bùn đỏ bôxít treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai. Lớp người còn trẻ ồ ạt đi làm mướn xứ người để có khả năng nuôi gia đình “kẹt” trong nước, hàng chục ngàn thiếu nữ phải bán mình lấy chồng ngoại, tử vong vì ung thư vào hàng cao nhất thế giới, bệnh viện hai, ba bệnh nhân nằm một giường, kim chỉ dùng trong phẫu thuật cũng phải xì tiền mua mới có… Nhưng có người nói, hãy nhìn đi, nhà cao tầng trong những thành phố mọc như nấm, đường cao tốc xe hơi vùn vụt, không phải thế là phát triển sao? Nhưng nhà cao tầng và đường cao tốc là của ai, và phục vụ ai? Chắc chắn là không nhằm phục vụ gì cho những người làm nghề nông nay mất đất hoặc phải bỏ ruộng đồng lên thành phố đổ mồ hôi làm công để kiếm đâu 3-4 USD/ ngày, tối về ăn cơm bình dân mất 20-30 VND, và nhậu hết 20-30 VND, tức là 2-3 USD/ ngày, thanh toán xong tiền trọ thì… gần như trắng tay, gửi về quê còn chút dư vị thị thành thì làm sao nuôi được mẹ già con dại! Phồn vinh giả tạo, điều ấy biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng cái điều nói cả ngàn năm lịch sử là mối hiểm họa từ Trung Quốc, người anh láng giềng như môi với răng, nay đe dọa đến chính sự tồn vong của người em ruột rà Việt Nam thì vẫn cần phải nói nữa.

Trước hết, trên bình diện kinh tế Trung Quốc mua (thuê dài hạn?!) đất vùng biên giới phía Bắc, rừng cao nguyên Trung bộ, khống chế nguồn nước sông Cửu Long, sông Hồng. Họ trúng thầu đến 90% những công trình sản xuất của những doanh nghiệp chủ yếu là do nhà nước đứng sau. Và dẫu đầu tư trong khâu FDI của Trung Quốc chỉ xấp xỉ 20%, thua xa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thống kê chính thức, nhưng thực ra làm sao chúng ta biết được những chuyện trá hình mượn tên chủ đầu tư, v.v. mà hẳn là quan trọng. Mặt khác, Trung Quốc đưa công nhân của họ vào lấy vợ đẻ con nhằm ăn dầm ở dề, tạo ra đạo quân thứ năm với ý đồ cắt nước ta ra làm đôi làm ba. Cán cân vãng lai trong ngoại thương với Trung Quốc nay thâm hụt khoảng 35 tỉ USD / năm, nghĩa là Việt Nam mắc nợ chồng nợ chất, nợ công nay tổng cộng lên tới 230 tỉ USD, và để trả thì, than ôi, chỉ có tài nguyên và sự phụ thuộc chính trị đến độ nô lệ. Không dám kiện vụ Hoàng Sa – Trường Sa ra tòa án quốc tế, hành xử khiếp nhược (thậm chí ngu xuẩn) trong thảm họa Formosa, nhắm mắt liều lĩnh ôm quả bom bôxít treo ngàn cân trên vận mệnh đồng bằng sông Đồng Nai… là biểu hiện rõ ràng cái não trạng nô bộc khiếp nhược của những kẻ chấp nhận thân phận nô lệ.

Chấn dân khí là giải pháp vượt thoát não trạng nô bộc. Và chỉ có như vậy, những vấn đề liên đới như dân trí dân sinh mới là những hệ luận đáng bàn. Nhưng dân khí là gì? Chấn dân khí phải theo qui trình nào?

Vào kỷ thứ 10, Lý Thường Kiệt khẳng định Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Sau khi đuổi quân Minh khỏi Ải Nam Quan hơn sáu trăm năm trước, Nguyễn Trãi hạ bút viết tuyên ngôn độc lập đầu tiên: Xét như nước Đại Việt ta/ Thực là một nước văn hiến/ Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc Nam cũng khác. Tiếng thét vào mặt giặc xâm lăng này còn vang vọng cho đến ngày hôm nay: nước ta, danh xưng Đại Việt, có văn hiến hẳn hòi, có phong tục vững chắc, khiến ta biết kẻ khác ta là những ai. Khi đuổi giặc Thanh khỏi Thăng Long vào 1789, quân Tây Sơn đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen, khẳng định rằng ta khác địch, phong tục ta là không thắt bím và không để trắng răng. Đấy là hình thức bề ngoài. Còn phần trong, phần hồn, phần tâm linh thì sao? Đầu tiên là cách ta quan niệm liên hệ giữa con người và đất trời, giữa con người với con người, giữa cái chung và cái riêng. Những liên hệ này được thể hiện qua ngôn ngữ, dưới hình thức mộc mạc nhưng chân chất là ca dao, tục ngữ, cổ tích, huyền thoại… đã hình thành và tồn tại như những viên gạch của một nền văn hoá có lịch sử. Tự thân ngôn ngữ, phương tiện chuyển tải những liên hệ nói trên, cực kỳ thiết yếu, quyết định sống chết của dân tộc. Ta khác Trung Quốc bởi vì tiếng Việt ta khác tiếng Hán. Khác không phải là không có những trùng lặp vay mượn. Ai cũng biết tiếng Việt có 6 chứ không phải chỉ 4 thanh điệu như tiếng Hán. Ai cũng biết về mặt xây dựng những quan niệm trừu tượng trong triết học và khoa học, ta nghèo từ ngữ hơn nên có vay mượn tiếng Hán. Nhưng chẳng mấy ai nghiên cứu mặt mạnh của ngôn ngữ ta về tính từ, chỉ a dua cao rao tiếng Việt đầy tính “thơ”, không hề đem ra so sánh với những ngôn ngữ khác. Lại có những kẻ chẳng hiểu quá cuồng nhiệt hay nặng tự ti ê a phán đến 70% ngôn ngữ Việt là vay mượn tiếng Tàu! Vay mượn gì? Cấu trúc văn phạm hay chỉ một số ngữ vựng khoa học và triết học? Tính toán thế nào mà ra con số % trên? Tin thế, đã có những người nói, khi nói nhỏ khi nói to, thế thì mình rồi đồng hoá với Tàu là chuyện tất nhiên. Vậy xin hỏi, những tiếng Âu châu gốc Latinh như Pháp, Ý, Tây Ba Nha , Bồ Đào Nha vay mượn lẫn nhau khá nhiều thì họ có trở nên toàn chỉ hoặc Pháp, hoặc Ý… hay họ vẫn khu biệt với nhau như những nền văn hoá riêng, dân tộc riêng và quốc gia riêng. Hỏi thế, trả lời là không cần thiết.

Xâm lăng ở thế kỷ này không chỉ quân sự mà là xâm lăng kinh tế. Nhưng tinh vi và độc hại hơn là xâm lăng văn hoá. Hình thức xâm lăng này sẽ khiến ta không còn biết ta là ai, ta thành người khác, tha hoá và làm tiêu vong cái Ta Là. Trung Quốc đã và đang xây dựng Miếu thờ Khổng Tử ở nhiều nơi trên thế giới nhưng bị từ chối ở Âu, Mỹ, và ở Phi Châu. Họ tất nhiên đã đề nghị điều này với chính quyền Việt Nam. Có lẽ gặp ít nhiều phản ứng không thuận lợi nên họ có vẻ lùi một bước, gần đây sẽ chỉ khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung ở Hà Nội. Và không hiểu cái dự định của chính quyền Việt Nam bắt dạy ngoại văn Trung Quốc ngay ở dưới cấp hai trong hệ thống giáo dục sẽ đi đến đâu. Chuyện này cực kỳ nguy hiểm: mất đất, mất biển dẫu tiếc nhưng hẳn không ghê hơn chuyện mất cái đầu để tự nguyện biến thành một ngôi sao vô hồn, ngôi thứ sáu trên nền cờ Trung Quốc “vĩ đại”. Hãy nhìn những Tây Tạng, Tân Cương tự trị. Chúng ta thấy gì? Mất tự chủ, mất ngôn ngữ, từng bước thành thiểu số ngay trên non sông của họ! Hai ngôi sao trên cờ Trung Quốc biểu hiện hai vùng tự trị này là sao lạc, sao lịm, sao chết trong u tối. Dân tộc Việt, như một tập hợp có hàng ngàn năm tự chủ và lúc nào cũng phải ngăn vó ngựa bành trướng xâm lăng từ phương Bắc, hẳn không thể chấp nhận số phận như thế. Ta là Ta, người Trung Quốc Khác Ta, và tuy có những tương quan tương đồng nhưng không phải vì thế mà Ta là người Trung Quốc.

Trung Quốc còn xâm lăng trên đất liền và nhất là biển đảo. Việt Nam mất một phần thác Bản Giốc, ranh giới từ mốc Hữu Nghị quan bị đẩy lùi hàng cây số so với ải Nam Quan thời xưa, rừng Tây Nguyên cho “thuê” dài hạn thuê hay lấn từ từ, dài là dài bao nhiêu chục (trăm) năm!), những địa điểm chiến lược nay lỗ chỗ “resort made in China”… Nhưng quan trọng nhất vẫn là Trường Sa – Hoàng Sa và cái đường lưỡi bò liếm và nhai rồi nuốt biển Đông của Việt Nam. Phải nói Trung Quốc ngang ngược bất chấp những thỏa hiệp quốc tế về luật biển, xây đường bay quân sự trên biển đảo, điều chiến hạm đến, và dụ dỗ các nước ASEAN liên quan vào những cuộc đàm phán song phương mà hẳn sẽ áp đảo với sức mạnh quân sự và tài chính nghiêng hẳn về phần họ. Việt Nam rêu rao luận điểm của Trung Quốc, hát bài ca “win-win” cùng thắng của một thoả thuận song phương, kẹt bởi cái công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng và những gì trong Hội Nghị Thành Đô mà Đảng Cộng sản Việt Nam còn giấu tiệt. Rồi khi những công dân yêu nước xuống đường với băng-rôn Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì chính cái Đảng ấy ra lệnh cho công an trấn áp, bắt bớ, và đem những điều như 258, 88… ra buộc tội. Họ trấn dân khí, trấn áp chứ không chấn, chấn động để hưng phấn cái Ta dân tộc, cái Ta-chung, hun đúc từ văn hoá – văn hiến Việt Nam đã can qua những thăng trầm lịch sử. Cái Ta-chung, phát xuất từ nền tảng ý thức và tâm linh của một nền văn hoá xây dựng hàng ngàn năm, hiện đang bị xâm phạm, vùi dập, bức tử. Và hiển nhiên như thế là phục vụ cho ý đồ và quyền lợi Trung Quốc. Điều chúng ta thường gọi là Hào khí Dân tộc nay đang bị chôn sống!

Ở đây, chúng ta phải nói rõ ràng là chúng ta không cao rao cho một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang đạp mồ đứng lên như ma quỉ trong thập niên thứ hai của thế kỷ này. Quái pháp dân túy mị dân của những nhà chính trị ở Âu và Mỹ sớm muộn sẽ đẩy thế giới vào một giai đoạn chênh vênh đầy cạm bẫy. Cạm bẫy chính là vì cái Ta-của-mình, ta phủ nhận những cái Ta-khác-mình. Lúc đó, chỉ còn sức mạnh và lòng vị kỷ thiển cận, công lý thành một loại diễn ngôn nói cho có, nói để trang sức tính người cho một thế giới, với kỹ nghệ truyền thông hiện đại, nay chỉ thu gọn vào một cái làng nhỏ xíu trong vũ trụ bao la.

Hào khí một dân tộc phát xuất từ ý thức và tâm linh cuả cái Ta-chung, xin gọi là cái Ta-dân-tộc, là một tập hợp dũng khí của những cái Ta đơn lẻ, riêng rẽ của mỗi cá nhân mà nay xin gọi là cái Ta-cá-thể. Khi nghe tin du khách Việt mang tiếng hay ăn cắp vặt ở Nhật, ở Hàn, ở Sing… chúng ta đỏ mặt vì xấu hổ, mất niềm tự hào là người Việt. Khi ta thấy tin tức về những chuyện trò đánh nhau, trò đánh thầy, cha con đập lộn, ấu dâm, cướp bóc, dân oan mất đất… thì cái cách ta làm người, giữa chúng ta, và giữa chính quyền với chúng ta, đang thoái hóa đến độ cập kênh vực bờ khủng hoảng.

Cái Ta có thể phần nào nắm bắt khi ta so sánh với những cái khác ta, thấy dở thì tránh, thấy hay thì học, không tự ti mà cũng chẳng tự tôn, nhưng với tinh thần luôn luôn tự chủ và tự trọng. Từ đó, chúng ta tìm lại dũng khí cho mình. Và như một dân tộc, khi đó Hào Khí có cơ khôi phục như cha ông ta đã từng trong những giai đoạn chống đỡ giặc xâm lăng. Về những cái kém cỏi thuộc cái Ta-cá-thể, chẳng có gì quí hơn là lời cụ Tây Hồ ghi lại hơn một trăm năm trước trong Tỉnh quốc hồn ca. Cụ đã so sánh tính cách người dân trong các nước văn minh trên thế giới với tính cách người Việt Nam, và đi đến kết luận như sau:

· Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

· Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề thì người mình chỉ ngồi không ăn bám.

· Trong khi người ta có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc thì người mình chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

· Trong khi người ta có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau thì người mình lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

· Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày một phát triển thì người mình quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

· Trong khi người ta ra sức sáng tạo học thuật, cải tiến phát minh kỹ thuật, máy móc ngày càng tinh xảo thì người mình thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

· Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì người mình chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

· Trong khi người ta biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân thì người mình chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.

· Trong khi người ta làm việc quan cốt ích nước lợi dân thì người mình lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v.

Đọc những lời trên, ta không thể không liên tưởng ngay đến tính thời sự của chúng. Và nhận ra sự cấp bách của một cuộc thăng tiến văn hóa tối cần để hội nhập vào thế giới hiện đại. Thực ra, dân khí, dân trí và dân sinh là một tổng hợp khó tách rời thành từng mảng khu Việt. Dẫn tục ngữ: có thực mới vực được đạo không thy đố mày làm nên. Đạo là đạo làm người. Còn thầy, là cái hay của người khác. Chúng ta học, với sự tự tin vào trí tuệ của mình. Chúng ta học, với lòng tự trọng, với tâm niệm ta vẫn là ta, không vong thân mại bản. Ta vẫn là ta, vì ta có lịch sử, có cọc cắm sông Bạch Đằng thời Trần Hưng Đạo, lũy thành Xương Giang thời Nguyễn Trãi – Lê Lợi, gò Đống Đa thời Nguyễn Huệ – Tây Sơn. Cha ông ta đã giữ nước, là con cháu, chúng ta rồi cũng phải vậy, và như thế, mỗi và mọi cái Ta-cá-thể phải gắng vươn lên những yếu kém, ưỡn ngực trang bị cho mình dũng khí làm người. Từ đó, Hào Khí của Dân Tộc sẽ là một hệ luận tất yếu.

Chấn Dân Khí là vậy.

Dân khí, cái Ta-dân-tộc, hẳn dựa trên nền tảng những cái Ta-cá-thể. Cá nhân tập hợp lại cấu thành cộng đồng xã hội nhằm định đoạt và giải quyết việc công, nghĩa là những công việc của tập thể. Lý tưởng là sự đồng thuận của mọi cá nhân về việc công. Cộng đồng xã hội nào đi ngược sự tồn tại và bóp cổ khả năng phát triển của những cá thể, cái cộng đồng xã hội đó mang mầm mống tiêu vong là tất nhiên. Nền dân chủ tư bản dựa trên phương thức bầu đại biểu hẳn còn phải hoàn thiện còn nhiều. Nhưng mỗi cá nhân thể hiện quyền chính trị một cách bình đẳng qua lá phiếu của mình, và nếu cần, có thể thay đổi sự bổ nhiệm của mình một cách định kỳ. Ngạo mạn la “một ngàn lần ưu việt hơn dân chủ tư bản tư sản” không có nghĩa là đóng băng quyền lực xã hội vào một ý thức hệ, một người, một nhóm người, mà hậu quả là triệt tiêu tập hợp những cá thể. Không khi nào quan yếu hơn ở lúc này, chúng ta khẳng định là người Việt phải tự do và hưởng những quyền con người căn bản ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Chấn Dân khí, là xây dựng và củng cố cái Ta-dân-tộc từ dũng khí của từng cá nhân trên con đường hoàn thiện cách ứng xử và tư duy từng được nhắc nhở lại trong Tỉnh quốc hồn ca của cụ Tây Hồ. Chỉ có Chấn Dân khí thì chúng ta mới giữ và phát huy được cái Ta-dân-tộc, xứng đáng tiếp nối dòng lịch sử mà ông cha ta đã dày công vun đắp.

Nam Dao

27/04/2017

Comments are closed.