Đơn xin làm… thương binh

Hiệu Minh

 

Hôm trước đọc bài trên VNN về vấn nạn “Đơn xin” của nền hành chính Việt Nam, nhớ hồi còn bé đầu những năm 1960 tôi đang học cấp 1, bố tôi lên ủy ban xin cái gì đó, đều nhờ tôi viết hộ cái đơn. Nào là “Đơn xin vào hợp tác xã” dù ông ghét cay ghét đắng cái tổ chức phá hoại nền nông nghiệp này, “Đơn xin giấy khai sinh”, rồi “Đơn xin làm thịt lợn ốm”.

Quen tới mức tôi viết vào trang cuối của cuốn vở cái Đơn xin cưới vợ từ hồi lớp 3. Thầy Huấn đọc được và cười, lớn lên đủ tuổi kết hôn, thời của em sẽ không phải làm đơn xin cưới vợ đâu.

Cuộc chiến lan ra miền Bắc cuối những năm 1960 rất ác liệt. Nhà nào có con trai mới lớn được các tổ chức như đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ, rồi ủy ban thăm nom thường xuyên. Họ động viên gia đình và đứa con làm đơn xung phong đi bộ đội.

Năm 1968, anh trai tôi là Giang Tử Kế mới 17,5 tuổi đã tham gia trong một đợt tuyển quân như thế. Năm ấy 12 thanh niên trẻ trong xóm ra đi, chỉ có 2 người trở về, con số nói lên cuộc chiến thật tàn khốc.

Về Hà Nội mấy tháng nay, chiều chiều nấu cơm nghe đài FM qua hệ thống loa trần trong nhà hay có mục trả lời bạn đọc. Có chi tiết hay được hỏi là các cụ cựu binh từng đi chiến trường về nhưng chẳng có giấy tờ xuất ngũ hay chứng chỉ thương bệnh binh do đánh mất, thất lạc, nói chung đủ loại lý do, nay muốn được trợ cấp phải làm gì.

Viết thư lên đài VOV để hỏi và được hướng dẫn đại loại, ông bà muốn được chứng nhận là bộ đội xuất ngũ, thương binh, phải làm cái đơn gửi lên chính quyền, có chứng nhận của đơn vị cũ.

Hầu hết bây giờ đã tuổi 60-70, tuổi cao sức yếu, bỗng nhiên phát hiện mình chẳng còn thu nhập nào ngoài chuyện nếu mình là thương binh. Nếu là TNXP hay bộ đội xuất ngủ thì cũng được trợ cấp một lần tới 4-5 triệu. Thế là các cụ lọ mọ trong cái rừng thủ tục đó.

Người thành công, người thất bại, người được tái làm bộ đội xuất ngũ cũng phải chi tới nửa số tiền lĩnh về. Bà chị nhà này từng đi TNXP từ 18 tuổi, thế mà xin trợ cấp mất một phân nửa khoản lẽ ra được hưởng. Kể chuyện này, bà lầm bầm, tiên sư bà chúng nó, ăn kinh lắm.

Người có sổ thương binh cũng mất cả năm nếu may mắn, trong khi đó không ít kẻ không đi bộ đội, không bị thương vẫn có sổ thương binh lĩnh tiền hàng tháng đều đều. Chưa kể có bí thư tỉnh ủy bỗng thành anh hùng như Hồ Xuân Mãn.

Thử đặt địa vị là người trong cuộc, mới 17-18 tuổi đầu được các bà mẹ, các chị trong hội đoàn đến nhà động viên xung phong đi bộ đội, nay già yếu không nơi nương tựa, bỗng nhớ ra có thời từng đi đánh nhau, nhưng muốn có đôi chút trợ cấp thì phải làm đơn, bạn đọc sẽ nghĩ như thế nào? Ở đất nước này còn bao nhiêu người rơi trong trường hợp đó?

Nghĩ đến các tổ chức phụ nữ, thanh niên, chi bộ… hiện vẫn hoạt động rất mạnh tại địa phương. Thấy có biểu tình, tụ tập họ đến từng nhà có con cái sắp ra đường để cản vì mọi việc đã có…nhà nước lo. Thế mà người đi chiến đấu trở về, bị thương, nhưng thất lạc giấy tờ, hoặc quên không xin, liệu hội đoàn có biết.

Chúng ta hay nói đến sự đền ơn đáp nghĩa trên bục bằng những mỹ từ, thôi xin các vị hãy thực tế một chút. Mỗi địa phương hãy làm một việc trong tầm tay, đó là rà soát lại những người từng đi chiến đấu, bị thương nhưng chưa được hưởng các quyền lợi.

Ngày xưa, hội đoàn do đảng lãnh đạo từng tới động viên con cái người ta đi chiến trường, thì bây giờ cũng có thể tới nhà hỏi han xem người đó đã đi chiến trường nào, thời gian nào, bị thương ra sao. Rồi giúp chính quyền xã làm một danh sách gửi lên huyện, tỉnh yêu cầu xác minh.

Nếu thông tin chính xác phải cấp ngay sổ thương binh hay trợ cấp một lần cho người đi bộ đội hay TNXP. Việc này làm theo kênh chính thức của chính quyền sẽ nhanh và chính xác hơn so với bắt từng cựu binh ở tuổi U60-70 vác đơn đi kêu các cửa, một nơi chỉ biết hành là chính.

Có thể cải cách hành chính còn lâu mới văn minh và bớt tham những vì những thủ tục đơn từ do những kẻ có quyền thế dốt nát, tham lam và trộm cắp gây ra.

Nhưng bắt người từng đi chiến đấu muốn có sổ trợ cấp phải làm đơn là một hành động không thể chấp nhận được. Đời họ xung phong, viết đơn một lần là đủ rồi.

Có thể thời nay không phải làm đơn xin giết lợn ốm như cụ già nhà này. Nếu phải viết đơn xin cưới vợ cũng OK dù không như ước mơ của thầy giáo làng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Nhưng không thể để U60-70 từng đi chiến đấu phải nhờ con cháu viết đơn thành…thương binh, vì đó là sự vô ơn.

HM 27-7-2015

Nguồn: FB Hiệu Minh

Comments are closed.