“Đất nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”

Lê Công Tư

Tặng cô Thu Tâm (Canada) – một cô giáo đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp nhất hồi còn đi học.

Cuối cùng thì bốn ngàn năm hình thành lịch sử của một dân tộc với tất cả những thăng trầm, vinh nhục của nó được mang ra dạy ở nhà trường đã trở thành cái môn học buồn chán, vô vị nhất. Cứ nhìn vào điểm thi của môn này trong kỳ thi vừa qua thì đủ rõ. Những năm trước, đám học trò còn học qua quít, lấy lệ để đối phó với thi cử. Năm nay thì chúng cũng chẳng buồn đối phó nữa, chúng sẵn sàng chấp nhận điểm không. Chưa có năm học nào mà điểm sử lại tệ bằng năm nay.

Lịch sử của nhân loại nói chung, Việt Nam nói riêng, là cả một kho tàng tư liệu, sử liệu vô giá. Nó lưu trữ, tích lũy cả cái khôn lẫn cái dại của loài người trong suốt mấy ngàn năm, tổng hợp từ không biết bao nhiêu yếu tố: thiên nhiên, địa lý, con người. Chỉ cần một trận động đất, một trận lũ lụt, một ông vua có một thằng con nghịch tử, v.v. là đủ để thay đổi diện mạo lịch sử của một dân tộc nào đó. Và hầu hết các nước trên thế giới, nhất là những dân tộc Châu Á, lịch sử của họ còn điểm xuyết huyền sử. Đó là lịch sử của những dân tộc này thủa trời đất còn hỗn mang, thấm dẫm chất thần thoại. Trẻ con chưa chắc thích 10 năm nằm gai, nếm mật của vua Lê Lợi chống quân Minh bằng truyện Bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, 50 đứa theo cha lên núi, 50 đứa theo mẹ xuống biển. Bởi truyện thứ hai khá giống một câu truyện cổ tích, làm giàu cái khả năng tưởng tượng vốn là thiên tính của bất kỳ một đứa trẻ nào. Nhìn từ chiều này, những bài học lịch sử đã dự phần không nhỏ giúp đứa trẻ có được những cái nhìn đầy tính sáng tạo thuộc lãnh vực nghệ thuật mà chúng chỉ có thể nhận ra khi lớn lên, khi có dịp giáp mặt với những bộ môn nghệ thuật thuần túy, chẳng có dính dáng gì tới những sự kiện lịch sử.

Trong cuốn Bài học lịch sử của Will Durant, một sử gia người Anh nổi tiếng thế giới, có một câu như vầy: “Lịch sử của nhân loại là lịch sử của một dòng sông đầy máu, trôi trên đó là những xác người, còn hai bên bờ sông người ta làm lụng, nhảy múa, ca hát, đốt lửa rồi chết”. Con người có khôn ra được một chút cũng là khôn ra trên cái đống xương tàn này, và nếu có ngu hơn một chút thì chúng cũng ngu theo từ cái ánh lửa đã tàn lụi này.

Trở lại cái môn học lịch sử đang được dạy trong tất cả trường học trên đất nước này, thì gần như không ai không nhận ra lịch sử đang được giảng dạy chỉ còn là những chứng liệu cứng ngắc, khô như đá, một thứ kiến thức vừa đủ để biến lịch sử thành một cái xác khô, những sử liệu chỉ còn là sự thống kê của những con số, những thành tích còn sót lại của những thứ hào quangđầy những khuất tất và hư ảo, nó dựng lên những ông Thánh giả hình, ma mị, những anh hùng tưởng tượng, trong khi ai cũng biết những sự kiện làm nên lịch sử đòi hỏi cụ thể, khách quan, và để có được sự khách quan này những người viết sử phải dám đối mặt với sự hiểm nguy, kể cả cái chết.

Trong Sử ký Tư Mã Thiên có một đoạn ngắn rất đáng lưu ý:

“Khi Thôi Trữ giết vua Tề thì quan Thái sử nước Tề viết “Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Quan Thái Sử bị giết, người em lên thay cũng viết y như vậy, cũng bị giết luôn. Ngay lúc đó người em thứ ba xin lên thay cũng viết y như vậy không thêm bớt một chữ. Đến lúc này thì Thôi Trữ sợ, không dám giết nữa” (Tư Mã Thiên, Sử ký, bản dịch của Nhữ Thành, Nhà xuất bản Văn học). Tôi cũng muốn nói thêm là khi đọc cuốn sử này, tôi có cảm tưởng nhất quán là đang đọc một cuốn truyện, tất cả những sự kiện làm nên lịch sử của dân tộc Trung Hoa được Tư Mã Thiên sàng lọc, nhìn và rọi sáng chúng rồi viết bằng một thứ ngôn ngữ rất gần với ngôn ngữ kể truyện, nó buộc người đọc phải theo dõi những sự kiện cứ nối đuôi nhau.

Cứ mỗi lần nhớ lại đoạn Thôi Trữ giết vua Tề, tôi lại nhớ một sử gia Việt Nam, ông này mới mất cách đây năm hay sáu năm gì đó, rất tiếc là tôi quên mất tên, cũng có thể là do trí nhớ kém và cũng không loại trừ là ông không đáng để tôi nhớ tên. Có một lần trả lời trên đài BBC, ông nói như vầy: “Tôi đã đến làng Kim Liên nơi bác Hồ sinh ra để hỏi thăm bà con, làng xóm nơi đây về cuộc sống riêng tư của Bác, khi tôi mang tất cả những tư liệu mà tôi thu thập được về Hà Nội thì mấy anh ở Hà Nội nói với tôi là ‘Thôi cứ để những huyền thoại về Bác kéo dài được chừng nào hay chừng đó’”. Ông nói tiếp: “Còn riêng tôi, tôi sẽ công bố tất cả những tư liệu mà tôi thu thập được trước khi chết”. Từ khi ông chết đến nay, tất cả vẫn im hơi lặng tiếng. Xin được nghiêng mình trước ông sử gia này.

Có một câu nói đã dự phần làm nên lịch sử của cả nhân loại chứ không riêng gì ở Việt Nam: “Nơi nào có áp bức nơi đó có nổi dậy”. Nhìn từ quan điểm này thì biết đâu chừng những đứa học trò chấp nhận điểm không với những bài thi sử là sự nổi dậy của chúng với một môn học mà chúng cảm thấy bị áp bức, bị buộc phải tin những sử liệu chưa rõ ràng, biểu thị sự hoài nghi lịch sử của dân tộc này sau khi được soi rọi từ cái gọi là ánh sáng của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Với cái thứ ánh sáng bệnh hoạn này, lịch sử của đất nước này bị bóp méo, dị dạng đến tật nguyền, bởi không khó để chúng nhận ra rằng cho dù lịch sử đã sang trang thì những thời đại phong kiến với địa chủ ngày xưa như Bá Kiến chẳng hạn, chưa đáng xách dép cho những quan tham ở cái thời đại này. Tất cả quá đủ cho phép chúng nhận ra rằng chúng không được hưởng một chút gì của tự do, cái nhu cầu thiết yếu nhất của một con người, một chút bình đẳng cùng với những nhu cầu tối thiểu mà một con người đương nhiên được hưởng.

Tôi chọn câu nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy làm tựa cho bài viết này, bởi đã không biết bao lần nhận ra đôi khi lịch sử của dân tộc này nằm gọn trong một vài câu nhạc hay một câu thơ nào đó, chứ chưa hẳn nằm trong những bài lịch sử mà đám học trò đã ngoảnh mặt, xoay lưng sau khi chúng nhận ra những gì mà chúng đang được dạy dỗ không thắp sáng nỗi niềm hiển linh đã làm nên lịch sử dân tộc này.

Đà Lạt, 14-7-2018

Comments are closed.