Đừng cào thêm vết thương dân tộc

Kiều Mai Sơn

1/ Đất nước thống nhất còn hơn tháng nữa là vừa đủ 42 năm. Cứ tưởng “nước non liền một dải” thì sẽ “vẹn tròn như chiếc nón bài thơ” như lời ca từ của nhà văn Sơn Tùng được nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ nhạc… Nào ngờ…

Một ngày lạ thói, bỗng có quyết định dừng biểu diễn 5 ca khúc. Và trong số đó có Con đường xưa em đi. Chợt nhớ câu cửa miệng vỉa hè vẫn giễu nhau: Đi đầu không biết đi đâu? Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi. Thì đi xếp hàng. Xếp hàng cả ngày!

Lý do, giải thích, vì sao và vì sao cứ vòng vèo, úp mở. Tôi xin nói thẳng, quý vị cứ mở tờ Hồn Việt, số 112, tháng 3/2017, trang 16 và 17 có bài của tác giả Đặng Khả Minh viết: “Ly rượu mừng” hay “ly rượu đắng”? Tác giả cho biết, người lính trong bài hát Ly rượu mừng không phải là lính chống Pháp, mà là lính của Quân đội Quốc gia (chính quyền Quốc trưởng Bảo Đại) cầm súng chống lại người lính Cụ Hồ (quân đội Việt Nam dân chủ cộng hoà).

Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được đăng trên số Tết báo Đời Mới năm 1953. Chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo này là ông Trần Văn Ân – Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền Chính phủ Quốc gia (1947) thời Quốc trưởng Bảo Đại; Tổng trưởng Bộ Chiêu hồi (1965)….

2/ Ca khúc có đời sống vượt khỏi khung cảnh lịch sử. Bởi vì nghệ thuật là bất tử. Nếu không bới chuyện cũ làm án mới thì sẽ không ai biết người lính đó là người lính nào. Từ hình ảnh người lính Vệ binh cộng hoà hay Quân đội quốc gia cụ thể, qua thời gian, nó sẽ mang tính ước lệ, chỉ còn là người lính thôi.

Đọc bài viết mà tôi bỗng nổi da gà nhớ lại năm nào nhà thơ Yên Thao viết: anh bạn pháo binh ơi, anh bắn cho trúng nhé, kẻo nhầm vào nhà tôi. Thế là Đại tướng – Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh phê là mất lập trường, là ba que xỏ lá, dám bảo pháo binh quân đội nhân dân Việt Nam – binh chủng chân đồng vai sắt, ngắm giỏi bắn trúng lại… bắn nhầm. Tàn phế một đời thơ.

Cái lối phê bình chụp mũ ấy hơn nửa thế kỷ sau đội mồ sống dậy để quy chụp một bài hát đã đi vào đời sống như một lẽ thường tình!

3/ Ở đây, trách mấy cây bút phê bình đào mồ cuốc mả một thì tôi nghĩ rằng trách người làm quản lý văn hoá mười. Làm gì mà vội vã run rẩy trước mấy câu châm chọc của các bậc cố lão thủ cựu ấy? Liệu những bài hát ấy có gây được nguy hiểm gì cho xã hội hôm nay không nếu như những người làm quản lý cứ để mặc cho nó muốn làm người lính nào thì làm và muốn đi đâu thì đi?

Còn việc vài vị Hội đồng giám khảo có trót chém gió quen mồm mà tán nhầm rằng đã được giải oan abc, thì cũng chỉ cần có bài viết vạch ra, chỉ đích danh tên vị chuyên gia đó, công chúng cũng biết thêm hoàn cảnh ra đời của bài hát là như thế. Vừa đủ. Không cần phải cấm đoán hay lụi hụi ngồi lọc lại xem còn bao nhiêu bài để gom lại dán bùa niêm phong.

Thời đại toàn cầu hoá, thế giới phẳng rồi. Mấy chục năm trước cấm nghe đài địch mà còn chả cấm nổi nữa là.

Vết thương phân li tình cảm sắp nửa thế kỷ rồi. Đảng và Nhà nước vẫn hô hào: Hoà hợp dân tộc. Khẩu hiệu chăng khắp nơi. Cửa miệng ai cũng nói câu này. Thế mà việc làm thì cứ cào xước vết thương cho thêm đau tấy, không thể mọc được da non…
Hãy mở rộng vòng tay trong thư thế Bên thắng cuộc; đừng hẹp hòi như lòng cái đĩa, rồi lụi hụi khua gậy đi bới lông tìm vết các nhà quản lý văn hoá ơi.

Tôi mong rằng các vị sẽ sáng suốt hơn, đừng ôm thêm các ống bương đựng châu chấu của Trạng Quỳnh nữa. Còn muốn biết điển tích ống bương châu chấu của Trạng Quỳnh thơm lừng thế nào, xin cứ lấy sách Trạng Quỳnh ra mà đọc./.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Nguồn: FB Son Kieu Mai

Comments are closed.