Giải Thơ của Văn Việt lần thứ Tư (2018)

Vũ Thành Sơn

43219227_277208429587361_6441919295768231936_n

Ban Xét Giải thưởng Thơ của Văn Việt lần thứ Tư (2018) gồm các thành viên:

– Nhà thơ Ý Nhi

– Nhà thơ Trần Hoàng Phố

– Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung (định cư tại Mỹ)

– Nhà thơ Vũ Thành Sơn

– Nhà thơ Bùi Chát

Sau thời gian tuyển đọc và xét chọn trong số những tác giả có thơ, chùm thơ đăng trên Văn Việt trong năm 2018, Ban Xét Giải đã chọn ra năm tác giả nổi bật nhất là Vũ Lập Nhật, Như Quỳnh de Prelle, Nguyễn Thị Hải, Trương Đình Phượng và NP Phan vào chung kết để xem xét trao giải thưởng Thơ.

Đó là năm gương mặt thơ đang trong thời kỳ sáng tạo sung mãn và có những đóng góp giá trị, độc đáo cho Thơ hiện đại của Việt Nam, cả về phương diện cảm hứng sáng tác mới mẻ, giàu có; ngôn ngữ cách tân, bút pháp hiện đại, đậm chất suy tưởng. Dù đến với Thơ từ những chân trời mỹ cảm khác nhau, mỗi người một phong cách, nhưng họ đều thổi một luồng gió trẻ trung, mạnh mẽ và nóng hổi của thời đại với những trăn trở, uẩn khúc hiện thực vào trong khung cửa sổ hẹp của Thơ; đưa Thơ đồng hành với số phận Con Người và trở về với ý nghĩa ban đầu của nó là bản anh hùng ca bất diệt của cái Đẹp trong một thế giới khắc khoải và suy tàn. Đọc các sáng tác của những nhà thơ này, chúng ta có quyền hy vọng về sự cần thiết của Thơ, như sự cần thiết của một giọng nói, một gương mặt, một hơi thở ấm giữa đêm lạnh và tại sao không, hy vọng về tương lai đẹp đẽ của Thơ trong lúc Thơ hiện nay đang bị độc giả yêu thơ quay lưng rẻ rúng.

Với Nguyễn Thị Hải, thơ là những bức ký họa chấm phá về những khoảnh khắc thoáng qua của đời sống bị chìm khuất trong quên lãng và đang trở thành ký ức, hoài niệm. Thơ của Nguyễn Thị Hải, vì vậy, là nhật ký đời sống, đơn sơ và mộc mạc, góp nhặt từ những khám phá thú vị, bất ngờ của một trái tim nhạy cảm, tinh tế. Quả thật đó là thời hiện tại dưới hình thức của một âm bản, hay nói một cách khác, là một thứ trì hoãn ca dòng chy cuc đời.

Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle, hiện định cư tại Bỉ, xuất hiện vài năm trở lại đây trên nhiều diễn đàn văn chương và đã có hai tập thơ xuất bản ở trong nước. Cũng như nhiều nhà thơ hiện đại khác, Như Quỳnh de Prelle đã vượt thoát ra khỏi những bận tâm về thủ pháp tu từ và hình ảnh vẫn còn được ưa chuộng trong thơ Việt Nam như một thứ chạm trổ tinh xảo mỹ miều nhưng lỗi thời; ngôn ngữ trong thơ của Như Quỳnh de Prelle hướng đến sự giản dị nhưng vạm vỡ của đời sống, một đời sống đầy khắc khoải của một lữ khách cô độc trên con đường thời gian thăm thẳm. Nếu Thơ có thể coi như một diễn giải thường trực những cái khác lạ đến từ cuộc đời, Như Quỳnh de Prelle đã đem đến một sự hoang mang thực sự, hoang mang ca nhng gic mơ bị đánh gy

Trong khi đó Trương Đình Phượng lại là tiếng kêu cay đắng, đau đớn của một hiện thực đổ vỡ trong một thế giới phi thực nguyên vẹn. Thơ của Trương Đình Phượng là một bản sầu khúc của khát vọng về sự thật, công lý, tự do, hạnh phúc bị bóp nghẹt. Ngôn ngữ thơ của Trương Đình Phượng mạnh mẽ, rắn rỏi và đầy ắp những hình ảnh khốc liệt, giàu sức truyền cảm.

Thơ của NP Phan gợi mở một trường liên tưởng dựa trên những cảm xúc bất chợt từ trải nghiệm rất đỗi bình thường với hiện thực biến động. Ngôn ngữ thơ phảng phất hương vị giải thoát của Thiền học.

Nhưng Vũ Lập Nhật là một trường hợp đặc biệt.

Thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta một cảm giác mất thăng bằng, một thế đứng chông chênh nguy hiểm, như thể khi bước vào thế giới thơ của Vũ Lập Nhật là chúng ta đang bước vào một thế giới khác, một thế giới song song không biên giới; ở đó, trật tự, định luật vạn vật hấp dẫn, sự sáng suốt của lý tính như bị thách thức. Trong lúc nhiều nhà thơ còn say sưa triết lý ba hoa, hoặc than mây khóc gió trên một niềm tin vững chắc về tính tất yếu hiển nhiên của đời sống hữu hạn, Vũ Lập Nhật đem đến một thứ Thơ hoàn toàn khác; ở đó, cái chất liệu làm nên Thơ là ngôn ngữ bị đem ra xét hỏi và cũng qua đó, ngôn ngữ mới được trả lại bản chất đích thực ban đầu của nó: đó là tiếng vọng của sự im lặng.

Đọc thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta niềm vui thú của sự khám phá những cái bất ngờ, bất định giống như một người gặp những ngã rẽ không báo trước trên con đường quen thuộc, nó vừa bất trắc nhưng vừa mời mọc kêu gọi. Những du khách đã quen ngồi sau một tay lái sẽ không có được cái cảm giác của một sự hồi hộp, lưỡng lự hay liều lĩnh đó bởi khi đó, Vũ Lập Nhật đem vào trong thơ một chiều kích khác của ngôn ngữ, đó là một sự triển khai hình ảnh trong trường ngôn ngữ (Jacques Lacan), là sự mơ hồ cấu thành của thông điệp thi ca (R. Jakobson), là thứ ngôn ngữ biểu tượng của Roland Barthes. Đó là những bài thơ không viết hoa.

Trong một lựa chọn không hề dễ dàng, Ban Xét Giải đã cân nhắc và bỏ phiếu, quyết định chọn Vũ Lập Nhật là ứng viên xứng đáng nhất trong số các ứng viên vào chung kết để trao Giải thưởng Thơ lần thứ Tư năm 2018, với kết quả bỏ phiếu là 5/5.

Quyết định lựa chọn Vũ Lập Nhật cho Giải thưởng Thơ của Văn Việt, một lần nữa, đã khẳng định Văn Việt luôn luôn đề xướng, cổ vũ cho những xu hướng sáng tác mới mẻ, những khai phá, cách tân trong nỗ lực làm mới Thơ Việt Nam.

Ban Xét Giải hy vọng sẽ được tiếp tục chào đón nhiều tiếng thơ khác trong năm 2019 này.

Comments are closed.