Giàu nghèo và chính sách: Ngàn tỉ, trăm tỉ, và… 2,5 triệu

Đoàn Khắc Xuyên

 

Cầu Vĩnh Bình bắc qua kênh 28, thuộc tỉnh Long An, xây dựng với tổng kinh phí gần 2,5 tỉ đồng (trong đó có 500 triệu đồng do người dân địa phương đóng góp với mong mỏi mỗi khi qua kênh không còn phải lụy phà), mới khánh thành vào ngày 13-5-2015 thì 12 ngày sau đã bị sập; nửa cây cầu chìm dưới nước, nửa còn lại chơ vơ trên mặt kênh như một lời tố cáo về thói làm ăn vô trách nhiệm.

Dự án cải tạo kênh Ba Bò, tỉnh Bình Dương, chi phí 345 tỉ đồng, mới khánh thành vào cuối tháng tư trong nỗi hân hoan của người dân Bình Dương và TPHCM vốn chịu đựng ô nhiễm từ con kênh này đã lâu, nhưng chỉ sau một cơn mưa đã lún sụt, bong tróc, phải làm lại.

Nhà máy gang thép Vạn Lợi, Hà Tĩnh, một dự án tới 1700 tỉ và đã đầu tư tới gần 1.000 tỉ đồng, đã kéo dài 5-6 năm, nay chỉ còn là đống sắt vụn và nhà máy sắp phải giải thể. Gần 1000 tỉ đồng, trong đó có hơn 750 tỷ vay của các ngân hàng, coi như đổ sông đổ biển.

Dự án đường nối từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ – Giảng Võ ở Hà Nội với chi phí cho mỗi mét đường là hơn 2,5 tỉ đồng, đắt nhất Việt Nam, trong đó gần 90% là chi cho đền bù giải phóng mặt bằng.

Và mới đây nhất là dự án xây dựng Văn miếu ở Vĩnh Phúc nhằm thờ Khổng tử và khuyến học.

Danh sách những dự án, những công trình kém chất lượng, không hiệu quả, hoang phí, tiêu tốn ngân sách như trên tất nhiên còn rất dài chứ không dừng lại ở đó. Đó chỉ là những thí dụ

mới nhất.

Có mối liên hệ nào không giữa những dự án hoang phí kể trên với cái chết do tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ của em Nguyễn Thị Như Phụng ở xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai chỉ vì không có nổi 2,5 triệu đồng nộp phạt do vi phạm luật giao thông khi đi kiếm việc làm để phụ giúp gia đình vốn nghèo, khiến em đã phải nghỉ học?

Ông Nguyễn Văn Hai, 48 tuổi, cha Phụng đau đớn cho biết: “Vợ chồng tôi sinh được 3 đứa con, cháu trai lớn vừa cưới vợ, Phụng là con giữa, chúng tôi làm thuê cho một chủ rẫy cà phê cách nhà hơn chục cây số, thường xuyên ở trong rẫy nên việc gia đình và chăm em đều do Phụng cáng đáng. Vì nhà quá nghèo nên năm lớp 6 cháu đành nghỉ học. Cách đây gần một tháng, Phụng nói muốn đi kiếm việc làm đỡ đần cha mẹ. Nghe người mai mối, cháu mượn xe máy của người bà con, chở Thuỷ (ở cùng xã) đi Đức Cơ (Gia Lai) xin việc. Ngày hôm sau, Phụng gọi điện về báo rằng hai đứa bị công an bắt xe, phạt 2,5 triệu đồng vì không có mũ bảo hiểm, không bằng lái, chưa đủ tuổi điều khiển xe… Chúng không dám về vì sợ cha mẹ và người cho mượn xe la rầy”.

Thế rồi cả hai dại dột uống thuốc diệt cỏ tự tử, Phụng chết, Thủy trong cơn nguy kịch. Hôm đám tang Phụng, hàng trăm người nức nở tiễn đưa. (Theo báo Tiền Phong).

Chỉ vì 2,5 triệu đồng mà một đứa bé phải tự tìm đến cái chết vì em không tin nổi là gia đình mình, vốn quá nghèo, có thể lo được số tiền trên. Trong khi đó thì ngân sách lại có thể dễ dàng rót cho những dự án, công trình hoang phí ngàn tỉ, trăm tỉ, chục tỉ, vài tỉ đồng. Tất nhiên, không có mối liên hệ trực tiếp giữa những dự án, công trình hoang phí kể trên với cái chết thương tâm của những đứa trẻ nhà nghèo như Phụng. Nhưng ngân sách quốc gia cũng giống như tấm mền, kéo chỗ này thì hụt chỗ khác. Nguồn lực đem đổ vào những dự án, công trình hoang phí, thiếu hiệu quả, kém chất lượng thì sẽ không còn để đầu tư phát triển những khu vực kinh tế hiệu quả hơn, tạo công ăn việc làm, nâng cao cuộc sống của người dân ở nơi khác, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn chịu quá nhiều thiệt thòi. Và hậu quả là những bi kịch như câu chuyện em Phụng ở Gia Lai.

Mặc dù đã có luật ngân sách, luật chống lãng phí, kỷ luật ngân sách vẫn lỏng lẻo như đã được nêu bật trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Phân bổ lại nguồn lực, đưa đồng tiền vào những nơi hiệu quả nhất, cần đầu tư nhất, vẫn được lặp đi lặp lại như một khẩu hiệu, thế nhưng tín dụng ngân hàng vẫn cứ chảy vào những dự án không hiệu quả như dự án thép Vạn Lợi. Để không còn những bi kịch như em Phụng, như nhiều vụ tự tử vì túng quẫn đã từng xảy ra, thiết nghĩ trách nhiệm của những người nắm quyền phân bổ ngân sách ở các cấp là vô cùng lớn. Hãy nghĩ trước hết đến hiệu quả, đến chất lượng, đến lợi ích thiết thực cho dân của từng dự án, từng công trình. Đừng để những mơ ước hoành tráng, những lợi ích tư riêng, phe nhóm xen vào các quyết định. Và cần bịt những kẽ hở về cơ chế, luật pháp khiến cho ngân sách, đồng tiền thuế của dân đóng không trở lại phục vụ cho người dân.

Nguồn: FB Đoàn Khắc Xuyên

Comments are closed.