Hòn ngọc Viễn Đông – 15/5

Vi Trần

 

1. CHỜ ĐỢI

Có một Sài Gòn rất khác dần hiện từ từ trong mỗi bước chân tôi đi hướng từ giao lộ Huyền Trân Công Chúa – Nguyễn Du về nhà thờ Đức Bà. Sài Gòn lặng im và bất động. Tôi nhìn thấy sự lặng im trong ánh mắt dò xét người đi đường của “lực lượng chức năng” hiện diện khắp mọi ngả, nhất là khi bạn đi theo nhóm ba người trở lên; tôi nghe thấy sự lặng im ngột ngạt khi người người lướt qua nhau rất nhanh với những lời thì thầm như sợ lớn tiếng, ngược lại, là giọng bộ đàm phát ra không giấu giếm từ trên tay Cảnh sát giao thông trực đối diện khu nhà thờ. Xuyên qua công viên, tôi lại thấy nhiều sự bất động đến từ những người đi, đứng, ngồi một mình ngay giữa lòng công viên. Họ chỉ hoạt động khi một nhóm ba bốn người tiến đến nhưng bị yêu cầu bước tiếp chứ không được phép dừng lại hay chụp hình. Lặng im và bất động – tôi hiểu rằng thành phố này đã thực sự bị bao vây, đúng như cảm giác của nhạc sĩ Tuấn Khanh). Tôi liên tưởng đến chiến thuật của loài sói khiến nó có thể trở thành kẻ đứng cuối cùng của chuỗi thức ăn: rình chờ và xé lẻ con mồi khỏi nhóm, trước khi dùng sức mạnh bầy đàn tiêu diệt.

Đã không có gì xảy ra, đã không thể xảy ra, trong sự hồi hộp chờ đợi của người quan sát từ cả hai điểm nóng: công viên 30/ 4 và công viên 23/ 9.

clip_image002

Hình 1. Khu vực Nhà thờ Đức Bà

2. NGHI KỴ

Lại rất nhiều lặng im và bất động từ quá trưa khi tôi có mặt tại công viên 23/9. Một hàng dài những xe buýt không người, xe cảnh sát, xe tưới cây (mà không hề dùng để tưới cây) nối đuôi nhau chắn mất một mặt công viên. Bên trong vẫn là những hình người lặng im canh chừng, đông nhất là màu xanh Thanh niên Xung phong và cảnh sát cơ động. Nhưng ở đây, tôi lại còn nhìn thấy một điều: lòng nghi kỵ. Có rất nhiều người dạo bộ trong và quanh công viên, có rất nhiều người ngồi một mình hay đi thành nhóm. Nhưng bạn có thể tin ai, tin bất kì ai, khi ai cũng có thể là công an chìm mặc thường phục? Dù rất muốn tìm một nhóm để nhập vào, một người để trò chuyện, để ít ra là bớt cảm giác lẻ loi giữa cái không khí ngột ngạt này, nhưng người duy nhất tôi (và những người trẻ giống tôi) có thể tin được là những vị khách nước ngoài. Họ trở thành cái cớ chính đáng để đám đông (tức hơn ba người) được phép tụ lại, dù chỉ để trò chuyện những điều bâng quơ. Những bạn trẻ nói thoải mái và tự tin với vốn ngoại ngữ dùng được và phớt lờ cái người mặc thường phục luôn lẳng lặng ngồi kế bên họ để lắng nghe hay dò xét. Khi vị khách Tây rời khỏi chỗ, nhóm cũng tự tan và lại tụ vào một người nước ngoài khác.

clip_image004

Hình 2. Xe tưới cây bất động tại công viên 23.9

clip_image006

Hình 3. Người dân chỉ có thể tụ lại thành nhóm trên ba người khi nói chuyện với người nước ngoài. Nhưng luôn có “quan sát viên” dò xét cạnh bên (người cầm nón trắng)

Lúc này tôi đau đớn tự hỏi: Cái gì đã gây chia rẽ lòng dân tôi, để ai nhìn ai cũng bằng ánh mắt nghi ngại, thù hằn? Cái gì đã khiến chúng tôi – những người Việt Nam đang đứng trên đất nước Việt Nam – cảm thấy thiếu an toàn khi ở bên nhau hơn là ở cạnh những người bạn ngoại quốc? Và từ lúc nào, mà tiếng nói dân tộc tôi dù đường đường chính chính ở chốn đông người phải hạ bớt âm lượng, phải thì thầm trong khi lại có thể tự nhiên nói tiếng nước ngoài mà không cần kiêng sợ?

3. DŨNG CẢM

16g5ph, ngay cả ngồi chơi dù một mình hay mấy người cũng không được phép, Trật tự đô thị hành động trước tiên, xua tất cả mọi người ra khỏi khu vực trung tâm của công viên. Các bộ đàm bắt đầu hoạt động và “họ” di chuyển. Tôi đi theo đám cảnh sát cầm bộ đàm đến chỗ được cho là nhiều nguy cơ bùng phát biểu tình, và quả nhiên, khi vừa đến nơi, một nhóm bốn người đứng giương cao biểu ngữ và hô: “Cá cần nước sạch” – “Dân cần minh bạch”.

clip_image008

clip_image010

Hình 4, 5. Nhóm những người biểu tình ôn hòa đầu tiên xuất hiện lúc 16g15ph

Đám đông lập tức hình thành. Điều khiến tôi xúc động đầu tiên là sau vài ba lần hô, người dân đứng thành vòng tròn nhiều lớp xung quanh đã đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Nhưng khoảnh khắc xúc động vì lòng người tụ hội ấy chỉ kéo dài trong ôn hòa được 5 phút, ngay lập tức công an chìm ra tay – trước tiên bằng lời nói, sau bằng vũ lực (nếu chúng tôi có ý không nghe) – để tước quyền quay phim, chụp ảnh của mọi người. Vài giây sau, cảnh sát cơ động ập đến lập hàng rào quanh những người đang biểu tình ôn hòa trong khi Trật tự đô thị và công an chìm tiếp tục xua đuổi người dân ra khỏi công viên, ngay cả đã đứng sát lề đường phía ngoài khu vực trung tâm biểu tình chỉ để quan sát cũng trở thành người gây rối trật tự công cộng. Một chị đứng cạnh tôi phản ứng với người mặc áo xanh Trật tự đô thị trước sự vô lí đó, thì công an đi đến đòi kiểm tra giấy tờ của chị. Tôi định quay ra để tìm hướng khác trở vào thì bỗng nhiên bị chặn lại bởi cánh tay của một gã đàn ông lớn tuổi, tôi bảo rằng tôi chỉ đi dạo, hắn ngang nhiên trả lời: “Tôi thấy chị đi dạo khác với mọi người” và ra lệnh cho ai đó kiểm tra tôi. Nhưng tay trật tự đô thị có vẻ bối rối nên đã để tôi đi ra khỏi “hàng rào” thứ hai bao bọc quanh lề công viên này.

Tôi và rất nhiều người khác không còn cơ hội vào bên trong nữa. Chỉ có thể chứng kiến sự bạo ác diễn ra khi một vài người nào đó bị tách ra khỏi nhóm biểu tình bên trong bởi bốn, năm tên mặc thường phục và bị tống lên xe công trong sự kháng cự vô vọng.

Như một người đầu tiên mắt thấy tai nghe diễn biến bạo lực gây ra bởi những kẻ “đang thi hành nhiệm vụ”, tôi sợ hãi. Tôi không thấy tính chất phản động nào từ những người dám liều hô lên tiếng nói đòi chân lí giữa sự bao vây trùng điệp của lực lượng chức năng, tôi không thấy gì ngoài lòng yêu biển, yêu sự minh bạch để họ phải xông pha thân mình với vũ khí duy nhất là tấm biểu ngữ giương cao viết dòng chữ rõ ràng đủ để mọi người đọc thấy, giữa vòng vây của nắm đấm và dùi cui. Và tôi cảm phục họ. Hôm nay, có thể họ sẽ thất bại với sự trấn áp vượt trội về số đông này, nhưng chính họ – những người biểu tình – đã cho chúng tôi nhìn thấy trực diện khuôn mặt thẳng thắn và kiên định của mình và tấm lưng của những kẻ lập hàng rào hàng lớp bao quanh – cái lưng của những kẻ đang quay lưng lại với đồng bào tôi, chia tách dân tôi.

4. TIN TƯỞNG

Sài Gòn đã tổn thương. Sự tổn thương này sẽ còn tiếp tục và leo thang cùng bạo lực và trấn áp. Trên đường về, tôi vẫn không thôi nghĩ về lớp “hàng rào” đang vây những con người dũng cảm bên trong. Rồi tôi chợt nhớ ra, có rất nhiều người trẻ trong số đó, những người tìm cách tụ họp với nhau khi nói chuyện với những người khách nước ngoài tại công viên, những người vỗ tay tán thưởng và cỗ vũ khi tiếng hô công lí vang lên cùng biểu ngữ, những người bị cưỡng chế bằng bạo lực nhưng vẫn len lỏi tìm cách đi theo đoàn biểu tình và chụp ảnh, quay phim. Và trong nỗi buồn không cưỡng được, tôi cảm thấy sự dũng cảm và lòng tốt đã nhen nhóm trong tôi – một người trẻ – cũng như rất nhiều những người trẻ hôm nay, những người đã “giải vây” Sài Gòn, chỉ bằng lòng tốt và sự dũng cảm.

Comments are closed.