Học phí và chất lượng giáo dục

Thái Hạo

1. Trách nhiệm và chối bỏ trách nhiệm

Chất lượng giáo dục đại học đang là một nhức nhối của Việt Nam. Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cho vấn đề này, ngày 25/7/2021 tại diễn đàn Quốc hội, ông Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – đã có một phát ngôn gây tranh cãi trong cộng đồng. Ông nói: “Mặt khác cũng phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”” (theo báo Lao Động, 25/7/2021).

Ý ông Giám đốc là nâng học phí thì học sinh sẽ không đổ xô vào đại học nữa, nó cũng khiến người học không thể học qua quýt một cách vô trách nhiệm, và từ đó chất lượng giáo dục sẽ được tăng lên. Nếu vì mục đích ấy thì có nhiều cách, mà là những cách khoa học, mang tính giáo dục và sẽ đảm bảo chất lượng chắc chắn hơn, tại sao nhà quản lý lại không dùng? Hay ông Lê Quân đang nghĩ theo một logic khác rằng, việc học cũng cần bị đánh thuế giống như bia rượu thuốc lá để hạn chế sự tiêu dùng vì tính chất độc hại của nó? Nếu đúng là ông đang nghĩ theo logic này thì việc tăng giá điện, giá xăng cho đến tăng viện phí đều sẽ được biện minh vì cùng một lý do: khiến người ta ít dùng điện, ít chạy xe và ít ốm đi!

Nếu muốn người ta không “lao vào đại học” một cách đúng đắn hơn thì giải pháp phải là xây dựng một cơ cấu ngành nghề mang lại thu nhập, tức là tạo ra những nhu cầu xã hội cũng như cơ hội việc làm để đáp ứng năng lực và điều kiện cho những người vừa rời ghế nhà trường phổ thông, chứ sao lại đánh vào túi tiền của họ để “ngăn ngừa” không cho họ vào đại học? Còn để đại học không trở thành “học đại” thì cái quyết định là nằm ở cung cách tổ chức dạy học, ở chất lượng đào tạo, ở khâu quản lý chuyên môn, v.v., chứ sao lại mang tiền ra để hù dọa?

Tôi không nói rằng tăng học phí là đúng hay sai, cái ấy chưa bàn, điều tôi phản đối ở đây là lý do của việc tăng học phí trong quan niệm của ông Lê Quân – nó thuộc vào tư duy giáo dục. Cái tư duy này của một giám đốc đại học quốc gia là rất có vấn đề vì ông (đại diện cho lãnh đạo giáo dục và quản trị xã hội nói chung) đã tự mình trút bỏ trách nhiệm, cái trách nhiệm mà dĩ nhiên là thuộc về các ông trong việc kiến thiết xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo. Ông, thay vì làm cái công việc mà vị trí đã quy định cho mình thì lại bình thản đẩy nó sang người dân. Vì ông nghĩ, tăng học phí thì người ta sẽ vì tiếc tiền mà lo học! Làm lãnh đạo như thế thì nhàn quá! Đây là quan điểm cực kỳ “khôn ngoan” của một “nhà giáo dục”. Vì nó vừa khỏe lại vừa thu được nhiều tiền, dân gian gọi là “ngồi mát ăn bát vàng”.

Đến đây, tôi nghĩ, có lẽ nên thay “học phí” bằng “học thuế”/“thuế học” thì sẽ phù hợp hơn với quan niệm mới này của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Những hệ lụy xã hội từ một quan niệm sai lầm

Vấn đề của giáo dục không phải là “cản” người ta đi học, mà là chọn lựa. Anh phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng bậc nhất của ngành này. Khi anh đề ra một phương pháp chỉ nhằm “cản” người ta đi học (với suy nghĩ rằng từ đó mà chất lượng giáo dục sẽ tăng lên) thì tại sao không dùng những cách khác triệt để hơn như dùng lý lịch, dùng bốc thăm, hay chơi oẳn tù tì cũng được; cứ đủ số là dừng? Nhưng tôi hiểu tại sao ông Giám đốc lại dùng tiền để “cản”!

Đại học phải là một nơi đẹp đẽ, sang trọng, là giấc mơ của mỗi người chứ không phải là chỗ xú uế hay nguy hại để phải “cản” con người ta vào đó. Ông Quân đã gián tiếp xây dựng một hình ảnh đại học (và giáo dục nói chung) là một cái gì cần phải tránh xa vì sự gớm guốc của nó? Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người đối với “thánh đường của tri thức” sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước.

Khi muốn “cản” một cách chính đáng việc học sinh vào đại học thì ông phải dùng các phương pháp thuần túy giáo dục để sàng lọc ban đầu như thi cử, như bài luận, v.v. để đánh giá năng lực chứ sao lại dùng tiền? Dùng tiền thì chọn được ai? Chọn được người giàu, và chỉ người giàu (tôi không tin vào lời hứa sẽ hỗ trợ tốt cho người nghèo!). Nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục: những con cái nhà nghèo dù học giỏi thì cũng khó có cơ hội vào đại học; trong khi nhà giàu, dù học dốt thì sẽ điềm nhiên ngồi vào giảng đường. Hay ông Lê Quân đang xây dựng một nền giáo dục của người giàu mà ở đó người nghèo dù có tài năng cũng sẽ bị chối từ?

Thứ nữa, từ cái “giải pháp” tăng học phí này, học sinh phổ thông thay vì lo học cho giỏi thì chúng (và cha mẹ chúng) sẽ tập trung vào một mục tiêu khác: kiếm tiền. Như thế, ông không những đã làm thất bại giáo dục đại học, mà còn chính thức hủy hoại luôn giáo dục phổ thông.

Ông Quân còn phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác trong việc thiết kế giáo dục đại học: tạo ra một quy trình ngược. Với đại học, cần mở rộng cửa vào nhưng thắt chặt đầu ra. Có như thế thì chất lượng giáo dục đại học mới được nâng cao. Đây là một cách khôn ngoan bậc nhất vì nó sẽ giúp các các đại học vừa thu được nhiều tiền (vì có đông người học), vừa chắc chắn về sản phẩm đầu ra. Và từ đó, nó sẽ tạo thành văn hóa. Người ta sẽ không “lao vào đại học” nữa khi đã chứng kiến bài học xương máu từ người khác. Và họ sẽ tự tìm một hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của mình, xã hội sẽ ổn định và phân công lao động tự nhiên sẽ được thiết lập một cách lành mạnh.

Tóm lại, nhìn ở góc độ nào thì tư duy của giáo sư Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – cũng là không thể chấp nhận được, vì ở đó nó thể hiện cả sự thiển cận, kém cỏi lẫn nguy cơ tạo nên bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội.

3. Logic của học phí và chất lượng giáo dục

Khi còn đương nhiệm, ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Và ngày 25/7/2021, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân một lần nữa khẳng định như đã dẫn ở đầu bài viết. Như vậy theo các vị lãnh đạo của ngành giáo dục thì học phí và chất lượng giáo dục là tỉ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy.

Thứ nhất, giả sử quan niệm một cách tuyệt đối rằng dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa, thì câu hỏi cần đặt ra là loại hàng hóa ấy có tính chất gì và cần đảm bảo logic nào trong kinh doanh?

Đúng, “tiền nào của ấy”. Vấn đề là anh có “của” để bán hay không? Bởi giáo dục không phải là một mặt hàng thông thường chỉ cần nhập khẩu một cách đa dạng về để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của đông đảo người mua; mà chất lượng giáo dục gắn chặt với con người, với bộ máy cho nên nếu anh chưa thay đổi những yếu tố ấy thì không có gì đảm bảo được rằng khi tôi bỏ tiền nhiều thì sẽ chắc chắn nhận về một món hàng giáo dục tốt.

Thứ hai, xét về logic, nếu anh muốn bán một món hàng bằng giá cao thì trước tiên món hàng ấy cần có chất lượng tốt trước đã. Đối với giáo dục, không phải là “tiền nào của ấy” mà phải là ngược lại, “của nào tiền ấy”. Anh có cái “của nào” ấy chưa mà đòi lấy tiền trước? Nếu anh có rồi thì làm ơn trưng ra. Còn anh bảo “Cứ đưa tiền trước đã, tôi sẽ dùng tiền ấy để làm ra cho anh món hàng tốt tương ứng” thì anh đã khôn hết phần thiên hạ rồi! Muốn kinh doanh thì trước tiên anh phải tự bỏ vốn để đầu tư và tạo ra sản phẩm tốt, rồi mới đưa ra thị trường, không ai bán hàng mà lại dám đòi khách hàng trả tiền trước khi sản xuất được hàng bao giờ!

Đó là chưa nói nếu rủi, số tiền tôi bỏ ra để mua món-hàng-chưa-có kia mà anh lại sản xuất thất bại thì tính sao đây? Ai sẽ hoàn vốn cho tôi? Và nhất là các anh sẽ lấy cái gì ra để trả lại 4 năm thanh xuân đại học của tôi? Rồi cả cuộc đời tương lai của tôi, ai sẽ chịu trách nhiệm? Và nếu chịu trách nhiệm thì sẽ chịu ra sao và bằng cách nào?

Bán cái mình không có (hoặc chưa có) thực ra là bán lời hứa. Chúng ta không thể kinh doanh lời hứa! Đất nước này đã có quá nhiều lời hứa rồi, đã có biết bao những cái “tầm nhìn” to lớn trong các bản phương hướng giờ đã trôi vào lãng quên mà không có lấy một ai đứng ra chịu trách nhiệm. Đó là chưa nói tới việc nhìn vào bộ máy và con người trong hệ thống hiện hành sẽ khiến khó mà có thể yên tâm được về nó.

4. Học phí hay hay vấn đề bộ máy?

Việc tăng học phí là một trong các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, điều này phổ biến và không cần phải bàn cãi nhiều, tất nhiên là nó phải nằm trong một chiến lược tư duy hợp lý hơn chứ không phải theo cái logic mà ông Lê Quân đã trình bày. Tuy vậy, học phí không phải là cái sẽ quyết định, một ví dụ điển hình là giáo dục đại học công lập Đức gần như miễn phí hoàn toàn nhưng chất lượng vẫn cao.

Có rất nhiều thứ cần phải được “sửa” lại trong hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên ở đây chỉ nói về một điểm: quản lý. Quản lý nhà nước về giáo dục, tức tổ chức bộ máy và cách thức vận hành của nó, mới là điểm mấu chốt của toàn bộ vấn đề của giáo dục Việt Nam. Đại học cần phải được tự chủ và tự do. Không một lý do chính trị nào được phép can thiệp vào sự trong sáng của tri thức và sự vô tư của khoa học. Một nền giáo dục đại học “định hướng” và duy ý chí thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.

Nếu không giải quyết bài toán về quản lý thì ngay cả khi học phí có tăng gấp 10 lần hiện tại chăng nữa cũng sẽ không thể hứa hẹn một điều gì chắc chắn về chất lượng. Đó là chưa kể, thậm chí việc tăng học phí sẽ biến đại học thành những cái mỏ tiền cho tham nhũng hoành hành.

Comments are closed.