HỒNG KÔNG – NIỀM HY VỌNG MÀU VÀNG

Ngô Thị Kim Cúc

Đã hơn một tháng kể từ khi sinh viên Hồng Kông bắt đầu cuộc xuống đường có sắc thái đặc biệt nhất trong lịch sử xuống đường của sinh viên thế giới. Trước đó, những người quan tâm tới việc Hồng Kông được trao trả cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kể từ 1997 vẫn tự hỏi không rõ Hồng Kông rồi sẽ thay đổi thế nào khi trở về với một chính quyền cộng sản nổi tiếng độc tài. Việc dùng xe tăng đàn áp cuộc biểu tình đòi tự do của sinh viên năm 1989 đã khiến Bắc Kinh phơi bày một chân dung tự họa rất đáng sợ.

Vì vậy, khi sinh viên Hồng Kông ồ ạt xuống đường, người ta dễ dàng hình dung một cuộc đàn áp đẫm máu. Thế nhưng đã không có một Thiên An Môn thứ hai. Không phải bởi chính quyền Bắc Kinh đã biết tôn trọng yêu cầu dân chủ của sinh viên mà chỉ bởi thời thế đã khác.

Ngay từ ngày đầu, phương tiện truyền thông quốc tế đã “bạch hóa” mọi động thái liên quan đến người biểu tình Hồng Kông. Phút giây nào của cuộc xuống đường cũng có một rừng camera giương lên, ghi nhận. Cuộc đàn áp Thiên An Môn đã xảy ra âm thầm trong đêm hôm khuya khoắt và lập tức được phi tang nhanh gọn. Nhân loại có thể đã không được thấy bất cứ bằng cớ nào về tội ác kinh hoàng cuối thế kỷ 20 nếu không may mắn có được một số hình ảnh hiếm hoi từ các phóng viên phương tây. Không có giọt máu nào sót lại trên mặt đường. Không có vết máu nào trên bàn tay những người lính đã tham gia cuộc tàn sát.

Thế nhưng năm 2014, tiến bộ khoa học-công nghệ đã cho phép mỗi sinh viên Hồng Kông trở thành một người đưa tin + tích hợp tư liệu để có thừa tang chứng cho một lời kết án.  Smartphone cùng với camera của nhà báo đã chĩa vào mặt những cảnh sát đang hung bạo vung dùi cui xuống những chiếc dù mong manh, chĩa vào mặt những kẻ khiêu khích tràn ngập trong khu vực biểu tình, cố tạo ra bạo loạn để có cớ cho cảnh sát đàn áp…

Lần đầu tiên, phương tiện truyền thông cá nhân đã được tận dụng ở mức cao nhất, phục vụ cho một mục tiêu đẹp đẽ, tạo nên một hiệu ứng tức thì và lan tỏa khắp hành tinh. Việc vừa xảy ra ở Mong Kok, vài phút sau đã được cả triệu người trên địa cầu nhìn thấy. 

Tôi đã theo dõi diễn biến Hồng Kông từ những ngày đầu. Những ấn tượng lúc đầu còn mờ nhạt đã ngày càng chắc rõ mạnh mẽ hơn, củng cố lòng tin vào một thế hệ trẻ đang dấn thân cho lý tưởng tự do, theo cung cách thế kỷ 21.

Joshua Wong, chàng sinh viên chưa đủ 18 tuổi đã nói rất chính xác từ những ngày đầu, rằng cuộc đấu tranh này là của tất cả mọi người, và anh chỉ là một thành viên.

Nghe có vẻ rất lý thuyết. Nhưng thực tế còn hơn cả lý thuyết. Cái đẹp của cuộc Cách Mạng Dù không chỉ ở những chàng trai cô gái nổi bật như Joshua Wong hay Alex Chow, Yvonne Leung. Một sinh viên bất kỳ nào lọt vào tầm ngắm của camera đều xứng đáng trở thành biểu tượng.

Rạng sáng ngày 17/10, khi cảnh sát tiến hành cuộc đàn áp quy mô nhất, đúng vào thời điểm số lượng sinh viên có mặt tại khu lều trại Mong Kok rất khiêm tốn. Có thể cảnh sát cho rằng sinh viên đã mệt mỏi nên tự “rã ngũ”, và họ chỉ cần dẹp hết lều trại thì coi như kết thúc.  

Nhóm phản-biểu-tình thời điểm đó cũng hoạt động hết công suất. Kéo đàn kéo lũ và hung hăng gây gổ, có vẻ họ sẵn sàng xé xác và ăn gỏi sinh viên tại chỗ nếu có thể được.

Khi tiếng hô hiệu lệnh vang lên khắp các hướng, tiếng chân hàng trăm người chạy thình thịch, bóng quân phục cácloại đan vào nhau như mắc cửi, tạo nên một không khí đầy khủng bố, thì tất cả sinh viên vẫn bình thản. Các lều trại vẫn không có bất cứ động tĩnh nào. Không có ai dáo dác dòm ra, nhớn nhác nhìn quanh âu lo sợ hãi.  

Rồi thì, một nam sinh viên đeo kính trong đồng phục áo thun đen bước ra, đứng thẳng nhìn thẳng vào hàng trăm cảnh sát đang ở tư thế sẵn sàng. Cảnh sát cũng chăm chú nhìn anh. Một cặp mắt đấu lại hàng mấy trăm cặp mắt. Có vẻ anh đang nói với họ: Các anh có thể đánh đập hoặc bắt tôi. Tôi đang chờ đây. Anh cứ đứng như thế từ lúc cảnh sát bắt đầu chuyển quân, chỉ thỉnh thoảng quay đầu nhìn khắp lượt mấy tầng cảnh sát đang vây quanh, thái độ rất tự tại, ôn hòa. Khá lâu. Cho đến khi loa phóng thanh của cảnh sát đọc to một thông báo gì đó, anh mới bình thản quay vào, cùng các bạn thu dọn đồ đạc trong lều, và sau đó rời chỗ.

Cảnh sát lập tức giật sập tất cả lều trại và mang xe cẩu đến, chuyển mọi thứ đi trong thời gian ngắn nhất, sau khi gỡ sạch tất cả biểu ngữ mà sinh viên đã giăng hoặc dán khắp khu Mong Kok. Hình như các cảnh sát viên đều thở phào nhẹ nhõm: thế là kết thúc.  

Còn tôi, tôi cứ tự hỏi, anh sinh viên ban nãy là ai? Có thể anh là bất cứ ai trong đoàn biểu tình. Và anh đã làm như bất cứ thành viên nào của đoàn biểu tình đã làm và sẽ làm, trong tình huống đó.

Rạng sáng 18/10 hoạt cảnh diễn ra hoàn toàn ngược lại. Cả một biển người tràn ngập khu Mong Kok và đẩy cảnh sát càng lúc càng lùi xa khỏi khu vực họ mới chiếm được sáng qua. Rồi một tiếng hô bắt đầu và tất cả dù ở phía sau đều được chuyền lên phía trước, nơi đang hình thành một phòng tuyến mới của sinh viên, cho những người đang trực diện với cảnh sát.

Một lúc sau, bên trên cái biển người đông nghịt kia, bỗng nổi lên những khoảnh rào chắn đầu tiên xuất hiện từ những cánh tay đang giơ cao khỏi đầu. Rồi thì, cả một quãng đường dài bỗng đông đầy sinh viên khiêng vác đủ loại vật liệu khá nặng để tái dựng rào chắn ở Mong Kok. Các cô gái cũng xông xáo không kém các chàng trai. Cảnh sát lọt thõm vào giữa biển sinh viên đang vây khắp bốn bên, chỉ đứng yên nhìn họ. Sinh viên nhanh chóng hoàn tất việc dựng “chiến lũy” mới, ngay trước mũi cảnh sát.

5 giờ rưỡi sáng. Cậu thanh niên suốt đêm không ngơi tay khuân vác, pha nước trộn hồ đổ bê tông cho “chiến lũy”, sau ít phút ngồi dựa lưng nghỉ mệt vụt đứng dậy, khoác chiếc sơ mi trắng cổ cồn và áo vét tông vào người, che khuất chiếc áo thun đã ướt mèm và lấm lem bụi đất của cả đêm qua, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Tôi tự hỏi anh là ai trong hàng ngàn người tuổi trẻ đã thức trắng đêm 18/10 ấy ở Mong Kok. Chắc anh lại cũng chỉ là một người tuổi trẻ bình thường trong cả cộng đồng Hồng Kông đang trở nên đẹp chói lòa trong mắt phần còn lại của thế giới.

Để dự đoán một phong trào có thể đạt kết quả nào, người ta nhìn vào phương pháp tổ chức và cách thức tiến hành, thể hiện trong hành động của mỗi thành viên. Cuộc Cách Mạng Dù của sinh viên Hồng Kông trong mỗi ngày tiến về phía trước càng vững vàng lên, như bão tiếp tục góp thêm gió trên lộ trình lớn mạnh. Cây dù vàng đã trở thành “vũ khí mềm” cực kỳ tiêu biểu của tuổi trẻ Hồng Kông.

Từ nhiệm vụ che mưa và che chắn khi bị xịt nước tiêu cay, chiếc dù vàng Hồng Kông đã trở thành linh hồn của cuộc xuống đường, được nhân lên, hóa thân vào ngàn vạn sản phẩm khác nhau, và dễ dàng chinh phục trái tim của mọi công dân thời đại.

Một việc có thể rất bình thường, khi thể hiện qua cách nghĩ cách làm của sinh viên cũng trở nên hài hước một cách đáng yêu. Buổi tối sau cuộc đối thoại không thành công giữa sinh viên và các quan chức Hồng Kông, khu Mong Kok có được sự bình yên hiếm hoi. Các nhân viên cảnh sát cởi mũ sắt của mình ra, úp trên mặt đường. Lập tức các sinh viên cũng xếp mũ bảo hộ của mình bên cạnh, thành một dãy dài, mũ sinh viên kề bên mũ cảnh sát, rất yên ả, hòa bình… Tôi nghĩ một cảnh sát viên phải lòng lang dạ sói mới có thể thẳng tay quật dùi cui lên đầu những sinh viên đã hành động dễ thương như thế.

Có lẽ bởi mỗi sinh viên trước khi tham gia phong trào đều buộc phải nghiên cứu kỹ tám trang Cẩm Nang Bất Tuân Dân Sự, để biết rõ mình dấn thân vì điều gì, xuống đường theo cách thức nào, và khi bị cảnh sát bắt thì nên làm gì. Họ phải thấu hiểu triết lý và chiến lược của cuộc đấu tranh lâu dài, đó là tinh thần bất bạo động trong bất kỳ tình huống nào.  

Dùng bạo lực để chống bạo lực không chỉ làm tăng thêm sự sợ hãi, mà cho nhà cầm quyền lý do để đàn áp, và củng cố địa vị của kẻ độc tài. Bất tuân dân sự là phương pháp dùng thương yêu để thắng hận thù. Người tham gia sẽ phải đối mặt với đau khổ bằng một thái độ cao quý, để thu phục lương tâm của kẻ đàn áp, và giảm thiểu sự thù hận do hành vi tàn bạo gây ra… Sự hy sinh của người đấu tranh là cách hay nhất để làm công chúng thức tỉnh…

Chúng ta đấu tranh để chống lại một hệ thống bất công, chứ không chống lại cá nhân. Chúng ta không tiêu diệt hay làm bẽ mặt các nhân viên công lực, thay vào đó, chúng ta phải chiếm được lòng tôn trọng và sự cảm thông của họ. Chúng ta không chỉ cần phải tránh dùng bạo lực để đối đầu, mà còn cần phải tránh để cho lòng thù hận có thể nảy mầm trong trái tim…”.

Một cuộc cách mạng lấy sự cao cả để đáp lại bạo lực và lấy tình yêu để cảm hóa lòng thù hận, nhân bản một cách trái ngược với bản chất của kẻ mà họ đang phải đối đầu.

Những lãnh đạo trẻ của sinh viên Hồng Kông đang muốn gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc. Về phía sinh viên, hẳn họ tự thấy mình bình đẳng với Lý Khắc Cường, trên tư cách công dân. Và việc đối thoại trực tiếp là chuyện cần thiết, nhằm đem lại quyền lợi chính đáng cho hơn 7 triệu dân Hồng Kông.

Còn về phía Lý Khắc Cường? Quen làm việc với đoàn thanh niên qua cách hành xử “bảo vâng gọi dạ”, một bên ra lệnh và bên kia phục tùng vô điều kiện, Lý chắc chắn không chấp nhận nổi việc những anh chàng “miệng còn hôi sữa” kia ngồi ngang hàng, nói năng dõng dạc, bắt bẻ vặn vẹo mình và có nguy cơ khiến người đối thoại phải dùng đến cái lý cuối cùng: tôi nắm quyền, tôi quyết định và anh phải tuân lệnh.

Nhưng như thế thì lại tự tố cáo mình đã không giữ lời hứa sẽ dành quy chế đặc biệt cho Hồng Kông sau khi trở về với đại lục!

Một cuộc thăm dò cho thấy 9 phần 10 thành viên cuộc Cách Mạng Dù của Hồng Kông sẵn sàng tiếp tục cuộc sống ngoài đường hàng năm trời, nếu cần thiết. Có vẻ họ không nói suông. Bởi họ đã tổ chức cuộc sống ngoài đường phố theo kiểu lâu dài. Có khu học tập cho sinh viên. Có nguồn cung cấp thực phẩm. Có chỗ giặt giũ, tắm gội. Và cả lớp dạy học cho thiếu nhi đi theo những cha mẹ trẻ. …

Điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tới? Rất khó nói chính xác. Nhưng chắc chắn người dân Hồng Kông, sinh viên Hồng Kông không bỏ cuộc. Họ sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự do của mình theo cung cách uyển chuyển nào đó, tùy thay đổi của tình hình. Họ thừa đầu óc và kỷ luật để làm điều đó, như đã tự chứng tỏ suốt thời gian qua.

Hồng Kông đang nhận được sự ủng hộ từ mọi nơi trên thế giới: các văn nghệ sĩ nổi tiếng, giới trí thức và đại học, người dân và sinh viên từ các nước và ngay từ đại lục…

Hồng Kông giờ đây đã trở thành một hình tượng đẹp đẽ, là niềm hy vọng của thế kỷ 21, với những con người không biết sợ, không ngại khổ trước một đối thủ đông hơn, mạnh hơn rất nhiều lần, nhưng chắc chắn kém óc hài hước, kém khả năng sáng tạo một cách không bờ bến như những thành viên đầy nghệ sĩ tính nhưng cũng đầy dũng khí để đi đến tận mục đích cuối cùng của cuộc Cách Mạng Dù.

clip_image002KEEP CALM and CARRY ON, khẩu hiệu rất ngắn gọn. clip_image004Người Người đàn ông đã tuyệt thực đến ngày thứ 31. Ông sống ở ngoài lều để mọi người chứng thực rằng ông không hề ăn gì.

clip_image006Lo cho anh Tập khỏi bị cảm lạnh…… để anh ấy còn biểu tình lâu dài…clip_image008Thỏ và gấu bông “đối đầu” với cảnh sát.

Comments are closed.