Lê Phú Khải
Đó là lời ông François Hollande, Tổng thống Cộng hòa Pháp đã nói về Jean Lacouture, nhà báo Pháp qua đời ở tuổi 94 ngày 16/7/2015 vừa qua tại quê của ông, làng Roussillon, tỉnh Vaucluse, Đông Nam nước Pháp. Còn Thủ tướng Pháp, ông Manuel Valls viết: “Lacouture là nhà văn lớn có cuộc đời phong phú giống như cuộc đời của các nhân vật mà ông đã viết tiểu sử”.
Jean Lacouture sinh ngày 9 tháng 6 năm 1921 tại Bordeaux. Ông đã viết hàng nghìn bài báo, hàng chục đầu sách, trong đó đặc biệt nổi tiếng là các đầu sách viết về tiểu sử các nhân vật lớn, như: Hồ Chí Minh, Gamal Abdel Nasser, Léon Blum, de Gaulle, François Mauriac, Pierre Mendès France, François Mitterrand, Montesquieu, Michel de Montaigne, André Malraux, Germaine Tillion, Jean-François Champollion, Jacques Rivière, Stendhal và John Fitzgerald Kennedy. Trong các sách trên, ba tập sách về tướng de Gaulle (xuất bản vào các năm 1984, 1985 và 1986) là công trình đồ sộ và thành công nhất của Jean về tiểu sử nhân vật. Jean đã bỏ ra 4 năm để hoàn thành bộ sách này. Tổng cộng ba tập sách đến 2470 trang khổ 16 x 24 cm với chữ nhỏ li ti, như người đời nhận xét, nếu nó không phong phú và hấp dẫn thì khó mà người ta đọc từ đầu đến cuối. Cũng cần nói thêm, Jean là người đầu tiên viết tiểu sử Hồ Chí Minh.
Jean tốt nghiệp cử nhân luật, cử nhân văn chương, tốt nghiệp Viện Khoa học Chính trị Paris. Ông tham gia kháng chiến chống phát xít Đức tại Pháp, trong khi de Gaule kháng chiến chống Đức tại Luân Đôn trên đài BBC!!! Cuối năm 1945 ông qua Đông Dương với tư cách là tùy viên báo chí của tướng Leclerc nhưng sau đó ông bỏ binh nghiệp và làm cho tờ Combat (Chiến đấu) do Albert Camus làm chủ bút, sau đó cho Le Monde, tờ báo lớn nhất của nước Pháp, và nhiều báo khác.
Có thể nói, cũng như Wilfred Graham Burchett, Jean là nhà báo lớn nhất của thời đại chúng ta. Ông có mặt ở các sự kiện nổi bật nhất của thế giới và viết về nó, về những nhân vật lừng danh nhất thời đại mà ông từng tiếp xúc. Jean đến Việt Nam năm 1945-1946 và trở lại năm 1950, sau đó còn đến Việt Nam nhiều lần, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp kiến. Và, chính Jean chứ không phải ai khác, đã cảnh báo cho người Pháp về những hiểm nguy khi nước Pháp cố tình quay lại Đông Dương. Jean cho rằng năm 1946 “cơ hội hòa bình đã bị đánh mất” bởi những người Pháp…
Nhà báo có hai loại. Một là người viết phóng sự. Người viết phóng sự phải dấn thân, xông xáo, đến những nơi nóng bỏng nhất của sự kiện, có khi phải đổi cả mạng sống để chuyển tải thông tin. Có biết bao nhà báo đã chết vì thế. Loại thứ hai là người viết bình luận, viết chính luận.
Người viết chính luận phải thông thái, uyên bác, sắc sảo trong tư duy, chặt chẽ khoa học trong nghị luận. Jean Lacouture là cả hai. Trong cuộc chiến về kênh đào Suez ở Ai Cập, ông đã làm phóng viên thường trú của báo France-Soir tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Ông có mặt ở Việt Nam, ở Tunisia, ở Maroc… Người Pháp tấn phong ông là Phóng viên lớn (grand reporter) là thế. Về bình luận, chính luận, ông cho ra đời các chính phẩm: Ai Cập chuyển động (L’Égypte en mouvement, cùng viết với Simonne Lacouture – 1956), Maroc trong thử thách (Le Maroc à l’épreuve, cùng viết với Simonne Lacouture – 1958), Kết thúc một cuộc chiến tranh (La Fin d’une guerre, cùng viết với Philippe Devillers – 1960), Sức nặng của thế giới thứ ba (Le Poids du Tiers-Monde – 1962), v.v.
Trí thức Việt Nam, đặc biệt là những người biết Pháp ngữ, rất quen thuộc với Jean Lacouture, hâm mộ tài năng của “con người tầm thước, da mặt đỏ au vì nắng nhiệt đới, vẻ mặt cởi mở” như mô tả về ông của một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi. Di sản mà “Phóng viên lớn” này để lại cho làng báo thế giới và Việt Nam là “độc lập, can đảm và đam mê”. Thiếu một trong ba đức tính đó, nhà báo chỉ là kẻ “nói láo ăn tiền” như thế gian đã nói mà thôi. Khi đó, sự kính trọng của nhân dân không dành cho chúng ta.
L. P. K.