Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu

Lê Công Tư

 

Chẳng cần phải học sử, đọc sử cũng không khó để nhận ra rằng được làm láng giềng với Trung Quốc là một thảm họa, một thứ tai ương tật ách, một trong những thứ định mệnh cay nghiệt nhất mà cái dân tộc bé nhỏ này đã phải chịu đựng bao nhiêu ngàn năm. Nhìn lại toàn bộ lịch sử dân tộc này trong suốt 4.000 năm dễ có cái cảm tưởng thỉnh thoảng có được một thời khoản thanh bình ngắn ngủi nào đó thì chỉ đủ để mài gươm chuốt kiếm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, nếu không với Hán thì với Tống, không Tống thì với Nguyên, không Nguyên thì với Minh, không Minh thì với Thanh…

Những cuộc đao binh đó giờ đây đã chuyển qua một bình diện khác. Không còn súng đạn, không còn gươm giáo. Nhưng khốn nạn hơn rất nhiều, vì nó làm lụn bại què quặt một dân tộc. Trong chiến tranh, việc giáp mặt với cái chết từng ngày dễ vực dậy cái dũng khí bất khuất, ngang tàng của cả một dân tộc. Còn hôm nay, hình như dân tộc này chỉ là một cọng bún rệu rã đến thảm thương. Có thể nói, khó có thể tìm được một dân tộc nào trên thế giới này mà khả năng lệ thuộc vào một nước khác lại tốt cho bằng Viêt Nam với Trung Quốc. Tự hồi nào đến giờ, với bất kỳ một dân tộc nào, sự lệ thuộc thái quá với một dân tộc khác dưới bất kỳ hình thức nào cũng bao hàm giữa lòng nó sự mất tự chủ, độc lập. Việt Nam cũng thế, sự lệ thuộc quá đáng về mặt ý thức hệ cùng kinh tế với Trung Quốc vừa đủ để biến dân tộc này thành một đứa trẻ, một con chó con. Ai dắt đi đâu cũng được. Trị nước theo cái kiểu này là có lỗi với quá khứ cùng tương lai của cả một dân tộc.

Sự khai tử đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả một dân tộc, chỉ là hậu quả tất nhiên khi Trung Quốc bức tử dòng sông này bằng những đập thủy điện. Nó dẫn đến cạn kiệt dòng nước ở phía dưới, làm thay đổi toàn hệ sinh thái tự nhiên vốn có tự bao đời, làm trụi những tán lá rừng chạy dọc theo dòng sông Mekong, vốn có chức năng giữ độ ẩm. Hai trong những con sông dài có hệ sinh thái tốt nhất thế giới là Amazon ở Nam Mỹ và Mekong ở Châu Á, thì Amazon vẫn còn giữ được cái vẻ nguyên trạng của nó, còn Mekong thì gần đi đến chỗ kết thúc cuộc sống.

Tựa những đứa trẻ ở ngoài Hà Tĩnh chọn tôm, cá, được bơi lặn trên biển chứ không chọn gang thép, tôi chọn một con sông với tất cả những bình yên, êm ả mà một dòng sông có được, chứ chẳng bao giờ chọn ba cái nhà máy điện chết tiệt này. Gần trăm năm trước Nietzsche đã nhìn ra cái mặt trái của cái nền văn minh này rồi, nhưng cho đến khi Trung Quốc bức tử Mekong, tôi mới thực sự cảm thấy thấm thía.

Hết sông rồi đến biển. Chưa bao giờ mà tôi thấy lòng mình dâng tràn một nỗi uất hận như mấy ngày hôm nay khi nhìn thấy cá chết. Trông không khác gì những đứa trẻ con Syria nằm chết nằm chết trên bờ biển lúc chúng theo bố mẹ đi tìm đất sống. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng cá chết thì gần như đã rõ như ban ngày. Nhưng thông qua những phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài Nguyên và Môi Trường thì mọi thứ vẫn còn tối đen như mực.

Chu Xuân Phàm, Phó Phòng Đối ngoại Formosa có phát biểu, đại ý là Việt Nam chỉ được chọn một trong hai thứ, hoặc là thép, hoặc là cá. Tôi muốn diễn nôm na lại cái lời phát biểu này cho dễ hiểu hơn một chút:

– Tao đã nói với tụi mày rồi, là tụi mày chỉ được chọn hoặc là cá hoặc là thép rồi kia mà. Khi phát biểu như vậy là tao đã gián tiếp công nhận chính công ty Formosa đã gây ra hiện trạng cá chết. Vậy mà chính cái ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường của tụi mày lại họp báo tuyên bố là vẫn chưa xác định được mối liên hệ nào giữa cá chết với những hoạt động của nhà máy tụi tao. Đó, tụi mày thấy chưa? Tao là người của Formosa. Tao muốn xác nhận tôm cá chết là do tụi tao gây ra, thì chính tụi mày lại phủ nhận. Tao không nói thì tụi mày cũng rõ, là tuyên bố như vậy có lợi cho tụi tao, nhưng trong thâm tâm, tao khinh bỉ. Tao không ngờ cái khả năng khuất mình, chịu nhục của một guồng máy cai trị của tụi mày lại tốt đến thế. Tụi tao đã đi khắp nơi. Nơi nào cũng đuổi tụi tao, xem tụi tao như là quái vật. Tụi tao đã được một tổ chức môi trường thế giới tặng giải BÔI ĐEN HÀNH TINH; tao tin là tụi mày biết chuyện này rồi, nhưng vẫn giả ngu giả dại. Thành thực mà nói, tao nghiêng mình trước đường lối cai trị của tụi mày.

Alan Paton, một nhà văn Nam Phi, viết cuốn Cry, the Beloved Country (Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu). Câu chuyện viết về thực dân Anh, Hà Lan với sự tiếp tay của giáo hội cải cách Hà Lan đã đọa đày, cướp đất, tàn sát những bộ tộc Bantu, Soxa, Hottentot, Bushmen ở Nam Phi như thế nào để hình thành cái nước Nam Phi hôm nay.

Đi khắp nơi trên đất nước này, chẳng có nơi nào nghèo mà con người lại sống thơ mộng cho bằng những con người sống dọc dài trên cái dải đất miền Trung này. Và nhất là trẻ con, hầu hết đều hiếu học, lễ phép lạ lùng, kể cả những đứa trẻ chăn trâu mà tôi đã từng gặp ở trong làng Tiên Điền, nơi có ngôi mộ của thi hào Nguyễn Du. Tôi cũng muốn nói như Alan Paton:

Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!

Đà Lạt, 28-5-2016

Comments are closed.