KHI GIỚI TRẺ VIỆT CHỌN TRUYỆN NGÔN TÌNH… TRUNG QUỐC

Nguyễn Trọng Bình

Xu hướng lựa chọn truyện ngôn tình Trung Quốc mỗi khi vào nhà sách đang ngày một trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt hiện nay. Vấn đề này thời gian qua đã được một số người cảnh báo nhưng xem ra vẫn không ăn thua gì. Ở góc nhìn văn hóa, đây là hiện tượng xã hội đáng để cho những ai quan tâm đến vấn đề “xây dựng văn hóa và con người Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” suy ngẫm. Đặc biệt là với những người đang “cai quản” nền văn hóa nước nhà nếu thật sự có trách nhiệm không thể không đặt ra câu hỏi: tại sao truyện ngôn tình Trung Quốc lại hấp dẫn giới trẻ nước nhà đến vậy và đằng sau hiện tượng này là gì?

1. Phong trào “vui vẻ trẻ trung” nhằm cải thiện “văn hóa đọc” cho giới trẻ?

Trước năm 1945, trước sự bùng nổ của các phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc của người Việt, chính quyền thực dân Pháp một mặt ra tay đàn áp, mặt khác họ phát động, cổ vũ cho những phong trào văn hóa hướng vào đối tượng chủ yếu là tầng lớp thanh niên nam nữ. Những nhà yêu nước lúc bấy giờ gọi đây như “âm mưu” hay “thủ đoạn văn hóa”, “thủ đoạn chính trị” thâm độc của chính quyền thực dân nhằm mục đích “ru ngủ” và đánh lạc hướng sự quan tâm của giới trẻ thời ấy trước nỗi nhục mất nước.

Thật lòng tôi không dám nghĩ (hay chưa muốn nghĩ) vấn đề tự do “phủ sóng” truyện ngôn tình Trung Quốc cũng như xu hướng ưu tiên lựa chọn loại truyện này để “ngấu nghiến” của không ít người trẻ Việt hiện nay như cách các nhà yêu nước thế hệ 1930-1945 đã nghĩ. Tôi chỉ dám liên tưởng hiện tượng này với cách mà nhà văn Vũ Trọng Phụng thời ấy đã mỉa mai bằng cụm từ “vui vẻ trẻ trung” trong tiểu thuyết Số đỏ. Và tôi tạm gọi đây là phong trào “vui vẻ trẻ trung” của những người trẻ Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21! Vậy thì, phong trào“vui vẻ trẻ trung” này do ai “khởi xướng” và “bảo kê”? Tôi thử đưa ra cách lý giải như sau:

Theo tôi, phong trào “vui vẻ trẻ trung” này trước hết do một số “người lớn” – những người vốn rất “thừa” trách nhiệm trước thảm trạng ít đọc sách của người trẻ nghĩ ra. Thoạt tiên, họ nhận thấy lớp trẻ Việt Nam lười đọc sách hay không chịu đọc sách (có lẽ cũng là ít nhất thế giới) nên muốn cổ xúy nhằm xây dựng cái “văn hóa đọc” cho các bạn trẻ. Và trong xu hướng “mở cửa” để hội nhập, những người này thấy rằng lớp trẻ Việt không nên mãi “quẩn quanh trong tổ” [1] mà phải bước ra ngoài xem người ta đã và đang nghĩ gì (gần gũi hơn cả là xem người “anh em láng giềng” kề ngay bên cạnh). Thế là họ quyết định “mở rộng tầm nhìn” cho lớp trẻ Việt bằng cách không ngừng giới thiệu và cung cấp những quyển sách mà nội dung của nó đánh ngay đúng vào tâm lý chung của những người đang vào độ tuổi mới lớn: vấn đề tình yêu.

Từ đây những quyển sách có nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề này do chính các “nhà văn” ở Trung Quốc vắt óc nghĩ ra bắt đầu xâm nhập và ngày một thịnh hành ở Việt Nam. Tình trạng ít đọc sách, lười đọc sách của giới trẻ Việt nhờ vậy ít nhiều đã được cải thiện. Nhưng oái oăm thay tình trạng ít đọc, lười đọc tuy đã được cải thiện nhưng cái “văn hóa đọc” thì hoàn toàn ngược lại. Tức là không những không sáng sủa thêm ra mà còn có nguy cơ bị biến tướng, lệch lạc hơn. Bởi lẽ, ở phương diện nào đó đây phải chăng là “cái cớ” hợp lý nhất để một bộ phận những người trẻ Việt “thờ ơ” trước hiện tình đất nước với nhiều vấn đề “sôi sùng sục và nóng hôi hổi”.

Dĩ nhiên cũng không thể nói tất cả người trẻ ở Việt Nam hiện nay đều ưu tiên lựa chọn truyện ngôn tình Trung Quốc khi bước vào nhà sách. Và cũng không phải bạn trẻ nào sau khi đọc truyện ngôn tình Trung Quốc, đầu óc cũng trở nên mụ mị hay không thèm quan tâm gì đến hiện tình đất nước. Có những những bạn trẻ theo tôi biết sống rất có trách nhiệm (trước hết là với bản thân) qua việc tự tiêm cho mình liều “vắc-xin tâm hồn” để mỗi khi bước vào những tiệm sách họ có đủ tỉnh táo mà đưa ra quyết định lựa chọn.

Tuy vậy, điều tôi đang lo là những bạn trẻ dạng này vốn không nhiều. Hơn nữa, liệu họ có chống nổi cơn bão táp của một xã hội mà theo nhận định của nhiều người là “văn hóa và đạo đức đang “xuống cấp” rất trầm trọng”? Ngoài ra, một khi ai đó vì những khoản lợi nhuận béo bỡ mà cố tình “bày binh bố trận” để giăng bẫy giới trẻ bằng những câu chuyện tình đại loại như “Chờ anh ở kiếp sau”, “Yêu anh hơn cả tử thần”, “Phải lấy người như anh” hay “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ…” thì cho dù tỉnh táo đến mấy cũng có lúc nào đó họ bị chao đảo và mất cảnh giác.

Nhiều “người lớn” hay nói “tương lai đất nước đang nằm trong tay của thế hệ trẻ” thế nhưng, hãy tự hỏi tương lai nước Việt sẽ đi về đâu nếu như không ít người trẻ hiện nay chỉ biết vùi đầu trong những câu chuyện tình sướt mướt? Cá nhân tôi hoàn toàn không tin “hiền tài”“nguyên khí” của nước Việt được “nuôi dưỡng” và tỏa sáng từ những quyển sách “ba xu” này.

Vậy nên, xin ai đó đừng đánh tráo khái niệm “văn hóa đọc” với cái tỉ lệ người đọc sách nhiều hay ít. Thật ra, tỉ lệ người đọc chỉ là một phương diện rất nhỏ của vấn đề “văn hóa đọc” của một quốc gia nào đó mà thôi. “Văn hóa đọc” trước hết cần phải được nhìn nhận ở phương diện bản lĩnh của người đọc sách thể hiện qua năng lực phán đoán và lựa chọn loại sách có giá trị để đọc; qua sự “tiêu hóa” và tư duy phản biện, phản hồi lại những điều mà tác giả của những quyển sách đã viết ra. Đặc biệt nhất là qua thái độ ứng xử nhân văn, nhân ái trước những vấn đề của thực tiễn cuộc sống sau khi đã được tắm mình trong những quyển sách…

Đọc sách nhiều nhưng đầu óc và tâm hồn cằn cỗi, xơ cứng; đọc sách nhiều nhưng lại ứng xử với mọi người và cuộc sống quanh mình theo kiểu của “dân chợ búa”; đọc sách nhiều nhưng lại đi quảng bá và phổ biến loại sách “ba xu” cho người khác đọc thì chưa thể xem là người có “văn hóa đọc” được.

2. Sự mạt vận của nền văn học nước nhà hay cái “vòng kim cô” văn hóa không được sử dụng đúng lúc?

Quy luật của cuộc sống có “cung” ắt sẽ có “cầu” và ngược lại. Tuy nhiên, trước xu hướng ưu tiên lựa chọn truyện ngôn tình Trung Quốc của giới trẻ Việt đang ngày một gia tăng, theo tôi không thể không đặt ra câu hỏi: Văn học Việt Nam thật sự mạt vận rồi chăng khi mà đến mấy truyện ngôn tình nhảm nhí nhưng cũng phải đi “nhập khẩu” từ Trung Quốc? Thật đau lòng khi phải đặt ra câu hỏi này bên cạnh một câu hỏi thống thiết mà không một người viết văn chân chính nào ở Việt Nam không quan tâm: “Bao giờ Việt Nam có tác phẩm lớn” để có thể “ăn cái Nobel” như ước mơ cháy bỏng của nhà văn Nam Cao cách đây hơn nửa thế kỷ?

Đành rằng các nhà văn của ta hiện nay chưa tạo ra “tác phẩm lớn” cho những tay cá cược trên thế giới mỗi khi đến mùa công bố giải Nobel ở Thụy Điển trổ tài “đoán mò ăn tiền”. Nhưng chẳng lẽ viết truyện ngôn tình mang thương hiệu Việt nhằm giúp người trẻ trong nước giải cơn “khát” cũng không làm được? Hay là các nhà văn ở ta cũng dư sức làm việc này nhưng vì lòng tự trọng họ không cho phép mình tạo ra những tác phẩm “rẻ tiền” như thế?

Bằng tất cả sự chân thành và kính trọng các nhà văn chân chính, cá nhân tôi thiên về nhận định sau nhiều hơn. Tức là những nhà văn chân chính vì lòng tự trọng nghề nghiệp, họ hiểu mình tuy chưa thể viết ra “tác phẩm lớn” nhưng họ thà chấp nhận xếp bút “đi chỗ khác chơi” [2] chứ quyết không đánh đu hay “bẹo hình bẹo dạng” [2] với những con chữ xác xơ, rẻ tiền để rồi vô tình đầu độc tâm hồn thế hệ cháu con mình.

Nhìn ở phương diện này, lại thêm một câu hỏi nữa đặt ra: phải chăng sự “phủ sóng” dày đặt truyện ngôn tình Trung Quốc trên thị trường sách Việt hiện nay có nguyên nhân từ sự thờ ơ của “những người có trách nhiệm” trong việc quản lý văn hóa văn nghệ nước nhà nói chung? Vì lẽ, trong khi các nhà văn chân chính rất có ý thức về những thứ “rác tâm hồn” được nguy tạo bằng những câu chuyện tình “tào lao mía lao” thì những người quản lý văn hóa, văn nghệ nhìn chung ít khi để mắt tới? Tại sao không thấy ai nói gì khi những thứ rác rưởi này đang được tự do phổ biến, tự do phát tán tràn lan?

Tôi chợt liên tưởng vấn đề này với chuyện cái “vòng kim cô” trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân mà Quán Thế Âm Bồ Tát đã tặng cho Đường Tăng nhằm kiểm soát chú khỉ Tôn Ngộ Không mỗi khi chú có những biểu hiện cao ngạo, quá đà.

Nói cách khác, tôi muốn nói đến vấn đề liên quan những người đang sở hữu cái “vòng kim cô” mang tên văn hóa nghệ thuật ở xứ ta hiện nay. Tức là, những người đang nắm trong tay cái “vòng kim cô” này lẽ ra phải hiểu và có bản lĩnh để khi nào thì sử dụng khi nào thì không, chứ không phải lúc cần thì không thấy mang ra xài nhưng lúc không cần thì lại đem ra múa máy rất lung tung và tùy tiện. Nói cho cùng chính sự lung tung, tùy tiện này là một trong những nguyên nhân làm cho văn học nước nhà không những không có “tác phẩm lớn” mà còn làm cho những thứ “rác rưởi” núp bóng văn chương nghệ thuật được dịp lên ngôi.

3. Thay lời kết

“Văn học nghệ thuật là lương tâm của xã hội”. Người thưởng thức văn học là người đang tiến hành công việc khảo nghiệm và soi rọi lương tâm của chính mình trong cái xã hội ấy. Việc đa phần lớp trẻ Việt Nam hiện nay có xu hướng ưu tiên lựa chọn truyện ngôn tình Trung Quốc ít nhiều cho thấy cái “lương tâm” ở xã hội chúng ta đang “có vấn đề”. Bởi lẽ, một khi người ta quá chú tâm hay chỉ chú tâm vào một việc nào đó (vốn không đáng để chú tâm) cũng đồng nghĩa với việc bị phân tán hay không thèm quan tâm đến những sự việc khác (nhất là những việc liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc). Ở góc nhìn văn hóa, đây là điều rất nguy hiểm cần được nghiêm túc nhìn nhận.

Tuy vậy, cá nhân tôi cũng cho rằng, việc đa phần giới trẻ Việt có xu hướng lựa chọn truyện ngôn tình Trung Quốc để “thưởng thức”, trước hết lỗi này hoàn toàn không phải tại nơi họ. Tất cả là do “những người lớn” – những người đi trước đã không những không biết tự giác và gương mẫu mà còn chủ quan, thiếu tỉnh táo mà ra. Việc nghiện truyện ngôn tình Trung Quốc của giới trẻ hiện nay, ở phương diện nào đó cho thấy nỗi bất an và hoang mang của họ trước một xã hội đầy cạm bẫy và bất trắc – một cái không gian “bình yên giả tạo” và tạm bợ được ngụy tạo bằng những lớp phấn son lòe loẹt và nham nhở.

Từ sự việc này, thiết nghĩ đã đến lúc những người đang làm công tác quản lý văn hóa nước nhà không thể cứ ngồi trong phòng kín mà “hót những lời chim chóc mãi”; đã đến lúc phải kết thúc sứ mạng của những con vẹt chỉ biết học thuộc lòng từng câu từng chữ trong bản Nghị quyết về văn hóa của Đảng nhưng lại không đủ khả năng để nhận biết những nguy cơ làm cho văn hóa dân tộc trở nên lai căng, tạp nhạp và băng hoại.

Đã đến lúc phải thoát ra khỏi phòng kín để nhìn cho thật tường tận những vấn đề phát sinh ngoài xã hội để kịp thời điều tiết bằng những chính sách có… văn hóa và một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hãy bớt nêu khẩu hiệu và nhất là hãy bớt “lớn lối” khi phần đông dân chúng nước nhà vẫn còn đang trong tình trạng “ốm đói” về văn hóa” [3].

——————————–

Chú thích:

[1]: Tên một tác phẩm của nhà văn trẻ Phan An (cũng là tác giả của “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”).

[2]: Những chữ dùng của nhà văn Trang Thế Hy trong một truyện ngắn của ông.

[3]: Ý trong bài “Nhìn từ xa… Tổ quốc” của nhà hhơ Nguyễn Duy (Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói/ Vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn).

Nguồn tham khảo:

  1. “Sách sến Tàu ru ngủ giới trẻ Việt” – http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/96242/sach–sen-tau–ru-ngu-gioi-tre-viet-.html
  2. “Truyện ngôn tình Trung Quốc đầu đọc giới trẻ Việt” – http://tuoitrethudo.vn/giao-duc-cong-nghe/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/truyen-ngon-tinh-trung-quoc-%C4%91au-%C4%91oc-gioi-tre-viet-bai-1–8353-111.html
  3. “Giới trẻ Việt Nam “ngộ độc” truyện ngôn tình Trung Quốc” – http://laodong.com.vn/van-hoa/gioi-tre-viet-nam-ngo-doc-truyen-ngon-tinh-trung-quoc-215267.bld
  4. “Nhìn từ phố sách: Thị hiếu nửa mùa và văn hóa đọc ngớ ngẩn lên ngôi” – http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nhin-tu-pho-sach-thi-hieu-nua-mua-van-hoa-doc-ngo-ngan-len-ngoi-n20141003161100924.htm
  5. “Tuổi trẻ không phải cái cớ cho sự thờ ơ?” http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/201882/-tuoi-tre-khong-phai-cai-co-cho-su-tho-o-.html
  6. “Môn Ngữ văn trong trường phổ thông: thêm một lần đổi mới” – http://www.viet-studies.info/HuynhNhuPhuong_NguVanDoiMoi.htm

Cần Thơ, 15/10/2014

Nguyễn Trọng Bình

Comments are closed.