Khi phương tiện chính là thông điệp

Nguyễn Trương Quý

 

Những chiếc loa nên nhường chỗ cho các cách thức truyền đạt khác, mềm mại và nhân văn hơn

Có cả một dải âm thanh công cộng đã gắn với không gian đô thị Hà Nội. Ngay từ những năm 1930 của thế kỷ trước, người ta đã gắn còi tầm trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, nhà Tiền (nhà in Tiến Bộ), hú 6 lần/ngày báo giờ làm buổi sáng, nghỉ giữa ca, nghỉ trưa… Những chiếc còi này từng là còi báo động khi máy bay Đồng Minh vào khu vực Hà Nội và giai đoạn máy bay Mỹ ném bom sau này.

Chiếc loa cũng trở thành một kênh truyền tin và hơn thế là một thiết chế văn hóa trong xã hội, từ “Thăng Long ngày nao cờ khoe sắc phấp phới/Loa vang xa chiêng thu không tiếng bát ngát trong trống thành” (“Thăng Long hành khúc ca” – nhạc Văn Cao, năm 1944) đến “Tiếng loa đầu dốc lạnh/ Tin chiến trận miền xa” (“Việt Nam ơi” – thơ Lưu Quang Vũ, khoảng năm 1970). Loa từng là hiện thân của thời sự.

Hệ thống loa chằng chịt trên phố phường Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Hệ thống loa chằng chịt trên phố phường Hà Nội Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Cả một xã hội thời chiến cho đến thời bao cấp đã quen với loa. Loa là chỉ dấu của một xã hội phát triển ở mức thấp, không có những tiện nghi nghe nhìn cạnh tranh với thông tin phát thành một chiều. Sự mâu thuẫn và xung đột xảy ra khi xã hội có nhu cầu mở rộng dải âm thanh trên nhiều phương tiện truyền dẫn khác. Đặc biệt, khi sự ô nhiễm âm thanh ngày một tăng với tiếng ồn do các phương tiện giao thông, các công trình xây dựng tạo ra, chưa bàn đến nội dung phát ra, tiếng loa trở thành vật thể nổi bật nhất trong dàn tiếng ồn đó.

Đa phần thời lượng những chiếc loa phát thông tin nguội: các chỉ thị, nghị định hay chủ trương vốn đã được đăng tải trên các bảng tin ở trụ sở phường, thậm chí trên trang web của hệ thống giao dịch điện tử mà các cơ quan công quyền đã được đầu tư. Các tổ dân phố thường có những cuộc họp để phổ biến thông tin. Vì thế, những chiếc loa đang làm công việc khá lãng phí, nhất là thông tin không có gì hấp dẫn, như một loại sự vụ hành chính buồn tẻ nhất.

Những người duy trì loa phường chọn giờ cao điểm để phát, sáng sớm khi mọi người vội vã đi làm và tan tầm khi mệt mỏi với tình trạng ùn tắc giao thông, quả thực hoàn toàn không đếm xỉa đến hiệu quả chứ chưa nói đến ghi điểm âm về tương tác. Trong thời buổi người dân thành phố no nê và đòi hỏi ngày càng cao những sản phẩm giải trí nghe nhìn thì tiếng loa rọt rẹt với giọng đọc “cho xong việc” trở thành thứ cưỡng bức âm thanh tồi tệ.

Cho dù Hà Nội đã cải thiện chất lượng loa bằng hệ thống loa không dây hiện đại, bản chất lạc hậu của phương tiện vẫn không thay đổi.

Vấn đề chính là sự truyền thông một chiều của những cái loa. Nó hợp với thời tất cả xí nghiệp hay công xưởng nghe những bài hát đồng ca nhằm một mục đích chung, thời dải âm thanh đô thị “mono”. Khi xã hội có nhiều phương tiện kết nối phức tạp, nhất là thời mỗi cá thể không chỉ là nguồn thu mà còn là nguồn phát, những chiếc loa nên nhường chỗ cho những cách thức truyền đạt khác, mềm mại và nhân văn hơn. Thay vì cứ oang oang trên loa một cách vô hồn, đã có những người đại diện cư dân khu phố, các hệ thống tin nhắn, các trang mạng xã hội làm một cách đỡ ồn ào hơn nhiều.

Thế còn những người già, những người có vẻ như đã quen sống với loa cả thế kỷ qua? Chính hội của mẹ tôi cho dù có những cái loa treo ở đầu phố, vẫn có nhu cầu kết nối thông qua những buổi gặp gỡ để trao đổi thông tin. Và trong một chương trình ca nhạc dựng lại các bài hát một thời – những bài hát đã từng vang trên loa phóng thanh, mặc dù đưa ra nhiều lời chê “hát không hay như ngày xưa”, số phiếu bình chọn của phe lớn tuổi hóa ra thường nhiều hơn hẳn khán giả trẻ. Người lớn tuổi hóa ra thích nghi tốt hơn chúng ta tưởng, họ cũng có nhu cầu tìm nguồn thu – phát mới mẻ. Phương tiện chính là thông điệp. Vì thế, chọn phương tiện nào hợp xu thế thời đại là câu chuyện tất yếu.

 

Nguồn: http://nld.com.vn/dien-dan/khi-phuong-tien-chinh-la-thong-diep-20150919231748429.htm

Comments are closed.