Khi tượng hết thiêng

Lê Công Tư

 

Tôi sẽ không bao giờ quên được những cảm giác mà mình có được khi nhìn những tấm ảnh chụp những bức tượng của Lenin bị kéo đổ ở đâu đó bên cái xứ Nga xa xôi kia.

Có tượng cái đầu dập xuống nền gạch, có cái vẫn còn treo lơ lửng giữa trời với dây nhợ vẫn còn quấn quanh thân. Không khác chi tội đồ. Cái cảm giác còn lại chỉ là sự ê chề cùng cay đắng.

Lúc dập mặt xuống nền gạch Lenin có cảm thấy đau?

Trước 1975 trong nghĩa trang Quân đội ở Biên Hòa có một bức tượng Thương Tiếc. Người lính được chọn làm mẫu tượng là một anh lính Thủy Quân Lục chiến. Làm mẫu xong là đi qua Campuchia đánh nhau rồi chết ở bên đó. Truyền rẳng có những buổi chiều trời chạng vạng tối người dân sống quanh vùng nghĩa trang vẫn thường thấy một người lính rời khỏi tượng đi xuống phía gần xóm để tìm nước uống. Có thể, người lính này đã chết giữa một cơn khát. Chết rồi mà vẫn chưa qua một cơn khát, thì Lenin cũng phải thấy đau đớn ê chề khi cái đầu tượng dập măt xuống nền gạch.

Dễ dàng nhận ra Lenin chết đến hai lần. Một lần thân xác chết, và một lần thân tượng chết. Cái chết thứ hai xem ra là một cái chết đúng nghĩa nhất. Những làn ánh sáng nhằm vinh danh cho cái chết thứ nhất đã được nhận ra là ánh sáng giả. Với cái chết thứ hai, lịch sử đã trả lại một chỗ đứng đúng đắn cho con người này, từ những sự kiện được soi sáng sau một thời gian dài được đánh bóng, được sơn phết quanh thân những giá trị chưa bao giờ có thực, được che chắn bởi những quyền lực của một thời.

Cái thân tượng nào cũng thế. Khi ánh sáng, cho dù là ánh sáng giả, từ bỏ nó, những gì còn lại chỉ là một khối đất đá vô tri đứng dãi dầu giữa mưa cùng nắng. Đứng đó với một nỗi ngậm ngùi của một trò chơi dâu biển. Liệu Lenin có thể nghe ra được những gì giữa tan hoang cuộc khóc cười của điêu linh trần thế? Cũng nên biết là đã có khoảng 390 tượng đài của Lenin bị phá đổ trong khoảng hai năm (2013-2014 ) và con số này chưa là con số cuối. Cái điều khôi hài trớ trêu nhất, là muốn phá đổ tất cả những tượng đài còn lại của Lenin, phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Mà để thì chật đất và còn dơ mắt nữa. Tệ hại hơn thế nữa, người ta có thể biến rác thành phân, có thể tái sử dụng, còn với một tượng đài thì chịu chết. Nó trở thành một thứ gia sản, tài sản tệ mạt nhất trên cái cõi đời này.

Và khi một bức tượng bị đạp đổ, liệu có bao nhiêu quan chức còn nhớ lúc xây họ nói gì? “Đây chỉ là mơ ước, nguyện vọng của toàn dân”, “Đã là tình cảm của dân thì khộng thể nào cân đong đo đếm bằng tiền được”, v.v. Vô liêm sỉ đến thế là cùng.

Cái motip tượng của Việt Nam có thể làm nản lòng nhân loại. Nó nghèo nàn và đơn điệu đến độ loài người phải nghiêng mình. Có hơn chăng là hơn được Bắc Triều Tiên. Quanh đi quẩn lại, nếu không phải là tượng của Hồ Chí Minh thì là tượng của nông, không nông thì công, không công thì binh, vẫn chừng đó dáng đứng, kiểu ngồi, không cày thì cuốc, không cuốc thì súng. Nhìn tượng của Việt Nam với Bắc Triều Tiên dễ có cảm tưởng đó là những miền đất không có hoa, cỏ, bướm, chim, trẻ con, phụ nữ. Tất cả đều giản lược đến đơn điệu, vô cảm. Khó tìm đâu ra cái tinh tế của một vẻ đẹp nào đó được gởi gắm vào thân tượng. Ở miền Nam trước khi giải phóng, tượng rất ít, đếm trên đầu ngón tay, nhưng cái nào ra cái nấy, thanh thoát, nhẹ nhàng. Nếu chưa phải là một tác phẩm nghệ thuật thì hầu hết chúng đang trên con đường tìm tới đó. Chúng có mặt để được mọi người chiêm ngưỡng chứ không phải đê chiêm bái, và càng không phải làm để cho có.

Không khó để có thể nhận ra những đất nước có tượng đài nhiều nhất vẫn là những đất nước theo chế độ Cộng sản. Đứng đầu bảng phong thần này, có lẽ là Bắc Triều Tiên. Đây cũng là đất nước duy nhất trên mặt đất này không có tượng Phật, Chúa, tượng thằng nhỏ cầm con cu đái xuống hồ nước, tượng phụ nữ phơi vú, phơi mông, v.v. mà chỉ có tượng cha con Kim Nhật Thành, nghe đâu khoảng 34 ngàn tượng. Sự sùng bái lãnh tụ đến mức cuồng tín lẫn điên rồ. Một thứ tín ngưỡng chỉ có ở những nơi mà niềm tin được nuôi dưỡng bởi một thứ ánh sáng đui mù. Một thứ ánh sáng tù mù, dễ dàng được nhận ra ở dưới những căn hầm của tầng đầu địa ngục.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu như tất cả những công trình xây dựng ở Việt Nam đều bị người dân nối kết với tham nhũng. Xây dựng tượng đài cũng thế. Chẳng có gì an toàn cho bằng rút ruột tượng, thâu nhỏ kích thước tượng so với thiết kế ban đầu, v.v. Có một cái gì đó khá chua chát, dễ khiến cho ta có cảm tưởng rằng cái đám quạ, kên kên đang bắt đầu rúc rỉa tìm miếng ăn trên một xác chết đã khô máu.

Trước năm 1975 ở Đà Lạt cũng có tượng Dáng Xuân của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Tượng đặt ở công viên trước Thủy Tạ bên Hồ Xuân Hương. Mấy tháng, sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương cho rằng đây là sản phẩm của tiểu tư sản. Trong lúc cả nước đang thi đua sản xuất thì cô gái này cứ ngồi im một chỗ, nhìn mông lung ra hồ nước, chẳng chịu cày cuốc gì cả. Không chịu tham gia lao động, tượng bị kéo đổ. Khi nhìn lại ngần ấy năm lao động, đất nước như vẫn giậm chân tại chỗ, mới thấy thương cho cái cô Dáng Xuân này.

Có một câu chuyện của người Ấn Độ rất đáng được ghi lại nơi đây, thay cho lời kết.

Có một quả núi ở trên trời mà bất kỳ ai, chứng được đạo quả, sẽ được ghi tên mình trên một phiến đá ở núi. Đó là một quả núi to gấp bốn lần quả đất, núi Tu Di. Có một ông vua ao ước tên mình cũng được khắc vào một phiến đá trên dãy núi, để tên tuổi trở nên bất tử, là một với cõi vĩnh hằng. Cuối cùng ông cũng chứng được đạo quả. Khi tới cái cổng dưới chân núi thì người gác cổng trời nói với vị vua này là: Núi đã chật kín những tên tuổi rồi, nếu ngài muốn ghi tên ngài vào một phiến đá nào đó thì ngài phải xóa đi tên của một người nào đó. Ông đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi tự nhủ: “Có cái gì là bất tử đâu, không sớm thì muộn sẽ có một ai đó đến đây xóa tên mình đi, để ghi tên anh ta vào”. Nghĩ vậy, ông lui ngựa quay về.

Mãi đến hôm nay, mấy vạn năm rồi, chúng ta vẫn còn biết đến ông vua này vì, ông biết từ chối sự lưu danh bất tử. Nếu hôm đó, ông ta xóa tên một người nào đó rồi khắc tên mình vào thì hôm nay trong cái danh sách những người bất tử đó, chúng ta ta sẽ chẳng biết ông này là ông nào.

Đôi khi sự bất tử, kết bạn với thiên cổ, ngồi chung mâm với vĩnh cửu, cũng có nghĩa là không cần tượng đài, không bia mộ, không tên tuổi, danh tính gì cả. Như ông vua này chẳng hạn.

Đà Lạt, 14 -8 -2015

Comments are closed.