Lăng mộ và tượng đài

Võ Xuân Sơn

 

Võ Xuân Sơn

 

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

 

Cách đây khoảng mười năm, có một vị trí thức từ trần. Người ta làm theo nguyện vọng của ông, kêu gọi không viếng vòng hoa mà thay bằng tiền phúng điếu. Sau đó, người ta dùng số tiền đó làm từ thiện. Ba tôi rất thích cách làm này. Vài tháng sau, ba tôi mất đột ngột. Chúng tôi nhớ lại chuyện trước đây và đã làm đúng theo ý nguyện của ông.

Ba tôi sinh ra ở Quảng Trị, một tỉnh nghèo. Chúng tôi mang số tiền phúng viếng ba về xây dựng một trường mẫu giáo ở ngôi làng mà ba tôi được sinh ra. Khi về làng, mọi người thi nhau khoe họ này xây lăng, họ kia xây nhà mồ. Họ chỉ cho chúng tôi những nghĩa trang hoành tráng và có ý khuyên chúng tôi dành tiền để xây lăng mộ.

Chúng tôi vẫn quyết định xây trường học. Cũng khá là khó khăn, thậm chí có lúc chúng tôi đã định mang tiền xây trường học cho nơi khác. Nhưng cuối cùng thì ngôi trường cũng được xây lên. Sau đó, gia đình tôi quyết định cấp học bổng toàn thời gian học đại học cho tất cả các cháu trong họ thi đậu đại học. Chúng tôi rất mừng là cũng đã có một người khác chi tiền xây hàng rào cho trường học, và một vài khoản tiền được đóng góp cùng chúng tôi cho quỹ khuyến học dành cho các cháu phổ thông, mặc dù phần lớn số tiền đổ về quê vẫn chỉ là để xây lăng mộ, nhà thờ họ, cổng chào…

Chương trình kéo dài được 8 năm. Một trong những lý do ngưng chương trình là, trong khi chúng tôi muốn làm điều gì thiết thực cho quê hương còn nghèo khó của mình thì một số người lại chỉ muốn chúng tôi đãi bia, rượu.

Tôi sinh ra ở miền Bắc, ba tôi cũng rời khỏi quê từ năm 4 tuổi, nên hiểu biết của tôi về Quảng Trị không nhiều. 8 năm làm chương trình, tôi khám phá ra nhiều điều về quê mình. Ở đó có thánh địa La Vang. Nghe nói trên thế giới chỉ có hai nơi Đức Mẹ hiện hình. La Vang là một trong hai nơi đó. Hàng năm, có rất nhiều người trên thế giới hành hương đến đây. Nếu khéo sử dụng địa điểm quý hơn vàng cho du lịch có sẵn là Thánh địa La Vang với số lượng khách hành hương có thể lên tới hàng triệu người mỗi năm làm đòn bẩy, Quảng Trị có thể sẽ là một điểm nóng du lịch của thế giới, cho cả loại hình du lịch chiến tranh, du lịch di tích, lẫn du lịch phong cảnh.

Nhưng 8 năm trời, tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao rất ít người có thể thoát khỏi nghèo ở ngôi làng bé nhỏ quê tôi, trong khi những người đi khỏi làng đa số đều thành đạt, vậy mà họ vẫn chỉ muốn xây lăng mộ, xây cổng chào hoành tráng, mà không tập trung xây trường học, đầu tư cho tương lai?

Và bây giờ, tôi cũng thật sự không hiểu, tại sao nhiều tỉnh đang còn nghèo, nhiều người dân sống dưới mức nghèo khổ, bao nhiêu trẻ phải ăn cơm không có thịt, mà người ta lại có thể bỏ ra 1.400 tỷ đồng ở một tỉnh có một triệu dân với 27% hộ nghèo để xây tượng đài và quảng trường, cho dù tượng đài đó được đánh giá là “một thiết chế văn hoá đặc biệt quan trọng mang tính lịch sử, giáo dục, truyền thống và nhân văn sâu sắc, là di sản văn hoá vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lang-mo-va-tuong-dai-3259560.html

Comments are closed.