Lễ tưởng niệm đồng bào mất vì dịch COVID-19 (2)

Lê Học Lãnh Vân

Trên tấm pa-nô mời gọi tưởng niệm vào ngày 19/11/2021, đọc hàng chữ “LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO, CHIẾN SĨ HY SINH, TỬ VONG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19”, lòng nghe những nỗi niềm…

Nghĩa Tử là nghĩa tận. Chết là nỗi đau lớn nhất của đời người, vậy thì…

a) còn phân biệt chi Đồng Bào với Chiến Sĩ. Chiến Sĩ cũng là Đồng Bào, dùng chữ Đồng Bào thôi cũng đủ nghĩa, mà rõ tấm lòng thương xót ôm hết Đồng Bào…

b) còn phân biệt chi Hy Sinh với Tử Vong. Hy Sinh cũng là Tử Vong, dùng chữ Tử Vong thôi cũng đủ nghĩa, mà rõ tấm lòng Tưởng niệm tất cả những cái chết trong thảm nạn COVID-19.

Lại có ý rằng Hy Sinh khác với Chết thông thường. Cần vinh danh người Hy Sinh thân mình vì cộng đồng. Ý nghĩ đó có cơ sở, nhưng đây không phải là lễ Vinh Danh, đây là lễ Tưởng Niệm, Tưởng Niệm hàng chục ngàn người Chết trong cơn đau thương chung của cộng đồng. Lúc này mà còn phân biệt Chết và Hy Sinh có cho thấy trong quan điểm, trong tiềm thức thiếu lòng quảng đại không?

Lại có ý mấy trăm năm trước Nguyễn Du viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh cũng phân biệt văn thần, đại tướng, tiểu thư, con buôn, lính lệ, gái làng chơi…

Thực ra Nguyễn Du liệt kê tất cả những loại người khác nhau, liệt kê để rồi quy lại:

Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu

Ai cũng bình đẳng trong biển khổ của kiếp nhân sinh. Ai cũng bình đẳng trong buổi lập đàn giải thoát này!

Trong khi đó, dòng chữ “Lễ Tưởng Niệm Đồng Bào, Chiến Sĩ Hy Sinh, Tử Vong Trong Đại Dịch COVID-19” lại gây cho người đọc cảm nhận phân biệt. Tới hai sự Phân Biệt: phân biệt Chiến Sĩ với Đồng Bào; phân biệt Hy Sinh với Tử Vong! Không biết người viết có ý phân biệt không, nhưng sự phân biệt được cảm nhận bởi không ít người đọc tấm pa-nô.

Người viết bài này suy nghĩ rất đơn giản là nên bỏ tất cả những sự phân biệt đó cho buổi lễ Tưởng Niệm được nhân ái hơn, thấm đậm niềm thương tiếc của người sống hướng về tất cả người đã Mất. Người Mất đã gánh chịu tai hoạ cho người còn sống. Ý nghĩa của lễ Tưởng Niệm này lớn và thiêng liêng tới nỗi những phân biệt của đời thường trở nên vô nghĩa, kệch cỡm. Cho nên chỉ cần hàng chữ giản dị như thế này:

“LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO MẤT VÌ DỊCH COVID-19”

Hoặc một câu nào đó với ý nghĩa giản dị mà niềm thương tiếc sâu xa, chân thành.

Lại có người cho rằng phân tích như trên là chẻ sợi tóc làm tư. Có cần thế không? Cần chứ, có phải chẻ sợi tóc làm tám hay làm mười sáu cũng cần, cần đi sâu vào mức tinh tế để rà soát xem lòng ta đã thực trong sáng chưa hay còn điều gì vướng cợn. Ta thực lòng xót đau tất cả những cái chết, hay ta trọng cái chết này xem nhẹ cái chết kia? Ta xem tất cả công dân như nhau, hay ta xem trọng những người trong bộ máy của ta và xem nhẹ người khác? Ta thực lòng xem các thành phần trong xã hội như nhau hay ta cho rằng có một thành phần nào đó luôn đứng cao hơn những thành phần còn lại? Sự phân biệt hay sự bình đẳng giúp xã hội phát triển bền vững hơn?

Những phân tích sâu xa, tinh tế luôn giúp xã hội tiến lên thay vì giậm chân tại chỗ. Bài viết này tin vậy.

Ngày 18 tháng 11 năm 2021

Comments are closed.