Liệu có thể có được một nền văn học thuần túy giữa lòng một quê hương rời rã

Lê Công Tư

 

Sự phản kháng là dấu chỉ từ bỏ cái thân phận làm cừu, sai vặt, phải viết những thứ mà ngay cả bản thân cũng cảm thấy mình đang lừa bịp thiên hạ. Nó còn là dấu chỉ của những con người đã có thể đứng trên đôi chân của chính mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình. Không ai mà không biết sự thông minh chỉ xuất hiện khi ảo tưởng ra đi. Ảo tưởng càng vơi nhiều chừng nào thì sự thông minh lại càng đầy chừng đó. Và khi cái ảo tưởng cuối cùng ra đi, thì thực tại xuất hiện với tất cả vẻ rực rỡ của nó. Những thiên đường hão, những vận hội hão, những thế giới hão được sinh ra từ những giấc mộng không có đường chân trời, từ những tưởng tượng hụt hơi, được hoài thai từ những tử cung bầm máu – “những thiên đường mù”, nói theo cách của Dương Thu Hương.

Và như thế có nghĩa là chấp nhận dấn thân. Cái viễn tượng một chân trời đầy mây trắng thì còn xa. Trước mặt gần hơn, là thường xuyên bị hăm dọa, hù dọa, đe dọa tách khỏi một guồng máy mà anh ta đã ngán đến tận cổ, cùng một vài thứ quyền lợi vớ vẩn nào đó. Xa hơn nữa là trại giam. Đó là những cái giá phải trả từ đôi cánh của tự do.

Vực lại những giá trị nhân bản vốn có trong một con người, đánh động những phẩm tính cơ bản nhất có trong con người để xác chứng đó không phải là con vật giữa một đất nước có quá nhiều giá trị đang bị mài mòn. Chừng nào vẫn còn là con người, bất kể người đó là ai, đang làm gì, anh ta vẫn phải lưu trú, cư ngụ trong những phẩm tính chỉ có ở con người: biết ngượng ngùng, biết mắc cỡ, biết hổ thẹn; biết liêm sỉ, biết tự trọng, biết danh dự,… – nhắc cho anh ta nhớ anh ta là một con người. Thằng nào cũng chỉ ba bữa cơm một ngày, thằng nào cũng chỉ một ly café buổi sáng, thằng nào cũng chỉ ngủ trên một cái gường rộng 2m. Thằng nào cũng chỉ một lần sống, một lần chết. Thằng nào cũng chỉ một nấm mồ, thằng nào cũng biết là sẽ rời khỏi trần gian này với hai bàn tay trắng, y hệt lúc nó vào đời. Vậy thì tham ô móc ngoặc, ăn chặn, ăn bớt của dân nghèo làm chi?! Vực lại những giá trị nhân bản như thế là sứ mệnh của nhà văn, muốn hay không.

Có lẽ, khó có ai nói về sức mạnh của tư tưởng khéo cho bằng Nietzsche trong Zarathustra đã nói như thế: “Chính những lời âm trầm nhất lại dấy lên cơn bão. Những suy tư đến trên đôi chân bồ câu lại dẫn dắt thế giới”. Đây cũng là sức mạnh tiềm ẩn của văn học, kể cả văn học “thuần túy” lẫn văn học đối kháng. Nhưng sẽ không bao giờ có được một nền văn học “thuần túy” khi đồng loại vẫn còn là nạn nhân của những thứ tội ác giấu mặt.

Đà Lạt, 1-10-2015

Comments are closed.