Làm gì để quốc gia sáng tạo?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

(TBKTSG) – Chưa đầy một tuần nữa chúng ta sẽ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70. Không hẹn mà gặp, hai tuần trước, một cuộc tọa đàm với chủ đề “Sáng tạo và phát triển đất nước” đã được Ban Tuyên giáo trung ương và Đại học Quốc gia TPHCM đồng tổ chức.

Nhân Quốc khánh bàn chuyện quốc gia sáng tạo quả là thích hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn hiện nay và kinh tế Việt Nam càng thêm liêu xiêu vì nhập siêu từ Trung Quốc. Có diễn giả cho rằng cần phải đổi mới ngay lập tức công nghệ trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam. Người khác nhấn mạnh đến vai trò của nền kinh tế tri thức. Tựu trung các ý kiến tại tọa đàm thống nhất cần đẩy mạnh khoa học – công nghệ, một khâu còn rất yếu tại Việt Nam, nơi mà đầu tư cho phát minh khoa học – công nghệ chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước, vốn tự thân đã hết sức èo uột.

Mọi nhận định trên đều đúng. Nhân đây, cũng xin nhắc lại một thông tin đã từng làm xôn xao dư luận khi được công bố. Theo tổ chức phân tích độc lập HIS iSuppli, chi phí nhân công lắp ráp chỉ chiếm không đầy 4% giá thành sản xuất một chiếc điện thoại iPhone 5 loại thấp nhất (8 đô la/207 đô la) chưa kể tiếp thị, quảng cáo. Nếu so với giá bán thì còn tệ hơn nhiều, chỉ bằng 1,2% (8 đô la/649 đô la)!

Vì thế, những ai hồ hởi với 23 tỉ đô la Mỹ doanh số xuất khẩu điện thoại di động của Việt Nam năm ngoái hay hơn 17 tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay có lẽ cũng nên suy nghĩ lại. Không rõ phân tích tương tự về giá thành điện thoại di động xuất khẩu do Samsung sản xuất tại Việt Nam cụ thể như thế nào, nhưng e rằng những con số đó cũng không khác Apple là mấy. Dù bảy tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu điện thoại di động tăng đến gần 57% so với cùng kỳ, nhưng khi thấy rằng giá lắp ráp chỉ bằng vài phần trăm so với giá bán, có lẽ mới thấy chua chát cho phận gia công và thấm thía vai trò của khoa học – công nghệ.

Nhưng khoa học – kỹ thuật hay nền kinh tế tri thức không tự nhiên đến mà phải được đặt trên nền tảng của sáng tạo. Và không một quốc gia nào qua một đêm thức dậy bỗng trở nên sáng tạo. Đó phải là một quá trình lâu dài bền bỉ, đòi hỏi tạo dựng các môi trường thuận lợi cho sáng tạo.

Trong ngữ cảnh nói trên, đầu tư thích đáng cho khoa học – công nghệ là cần thiết. Nhưng không thể bỏ qua phần gốc của vấn đề. Đó là ươm mầm, hun đúc và bồi dưỡng tinh thần sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh. Hãy để các em được độc lập suy nghĩ, tự tin và tự tìm con đường trong các vấn đề học thuật cho mình thay vì bị gò bó bởi những khuôn mẫu cứng nhắc.

Nhiều người cũng đã từng nghe các giai thoại du học sinh Việt Nam kể về cách dạy và học ở các trường xứ người: trò được khuyến khích độc lập suy nghĩ; càng nghĩ độc đáo, khác thầy bao nhiêu càng tốt (dĩ nhiên phải đúng) bấy nhiêu. Còn chúng ta, hãy nghĩ lại xem chúng ta đang dạy con em mình như thế nào. Nhân nào thì quả đó, làm sao đòi hỏi các em sáng tạo cho được với cung cách dạy và học trói buộc sáng tạo hiện nay!

Đây cũng là một lời nhắc nhở chúng ta trước thềm Quốc khánh.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/134852/Lam-gi-de-quoc-gia-sang-tao.html

Comments are closed.