Làng tôi, nghèo trong xanh biếc

Luật sư Lê Luân

 

Về quê, với tôi, lần nào cũng là niềm vui và khơi dậy nhiều ký ức.

Ngày hôm qua, cũng là một ngày đặc biệt, và nó càng đặc biệt bởi những gì diễn ra trong nó. Và tôi thì thấy niềm vui cùng sự tin tưởng nhiều hơn trong từng mạch nghĩ sau khi rời làng quê trở lên thành phố.

Đứng trước ngôi nhà cổ kính, gắn bó suốt tuổi ấu thơ tôi, hôm qua đăng lên, có người nói, năm 1970 mà đã xây được một ngôi nhà như thế này thì “không phải là đơn giản một chút nào”.

Vâng, đúng thế, vì ít ra, dòng họ mười mấy đời nhà tôi là tầng lớp rất giàu có khi trước, và cũng đã cống hiến nhiều cho công cuộc cách mạng của nửa đầu thế kỷ 19. Chỉ là sau cải cách ruộng đất những năm 1950s mà trở thành tầng lớp “bần cố nông” mà thôi.

Thời thế thay đổi, con người cũng chìm nổi theo vòng xoáy thời cuộc, nhưng những gì là giá trị cốt lõi của dòng tộc chắc chắn sẽ không bao giờ thay đổi và sẽ hội tụ mà phát tiết ở một thời điểm nào đó.

Theo lá số tử vi, tôi may mắn có “phúc bội tinh”, tức có sự phù hộ và trợ giúp của các bậc tổ tiên, luôn được bảo vệ và che chở trong cuộc sống và trên mọi nẻo đường.

Quê hương, là chùm khế ngọt, là con diều biếc, nhưng quê hương mang nhiều khắc khoải, nuối tiếc, mỗi lần trở lại.

Làng tôi, cũng nhiều người đã chết vì ung thư, bệnh tật, phần nhiều do rượu chè be bét, và do cả sự ô nhiễm của thực phẩm trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Nhưng họ không biết điều đó tồn tại là do đâu. Họ âm thầm sống, cũng không thắc mắc hay lo lắng gì nhiều đến sức khỏe, tính mệnh của mình và cả an nguy của thế hệ con cháu nữa.

Ung thư, đã về đến làng, từ lâu, chứ không phải từ trên trời rơi xuống hay chỉ là sự đột biến bất thường ở đâu đâu mà có.

Con cái họ cũng đang bứt ra khỏi lũy tre làng từ nhiều năm nay để đi học hành lấy tri thức, đi làm ăn mà kiếm tiền, và không biết họ có hiểu, mọi sự thay đổi không phải là từ làng, mà là từ những người ra đi khỏi làng để tìm kiếm sự thay đổi đó không?

Họ có bao giờ nghĩ đến quyền được phản đối, được đòi hỏi một người, một tổ chức khác có trách nhiệm với thôn xóm, làng xã, với đất nước, mà nếu không làm được tốt thì có quyền yêu cầu họ từ chức không? Có khi nào họ mảy may nghĩ đến những quyền năng của mình sẽ được tôn trọng và được phát huy bởi chính bàn tay cũng như từ suy nghĩ của mình không?

Làng tôi, giờ ít người thôi, chủ yếu là người già ở nhà, chứ người trẻ thì đều đã thoát ly khỏi làng để đi tìm lợi ích, mưu cầu hạnh phúc.

Làng tôi, bên con sông Đuống êm đềm, nhưng vẫn còn những nỗi niềm chưa thể bứt thoát ra khỏi những hệ nếp cũ kỹ, cổ xưa.

Làng tôi, phía bên kia bờ của “Lá Diêu Bông” mà nhà thơ Hoàng Cầm đã khắc họa, phía bờ kia của những người chưa biết hết về bản thân và những quyền được sống tốt hơn của mình.

Làng tôi, có một chiếc ao tù xanh đục nước.

Làng tôi, thanh khiết, nhưng nghèo trong xanh biếc.

clip_image002

clip_image004

Nguồn: FB Lê Luân

Comments are closed.