Mất dân chủ = Mất nước

Trần Ngọc Cư

 

Hỡi lòng khờ dại của tôi ơi,

Tầm vóc dân mình chỉ thế thôi.

Mất nước thì thời nào chẳng mất,

Vấn đề là ai chúa, ai tôi.

 

Chủ có khi là một nước ngoài,

Có khi người bản địa lên ngôi –

Thậm chí “người mình” còn độc ác

Ngàn lần hơn mẫu quốc xa xôi.

 

 

Tôi thấy Sài Gòn đang nhớ nhung

Cái thời còn lệ thuộc Tây phương.

“Thực dân, đế quốc” thành thần tượng

Đối với người dân đã hết đường.

 

Nước tôi dân chủ được ngày nào?

Quanh quẩn hoài không hiểu tại sao

“Nước bốn ngàn năm không chịu lớn,”*

Và bây giờ chuốt lấy thương đau.

 

Người dân không được làm người chủ

Của đất nước là mất nước thôi.

Người chủ, huống hồ, là thái thú

Cam tâm phục vụ bọn “con trời”.

 

Tôi chỉ còn vài năm nữa thôi,

Trái tim nên tránh chuyện bồi hồi.

Những cơn bão dữ bên kia biển

Đến điểm xuyết chiều những cánh dơi.

 

*Trần Thị Lam, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” Nhà thơ Trần Thị Lam bằng giọng hiền lành của một cô giáo đã nêu lên những câu hỏi nhức nhối về Đất nước hiện nay, đánh động đến tận cùng phế phủ của đồng bào mình. “Nước bốn ngàn năm mà không chịu lớn” thực chất cũng chỉ vì trong suốt lịch sử dài ngun ngút, nước ta luôn luôn thiếu dân chủ, vì nhà cầm quyền xưa cũng như nay đều coi dân như là những đứa bé “còn bú mớm”, coi dân như “con đỏ”. Trong văn cảnh này, nếu ta lấy ngày 4 tháng Bảy 1776 làm ngày sinh của nước Mỹ, thì vào tuổi “tứ thập nhi lập” của nước này, Thomas Jefferson thản nhiên lên tiếng tranh luận: “Ngoài nhân dân ra, tôi không biết một nơi nào an toàn để ký thác những quyền lực tối thượng của xã hội; và nếu chúng ta nghĩ rằng nhân dân không đủ sáng suốt để thể hiện quyền kiểm soát của mình bằng sự suy xét khôn ngoan, phương thuốc điều trị không phải là tước đoạt quyền kiểm soát của người dân, mà là tạo khả năng suy xét của họ thông qua giáo dục.”

Comments are closed.