Đinh Hoàng Thắng
Bản gốc của tác giả gửi tới.
Sự vênh nhau về thể chế giữa hai nước vẫn còn là lực cản. Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô chống “diễn biến hòa bình”. Sức ép của Trung Quốc nhằm giảm thiểu xung lực quan hệ Việt-Mỹ cũng là yếu tố không thể coi thường. Hiện còn thiếu vắng một cộng đồng ASEAN thống nhất theo đúng nghĩa… Vì vậy, thay đổi não trạng vẫn là vấn đề mấu chốt từ nay, nếu cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ thực sự cho rằng một kỷ nguyên mới đang đón đợi tương lai quan hệ song phương đầy duyên nợ này.
Quốc gia đang bị xếp vào loại kém phát triển (LDC) như Việt Nam, chưa hẳn đã là hay khi thường xuyên phải xuất hiện trên các trang nhất báo chí và truyền thông quốc tế. Đặc biệt là xuất hiện trong tương quan giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nước lớn được cho là sẽ quyết định vận mệnh tương lai của khu vực và thế giới trong thế kỷ 21. Dù sao mặc lòng, sau 40 năm cấm vận, tin Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí để giúp Việt Nam bảo vệ biển đảo, vẫn đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ hai nước. Quyết định lịch sử này đã được Ngoại trưởng John Kerry thông báo với đồng nhiệm Phạm Bình Minh trong những ngày đầu tháng Mười vừa qua tại Washington DC. Nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ bán máy bay tuần tra trên biển loại P3 Orion từng được quân đội nước này sử dụng.
Cân bằng địa-chính trị
Tuy nhiên, P3 chưa hẳn là vũ khí vạn năng. Vấn đề mấu chốt hơn là đừng để sau khi mua máy bay do thám về, thần Kim Quy lại tái hiện và kêu lên rằng, giặc đang ở sau lưng nhà vua đấy! Bởi lẽ giữa ngoại xâm và nội xâm, hai thách thức ấy đều gay gắt như nhau. Tham nhũng, mất dân chủ, đời sống văn hóa-giáo dục-kinh tế xuống cấp… những đe dọa này ai dám nói ít nguy hiểm hơn các hành động ngang ngược và hiểm hóc của Trung Quốc trên biển đảo hiện nay? Quốc dân đồng bào trong/ngoài nước ngày càng bức xúc trước việc Bắc Kinh mở rộng đảo Gạc Ma lên 100 ngàn m2. Cùng với cái gọi là “khai hoang” các bãi đá Chữ Thập, Tư Nghĩa, Châu Viên, Gaven và Subi (thuộc quần đảo Trường Sa), Trung Quốc đã làm biến dạng các thực thể địa lý đáng ra là những đảo tiền tiêu của Việt Nam trên Biển Đông thành dãy hành lang trổ ra đại dương, tựa như một cụm các hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm của họ.
Trong bối cảnh ấy, tư duy và hành động một cách thấu đáo hơn để kiến tạo nên một sức mạnh mềm nhằm quy tụ các lực lượng cân bằng và đối trọng trong khu vực là điều cấp bách. Trước sự cạnh tranh gay gắt, hợp tác cầm chừng hay mở rộng bang giao trong quan hệ Trung-Mỹ vào thập niên tới, Việt Nam làm thế nào để giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo, vẫn là bài toán lưỡng nan, cho dù chúng ta có trong tay bất cứ vũ khí hiện đại nào. Về mặt này, hẳn nhiên một mình yếu tố địa-chính trị của Việt Nam chưa đủ. Sự vênh nhau về thể chế giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn là lực cản. Sức ép của Trung Quốc nhằm giảm thiểu xung lực trong quan hệ Việt-Mỹ cũng là yếu tố không thể coi thường. Mặt khác, hiện vẫn còn thiếu vắng một cộng đồng ASEAN thống nhất theo đúng nghĩa. Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hàn Quốc chưa hoàn thành xong quá trình định chế hóa chương trình hành động để đối phó với các thách thức liên khu vực.
Đa phần giới quan sát quốc tế dịp này đều công nhận, tuyên bố nới lỏng cấm vận đánh dấu một bước tiến lớn trong liên hệ quốc phòng hai nước theo thỏa thuận “đối tác toàn diện” ký kết năm 2013. Dấu hiệu tích cực này cho thấy sự tin cậy lẫn nhau mang tầm chiến lược giữa Washington và Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Sự kiện này không chỉ giúp tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng, mà cả quan hệ chính trị giữa hai đối tác đặc biệt. Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, dỡ bỏ “nhẹ” lệnh cấm bán vũ khí là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, giúp thúc đẩy các quan hệ hợp tác khác trong tương lai. Quan chức này cũng tiết lộ, Mỹ đã tăng ngân sách cho chương trình bán thiết bị quân sự nước ngoài (FMS). Chương trình này sẽ hỗ trợ Việt Nam mua sắm các thiết bị quốc phòng cần thiết.
Tuy nhiên, sự cân bằng giữa Việt Nam với các nước lớn chỉ có thể trở thành sức nặng trên bàn cờ địa-chính trị nếu “lòng tin chiến lược” của các bên từ nay vượt được lên trên làn ranh “ý thức hệ”. Sự vênh nhau về thể chế giữa hai nước vẫn còn là lực cản. Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”. Thay đổi não trạng, vì vậy, là vấn đề mấu chốt từ nay nếu cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ thực sự cho rằng một kỷ nguyên mới đang đón đợi tương lai mối quan hệ song phương đầy duyên nợ này. Hoa Kỳ, hơn một lần đã tuyên bố ở mức cao nhất (các đời Tổng thống Mỹ gần đây đều cam kết trực tiếp), tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trục chống phát xít Xô-Mỹ-Anh trước đây, mặt trận toàn cầu chống ISIS hiện nay (có tin Mỹ cũng đang vận động Trung Quốc tham gia) đã và đang là những giá trị làm nên mảng sáng trong lịch sử nhân loại.
Thỏa thuận Mỹ-Việt vừa công bố thật ra vượt ra ngoài khá xa câu chuyện vũ khí. Đây là câu chuyện vật đổi sao dời trong bang giao quốc tế ở khu vực và cả trên cấp độ toàn cầu. Cái dàn khoan 981 của Trung Quốc cắm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như cách hành xử bất chấp đạo lý và bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong, trước và cả sau “thời gian giàn khoan” làm thế giới phải giật mình. Các nhà chiến lược đang tập trung tìm câu trả lời: Trung Quốc muốn gì? Cái vạc dầu châu Á bị “hun” thêm như báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên Thái Bình Dương yên tĩnh. Thế nhưng chính vào lúc “dầu sôi lửa bỏng” này, từ EU đến Nhật Bản, từ Ấn Độ đến Hàn Quốc và Úc châu đều lại chìa bàn tay tin cậy cho Việt Nam. Câu hỏi “Tại sao Việt Nam” một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của nhân loại? (“Why Vietnam?” là hồi ký về chiến tranh Việt Nam).
Di sản như một minh triết
Cách đây hơn 150 năm, chủ yếu bằng ngoại giao, vua Tự Đức cũng đã kiên trì nổ lực nhằm cứu vãn chủ quyền đất nước, nhưng không thành công. Trong Luận văn tiến sĩ của Yoshiharu Tsuboi, giảng viên Đại học Tokyo đã đúc kết bốn nguyên nhân khiến Việt Nam lúc bấy giờ không đương đầu nổi với các áp đảo hung hãn từ bên ngoài. Lý do đầu tiên là lòng dân, yếu tố quan trọng nhất quy tụ mọi lực lượng quốc gia, bị ly tán. Những lý do kế tiếp là sự yếu kém về kinh tế, sự tụt hậu về chính trị và cuối cùng là gánh nặng về di sản. Cả bốn yếu tố này đã hủy hoại sức đề kháng của đất nước, khiến cho thế quân bình với hai cường quốc lúc bầy giờ là Pháp và Trung Hoa bị sụp đổ. Thay vì vượt qua được cơn nguy khốn, hoạt động ngoại giao của chính quyền (vừa cầu hòa với Pháp, vừa triều cống Trung Hoa) đã dẫn đến các xung đột mà chiến trường lại diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam[2].
Dường như có một số điều nào đó từ các nguyên nhân “gốc rễ” kể trên mà tận cho đến ngày hôm nay chúng ta vẫn còn vướng bận chưa giã từ được dĩ vãng[3]. Giờ đây, nếu nhìn Việt Nam không như một thực thể chính trị, mà xét từ một góc độ khác – mổ sẻ sâu hơn vào cái bản thể xã hội – nhìn thấu cái “tạng” của quốc gia-dân tộc mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thành bại trong việc đối phó với các thách thức “định mệnh” tới đây vẫn nằm sâu trong bản sắc văn hóa. Vua Tự Đức và các lão tướng thời ấy đã bị đánh gục không phương cứu chữa là do tất cả đều bị cầm tù bởi cái ý thức hệ và nền văn hóa chính trị quá lạc lõng. Và kết cục là Việt Nam đã tụt hậu hơn đối thủ cả một thời đại. Không thua mới là chuyện lạ và có thể coi các bậc tiên tổ từng chiến bại ấy chính là “những anh hùng lạc thời đại”(từ của Nguyên Ngọc).
Từ di sản quá khứ, cái “minh triết bảo thân” đang thúc đẩy chúng ta phải gấp rút tiến lên cùng thời đại. Thật là quá bất cập nếu quản trị đất nước bằng tư duy của các thế kỷ trước. Khó có thể phát huy hiệu quả các loại quan hệ, dù là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện” với cộng đồng quốc tế nếu bản thân quốc gia lại theo đuổi một pe-rơ-đam[4] lạc lõng. Thật khó thuyết phục, khi trong bang giao, chúng ta kêu gọi áp dụng các quy chuẩn của pháp quyền như viện dẫn Hiến chương LHQ, Luật UNCLOS hay COC… nhưng lại chưa thật sự chú ý ưu tiên các giá trị phổ quát ấy trong nội trị hay trong đàm phán các hiệp định quốc tế như WTO hay TPP. Thế kỷ 21 này là thế kỷ của tự do và sáng tạo. Mọi lý thuyết và mô hình, kể cả những thứ đã làm nên phép lạ ở các nước Nhật Bản, Tây Âu hay Hoa Kỳ cũng đều đang được điều chỉnh lại và tái cấu trúc.
Ngoại trưởng John Kerry trong buổi gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, đã ca ngợi Việt Nam ngày nay là một đất nước hiện đại. Tuy nhiên, là người trong cuộc, chúng ta hiểu hơn ai hết, khoảng cách giữa một Việt Nam còn phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức kép và một Việt Nam đàng hoàng, thịnh vượng trong tương lai. Trước đây phần tư thế kỷ, nhà thơ Nguyễn Duy từng viết, sau lưng chúng ta là những kỷ niệm bi tráng, trước mặt chúng ta là con đường gập ghềnh. Vậy mà bao nhiêu trái tim ấy vẫn nhiễm bệnh “đập cầm chừng”? Bao nhiêu khối óc ấy vẫn mắc chứng “khối u tự mãn”? Chúng ta hãy mau chóng hành động khẩn trương, đừng ngồi yên ca mãi khúc nguyện cầu “đánh thức tiềm lực!” Đừng lặp lại lịch sử để rồi bị coi là “những anh hùng lạc thời đại”, càng không thể để láng giềng phương Bắc gọi chúng ta là “những đứa con hoang đàng”./.
—–
Ghi chú:
[1] Tác giả đề xuất dùng pe-rơ-đam như một từ vay mượn, vì không nên và không thể chuyển ngữ “paradigm” /´pærə¸daim / thành “mô hình”, “hình mẫu”, “thế giới quan”, “hệ biến hóa”, “niệm giới”… và còn có thể liệt kê thêm nhiều nghĩa khác nữa.
[2] Yoshiharu Tsuboi: “Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” 1847 – 1885, NXB Tri thức, năm 2011, tr. 376- 383
[3] Yoshiharu Truboi, sđd, tr. 414-416
[4] Tác giả đề xuất dùng pe-rơ-đam như một từ vay mượn, vì không nên và không thể chuyển ngữ “paradigm” /´pærə¸daim / thành “mô hình”, “hình mẫu”, “thế giới quan”, “hệ biến hóa”, “niệm giới”… và còn có thể liệt kê thêm nhiều nghĩa khác nữa.
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2014/10/07/3017-mot-cai-nhin-khac-ve-quan-he-viet-my/#more-140660