Một ngôi trường đại học sạch và giỏi

(Diễn văn Khai giảng Lớp Đại học Báo chí khóa 7 (2017-2020)

PGS.TS Ngô Văn Giá

“Một môi trường Đại học sạch là nơi không cho phép sự trục lợi, làm tiền, càng không cho phép gây áp lực có tính đe dọa hoặc làm tổn thương tới học trò. Một môi trường Đại học sạch là môi trường mà tất cả từ cán bộ, giảng viên, tới nhân viên phục vụ đều có khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên học tập và sáng tạo, nghiên cứu và cống hiến… Mục tiêu tổng quát của giáo dục đại học là tạo ra những con người tự do, biết chủ động lựa chọn, theo đuổi, sáng tạo và cống hiến trên một tinh thần nhân văn cao quý. Con người tự do ngược lại với tinh thần nô lệ, bị lệ thuộc quá mức vào vật chất tiêu dùng, vào phương tiện thông tin, thế giới ảo, nô lệ vào những định kiến chật hẹp, những tín điều cũ kỹ, những thứ cản trở sự tiến bộ và khai phóng”.

Những lời này trong bài diễn văn khai giảng lớp đại học báo chí của nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngô Văn Giá thể hiện tinh thần cốt lõi của công cuộc cải tổ giáo dục đại học và cải tổ toàn bộ nền giáo dục đang cần xác định rõ triết lý, mục tiêu trước khi bàn đến những chi tiết như chính sách, tổ chức, chương trình, sách giáo khoa…

Văn Việt


21949890_760717830780546_4186175264861368313_o

Các em sinh viên Báo chí K7 yêu quý!

Thay mặt cho Khoa Viết văn-Báo chí, tôi bày tỏ niềm vui và lòng cảm ơn đối với các em, vì các em đã có mặt ở ngôi trường này, có mặt ở đây, hôm nay.

Tôi biết có những em lựa chọn ngay từ đầu, chủ động đăng ký vào Khoa VV-BC. Song cũng có những em với nhiều thận trọng cần thiết, và cũng có khi là những thăng trầm muôn nỗi, cuối cùng cũng đăng ký theo học nơi đây. Không sao, vấn đề cuối cùng là chúng ta đã đang ngồi đây, bên bạn, bên thầy, trong một cơ ngơi Đại học khang trang, đẹp đẽ, với nhiều vầng hoa muôn màu rực rỡ, những bóng cây xanh mướt, những tiểu cảnh xinh xắn dễ thương.

Các em vào đây cần những điều gì?

Vâng, tôi đặt mình vào vị thế của các em, tôi hiểu, các em cần, và đòi hỏi một cách chính đáng về một môi trường Đại học sạch và giỏi, hay nói chữ nghĩa một chút là lương thiện và trí tuệ.

Vẫn tại nơi đây, vị Giáo sư đáng kính, tiền nhiệm của tôi, Chủ nhiệm khoa Viết văn đầu tiên (sau là Trường Viết văn Nguyễn Du, và bây giờ là Khoa VV-BC), GS Hoàng Ngọc Hiến có nói rằng: Đại học là gì? Đại học là nơi mà các sinh viên đến đây được học những người thầy giỏi nhất…Thật là một đòi hỏi cao và tràn đầy niềm kiêu hãnh của một vị trí thức chân chính, một người thầy đáng kính. Nhìn lại chặng đường Khoa Viết văn đầu tiên, sau đó là Trường Viết văn Nguyễn Du, quả thực cái cam kết tự nguyện đó của thầy Hoàng Ngọc Hiến về cơ bản đã được thực hiện.

Sau này, khi về đảm nhiệm Trưởng Khoa VV-BC, tôi và các đồng nghiệp của tôi luôn noi theo tinh thần ấy của thầy, cố gắng tự lực ở mức cao nhất để trở thành người thầy giỏi, và nhất là mời được những nhà khoa học, các nhà văn, nhà báo thuộc vào hàng giỏi của đất nước trong lĩnh vực KHXH và NV, trong ngành văn chương và báo chí đến giảng dạy, truyền nghề. Tuy nhiên cái ước nguyện cao quý và nỗ lực đó không phải lúc nào và tất cả đều được như ý. Nhưng đó là tinh thần xuyên suốt của Khoa VV-BC, trước đây, hiện giờ và mãi mãi.

Cũng đã nhiều năm nay, tôi và các đồng nghiệp của tôi cam kết cùng nhau vun đắp một môi trường sạch về đạo lý, về tư cách làm thầy, làm nghề. Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, bản thân mỗi người làm nghề chữ nghĩa, lại đi dạy học trò làm nghề viết văn làm báo, vậy nhân danh những gì để theo đuổi nghề này, nhân danh những gì để cất tiếng nói lên sự công chính và tử tế ở đời, để ngợi ca những điều cao quý, để phản ứng những xấu xa, ngang trái, bất công? Vì thế, phải luôn biết trau dồi thiên lương, sự ngay thẳng, nghĩa khí mới có đủ tư cách làm nghề chữ nghĩa. Anh có thể lay thức được cho ai những điều cao quý khi mà chính trong anh thiếu hụt hoặc thấp kém.

Một môi trường Đại học sạch là nơi không cho phép sự trục lợi, làm tiền, càng không cho phép gây áp lực có tính đe dọa hoặc làm tổn thương tới học trò. Một môi trường Đại học sạch là môi trường mà tất cả từ cán bộ, giảng viên, tới nhân viên phục vụ đều có khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên học tập và sáng tạo, nghiên cứu và cống hiến.

Để kiến tạo một môi trường sạch và giỏi không thể chỉ có cố gắng từ một phía là các thầy cô, mà còn là, và rất quan trọng là từ phía các sinh viên. Không có sự trau dồi thường xuyên về nhân cách, về trí tuệ, về tình yêu lao động và sáng tạo; không có một sự hợp tác thân thiện và chính đáng từ phía các trò, sẽ không bao giờ tạo ra được một ngôi trường Đại học sạch và giỏi, tài năng và lương thiện.

Vì là đào tạo các ngành Viết văn và Báo chí, nên cùng với học tập tri thức, các sinh viên rất cần học nghề, rất cần lao động và sáng tạo. Bốn năm đại học, không viết nổi một bài báo, không dựng được một video clip/biểu bảng, sơ đồ, infographic; không tạo lập được một tác phẩm báo chí đa phương tiện trên Smartphone, không điều hành nổi một Tọa đàm, một Bàn tròn về một chủ đề nào đó cho bài bản, hấp dẫn… sẽ bị coi là thất bại.

Để được như vậy, phải chịu khó học, thảo luận, rèn kỹ năng làm việc nhóm, chịu khó đọc sách; phải biết sử dụng máy tính, smartphone có kiểm soát và hiệu quả, tránh trở thành con nghiện của Facebook và các trang mạng xã hội, nhất là phải giỏi ngoại ngữ…Đòi hỏi các em sinh viên như thế liệu có cao quá không? Xin thưa, không! Chúng ta phải học những điều này ngay từ đầu, có nhiều điều phải học lại, học tiếp, có những điều phải học suốt đời. Chúng tôi mong các em lớn lên từng ngày về trí tuệ, về nhân cách, cả về thể chất (không có sức khỏe thì tác nghiệp báo chí truyền thông làm sao được!).

Trong công cuộc dạy và học này tất cả thầy trò chúng ta lại được tiếp sức ân cần và đầy trách nhiệm của các bậc phụ huynh, những người đang ngồi dưới hội trường, vậy thì sự theo đuổi của tất cả chúng ta về một ngôi trường sạch và giỏi không có lý do gì phải nản chí.

Mục tiêu tổng quát của giáo dục đại học là tạo ra những con người tự do, biết chủ động lựa chọn, theo đuổi, sáng tạo và cống hiến trên một tinh thần nhân văn cao quý. Con người tự do ngược lại với tinh thần nô lệ, bị lệ thuộc quá mức vào vật chất tiêu dùng, vào phương tiện thông tin, thế giới ảo, nô lệ vào những định kiến chật hẹp, những tín điều cũ kỹ, những thứ cản trở sự tiến bộ và khai phóng.

Một tinh thần Đại học như vừa nói ở trên, được hiểu như một vẫy gọi, một cam kết giữa tất cả thầy trò chúng ta.

Vì một Ngôi trường Đại học SẠCH và GIỎI, LƯƠNG THIỆN VÀ TRÍ TUỆ!

Trân trọng cảm ơn!

VG

Ảnh: Khoa Viết Văn-Báo Chí trường Đại học Văn hóa

Comments are closed.