Một nhà bất đồng chính kiến bị bỏ tù ở Việt Nam chia sẻ thông điệp của cô: Đừng trả tự do cho tôi, hãy trả tự do cho đất nước tôi

Xã luận báo The Washington Post, ngày 9/10/2020

Bản dịch của Văn Việt

clip_image002

Một công nhân treo tấm áp phích kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 trên cột điện ở Hà Nội vào ngày 27/1/2015. (Hoàng Đình Nam/ AFP/ Getty Images)

“NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ…”, Phạm Đoan Trang đã viết ở đầu bức thư cô gửi cho một người bạn, một nhà bất đồng chính kiến, nhờ bảo quản an toàn vào năm ngoái. Nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất Việt Nam đã đoán trước được việc mình bị bắt giữ, hồi hôm thứ Ba, vì bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Bức thư của cô đã được công bố, chứa đựng sức hấp dẫn đáng kể.

“Không ai mong muốn phải ngồi tù”, cô viết, “nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù”.

“Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam.”

Cô kêu gọi mọi người không vận động để trả tự do cho cô, mà thay vào đó tìm kiếm các cải cách dân chủ, bao gồm bầu cử tự do và công bằng cho Quốc hội, cũng như tập trung vào các bài viết và sách của cô về các quyền chính trị, với các tiêu đề như "Chính trị Bình dân”, ”Politics of a Police State", “Chúng ta làm báo”, “Cẩm nang nuôi tù” và những cuốn khác. Nếu bị nhà chức trách thẩm vấn, cô thề rằng cô “sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng”, nhưng “tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam”.

Cô cũng viết: "Xin chăm sóc mẹ tôi giùm".

Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là vụ bắt giữ mới nhất và là một trong những vụ bắt người trắng trợn nhất trong các hoạt động kéo dài của Việt Nam nhằm xóa bỏ quyền tự do ngôn luận và bất đồng chính kiến, bao gồm vụ bắt giữ các blogger và nhà báo độc lập. Đàn áp dường như đang gia tăng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần, dự kiến vào tháng Giêng. Trang đang bị giam giữ mà không được hưởng bất kì quyền lợi gì, một thông lệ phổ biến trong những trường hợp như vậy. Theo điều 117 của bộ luật hình sự Việt Nam, Trang và những người khác bị buộc tội, có khả năng chịu 20 năm tù. Cô nói với Đài Á Châu Tự do vào tháng 5, “Tự do luôn bị hạn chế, nhưng ngày nay nó có vẻ bị thu hẹp hơn và ngày càng có nhiều bạo lực. Từ nay đến đại hội đảng, phạm vi tự do có thể ngày càng bị siết chặt hơn, và đàn áp sẽ gia tăng”.

Vụ bắt giữ Trang diễn ra chỉ vài giờ sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam kết thúc Đối thoại Nhân quyền Việt Nam-Hoa Kỳ thường niên lần thứ 24, một cuộc họp trực tuyến kéo dài ba giờ mà Bộ Ngoại giao cho biết “đã giải quyết một loạt các vấn đề nhân quyền”. Việc Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng nhất ở nước này ngay sau cuộc họp nói lên nhiều điều về vị thế ngày càng giảm sút của Hoa Kỳ trên thế giới dưới thời Tổng thống Trump, người đã nhiều lần phớt lờ những vi phạm nhân quyền khi kết thân với những kẻ chuyên quyền trên thế giới.

Trong lá thư của mình, Trang nhắc lại việc Việt Nam bỏ tù những người bất đồng chính kiến, sau đó thả họ với điều kiện trục xuất ngay lập tức, như với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger có tên Mẹ Nấm, người đã được thả khỏi nhà tù Việt Nam và bị trục xuất sang Hoa Kỳ vào năm 2018. Trang từ chối số phận đó. “Tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang””, cô viết, nhưng tập trung nhiều hơn vào việc đẩy mạnh vụ án của cô gắn với “bầu cử tự do và công bằng”. Đây là những lời của một nhà đấu tranh quên mình và can đảm cho nền dân chủ.

Comments are closed.