Một vài khía cạnh trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tâm thức một người cầm bút xứ Huế

clip_image002

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (thứ 6 từ bên trái) giới thiệu Cựu hoàng Bảo Đại (thứ 7), nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (thứ 5), nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (thứ 4) với Quốc hội năm 1946. Ảnh tư liệu của báo Xưa & Nay.

 

Nhân sinh nhật lần thứ 125 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Từ Quốc Hoài và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

1. Từ Quốc Hoài: Là nhà nghiên cứu đã dành nhiều công sức tìm hiểu về Hồ Chí Minh, ông đánh giá thế nào vai trò của Hồ Chí Minh trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc?

Nguyễn Đắc Xuân: Thưa ông, tôi là người nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa. Tôi chỉ nghiên cứu những nhân vật lịch sử văn hóa mà cuộc đời của họ đã có một thời sống và hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên quê hương Huế của tôi (như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký ở miền Nam, Nguyễn Trọng Hợp, Cao Bá Quát ở miên Bắc, Đào Tấn, Trương Quốc Dụng ở miền Trung, v.v.). Tôi đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế. Còn cuộc đời hoạt động cách mạng chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi cũng chỉ biết thông tin qua sách báo như ông, như nhiều người cầm bút bình thường khác mà thôi. Và theo sự hiểu biết riêng và chung của tôi thì đất nước ta mất từ sau ngày Thất thủ Kinh đô, vua Hàm Nghi phải xuất bôn kháng chiến (7-1885), trải qua các Phong trào yêu nước Cần Vương, Văn Thân… với tên tuổi của Trương Định, Nguyễn Trung Trực (miền Nam); Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng,… (miền Trung), đến Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Ngọc Bích (miền Bắc), với các tổ chức Quang Phục hội, Khởi nghĩa Duy Tân (1916), Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng), Cách mạng Tháng 8/1945, kháng chiến chống Pháp (1947), kháng chiến chống Mỹ (1960).

Sau 90 năm, lúc công khai, lúc bí mật, lúc tranh thủ độc lập (8/1945), lúc hòa, lúc chiến và cuối cùng đất nước đã được giải phóng, độc lập, thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ học trò của Người đã lãnh đạo nhân dân đạt được thành quả lịch sử này. Ông Đỗ Mậu – một vị tướng của Quân đội VNCH, một thành viên chủ chốt trong cuộc đảo chính 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, trước khi qua đời ở Hoa Kỳ trong Tâm thư của mình, đã đánh giá thành quả thống nhất đất nước năm 1975 có giá trị lịch sử như Lê Lợi chiến thắng giặc Minh (1428), Quang Trung chiến thắng quân Thanh (1789) vậy. Tôi rất tán thành nhận định này của ông Đỗ.

clip_image002

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (trái) và nhà văn Từ Quốc Hoài (phải)

2. Từ Quốc Hoài: Sau ngày thống nhất đất nước, tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Hồ Chí Minh ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam?

Nguyễn Đắc Xuân: Theo tôi, tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất từ năm 1969, nhưng ngọn cờ Độc lập, Tự do mà Người là linh hồn vẫn tiếp tục cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Nhưng qua năm 1976, Đại hội lần thứ IV của Đảng, những gì Hồ Chí Minh đặt ra trước đó đã cơ bản thay đổi. Đảng Lao Động đổi thành Đảng Cộng sản, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Sau năm 1976, Hồ Chí Minh được tôn lên làm một biểu tượng để cho những người có thế lực núp sau đó thực hiện những ý đồ riêng của mình. Thế thôi.

3.Từ Quốc Hoài: Xin ông cho một dẫn chứng rằng những người lãnh đạo chủ chốt sau 1976 đã không thực hiện chủ trương đường lối của Hồ Chí Minh?

Nguyễn Đắc Xuân: Ví dụ như tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Lúc Người lãnh đạo, trong Chính phủ có nhiều trí thức ngoài Đảng như các ông Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, trong Quốc hội có nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, nhà văn Nguyễn Tường Tam, có cả ông vua vừa thoái vị Bảo Đại, trong Mặt trận có các vị như Luật sư Trịnh Đình Thảo, có bà Nguyễn Đình Chi, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, v.v. Về tổ chức chính trị có các đảng Dân chủ, đảng Xã hội, v.v. Từ sau khi Đảng Cộng sản lãnh đạo đất nước (1976) chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh chỉ còn là một khẩu hiệu, có khi được sử dụng như một thủ đoạn tập hợp dân chúng mà thôi, các đảng chính trị đã có quá trình đóng góp với Cách mạng bị giải tán. Vì thế nhiều trí thức đã có quá trình gắn bó với Cách mạng biết mình không sớm thì muộn rồi cũng bị “vắt chanh bỏ vỏ” nên đã tìm cách rút lui. Khối đại đoàn kết dân tộc đưa đến thắng lợi thống nhất đất nước đã âm thầm biến mất.

4.Từ Quốc Hoài: Theo ông, Hồ Chí Minh đã chọn những con đường nào trong cuộc đời cách mạng của mình? Và những con đường đó có làm thay đổi mục đích cuối cùng của Hồ Chí Minh hay không?

Nguyễn Đắc Xuân: Theo nghiên cứu của tôi, trải qua các phong trào “cắt tóc ngắn”, Phong trào chống thuế những năm 1907, 1908 ở Huế… cậu học sinh Nguyễn Sinh Cung (sau nầy là Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở trường Tiểu học Đông Ba và trường Quốc Học Huế đã hình thành tư tưởng yêu nước. Từ năm 1909 Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Bình Định, tiếp tục học tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch) rồi sau đó vào trường Dục Thanh (Phan Thiết) để làm giấy thông hành với tên mới Văn Ba, và cuối cùng vào Sài Gòn tìm cách xuất dương sang Pháp. Như sách sử đã viết “Từ thành phố này Người đã ra đi” (qua Pháp) tìm đường cứu nước. Từ đó Người đã dò dẫm dấn thân thử thách qua nhiều hoàn cảnh. Trước tiên Người viết đơn xin vào học trường Thuộc Địa của Pháp – học Pháp để trang bị cho mình sự hiểu biết với mong muốn giúp dân theo con dường Phan Châu Trinh. Nhưng đơn của Người không được Trường chấp thuận vì đã từng cùng đồng bào miền Trung tham gia đấu tranh chống sưu thuế. Sau đó Người đã đi qua nhiều nước Âu, Mỹ, vừa làm việc để kiếm sống vừa tự học tìm đường cứu nước. Sau gần mười năm khát khao tìm đường với tên gọi Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc, năm 1919 Người tham gia Đảng Xã hội Pháp. Người đã vui mừng bắt gặp được một tổ chức đấu tranh thực hiện lý tưởng Tự do, Bình bẳng, Bác ái của Cách mạng 1789 ở Pháp mà Người đã từng thấy kẻ trên tường trường Tiểu học Đông Ba ở Huế (1907). Nhưng Đảng Xã hội Pháp không nói gì đến việc giải phóng các dân tộc thuộc địa nên Người lại tiếp tục tìm và cuối cùng Người được đọc Bản sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Người coi đây là cái cẩm nang giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Người gia nhập Đảng Cộng sản. Nhưng đầu óc, tư tưởng của người Đảng viên Cộng sản Nguyễn Ái Quốc vẫn nặng về phía giải phóng dân tộc. Năm 1924 khi Nguyễn Ái Quốc đang ở ngay tại quê hương cách mạng vô sản, Người đã viết bài báo quan trọng, nhìn nhận lại chủ nghĩa Mác, khẳng định Chủ nghĩa dân tộc là sức mạnh lớn nhất của đất nước. Do đó Người vẫn không được lãnh đạo Cộng sản tin dùng. Ngay cả những người Việt Nam vào Đảng Cộng sản sau Người như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, v.v. cũng không đồng tình với tư tưởng tập trung vào việc giải phóng dân tộc của Người. Là một Đảng viên Cộng sản quốc tế, thế nhưng khi thành lập Mặt trận Việt Minh để cứu nước, Người lại quan tâm đến đoàn kết dân tộc. Cách mạng Tháng 8/1945 do Hồ Chí Minh lãnh đạo không được Liên Xô ủng hộ. Người không nhờ Liên xô mà nhờ Mỹ huấn luyện quân đội và tình báo. Người không tham khảo Luận cương của Cộng sản để viết Tuyên ngôn Độc lập mà tham khảo trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Không những thế, Hồ Chí Minh còn gởi thư kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ để đương đầu với mưu đồ của Pháp trở lại Đông Dương. Không được Mỹ ủng hộ, Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp không có một hậu thuẫn nào bên ngoài. Năm 1949, Mao Trạch Đông đánh đuổi Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, nước Trung Hoa Cộng sản ra đời, thế giới chia làm hai phe: Cộng sản và Tư bản, chiến tranh lạnh bao trùm cả hai phe. Để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh buộc phải dựa vào phe Cộng sản. Như vậy, về đường lối cứu nước Người luôn cập nhật với hoàn cảnh để giữ vững cuộc chiến đấu, nhưng mục đích giải phóng dân tộc không thay đổi. Năm 1946, lúc chia tay cụ Huỳnh Thúc Kháng để đi Pháp ngoại giao, Người dặn cụ Huỳnh rằng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” (tạm hiểu: Giữ lấy điều không thay đổi (giải phóng đất nước độc lập dân tộc) để ứng phó với mọi hoàn cảnh đổi thay). Dù phải trải qua nhiều con đường nhưng mục đích cứu nước của Người vẫn không thay đổi. Đó là cách hiểu của tôi, cách diễn đạt mộc mạc của một người nghiên cứu tự do của tôi, có thể có người đồng tinh, nhưng chắc sẽ có người không đồng tình, họ có cách hiểu khác, cách diễn đạt khác. Tùy…

5. Từ Quốc Hoài: Hiện tại Việt Nam cơ bản đã là một quốc gia độc lập. Vậy những nguyên tắc căn bản mà Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến pháp 1946, liệu có phù hợp để tạo dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa hợp dân tộc và phát triển thịnh vượng?

Nguyễn Đắc Xuân: Trả lời câu hỏi nầy phải bằng một bài viết, có trích dẫn, đối chiếu mới đầy đủ ý kiến. Ở đây, tôi xin trả lời một cách khái quát rằng: Hiến pháp 1946 ra đời lúc nước ta vừa tranh thủ độc lập mới trên nửa năm, các đại biểu Quốc hội nhiệt tình yêu nước nhưng kiến thức về lập hiến còn rất hạn chế. Theo hồi ký của cụ Đặng Thai Mai, ngoài Cụ Hồ – đại biểu Vĩnh Thụy (Cựu hoàng Bảo Đại) đã từng học kinh tế chính trị ở Pháp nên biết khá hơn nhiều người khác. Một hiến pháp ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây gần 70 năm không thể đáp ứng được tình hình đất nước độc lập, hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, “những nguyên tắc dân chủ căn bản mà Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và Hiến Pháp 1946” được gói gọn trong cái tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nếu Hiến pháp 1946 được tu chính đầy đủ, thực hiện đúng nội dung “Dân chủ Cộng hòa” như các nước Dân chủ Cộng hòa trên thế giới thì ước vọng “tạo dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa hợp dân tộc và phát triển thịnh vượng” chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

6. Từ Quốc Hoài: Hồ Chí Minh có cuộc sống giản dị, thanh bạch, trong khi số đông những người cầm quyền hiện nay được biết đến với cuộc sống xa hoa, không nhiều thì ít đều có dính vào tham nhũng. Ông có cho rằng họ nói một đằng làm một nẻo, phản bội Hồ Chí Minh?

Nguyễn Đắc Xuân: Sau Cách mạng Tháng 8/1945 cho đến ngày Bác qua đời (1969), với cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn giữ một cuộc sống giản dị, thanh bạch. Đấy là tấm gương lớn hiếm có để mọi người suy ngẫm, học tập. Nhưng sau năm 1975, nhất là từ khi đất nước hội nhập quốc tế, thực hiện kinh tế thị trường, đời sống kinh tế xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến, đổi thay, một bộ phận dân cư có cuộc sống sung túc, sang trọng. Nhưng sống sang trọng không có nghĩa là sống xa hoa. Sống sang trọng bằng mồ hôi nước mắt, bằng việc làm chính đáng của mình, đó là lý tưởng của cuộc đời, đáng sống lắm chứ. Không phải ai có đời sống sang trọng cũng dính vào tham nhũng cả đâu. Còn sống xa hoa, nhất là của bọn người có chức có quyền, có điều kiện tham nhũng, lại kém văn hóa, trọc phú học làm sang… mới đáng trách. Và cũng phải bổ sung thêm: Cuộc sống ngày nay (ở Việt Nam ta cũng như ở nước Trung Quốc cộng sản) nhiều người đại tham nhũng nhưng lại che giấu dưới cái vỏ bọc giả dối, lúc nào cũng cao giọng vì nước vì dân. Cán bộ có đời sống xa hoa, “nói một đằng làm một nẻo” chỉ mới là những chi tiết nhỏ “phản bội Hồ Chí Minh” mà thôi. Hành động phản bội Hồ Chí Minh lớn nhất, quan trọng nhất là những người lãnh đạo không thực hiện dân chủ, từ bỏ chính sách đại đoàn kết dân tộc mà tôi đã dẫn chứng ở câu trả lời thứ 3 trên đây.

Từ Quốc Hoài: Xin cám ơn những ý kiến thẳng thắn của ông. Chúc ông sức khỏe. Chào ông.

Phú Nhuận, 5-2015

Comments are closed.