Năng lượng khổng lồ của bão bóng đá!

Lê Học Lãnh Vân

Theo các nhà chuyên môn, nền bóng đá Việt Nam năm 2018 có những bước tiến dài, cả về thành tích lẫn về đẳng cấp chuyên môn. Thậm chí có người ví von: Việt Nam đang bước vào mùa Xuân bóng đá. Hệ quả là sau những trận thắng nức lòng, những cơn bão bóng đá nổi lên trên khắp nước, mạnh nhất là tại hai thành phố lớn nhất hai đầu tổ quốc.

Bài viết này không phân tích lý do gần, xa của những cơn bão. Cũng không phân tích tâm lý người dân Việt, từ góc độ dân chúng hay từ góc độ chính quyền. Nó chỉ nhìn những đại lộ, quảng trường thật to chi chít những con người đông hơn ổ kiến. Họ cùng mặc đồng phục màu đỏ, cùng đội mũ đỏ, cầm cờ đỏ, cùng dậy lên những tiếng la cổ vũ rung chuyển cả con đường, lúc thì đoàn người chậm chậm tiến lên như trận Trường Xà vĩ đại, lúc thì những đoàn quái xế rồ ga, nẹt pô phóng hết tốc độ lạng lách giữa đám đông… Nó nhìn thậm chí các hậu quả: một cơn bão quét đi vài chục sinh mạng thanh xuân, vài trăm thanh niên bị thương có thể suốt đời tàn phế, vài trăm tai nạn xảy ra cùng với những vụ ẩu đả đâm chém, những cô gái trẻ cởi truồng nhún nhảy giữa phố…

Bài báo này nhìn cách cơn siêu bão bóng đá đi qua những thành phố mà nhận ra một điều: dân Việt Nam có một nguồn năng lượng khổng lồ. Nguồn năng lượng ấy thật đáng được chiêm ngưỡng, được khâm phục bởi vì có thể phá vỡ tung bất kỳ thành phố nào, bất kỳ cấu trúc xã hội nào tưởng bền chặt nhất…

Vậy thì, tại sao mất thì giờ than trách giới trẻ mất định hướng, rảnh hơi, cuồng loạn, bệnh hoạn, lố lăng? mất thì giờ than trách họ chỉ biết niềm vui ngắn hạn mà quên đi bao nguy cơ tụt hậu đang chực chờ tương lai tổ quốc, nguy cơ nền giáo dục đang lao nhanh xuống đáy, nguy cơ mất thêm chủ quyền biển đảo ngoài kia?

Thưa các vị hùng tâm đại lược, thưa các bậc ưu thời mẫn thế, thưa những nhà hoạt động chính trị, xã hội, xin các vị hãy nhìn vào nguồn năng lượng cuồn cuộn kia!

Nếu các vị đau lòng và lo sợ vì các nguy cơ kể trên, các vị nên trả lời những câu hỏi tương tự những câu dưới đây:

1) Làm sao chỉ được cho lớp trẻ thấy rằng nhiều vùng biển đảo ngoài biển Đông không còn nằm trong vòng kiểm soát của Việt Nam, rằng những chiếc tàu đánh cá Việt Nam đã bị húc chìm trên ngư trường truyền thống, rằng những chiếc ngư lôi có in chữ Trung Hoa đang dập dềnh trên biển Đông khiến dân tình không yên?

2) Làm sao thuyết phục được lớp trẻ rằng dân tộc này vốn có truyền thống kiêu hùng, rằng chỉ nửa thế kỷ trước, Việt Nam từng có GDP đầu người cao gấp hai lần rưỡi Trung Hoa đại lục, rằng Miền Nam Việt Nam từng xây dựng được một xã hội tiệm cận với các giá trị của xã hội dân chủ văn minh nhân bản? Rằng đất nước này, thời chưa xa, ngay cả dưới thời Pháp thuộc, đã có một nền giáo dục khai phóng, nhân bản, đủ sức đào tạo những công dân Việt Nam có năng lực và đạo đức xây dựng nước nhà sánh vai cường quốc năm châu?

3) Làm sao thuyết phục được lớp trẻ rằng nếu tuyển chọn được một thế hệ lãnh đạo của dân, vì dân, có đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp, đủ lòng hy sinh vì dân tộc, tổ quốc, thì chỉ sau vài thế hệ Việt Nam sẽ hùng mạnh như xưa, đạt sự kính trọng của thế giới như Nam Hàn đang có, đủ sức dần dần khôi phục toàn vẹn chủ quyền và xây dựng xã hội ấm no? Làm sao thuyết phục được họ rằng cùng nhau học tập, cùng nhau cố gắng, kiên nhẫn với lòng bao dung, tôn trọng lẫn nhau, rồi thì dân tộc này cũng sẽ giành được quyền chọn và bổ nhiệm những người lãnh đạo của mình, cho mình!

4) Làm sao đưa ra được một lộ trình chấn hưng xã hội một cách toàn diện, đủ sức thuyết phục lớp trẻ tin tưởng vào tính khả thi của lộ trình đó để họ có thể tập trung tài sức ủng hộ?

Chắc có người đưa ra các trở ngại quá lớn tử xã hội hiện nay. Phân tích SWOT bao giờ cũng cần phân tích các khó khăn, thách thức, nhưng phân tích để tìm cách vượt qua. Khó khăn có thể rất lớn, nhưng không thể không vượt qua được. Những người có tầm nhìn xa nhìn rộng, có năng lực phân tích và tổng hợp để xác định các mục tiêu chiến lược cần đạt được trên con đường chấn hưng tổ quốc, vượt qua khó khăn, những người đó sẽ là lãnh đạo trong tương lai. Người đó sẽ tìm ra giải pháp cho các câu hỏi nói trên, huy động được nguồn năng lượng khổng lồ của những cơn bão bóng đá vào các chương trình quốc kế dân sinh to lớn.

Bài viết này tin rằng đất nước, dân tộc đang trông chờ một con người như vậy xuất hiện. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện đó, xã hội cần chuẩn bị các mặt nền tảng. Dân trí ngày càng cao, Dân khí ngày càng mạnh, Dân sinh ngày càng no ấm là nền tảng quan trọng.

Muốn có dân trí, cần phổ biến rộng rãi các kiến thức tinh hoa của nhân loại. Muốn có dân khí, cần nung đúc tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống cha ông, cộng tác rộng rãi trên thế giới và cũng không khiếp nhược trước bất kỳ ai. Muốn có dân sinh cần trước nhất triệt hạ tham nhũng, triệt một cách quyết tâm bằng cách giao thượng phương bảo kiếm cho dân, bởi vì tham nhũng chính là hành vi của kẻ có chức quyền và dùng quyền đó cướp đoạt tài sản của dân. Dân không có quyền xử kẻ tham nhũng thì đất nước không thể chống tham nhũng!

“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, lời kêu gọi của cụ Phân Châu Trinh trăm năm trước không chỉ là nhiệm vụ của riêng ai. Ai cũng có thể góp phần. Nhà giáo dục, nhà kỹ thuật, nhà khoa học, nhà kinh doanh… mỗi người cần cù làm tròn nhiệm vụ trong tấm lòng suy nghĩ tới vận mệnh chung. Đó là cách tốt nhất chuẩn bị cho sự hình thành và xuất hiện tầng lớp thay đổi thời thế. Trên nền đó, những nhà lãnh đạo kiệt xuất sẽ lần lượt ra đời. Năng lượng từng cá nhân, từng thành phần trong xã hội sẽ được huy động, bớt đi tính hỗn loạn tự do để được tổ chức hơn, cộng hưởng lại đưa đất nước dịch chuyển dần về hướng lấy đà rồi mạnh mẽ cất cánh.

Cất cánh đưa dân tộc tới Mùa Xuân rộn ràng tươi sáng.

Ngày 20 tháng 12 năm 2018

Comments are closed.