Ngó xưa ngẫm nay

Lê Học Lãnh Vân

Trên ba trăm năm trước, Trung Quốc có biến. Mãn Châu xua quân vượt biên ải, Ngô Tam Quế mở Sơn Hải Quan rước quân Mãn. Người Mãn Châu thành lập nhà Thanh.

Người Trung Hoa không chịu ở lại với nhà Thanh, ra đi tứ tán. Một số quan binh dắt nhau tới Đàng Trong xin thần phục, quyết lòng làm dân nước Việt.

Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền biên) chép:

Kỷ Mùi (1679), mùa xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến; Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung (cửa Tư Hiền) và Đà Nẵng, tự trần là bồ thần (bề tôi mất nước, trốn ra nước ngoài) nhà Minh, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin để làm tôi tớ.

Bấy giờ bàn bạc rằng phong tục, tiếng nói của họ đều khác nhau, khó bề sai đúng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa (Nguyễn Phúc Tần) theo lời bàn, bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố (Wikipedia, Trần Thượng Xuyên)

Tới Biên Hòa và cù lao Phố, chỉ trong vòng mười năm Trần Thượng Xuyên tập họp lưu dân người Việt, người Hoa, từ vùng đất hoang sơ dựng nên Đại Phố, thương cảng rất sầm uất và giàu có của cả miền Nam. Chỉ mười năm thôi! Chính sách khôn ngoan thuận lòng người của chúa Nguyễn đã khiến những cái tên Mạc Cửu, Trần Thương Xuyên, Dương Ngạn Địch cùng lưu danh với các vùng đất mới mở Hà Tiên, Biên Hòa, Mỹ Tho, tạo dựng một Miền Nam bao la trù phú đầy tài nguyên thiên nhiên… Cùng với vùng đất mới, dân Việt từ đây đã đứng chân trên một lãnh thổ là bao lơn của Biển Đông nhìn ra Thái Bình Dương với thế lực cao hơn hẳn trước kia!

Hoàn cảnh hiện nay cũng cho thấy những thời cơ không khác xưa. Thời thế hiện nay dân chúng Hồng Kông giàu có về tài chính, về kiến thức kinh doanh, về tổ chức xã hội đang tìm nơi tránh xa chế độ độc tài Trung Cộng. Các nhà đầu tư thế giới cũng đang tìm nơi thích hợp để rời Trung Quốc…

Việt Nam, với vị trí, địa kinh tế của mình là địa điểm rất thích hợp cho các chọn lựa rời xa Trung Cộng. Tiếc thay, Việt Nam lúc này, sau ngày thống nhất gần nửa thê kỷ, không đủ sức tiếp đón, Việt Nam chưa thể là nơi tiếp nhận những luồng chuyển dịch chính, công nghệ cao, vốn lớn…

Hai mươi năm xưa, người nhìn xa trông rộng đã thấy trước hoàn cảnh này có thể xảy ra. Lúc đó, nhiều người bạn làm trong những công ty đa quốc gia toàn cầu như 3M, General Motors, General Electric tấm tắc trước viễn cảnh bừng sáng của Việt Nam. Trong tương lai Việt Nam chắc chắn sẽ là nơi cạnh tranh với Trung Quốc. Việt Nam không lớn hơn Trung Quốc, nhưng mật độ công nghiệp hóa, mật độ nông nghiệp, và cả chất lượng đời sống, Việt Nam dễ qua mặt Trung Quốc. Mỗi lần đi công tác chung tới Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai… thấy tôi trầm trồ sự phát triển các nước đó và có vẻ lo lắng cho sự phát triển của Việt Nam, họ chắc chắn với tôi rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ rất ngoạn mục vì Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quá thuận lợi, người dân thích kỹ thuật mới. Tôi cá với anh điều đó, vài người bạn nói.

Nhìn những công ty đa quốc gia rời Trung Quốc tới Ấn Độ, Indonesia…, nhìn người HongKong chuẩn bị sang Anh, Đài Loan, Canada, Úc… lòng sao không đau xót? Mấy mươi năm qua, phải chi Việt Nam có nhiều hơn các nhà lãnh đạo đau đáu quên ăn quên ngủ vì tương lai phát triển của Tổ Quốc! Phải chi Việt Nam có một nền hành chánh công liêm chính hơn! Phải chi Việt Nam thực tâm xây dựng quốc gia theo hình mẫu dân chủ thực chất của đa số các quốc gia giàu mạnh, văn minh trên thế giới! Phải chi Việt Nam xa Trung Cộng hơn và gần Phương Tây hơn…

Những phải chi đó phải chăng là điều không tưởng, vượt quá tầm kiến thức của trăm triệu dân Việt?

Sắp xếp hành lý, đứng dậy, lên đường, Việt Nam thân yêu ơi!

Ngày 04 tháng 06 năm 2020

Comments are closed.