Nghĩ gì trước việc Trung Quốc huy động đội ngũ nghệ sĩ phản đối phán quyết của PCA?

Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt!

Thành Lộc

Hồi còn làm Ban Giám Khảo của VN’s Got talent, đến mùa thứ 2 thì có một bạn hâm mộ tại HN đã lấy chân dung tôi, Huy Tuấn, Thuý Hạnh và MC Thanh Bạch ghép vào hình ảnh nhóm thầy trò Đường tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Tôi có nói với bạn ấy (qua fb thôi) rằng tôi cảm kích lòng ngưỡng mộ của bạn ấy dành cho chương trình và riêng Ban Giám Khảo và MC, nhưng xin đừng ghép tôi vào cái nhóm văn hoá Trung Quốc vì tôi không muốn trông thấy hình ảnh chính mình lại khoác bộ trang phục của họ để cổ suý cho nền văn hoá của một quốc gia đang xâm lấn lãnh thổ và làm hại người dân tôi mỗi ngày trên biển đảo! Bạn ấy bảo tôi cực đoan, chính trị là chính trị mà nghệ thuật là nghệ thuật! Tôi nói trước đây tôi cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không vì chính bọn Tàu cộng cũng đã không nghĩ như vậy, bọn chúng là bọn xảo ngôn nên ta không cần phải tôn trọng và hãy lấy hình ảnh tôi ra khỏi bức ảnh ấy, người bạn HN này đã tỏ ra thất vọng và miệt thị tôi khá nặng! Lúc đó tôi có nghĩ chắc bạn này là một dư luận viên (?).

Trong một đợt kỷ niệm cho sự kiện của một hội chuyên ngành về sân khấu, người ta muốn dựng lại một số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài nghệ mình nơi đó, chỉ là một đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu – Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia cũng vì lý do trên, không thể khác! Không thể viện lý do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của mình. Khi hai quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn hoá của một quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta từng ngày từng giờ được? Tôi đã nói rõ quan điểm của mình như vậy với ban tổ chức và không hiểu sao sau đó đợt sự kiện đó cũng ngưng lại luôn, chắc vì không có kinh phí chứ không phải là từ tôi, tôi chỉ là hạt cát trong cái sa mạc showbiz Việt nhu nhược này! Cũng như có lần tôi từ chối làm đại sứ hình ảnh cho một sản phẩm của Trung Quốc (họ đài thọ tôi du lịch miễn phí bên đó) thì cũng có vài người bảo tôi dại, đã để vuột khỏi tay một cây cờ!!!

….

Rồi bây giờ là một danh sách dài ngoằn các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là đường lưỡi bò láo xược trên Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Quốc, họ phản đối phán quyết của toà án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri thế giới. Những Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Đồng, v.v. vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?

Các văn nghệ sĩ, các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ gì đó… hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện lòng tự tôn dân tộc mình. Dĩ nhiên dân tộc Hoa cũng là một trong 50 dân tộc hình thành bản sắc văn hoá Việt, tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!

Nghệ sĩ Việt trước hết phải là công dân Việt!

T. L.

Nguồn: FB Thành Lộc

 

Từ Đặng Tiểu Bình, Càn Long đến các “celeb” Trung Quốc chống phán quyết của PCA

(Post lại bài đã đăng FB ngày 27/2/2016, có cập nhật đôi chỗ)

Vũ Kim Hạnh

Hàng loạt cuốn sách đồ sộ về Đặng Tiểu Bình đã được in thời gian qua. Không cuốn nào nói đến chuyện kẻ xâm lược, kẻ giết người hàng loạt Đặng Tiểu Bình xua quân tấn công toàn tuyến biên giới Bắc Việt Nam, để “dạy cho Việt Nam một bài học”?

Tôi nhớ lại không khí căng thẳng tại cuộc họp điểm báo tháng 2 năm 1997, khi Đặng Tiểu Bình tạ thế, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã có bài viết về tư tưởng cải cách kinh tế của nhân vật, đồng thời nói rõ Đặng Tiểu Bình LÀ KẺ ĐÃ PHÁT ĐỘNG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM. Tiếp nhận phê phán nặng nề từ ban tuyên huấn, Tổng Biên tập Võ Như Lanh điềm tĩnh trả lời, đó là sự thật lịch sử và tôi là nhà báo Việt Nam, tôi có trách nhiệm nhắc bạn đọc của tôi về điều đó.

Sau này, trong bài báo tưởng nhớ anh khi anh qua đời (vẫn còn trên mạng), ban biên tập TBKTSG còn nhắc quan điểm này: “Anh cho rằng một khi đã tin tưởng điều gì là đúng và cần thiết phải thông tin thì hãy thông tin, sau khi đã cân nhắc đầy đủ lợi hại và sẵn sàng đón nhận những khó khăn có thể đến. Như khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào tháng 2-1997, anh đã chủ trương đưa tin nói rõ cả những mặt sáng và mặt tối của nhân vật này”.

Nói chuyện Đặng Tiểu Bình, không thể không buồn cười nhớ tới những Tề Thiên Đại Thánh, Võ Tắc Thiên, Hoàn Châu Cách Cách và nhất là nhân vật được biết đến nhiều nhất, được ái mộ rộng khắp Việt Nam: vua Càn Long. Nhiều tháng, năm, truyền hình Việt Nam chiếu liên tu bất tận những tập phim về vị “minh quân xuất chúng” Càn Long khiến khán giả Việt yêu quí say mê, rồi yêu luôn tài tử Trương Thiết Lâm, Trương Quốc Lập. Nhiều ký sự về đời tình ái của hai tài tử này một dạo bán rất chạy, giăng đầy mặt báo Việt Nam (Xin cập nhật: cuối năm 2015, “vua Càn Long” Trương Thiết Lâm đã lìa “chính sự” mà xuống tóc quy y, vào chùa đi tu theo Phật giáo Tây Tạng).

Công đức của VTV và các đài truyền hình VN trong xây dựng hình ảnh vị minh quân Càn Long thật là vô lượng. Duy có những sự thật về vua Càn Long liên quan trực tiếp tới Việt Nam thì hầu như rất xa lạ, hầu như đến giờ chưa thấy báo đài nào nói tới. Tháng 7 năm 1788, Lê Chiêu Thống sai người sang Trung Quốc cầu viện. Cuối năm 1788, chính vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy hơn 29 vạn quân, hộ tống Lê Chiêu Thống về Việt Nam, vào chiếm đóng Thăng Long. Đúng ngày22 tháng 12 năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ xuất quân tiến ra Bắc Hà. Đêm 30 Tết âm lịch, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, và trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu – 1789, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, tổn thất lớn.

Giật mình, 1789-1979. Vậy là từ khi vua Càn Long định chiếm Đại Việt bị thất bại, cho đến cuộc xâm lược của Đặng Tiểu Bình là tròn 190 năm.

Gần hai thế kỷ đã qua, vậy những mảnh lịch sử Việt Nam liên hệ đến họ đã được nói và nói rõ ràng, công bằng đến đâu?

Chuyện đó cũ, còn chuyện này mới hơn. Hôm 26/2/2016, tờ Petrotimes đưa tin: Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25/2 có bài kêu gọi quân đội nước này hãy “dạy cho Mỹ một bài học” nếu Washington tiếp tục có những hành động táo bạo. Tờ báo em của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc là Hoàn cầu Thời báo thì rổn rảng hơn, quy cho Mỹ đang làm rùm beng chuyện Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 ở Hoàng Sa “là không chỉ gây áp lực cho Bắc Kinh về vấn đề biển Đông mà còn kích động xung đột giữa Bắc Kinh với các nước khác”.

Trung Quốc có đánh Mỹ không? Chưa biết. Tuy vậy, điều lạ là lần này, Trung Quốc xả cảng cho cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng và nhà nước Trung Quốc nhắm thẳng Mỹ mà hăm dọa kích động như vậy.

Còn để “nghênh tiếp” phán quyết của PCA, lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện “chiến lược ngoại giao công chúng” nhằm định hình nhận thức của quốc tế về “chính nghĩa và lòng yêu hòa bình” (sic) của họ! Sử dụng cả phim hoạt hình miệt thị dân Việt Nam là những con khỉ, hay làm phim truyền hình thiếu nhi để tự tôn vinh. Mấy hôm nay là chiến dịch dữ dội nhất: dùng mạng, dùng tất cả celeb, các ngôi sao văn hóa nghệ thuật phủ nhận phán quyết PCA.

Rõ ràng là Trung Quốc đã luôn cân nhắc kỹ, đã “chơi” rất bản lĩnh, rất có tính toán trong cuộc chiến truyền thông. Binh chủng nào, lúc nào, nói gì, “ton” gì, nhắm vào ai… là có đủ loại để nghênh chiến, thay đổi rất linh hoạt để đạt nhưng kết quả khác nhau, chứ không hoàn toàn đồng phục và đơn điệu nhàm chán.

Nhớ hồi chiến tranh, ta đánh ba thứ quân, phối hợp chính quy với du kích. Vậy sao lúc ngư dân sôi sục vì bị rượt đuổi, bắn, giết, cướp tàu khi ra khơi làm ăn trong biển của mình thì báo chí của Mặt trận, của Hội Nghề cá, của Hội Phụ nữ, Thanh niên…không thể lên án tội ác, đòi bồi thường, đòi quốc tế có thái độ với kẻ ý lớn hiếp đáp? Nhiều loại báo, sách, phim, bài hát… đại diện nhiều đối tượng nhiều giọng, nhiều nội dung, nhiều cách thức tham gia linh hoạt vào cuộc chiến. Mà đừng lo bị ông anh giận, làm vậy cũng là “học” cách họ đang xài đủ thứ binh chủng vậy thôi.

Rõ ràng trong một thế giới hội nhập, ta cần tính lại chiến lược, sách lược cho cuộc chiến truyền thông.

Và đó là chuyện lâu dài. Trước mắt, xin bày tỏ sự yêu quí, trân trọng với Thành Lộc. Anh đã sống xuyên suốt như anh nghĩ và viết – chứ không chỉ nói – về lòng tự trọng dân tộc. Cũng nghe là MC Phan Anh, Tuấn Hưng, Mai Khôi (NS Tuấn Khanh thì… dĩ nhiên rồi), Trúc Diễm, Phương Thanh, Thu Minh, Sơn Tùng, hoa hậu Phạm Hương, hoa khôi Lan Khuê… đã lên tiếng. Không cần phất phong trào hay dậy chiến dịch. Cứ tự nhiên như sống và thở. Như Thành Lộc viết: Là nghệ sĩ Việt, trước hết là công dân Việt.

PS. Hôm nay là 100 ngày người tử tế Phạm Văn Bên ra đi. Xin đốt nén nhang tưởng nhớ ông, người đã góp phần định nghĩa người Việt tử tế.

V. K. H.

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh

 

Lưỡi Bò

Kyo York

clip_image001

Cái lưỡi được nhắc đến nhiều nhất và là đề tài nóng hổi trong mấy ngày nay. Tôi tự nghĩ tại sao phải là Bò, khi xem hình vẽ phác thảo để chứng minh, tôi mới biết thì ra họ cho rằng diện tích Trung Quốc là cái đầu Bò và cả vùng Biển Đông là cái lưỡi của con bò thè ra. Con bò mệt, bò khát, bò điên… nên cái lưỡi nó dài ngoằn liếm sang các địa phận chẳng phải quốc gia mình. Đúng là bò điên!

Mà thắc mắc mãi: Tại sao là biểu tượng con bò, Trung Quốc không ví mình như con Trâu (khỏe như seagame) hay Con Nghê (con ngao) gì đó cho nó dũng mãnh, thần thánh… à thì ra con bò là “con ngu như bò”, cãi cùn, lưỡi dài để la liếm. So sánh vậy thấy tội nghiệp con bò! Bởi mọi người xem lại cái hình và so sánh với cái lưỡi Phô Mai Con Bò cười nó thân thiện dễ cưng và tỉnh táo làm sao, lưỡi nó dài đâu như con bò điên của Trung Quốc!!! Gruuuu!

Khi đường lưỡi bò bị thế giới và Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế cắt xào nhậu thì mấy nghệ sĩ mà được fan Việt yêu mến hàng năm qua đã lên tiếng gào thét: “Trung Quốc không thể thiếu một tấc đất: Chủ quyền lãnh thổ và biển Trung Quốc không cần kẻ khác làm trọng tài. Trung Quốc không thể thiếu một chút gì, một tấc cũng không thể rời”. ” 这才是中国,一点不能少“ (Đó mới là Trung Quốc, Một chút cũng không thể thiếu) nhằm xác định đường lưỡi bò là của Trung Quốc, của những tên tuổi lớn từng được khán giả Việt Nam sùng bái như: Lục Tiểu Linh Đồng, Phạm Băng Băng, giàn soái ca … bla bla …

Thật sự nghệ thuật và chính trị có thể không liên quan, nhưng khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại. Vì chúng ta phải sống và giữ gìn bờ cõi chứ không thể sống để ca ngợi những nghệ sĩ Trung Quốc đang có tư duy muốn xâm hại chính lãnh thổ của dân tộc mình. Dẫu biết rằng các bạn cũng sẽ buồn vì có nhiều nghệ sĩ gắn liền với tuổi thơ mình.

Tôi là một nghệ sĩ người Mỹ – hiện hoạt động và đồng hành cùng Việt Nam, nên tinh thần và trách nhiệm bảo vệ, yêu mến và giữ gìn mọi giá trị của Việt Nam cũng là một phần trách nhiệm. Có thể chịu nhiều phán xét nhưng suy cho cùng tôi thấy mình cần chia sẻ điều lẽ phải.

Tôi cũng từng từ chối làm đại diện hình ảnh cho một hãng hàng không và công ty du lịch để quảng bá các tour outbound sang Trung Quốc cho người Việt. Bởi với tôi việc quảng bá Du Lịch Việt Nam cũng đã đủ cho mình niềm hứng khởi với hành trình khám phá bản thân. Có nhiều tên tuổi lớn thế giới họ cũng từng bị cấm sang Trung Quốc, nhưng sự nghiệp họ vẫn phơi phới đấy thôi.

Chẳng hà cớ gì mình im lặng!

K. Y.

Nguồn: FB Kyo York

Comments are closed.