Nghĩ mà kinh

Phạm Quang Long

Bàn về chuyện những thứ kinh dị kiểu này, có người sẽ bảo: Vớ vẩn, ai chả biết mà còn bới ra làm gì, nặng đầu. Vâng, quả có thế. Nhưng nhà cháu thấy kinh quá, cũng chỉ dám “nói ở nhà mình”, chả dám ba hoa ở đâu để khiến các bác phải mua thuốc tím để rửa tai.

Cách đây chưa lâu, mấy ông độc quyền những thứ thiết yếu của đời sống tăng giá đồng loạt vì lý do giá xăng dầu tăng. Đến khi giá xăng dầu giảm, các ông vẫn không chịu giảm. Nhà báo chất vấn, ông nói cứ xơi xơi: “Sao nhà nước không bắt ông X., ông Y. giảm đi mà lại yêu cầu chúng tôi giảm? Chúng tôi cũng như các ông ấy”. Cái đuôi đã lòi ra: họ chả phục vụ gì đâu, nói cho vui vậy thôi, chỉ lo thu lợi là chính, còn nói đến trách nhiệm xã hội hay đạo đức công dân chỉ là nói cho oai thế, cho ra vẻ mình đang làm để cho dân và vì dân đây. Mà ông này trước khi nghỉ hưu ở ngạch quản lý để sang làm ở một tổ chức nghề nghiệp cũng làm to đấy. Đó là giả dối ở tầm vĩ mô.

Hôm qua một bà lãnh đạo to của bộ Tài chính, kiêm phụ trách bảo hiểm tuyên bố: tăng đóng bảo hiểm y tế là do nhu cầu tăng chất lượng bảo hiểm, dân phải đóng góp thêm 1 đồng cũng kêu. Làm được thế là tốt nhưng tôi không tin vì tôi đang hưởng bảo hiểm y tế từ vài chục năm nay nhưng mỗi lần ốm, dù nằm bệnh viện, muốn dùng thuốc tốt hơn thì bỏ tiền túi ra mà mua bên ngoài về dùng chứ không được dùng thuốc theo bệnh. Bà ấy còn lý sự ở ta nộp thế mới bằng 1/3 của Sinhgapore, Đài Loan và Trung Quốc. Trời ơi, xem mức thu nhập của ta, của họ và điều kiện thế nào rồi hãy nói. Cứ so thế thì thà đừng nói còn đỡ dở hơn. Đó cũng lại là một kiểu giả dối trắng trợn và sự coi thường dân chúng ghê gớm. Sao lại có quan chức dám ăn nói theo kiểu “mục hạ vô nhân” thế nhỉ!

Báo sáng nay đưa tin: Bảo hiểm tuyên bố: họ không nhờ nhà trường thu hộ đâu mà đó là trách nhiệm của trường phải thu! Nghe mà hãi! Nhưng họ có lý. Thu nhiều, họ đã trả thù lao thu hộ cao rồi – đó là trách nhiệm hưởng lợi chứ không phải trách nhiệm công vụ. Họ nói dối dân ở chỗ ở chỗ nhập nhèm chuyện công và tư, dùng việc công làm lợi riêng.

Chuyện đóng góp đầu năm: Dân tình có con đi học xao xác vì các khoản. Nhưng, toàn tự nguyện cả đấy chứ, có ai bắt buộc đâu mà kêu? Thành ra, toàn kêu với nhau chứ họp Phụ huynh đầu năm chỉ thấy xì xào chứ cấm dám kêu lên nhà trường vì sợ hậu quả. Tôi còn nhớ, khi con còn đi học, nhà trường đã phát lệnh thu (tự nguyện) nhưng mình không “tự nguyện” thì con mình khổ nên cứ phải cắn răng mà “tự nguyện” đủ thứ: bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, đóng tiền xây dựng trường và học thêm… Có cái còn phải viết đơn và rất tha thiết mới được tham gia. Mình cần chứ nhà trường và xã hội đâu có cần. Cấm kêu nhé! Thế là thủ đoạn và giả dối đã trở thành một điều rất “bình thường” trong đời sống. Ai cũng biết mà ai cũng làm. Người ta làm vì lợi. Tôi làm vì hèn. Trước khi đi họp nói cho con biết, bố sẽ phản đối chuyện này. Con nói như khóc: Bố làm thế thì chết con và xin bố đừng đi họp. Thế là mình cũng vụ lợi (để con mình yên) nên ngậm miệng lại để mong cho con chữ yên ổn. Để cái giả dối trở nên bình thường là sự suy đồi của đạo đức xã hôi, trong đó có người tham gia là chính mình. Nhưng cái lỗi chính là do cách thức quản lý xã hội đã để đẻ ra những kiểu cách quái gở thế. Căn bệnh này, không sớm chữa, một khi đã ăn vào cao hoang thì chỉ còn nước chết. Nghĩ mà kinh.

Nguồn: https://www.facebook.com/long.phamquang.35/posts/1196584137024046

Comments are closed.