Ngòi bút của người Pháp

je-suis-charlie

Hiệu Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Je suis Charlie. Ảnh: internet

 

Thời tôi đi học phổ thông (1960-1970), Bộ trường Tạ Quang Bửu, một người mê toán học đã nói với các học sinh giỏi môn này: toán học thật đơn giản, chỉ cần bút chì và tờ giấy, nhưng có thể đặt nền móng cho nhân loại. Nhờ ngòi bút mà thế giới gần 8 tỷ người đã tồn tại và phát triển.  Đặt ngòi bút trước họng súng chính là đe dọa sự tự do ngôn luận và giết chết sự sáng tạo.

 

Trong những cuộc biểu tình tại Pháp và Châu Âu có biểu ngữ đơn giản “Je suis Charlie – Tôi là Charlie”, hàm ý ủng hộ tờ báo trào phúng mang tên Charlie Hebdo, tòa soạn vừa có 12 người bị hai kẻ khủng bố của đạo Hồi cuồng tín giết giữa thủ đô Paris hoa lệ, cả thế giới sửng sốt. Kèm theo “Je Suis Charlie” còn có những cây bút, nhất là bút chì để bên cạnh hàng vạn ngọn nến tưởng nhớ những nhà báo dũng cảm.

Những ai tôn trọng quyền tự do ngôn luận, quyền được lên tiếng, tự do báo chi, sẽ hiểu tại sao. Dù có thể không đồng ý với những gì Charlie Hebdo chế giễu, nhưng không thể tha thứ kẻ cuồng đạo giết người không có vũ khí chỉ vì sự bất đồng về sự tôn trọng hay tôn giáo. Đó là cách hành xử thời trung cổ.

Dù người Hồi giáo lên án vụ tấn công, nhưng nhiều người cũng bức xúc khi biết những bức biếm họa đã xúc phạm đấng Tiên tri Hồi giáo Muhammad. Tuy nhiên, Charlie Hebdo không chỉ chế giễu đạo Hồi mà cả đạo Thiên chúa, và các tín ngưỡng khác. Họ quan niệm, ngòi bút là để viết những gì người ta nghĩ chứ không thể theo cách thức mà người khác bắt viết. Giá trị phổ quát là quyền được bày tỏ ý kiến.

Dù trong hoảng loạn vì những kẻ khủng bố điên cuồng đang trên đường trốn chạy, thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thể mà người Pháp vẫn đổ ra nghẹt đường để ủng hộ tự do cho ngòi bút.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đến ngay hiện trường vụ tấn công sau 30 phút. Ông gọi đây là cuộc tấn công khủng bố và nước Pháp và nói “Không một hành động dã man nào có thể dập tắt được tự do báo chí”

Tổng BT báo Le Monde (Pháp) lên án vụ tấn công “Vụ bắn giết xảy ra nói rằng, cần phải đấu tranh chống lại sự thờ ơ, thiếu khoan dung, thói ngu xuẩn, và điên cuồng. Phải nhớ rằng tự do báo chí là thứ không thể mặc cả.”

je-suis-charlie1 

Dân Lyon (Pháp) ủng hộ tự do ngôn luận. Ảnh: Internet

 

Tác giả Phạm Cao Phong, trong một bài viết gửi cho BBC tiếng Việt từ Paris, đã nhắc lại những giá trị Pháp mà đất nước này tranh đấu hàng trăm năm nay càng được khẳng định, điều mà ông Hồ Chí Minh và đảng CS VN vẫn hay trích dẫn

1.Quyền được tự do, quyền được sống theo ý mình trong giá trị cộng đồng, luật pháp, quyền được bộc lộ chính kiến.

2.Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bình đẳng trong tín ngưỡng, niềm tin của mỗi cá nhân, mỗi sắc tộc này với sắc tộc khác.

3.Bác ái – Chỉ có tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau mới giúp con người gần nhau hơn và chung sống hoà bình.

Giá trị Pháp và giá trị phổ quát của nhân loại đang bị họng súng của những kẻ cuồng tín đe dọa. Tuy nhiên, xem những gì mà nước Pháp hành xử từ hành động lặng lẽ lên án, ra đường biểu tình, cùng sức mạnh của nước Pháp với quân đội và cảnh sát chuyên nghiệp, một tổng thống, một thủ tướng luôn tới hiện trường kịp thời, thì giá trị Pháp sẽ không thể mất đi.

Nhờ có ngòi bút mà nước Pháp đóng góp cho nhân loại những giá trị về văn học, nghệ thuật, kiến trúc khó ai có thể quên.

Tại bảo tàng Smithsonian ở DC, những bức tranh của Monet, Renoir hay Gauguin luôn có đông người  xem. Picasso có những sáng tác để lại cho muôn đời cũng ở Paris và bị ảnh hưởng bởi trường phái hội họa hình khối (cubism) Pháp. Nhà soạn nhạc thiên tài Chopin của Ba lan cũng từng lớn lên và trưởng thành ở Paris. Bức tượng Le Penseur (người tư duy) của Rodin cũng thuộc về người Pháp.

Những lâu đài cổ, nhà thờ kiểu Pháp có mặt ở khắp nơi trên thế giới, giữa Paris, London, Washington DC,  New Orleans, Hà Nội, Sài Gòn. Những kiệt tác kiến trúc có được bởi những nét vẽ tài hoa dưới ngòi bút của người Pháp.

Những trang văn học bất hủ của người Pháp để lại cho muôn đời bởi có ngòi bút của Jean de La Fontaine  ở thế kỷ 17, Victor Hugo thế kỷ 19, Alexandre Dumas, Honoré de Balzac, Guy de Maupassant… mà bất kỳ bạn đọc Việt mê văn học Pháp không thể không đọc.

Nếu trong triết học có Rene Descartes thì ông này lại thiên tài cả trong toán học, một môn có những nhân vật lỗi lạc như Blaise Pascal, Bernulli, Lagrange… mà bất kỳ học sinh nào qua phổ thông và đại học đều phải nhớ.

Người ta bảo, trong tiếng Pháp, phải biết cộng trừ mới nhớ được số định nói, vì toán học ăn vào máu của dân tộc này.

Số 1 – tiếng Anh là One, tiếng Pháp là Un

Số 2 – Two – Deux

Nhưng từ 70 trở lên thì bạn phải biết cộng, thậm chí cả phép nhân

70 – Seventy – Soixante-Dix = 60 + 10

80 –   Eighty  – Quatre-Vingts = 4*20

81  – Eighty-One – Quatre-Vingt-Un = 4*20 + 1

Từ giá sách đến bảo tàng, khắp các thành phố năm châu, kể cả ngõ ngách của Hà Nội hay Sài Gòn, người ta đều thấy giá trị Pháp được tạo dựng bởi ngòi bút. Thử hỏi, thế giới còn gì nữa nếu người Pháp không còn cây bút để tư duy và tồn tại.

Mới hiểu tại sao, từ dân thường đến tổng thống đều đổ ra đường, giơ cây bút và nói “Je Suis Charlie – Tôi ủng hộ tờ báo Charlie”.

 

Ngòi bút – biểu tượng của tự do ngôn luận và sáng tạo.

 

Viết tới đây, chợt nhớ Bộ trưởng Tạ Quang Bứu, một nhân sỹ du học Pháp về phục vụ đất nước, nói từ nửa thế kỷ trước về cây bút và giá trị trong toán học.

Nếu lấy họng súng đối đầu với cây bút thì chẳng còn giá trị nào đáng kể trên trái đất này ngoại trừ máu đổ, hận thù và tội ác như mấy kẻ trong ảnh đã gây ra.

HM. 9-1-2015

 

Nguồn: http://hieuminh.org/2015/01/10/ngoi-but-của-nguoi-phap/

Comments are closed.