Nhà báo và nhà kiểm duyệt (4)

Văn Việt: Trong ba năm hoạt động, blog pro&contra của nhà văn Phạm Thị Hoài đã tiếp tục một phần tiếng nói của talawas, tờ báo mạng nghiêm túc, có tính chuyên nghiệp cao, đóng vai trò lớn thúc đẩy ý thức suy tư độc lập của trí thức văn nghệ sĩ trong nước về những vấn đề văn hoá xã hội chính trị của Việt Nam và là diễn đàn tin cậy cho họ công bố những suy tư ấy. Ngày cuối năm 2014, nhà văn đã gửi lời tạm biệt bạn đọc blog, kết thúc 11 năm tận tụy cống hiến bạn đọc nhiều điều hữu ích trên lĩnh vực báo chí. Văn Việt cảm ơn pro&contra vì không ít bài giá trị mình đã đăng lại từ blog giàu trí tuệ này. Và đây là bài viết cuối cùng của nhà văn Phạm Thị Hoài trên pro&contra mà chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phạm Thị Hoài

Bài liên quan:

Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo

Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass

Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn

Trao đổi lại với ông Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà tôi tham gia

Thomas A. Bass – Phản hồi độc giả nhân lần xuất bản tại Berlin

Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 1)

Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 2)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (3)

Đọc toàn bài trong bản PDF

The captive mind

Kiểm duyệt có phải là một chủ đề bất ngờ với chúng ta không? Hiển nhiên là không. Sự tồn tại của kiểm duyệt ở đất nước này là một bí mật ngang với sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chỉ khác là nó chưa được đảm bảo bằng hiến pháp. Chưa, không có nghĩa là không, hay không bao giờ. Vậy vì sao những người đang thực hiện tốt chức năng kiểm duyệt của mình, các nhà kiểm duyệt Việt Nam trong phóng sự của ông nhà báo Mỹ, bỗng lo ngại, bỗng thấy mình có thể bị phiền phức? Thậm chí đã vang lên câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu họ phải vào tù?

Có ở đâu nhà tù xuất hiện trong trí tưởng tượng của người ta nhanh như thế không? Chắc là không. Chắc chỉ có ở Việt Nam. Ăn đi con, ngủ đi con, nín đi con. Không ăn mẹ gọi công an. Không ngủ bố gọi công an. Không nín tao gọi công an. Nỗi sợ có con ám ảnh tôi rất lâu, cũng như hình dung về một nhà tù đầy nhóc lũ trẻ bất trị, không ăn, không ngủ, ngoặc mồm khóc chảy rãi cả ngày. Chúng sẽ trở thành những bậc thầy của van xin, dỗ dành, dọa nạt, trừng phạt và mãi mãi là những đứa trẻ hay khóc.

Dù không thể nực cười hơn, tôi đã thử đặt mình vào vị trí của một quan chức an ninh xuất bản và truyền thông, hay thậm chí một quan chức an ninh quốc gia, để truy tìm những hành vi đáng trừng phạt của các nhân vật trong câu chuyện của Thomas A. Bass. Kết quả tương đối đáng thất vọng. Tương đối, vì sự linh động của quyền lực tuyệt đối là vô tận. Nó đổi ý nhanh hơn chúng ta có thể uốn lưỡi. Tương đối, vì chứng hoang tưởng của quyền lực tuyệt đối là vô biên. Nó nghe tiếng kẻ thù thì thầm, khi chúng ta, tất cả, đã tự khâu kín miệng.

Bằng cặp mắt cú vọ của một người canh gác chế độ, tôi đi dò từng cái bóng của những nghĩa bóng trong các trao đổi được tác giả phóng sự Rừng Sát thuật lại. Song tôi chỉ thấy các nhân vật liên quan trong giới xuất bản Việt Nam là những người cần mẫn, đầy trách nhiệm, làm đúng phần việc của mình. Trong khi tránh cho các nhà chức trách khỏi bẩn tay, họ cũng giữ được cho mình một thanh danh trong sạch ở mức đáng ngưỡng mộ giữa một môi trường ô nhiễm thảm hại. Trong khi thực hiện cái quyền chính đáng là tự bảo vệ sự nghiệp và doanh nghiệp xuất bản của mình, họ cũng góp phần củng cố chế độ xuất bản tại Việt Nam. Trong khi nhận phần tự kiểm duyệt về mình, họ cũng xác quyết quyền tự do xuất bản mà luật pháp Việt Nam bảo đảm de jure trên mặt giấy. Họ không yêu Stasi Việt Nam và Stasi Việt Nam cũng không yêu họ, song cuộc hôn phối đó đã dày dạn kinh nghiệm kiểm soát những xung đột của nó. Nó ổn định, thậm chí phát triển tích cực ở một số bình diện, không phải bất chấp mà chính vì thiếu vắng sự lãng mạn của tình cảm hay sự nhiệt thành của lí tưởng. Những phiền phức nào đó, nếu có, do các tiết lộ của họ với ông nhà báo Mỹ, khó có thể thực sự chia rẽ cuộc cộng sinh đó. Stasi Việt Nam không khờ khạo tới mức phải chờ một ông nhà báo Mỹ kể thông thống mọi chuyện mới biết điều gì đang diễn ra trong đế chế của mình. Stasi Việt Nam có lẽ còn cảm thấy bị xúc phạm nếu chúng ta cho rằng nó không còn việc gì đáng làm hơn là tống những người biết hợp tác thông minh như vậy vào tù. Nhà tù đang dành cho những ca hoàn toàn khác, những người từ chối hợp tác với chế độ đã đẻ ra nền kiểm duyệt, như chúng ta đã biết, trong quá khứ và trong chính những ngày này.

Vậy thì vì sao lo ngại? Tôi không thực sự biết câu trả lời. Dường như nỗi lo ngại đó có phần là một sự khó chịu. Khi hậu trường bỗng biến thành sân khấu, người ta thấy mình bị phơi trần trong ánh sáng tất nhiên là quá chói. Khi rác thải từ nhà bếp bỗng bày lên mâm, người ta thấy nghệ thuật nấu nướng của mình bị phanh phui. Không ai thích thú khi xuất hiện trong vai những nhà tự kiểm duyệt lỗi lạc, dù thời đại của tự kiểm duyệt vẫn hoàng kim, chưa kể như những kẻ tiếp tay cho chế độ kiểm duyệt de facto. (Tôi đã có lần chứng kiến một điều tương tự: Một quan chức cao cấp của nhà nước Việt Nam, trong một hội nghị quốc tế ở nước ngoài, bực bội tránh mọi câu hỏi liên quan đến vai trò của Đảng. Ông ta chỉ muốn hội nghị nhìn mình như một nhà quản lí nhà nước đơn thuần.) Tất nhiên hình ảnh những anh hùng tranh đấu cho tự do xuất bản đáng yêu hơn, nhưng hẳn là họ cũng không muốn xuất hiện như thế. Họ ở đâu đó trong khoảng giữa. Một khoảng giữa đủ rộng song có thể cũng rất hẹp. Một khoảng giữa đủ an toàn nhưng cũng có thể chạm nhẹ vào bất trắc. Một khoảng giữa đủ cố định để giữ luật chơi nhưng cũng có thể co giãn để thỉnh thoảng xê dịch vài giới hạn. Một khoảng giữa đầy hấp dẫn.

Đó chính là cái không gian mà Czesław Miłosz miêu tả trong The Captive Mind, với những hình mẫu thật của giới trí thức Ba Lan thời cộng sản, Alpha – Nhà đạo đức (nhà văn nổi tiếng Jerzy Andrzejewski), Beta – Người tình bất hạnh (nhà văn tự sát Tadeusz Borowski), Gamma – Nô lệ của lịch sử (nhà thơ và nhà lãnh đạo văn nghệ Jerzy Putrament) và Delta – Kẻ hát rong (nhà thơ và dịch giả Konstanty Ildefons Gałczyński), những người đã miệt mài tu luyện ketman, nghệ thuật đóng vai chính thống trơn tru để bảo lưu xác tín thực của mình trong tâm khảm. Đó là “một cuộc chơi lớn, với những nhượng bộ, những cam kết trung thành đầu môi, những luồn lách thủ đoạn với bao nhiêu biện pháp rầy rà để bảo vệ những giá trị nào đó. Cuộc chơi không phải là không nguy hiểm ấy cho những người trong cuộc một cảm giác gắn bó” của đồng đội ngầm chung chiến tuyến. Czesław Miłosz thú nhận, ông cũng bị cuộc chơi ấy quyến rũ, cũng thấy mình có bổn phận đoàn kết với các đồng nghiệp đang cuốn theo luật chơi, cũng ngần ngại một sự đoạn tuyệt công khai, như thể đó là chơi xấu, là phản bội. Song cuối cùng ông đã bỏ đi, chọn cuộc đời lưu vong, cô đơn giữa những trí thức cánh tả phương Tây bái phục Đông phương hồng và những trí thức cánh hữu phương Tây hình dung bên kia bức tường sắt không có gì ngoài địa ngục với những linh hồn chết. Ông đoạn tuyệt bằng cuốn sách viết năm 1953 về sự cám dỗ của cuộc chơi giam hãm tinh thần giới trí thức Đông Âu gần một nửa thế kỉ.

Hơn sáu mươi năm sau, tôi vẫn mơ hồ nhận ra tất cả các nhân vật của cuộc chơi mê hoặc ấy, những nhà đạo đức và những người tình bất hạnh, những nô lệ của lịch sử và những kẻ hát rong, qua câu chuyện Rừng Sát. Tôi cũng từng có mặt một thời gian đủ dài trong cuộc chơi sống chung với kiểm duyệt tư tưởng ấy; từng kiêu hãnh là người trong cuộc, từng khổ sở và sướng âm ỉ, bướng bỉnh và thuần phục, suy sụp và hân hoan, tưởng mình khôn ngoan, tin chắc ở lẽ phải rồi lại khoanh tay nghe ngu dốt giảng bài, và bất lực, và mệt mỏi, và ngây ngất trước một hai chiến thắng nho nhỏ; một lúc nào đó sự hồi hộp thần tiên nhất kéo dài vô tận cũng trở thành nhạt phèo. A supposedly fun thing I’ll never do again, như nhan đề một tác phẩm của David Foster Wallace.

Mọi câu chuyện liên quan đến Phạm Xuân Ẩn nếu đều có ít nhất hai mặt thì không có gì phải cân nhắc, tôi đứng về phía nhà báo Thomas A. Bass với bài phóng sự miêu tả không thể thật hơn chế độ kiểm duyệt tại Việt Nam.

© 2014 pro&contra

http://www.procontra.asia/?p=5975

Comments are closed.