Nhà chính trị, tượng đài, dân chúng

Lê Học Lãnh Vân

Năm 2015, trên trang Phây của mình, GS Ngô Bảo Châu viết “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.

Hôm nay, đang cơn đại dịch hoành hành thành phố HCM, lại có quan chức đề nghị xây tượng đài!

Thiết nghĩ, nguồn lực quốc gia lúc này cần hướng về số phận đang đau thương của hàng triệu đồng bào chết vì không được chăm sóc y tế, thiếu chén cơm manh áo, hướng về vận nước đang ngả nghiêng lớp vì đại dịch, lớp vì kinh tế tan hoang, lớp vì nguy cơ Biển Đông…

Lúc này quan chức có lương tri phải chắt chiu từng đồng, thấy ngân sách có chút tiền bạc nào tự nhiên phải nghĩ ngay tới đổ vào giúp dân giúp nước! Không thể phân tán nguồn lực, nhất là để xây tượng đài!

Nhà chính trị là người phải rất nhạy bén về tâm lý đám đông, biết kiểm soát tâm lý quần chúng và thuyết phục họ đồng ý về ý tưởng và đường hướng chính trị của mình.

Từ trước tới nay, dân chúng Việt đã nhận thấy số các tượng đài quá nhiều trải từ Bắc vào Nam, đã đau xót vì đồng tiền chắt chiu làm ăn cực khổ đóng thuế bị sử dụng vào nhiều công trình không ích lợi cho đời sống thực tế mà họ không được có ý kiến, mà họ nghi ngờ tính liêm chính của sự thực thi…

Trong tâm lý đó, lúc này nhà chính trị đúng nghĩa phải tránh nhắc tới tượng đài, phải không hề nghĩ tới xây dựng tượng đài mà chỉ dốc tâm lực, trí lực, tìm ngân sách cùng người dân vượt cơn đại dịch đang khó trăm bề…

Nhân viên ngành y tế có cần tượng đài không? Tôi nghĩ điều họ cần là được đối xử tôn trọng hơn, tiếng nói của họ về chăm sóc bệnh nhân, về phòng chống dịch được lắng nghe và thảo luận công khai. Các yêu cầu của họ về số giường bệnh, về điều kiện chăm sóc bệnh nhân, về thiết bị y tế… cần được đáp ứng. Họ cần tái tạo sức lao động, cần được đãi ngộ xứng đáng với công sức đầu tư học tập, làm việc. Họ cần thì giờ nghỉ ngơi để tỉnh táo chăm sóc bệnh nhân hiệu quả nhất… Nếu ngành y tế được đối xử như vậy thì không chỉ nhân viên y tế hài lòng mà dân chúng cũng trân trọng vì đem lại lợi ích thiết thực!

Đại biểu Quốc hội, thay vì nghĩ tới xây tượng đài, nên nghĩ việc tìm ngân sách đãi ngộ nhân viên y tế, cần tìm giải pháp quản trị để hiệu quả chống dịch cao mà ít tận dụng làm hao mòn nhân lực ngành y tế. Nhìn xa hơn, nên tìm giải pháp ngăn chặn tham nhũng để có tiền cho các chương trình quốc kế dân sinh… Cũng nên nghĩ tới giải pháp cho các bài toán đang khiến nhiều người dân bất mãn như xét nghiệm toàn dân, như phong toả, bài toán tạo công ăn việc làm, nối lại những đứt gãy của chuỗi cung ứng, có chương trình đặc biệt xây dựng nền công thương nội địa và mời gọi các nhà đầu tư ở lại Việt Nam…

Những dòng này được viết ra mùa thu năm nay 2021, “ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…

Ngày 23 tháng 9 năm 2021

Comments are closed.