Nhà văn Trang Thế Hy “đi chỗ khác chơi”

 

clip_image002

Trang Thế Hy – tranh Nguyễn Trung

Anh Tư Sâm, nhà văn Trang Thế Hy, đã rời bỏ chúng ta, lúc 0g50 ngày 8-12-2015 tại nhà riêng ở Bến Tre, để nói như anh “đi chỗ khác chơi”. Dẫu biết không có gì là quá bất ngờ, anh thọ 91 tuổi, và càng về cuối đời càng yếu, tuy vẫn minh mẫn, vẫn sắc sảo, nhưng cuộc chia tay này vẫn khiến chúng ta hụt hẫng và bùi ngùi.

Ông tên thật là Võ Trọng Cảnh, ký nhiều bút hiệu như Văn Phụng Mỹ, Phạm Võ, Triều Phong, Vũ Ái Văn, Minh Phẩm,…, chủ yếu viết truyện ngắn, nhưng còn viết tiểu thuyết và làm cả thơ và dịch thơ; bài Quán bên đường của Phạm Duy rất phổ biến trước năm 1975 là phổ nhạc bài thơ Đắng và ngọt của ông, mà Bình Nguyên Lộc khi cho in trên báo Vui sống đổi tên thành Cuộc đời.

Viết đối với Trang Thế Hy là phải dựa vào “cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng” và nhà văn “phải lắng nghe cho được ngôn ngữ lặng thầm của những người đau khổ biết nói mà làm thinh không nói”. Trong số đông thầm lặng đó có người nông dân, mà như Trang Thế Hy nói: “Phải thay đổi cách nhìn về người nông dân Việt Nam, không thể hồn nhiên coi họ là người bạn, mà phải xác định cho đúng, họ là người ơn, vì điều đó có nguồn đạo lý sâu xa hơn tình bạn. Phải khẳng định như thế để khỏi trở thành những kẻ bội bạc, vong ân, miệng nhai cơm mà lòng hờ hững với người làm ra hạt gạo.”

Chân thật, dám nói thẳng, đó là Trang Thế Hy, cho dẫu ông tự nhận mình hèn, chứ không chỉ là nhát, như trong bài thơ Bứt đứt sợi chỉ hồng của ông:

Hồi mình mới yêu nhau, cây kéo kiểm duyệt tạm trú trong đầu anh như khách không mời mà đến.

Chỉ thỉnh thoảng nó mới e dè cắt bỏ một vài bông hoa tư duy nhỏ nở ra trên trang viết của anh.

Nó ái ngại thấy anh ứa lệ nhìn những giọt nhựa tươi rỉ ra từ những cuống hoa bị cắt xén.

Từ ái ngại nó chuyển qua thương anh rồi tội nghiệp anh như một nhà thơ nhát gan.

Bây giờ cây kéo kiểm duyệt không phải là khách, nó có hộ khẩu thường trú trong trái tim anh.

Trước sự dửng dưng vô cảm của anh, nó cắt xén không thương tiếc những bông hoa cảm nghĩ của anh, kể cả những búp chưa kịp nở.

Nó lạnh lùng nhưng đôi khi cũng nói. Nó không nói anh nhát gan, nó nói anh hèn…

Nguyễn Duy gọi Trang Thế Hy là “con khủng long cuối cùng của văn đàn Nam Bộ”, còn theo Nguyên Ngọc thì đó là “người hiền của văn chương Nam Bộ”. Nhưng Trang Thế Hy còn là của chung của mọi vùng đất vì ông “đã chạm đến những gì sâu kín nhất của cõi người” (Huỳnh Như Phương).

Trang Thế Hy sống lặng lẽ, không đua tranh. Trước mọi sự thua thiệt, ông chỉ cười hiền: “Không có chi”. Trước văn nghiệp Trang Thế Hy, có người “lòng cứ vặn lòng rằng tại cái gì, vì cái gì mà một tác giả cỡ ông không được vinh danh bằng ít nhất là Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật?”. Thì trong một truyện ngắn, chính Trang Thế Hy đã nói nhẹ bâng: “Trong văn học, sự hẩm hiu chưa chắc là một điều bất hạnh”.

Vĩnh biệt nhà văn Trang Thế Hy.

Văn Việt

Comments are closed.