Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: “Thực tại mới đòi hỏi đối sách mới”

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

Theo TBKTSG

f9ba4_lai_nguyen_an_2

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân

Chừng 15 năm trở lại đây, ông dụng công cho nghiên cứu sưu tầm, hệ thống hóa, giới thiệu trở lại hàng loạt tác phẩm của các tác gia quan trọng như Phan Khôi, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… Nhiều tác phẩm quý đã được ông “trục vớt”, nhiều giai đoạn báo chí, văn nghệ phức tạp trong quá khứ nhờ vậy, dần dần được công chúng nhìn nhận lại khách quan hơn.

Nhân cuốn Tìm lại di sản, tập tiểu luận phê bình nói về các vấn đề xoay quanh việc “trục vớt” di sản ngôn ngữ, văn chương của Lại Nguyên Ân vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ cho ra mắt, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông.

TBKTSG: Trong diễn từ nhận giải Phan Châu Trinh, ông có nói đại ý, việc bằng lòng với những tác giả “tiêu biểu” trong các giai đoạn thuộc quá khứ dễ làm các nhà nghiên cứu yên tâm với những di sản đã “lộ thiên”, trong khi đó, bỏ qua thông tin, sự nghiệp của nhiều tác gia khác, với tư cách nhà văn, nhà báo, nhà ngôn luận mà độc giả một thời ngày nay rất khó tìm thấy. Vậy thưa ông, cái tư duy chọn lựa cái “tiêu biểu” đầy phiến diện trong luận giá văn học thường bị chi phối hay khống chế bởi điều gì lớn nhất?

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: Tư duy lựa chọn cái gọi là “tiêu biểu” của di sản quá khứ gần và xa, bộc lộ rõ rệt ở miền Bắc kể từ những năm 1957-58, ví dụ, đối với văn học trước 1945, người ta lọc những gì là “tiêu biểu” chỉ trong phạm vi được coi là văn học cách mạng hoặc hiện thực phê phán, loại bỏ tất cả những tác phẩm được coi là lãng mạn, thoát ly, tiêu cực…, lại cũng loại bỏ tất cả những tác giả bị coi đã từng là tay sai phong kiến đế quốc. Tư duy này phát tác rộng ra cả nước từ sau 1975, đo đếm và loại bỏ tràn lan đối với các loại di sản gần và xa theo quan niệm, theo lợi ích của bên thắng cuộc. Cái tư duy phiến diện ấy, suy cho cùng, bộc lộ tham vọng vẽ lại lịch sử, ngụy tạo diện mạo văn hóa quá khứ hoàn toàn theo ý muốn của những người tự xem là chủ thể mới và vĩnh viễn của cuộc sống này, từ đấy trở đi.

 Và không chỉ trong việc định giá di sản văn chương, ngay đến chữ quốc ngữ, với hơn 150 năm phổ biến trong cộng đồng, nhưng dường như lai lịch của nó cũng còn những điểm “bất tiện kiến giải” hoặc bất tận tranh cãi. Theo ông, nguyên do sâu xa từ đâu?

Ồ, đối với chữ Quốc ngữ, hiện tại, một bộ phận của cộng động Việt, kể cả những thức giả, đang đi ngược lại con đường mà thế hệ cụ nội cụ ngoại họ đã đi. Các cụ đã từ hoài nghi vai trò, tác dụng của thứ chữ ghi âm tiếng Việt này, đi đến chỗ tin dùng nó, thấy nó là công cụ hữu ích cho đời sống. Còn một số người Việt hiện nay lại từ chỗ sống trong chữ Quốc ngữ đi đến chỗ hoài nghi giá trị của nó, mơ mộng “giá như” trở về được với thứ chữ vuông trước đó, dù chưa bao giờ thứ chữ vuông ấy được thông thạo dù chỉ bởi vài ba phần trăm dân số người Việt! Ta biết rằng hầu như toàn bộ hệ thống văn bản của nhà nước hiện hành, có lịch sử sắp tròn 69 năm, đều được ghi bằng, không gì khác hơn thứ chữ ghi âm này. Thế nhưng dường như vẫn có những mặc cảm những định kiến nào đó, về ý thức hệ, về tôn giáo, về lịch sử… khiến các giới chính thống không muốn thấy toàn bộ lai lịch thứ chữ ghi âm này được vạch vòi ra thật tường tận, được mặc sức tranh cãi trong các giới nghiên cứu, trong và ngoài nước!

 Thế nhưng, cứ tin tôi đi, cộng đồng người Việt sẽ không bao giờ rời bỏ được chữ Quốc ngữ này đâu! Hiện đã thấy và rồi sẽ còn thấy, trong những khung cảnh nhất định, việc dùng chữ Quốc ngữ, nay đã gọi là chữ Việt, chính là dấu hiệu “vùng nhận dạng” đất của người Việt, đất có người Việt!

 Dữ liệu về lịch sử kỹ thuật, công nghệ xuất bản, phương thức kinh doanh ấn phẩm và thị trường trong từng thời kỳ, từng bối cảnh… sẽ làm cho nhà nghiên cứu văn bản kiến giải, chú thích, giới thiệu sâu hơn về di sản “trục vớt” được, thay vì chỉ sưu tầm và tìm cách công bố chúng trở lại. Nhưng tình hình những dữ liệu liên ngành phục vụ cho nghiên cứu hiện nay ra sao, thưa ông?

Có một sự trái ngược đến nản lòng những ai làm việc với di sản chữ Quốc ngữ thời trước, nếu định so đọ với các đồng nghiệp ở khu vực Hán Nôm; những ván khắc đã dập ra hàng loạt cuốn sách rồi, tức là đã xong việc rồi, vẫn được lưu giữ, được phong cấp di sản quốc gia, di sản nhân loại để gìn giữ lâu dài. Trong khi ấy, đối với di sản chữ Quốc ngữ thì, hiện tại rất khó tìm ra những chiếc máy in typo với các khuôn chữ chì! Đến một vài cái nhà kho tử tế cũng chưa chắc đã có, nói gì đến bảo tàng! Thời của những chiếc máy in typo ấy chỉ mới kết thúc hồi những năm 1980-1990 đây thôi. Thế mà công chúng hiện tại đã không còn hình dung được, ví dụ, những con chữ bị rơi khỏi khuôn in, hoặc ngẫu nhiên hoặc được bàn tay thợ gạt vào một khe hở nào đấy, trở thành hiện tượng nhảy chữ kỳ lạ trên bản in! Người ta cũng không hiểu lý do tồn tại của những khoảng trắng trên trang in, khi những hàng chữ nhất định bị đục bỏ bởi kiểm duyệt! Có rất nhiều điều như thể “hư không đặt để nên lời” mà người sưu tầm nghiên cứu di sản Quốc ngữ thời trước phải đối mặt. Hiện tại thì tất cả giải pháp mới chỉ là kinh nghiệm cá nhân và sự hỗ trợ lẫn nhau của những người cùng chung ham mê, thế thôi.

 Công việc của nhà sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu văn bản có thể hiểu là công việc chạy đua với thời gian, chống lại sự quên lãng, lại cần sự điềm tĩnh, thầm lặng và thận trọng. Hẳn là một sự kiểm soát tự thân đầy khó khăn và thú vị?

Khảo cứu sưu tầm văn bản cũng là tiến trình kiếm tìm và xử lý thông tin. Kiếm tìm thường tốn nhiều thời gian, có khi khá dài, và thất bại nhiều hơn thành công; tìm từng chút một, cần lưu giữ, tích lũy lại, đến một mức nào đó cho là đủ mới có thể xử lý, rồi thông báo, tái công bố. Người đi tìm có khi đột nhiên lanh lẹ khác thường, khi thấy có thể “tóm” được một dữ liệu đáng kể nào đấy. Nhưng thường ngày thì đấy là người trầm tĩnh, ôn tồn. Nét tính cách này cũng định hình dần dần, do công việc, thời gian, tuổi tác, và chưa chắc dã thú vị đâu, nhất là đối với tuổi trẻ!

 Ngày nay, sự phát triển về kỹ thuật số dẫn đến những thay đổi về phương thức xuất bản, cách đọc… Theo ông dự báo, điều đó lợi, hại thế nào đối với những nhà nghiên cứu văn bản tương lai khi tìm cách “trục vớt” những di sản của thời kỳ mà chúng ta đang sống?

 Với kỹ thuật số, có thể nói, tất cả những gì là văn hóa chữ viết, vốn dĩ tồn tại trên các bề mặt phẳng vật chất của đất, đá, gỗ, đồng, da thú, lá cây, và nhất là giấy, tức là thuộc phạm trù văn hóa vật thể, đã tự động chuyển dạng thành những sản phẩm của văn hóa phi vật thể, văn hóa ảo. Chúng ta đang trải nghiệm thứ văn hóa chữ viết đồng thời tồn tại trên giấy in và trên trang điện tử, có thể in từ trang điện tử ra giấy. Nhưng khi một văn phẩm nào đó chỉ tồn tại duy nhất trên trang điện tử thôi, nếu lúc nào đó nó bị xóa mất bởi ai đó, thì làm sao tìm lại? Đó là vấn đề. Có vẻ như, tính đến hiện nay thì đây dường như là điều không thể làm được? Trên thực tế, trong vòng trên 10 năm qua, chúng ta cũng đã biết có một lượng sản phẩm nhất định của giới làm văn học chữ Việt trên internet đã bị hacker xóa mất không khôi phục được. Quả thật đây là những thực tại mới, đòi hỏi những đối sách mới. Nếu đó là điều dường như quá tầm đối với thế hệ tôi, chẳng hạn, thì đó là việc buộc phải xử lý của các thế hệ mới. Nhân loại đã sáng tạo ra cái thực tại ảo như internet thì hẳn sớm muộn gì cũng tìm được đủ cách để quản trị nó, khắc phục những rủi ro nảy sinh bởi nó./.

 

 

Comments are closed.