Nhân một ý kiến của Thủ tướng Lý Hiển Long…

Lê Học Lãnh Vân

Sau một stt trên Facebook của thủ tướng Lý Hiển Long về thủ tướng Thái Lan, ông Prem Tinsulanonda, nhiều người Việt viết trên Facebook phản đối kịch liệt câu nói của ông. Bài viết này xin được nêu lên vài thảo luận, câu hỏi…

Dựa trên stt của ông Lý Hiển Long nhưng bài viết không quan tâm tới stt đó khôn khéo hay vụng về chính trị, mà chỉ quan tâm tới cách suy nghĩ, cách phản ứng của Việt Nam có lợi cho Việt Nam hay không. Mục tiêu của bài viết là hướng tới lợi ích cho Việt Nam, phạm vi của nó là các bài viết trên mạng hay trên báo điện tử. Nó không đề cập tới phát ngôn Bộ Ngoại giao vì có thể có những lý do tế nhị bên trong mà người viết không biết!

1) Đọc kỹ lời của ông Lý Hiền Long, quan điểm của tôi là không có gì lớn tới mức phải ầm ĩ, dù có thể có người không vui.

a) Ông Lý không CHÍNH THỨC lên án Việt Nam, chỉ dùng chữ INVASION (động từ là TO INVADE). Chữ này nguyên nghĩa là xâm nhập, bước vào… một nơi nào đó. Thí dụ ta có thể nói nếp sống mới đã invade xã hội Việt Nam, hay trong y học thì mô này invade mô kia, hay invade một hốc nào đó trong cơ thể. Vậy thì, trên mặt chữ nghĩa, không cần ầm ĩ.

b) Cũng có thể suy diễn, cảm nhận ông Lý Hiển Long hàm ý nói Việt Nam xâm lược Kampuchia. Cảm nhận và suy diễn, cho dù có lý thì không có chứng cớ rõ rệt, hay không nên là chứng cớ để cự cãi ngoại giao. Cự cãi như vậy có ích gì cho sự phát triển dân tộc?

c) Nếu cảm nhận ông Lý Hiển Long hàm ý nói Việt Nam xâm lược Kampuchia, tôi nghĩ Việt Nam nên suy nghĩ nhiều hơn. Nên liên hệ tới phản ứng của không ít các nước khác trên thế giới thời đó. Số cùng quan điểm với ông Lý nhiều hơn hay số khác quan điểm nhiều hơn? Việc làm ta tin là có chính nghĩa mà sao nhiều quốc gia phản đối? Tại sao ta chưa thuyết phục được cộng đồng thế giới và Đông Nam Á? Phải chăng do cách tiến hành, hay do thái độ bất cần của ta? Từ đó mà rút ra bài học ứng xử quốc tế sao cho trong bất kỳ biến cố nào Việt Nam luôn chiếm được sự ủng hộ của đa số các nước trên thế giới. Sự thuyết phục luôn là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng là trách nhiệm!

2) Đôi khi họa hoằn vì lý do đặc biệt cấp bách một quốc gia có thể lấy quyết định riêng khác với chuẩn mực quốc tế, điều này đã có những tiền lệ, về mặt này tôi thông cảm tại sao Việt Nam phải đưa quân sang Kampuchia cuối năm 1978. Tuy nhiên tôi cũng thông cảm với mối lo sợ của các nước khác trong vùng Đông Nam Á. Còn nhớ, sau 1975, một số báo cáo viên chính trị nói vì nhiệm vụ quốc tế vô sản Việt Nam có thể bước ra ngoài lãnh thổ Đông Dương. Có một bài viết trên báo Việt Nam nói rằng nếu muốn thì lực lượng quân sự Việt Nam có thể đi từ biên giới phía Đông tới biên giới phía Tây của Thái Lan trong hai tuần lễ! Cũng khoảng thời gian đó, có bài báo khác nói đại ý làn gió cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới đã đổi chiều, thay vì từ Bắc Kinh đã chuyển sang từ Hà Nội. Và một vài người có vai vế từng nói với tôi rằng khi tấn công Pôn Pốt, chúng ta đã đánh sâu vào lãnh thổ Thái Lan hàng chục cây số…

Vậy chúng ta có nên suy nghĩ tại sao các nước lân cận lúc đó kiêng sợ, không thân thiết với Việt Nam?

Từ bốn chục chục năm nay, tôi luôn tự hỏi nếu Việt Nam phân tích đúng đắn vị trí và tương quan lực lượng của mình trên bàn cờ thế giới, quan sát thế giới một cách thiệt khách quan để điều chỉnh mình phù hợp với chuẩn mực của đa số các nước, thì Việt Nam có thể đã tránh cuộc cấm vận không? Có thể đã mở cửa hợp tác kinh tế với phương Tây trước Trung Quốc không? Có thể tránh các cuộc chiến tranh với Trung Quốc không? Có thể đã có GDP đầu người gấp hai gấp ba Trung Quốc hiện nay không?

Nếu đặt mình trong chuẩn mực chung, dù hoàn cảnh bắt buộc phải đưa quân qua Kampuchia, tôi nghĩ phải chăng rồi Việt Nam cũng có giải pháp hợp lý để nhanh chóng rút quân về dồn nguồn lực phát triển đất nước. Như vậy có thể quốc tế thông cảm với ta hơn, và Việt Nam không phải mang gánh rất nặng tới 10 năm với bao hệ lụy tai hại, trong đó có cả việc chấp nhận sự uy hiếp của cường quốc từ ngàn năm muốn uy hiếp Việt Nam?

3) Gia đình tôi vốn xuất thân từ vùng đất gần biên giới với Kampuchia. Một đêm quân Pôn Pốt tràn qua, vài chục, vài trăm hay vài ngàn người bị cuốc bổ bể đầu, mã tấu xả xác, đạn xuyên thân… , bà con chạy giặc lên Sài Gòn tị nạn tại nhà tôi, ban đêm nằm ngủ sắp lớp dưới đất, tức tưởi than khóc nhớ người thân. Vậy mà sáng sáng vào cơ quan thì nghe loa vang ra rả “Việt Nam, Kampuchia là hai quốc gia cách mạng đồng chí với nhau. Đừng nghe lời xuyên tạc của bọn phản động tung tin nhằm chia rẽ hai đảng và hai nhà nước Việt Nam – Kampuchia…”.

Quân Pôn Pốt giết dân Việt Nam từ năm 1977, mà cho tới cuối năm 1978, khi Pôn Pốt chuẩn bị đánh Việt Nam qui mô lớn, thì Việt Nam mới đổ quân sang tấn công Pôn Pốt. Việt Nam có phản ứng quá chậm để cứu dân mình không? Hay Việt Nam bị trói buộc bởi một ý đồ chiến lược nào?

Vậy thì phải chăng chúng ta nên rút kinh nghiệm để dân Việt trong tương lai không còn bị giết hại như vậy thay vì mất thì giờ trách móc kẻ nào, nước nào đó bên ngoài không thông cảm, không đau lòng vì thảm cảnh trên đất nước chúng ta?

4) Trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam nên tập trung nguồn lực để bảo vệ nền tự chủ trước cường quốc đang xâm phạm nền tự chủ của mình. Vậy giữa tranh thủ có thêm đồng minh hiện nay với cự cãi vì chuyện của quá khứ, Việt Nam nên tập trung vào việc nào?

Ngày 05 tháng 06 năm 2019

Comments are closed.