Nhân sự kiện Charlie Hebdo và hành động của tổng thống Putin, bàn về mặt mạnh và mặt yếu của tự do

Martin Fendrych (Cộng hòa Séc)

Phạm Nguyên Trường dịch

Mỗi khi có một chuyện gì đó khủng khiếp, ví dụ như cuộc tấn công khủng bố ở Paris, khi những kẻ khủng bố tấn công và giết người, thì người ta bắt đầu cảm thấy rằng dường như thế giới tự do quá yếu. Cần phải có ít tự do và ít cởi mở hơn. Rằng cần hạn chế, vì những thứ này chỉ có lợi ở một mức độ nào đó mà thôi. Chúng ta cần một bàn tay cứng rắn. Trong xã hội phương Tây, một xã hội cổ vũ cho tự do ngôn luận, tự do tôn giáo v.v… cũng bắt đầu có những suy nghĩ như thế ngay sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, và, dĩ nhiên, họ cũng phản ứng như thế sau cuộc tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. Nhưng đây là thái độ sai lầm và có hại.

Câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu là chúng ta có cần cẩn thận hơn không. Bất cứ thứ gì cũng có thể coi là cẩn thận hết. Ví dụ, ở Pháp và ở các nước khác, nơi có hàng triệu tín đồ Hồi giáo, xuất hiện những lời kêu gọi: Không chế nhạo Muhammad. Còn ở nước ta lại có những lời kêu gọi khác: ở đây chẳng ai quan tâm tới Muhammad thì nên tránh các “bố già” và các chính trị gia có ảnh hưởng nhất, tốt hơn là không viết về nước Nga và việc nước này gây xáo trộn ở Ukraine – tốt nhất là không dây vào những chuyện như thế. Tất nhiên, bên cạnh đó là những luận cứ về sự kiềm chế “bình thường” và “cần thiết”.

Bây giờ người ta sẽ nói về phương pháp nhận biết phe Hồi giáo cực đoan. Làm sao phát hiện được nó? Để phòng ngừa, có cần theo dõi tất cả những người Hồi giáo hay không? Và điều tồi tệ nhất là quyền tự do của chúng ta đã chết vì như thế. “Phòng ngừa” tốt hơn hẳn là in tranh biếm họa về Muhammad (chống lại nỗi sợ hãi của chính mình, dù đấy là việc làm ngu ngốc). Bởi vì tự do là công việc khó khăn, tốn kém, và người ta phải trồng, vun vén nó trong chính tâm hồn mình.

Nhưng chúng ta không ở Pháp. Hiên nay, vấn đề của chúng ta chắc chắn không phải là Hồi giáo cực đoan. Chúng ta có những khó khăn khác. Phần lớn người dân của chúng ta – do bộ máy tuyên truyền tinh vi, chất lượng cao ở các nước Đông Âu và có sự phối hợp của các cơ quan tình báo – có cảm tình với Putin. Có cảm tình với nước Nga đầy sức mạnh, đồng thời lại cũng là “con gấu của taiga với những móng vuốt dài”. Tổng thống Vladimir Putin trông giống như một chính trị gia mạnh mẽ, lí tưởng, một người không cần nhún nhường, một người biết cách bảo vệ “lợi ích quốc gia của nước Nga”. Có lẽ trong mắt nhiều người việc ông ta được lòng dân Nga và nói chung ông ta muốn làm gì ở đấy thì làm, cũng là điều hấp dẫn.

Tự do mong manh và dễ bị tổn thương

Ở Nga không có mức độ tự do ngôn luận như ở nước ta. Một ít phương tiện truyền thông tự do còn lại đang gặp những khó khăn cực kì to lớn, những người phê phán chủ nghĩa Putin bị kết án và phải vào tù. Và dĩ nhiên, đấy là chưa nói đến những cô gái dũng cảm trong nhóm Pussy Riot. Và bỗng nhiên cái hệ thống mở và tự do mà trước khi bức màn sắt bị rơi xuống, đa số người dân Tiệp Khắc đã từng mơ ước, giờ trông mới lạc hậu, mệt mỏi, nhàu nát và vô dụng làm sao.

Ngoài ra, nó còn mong manh và dễ bị tổn thương. Sau vụ tấn công tàn bạo và đẫm máu vào toà soạn Charlie Hebdo, một số người lập tức nói về chính sách thắt chặt nhập cư (chúng ta đang có chính sách khắc nghiệt, mang tính chọn lọc và chỉ một vài người tị nạn vào được nước ta mà thôi). Tất nhiên, một số người sẽ bắt đầu chỉ tay vào người Hồi giáo, họ đã bắt đầu hoặc sẽ bắt đầu sợ người Hồi giáo, bắt đầu nói rằng chúng ta là “dân Kitô giáo”, rằng chúng ta bắt nguồn từ truyền thống Kitô giáo, và phải giữ mãi như thế.

Hiện nay điều này nghe có vẻ thông minh, nhưng đấy không phải là thông minh và không hợp lý. Xin nói rằng, tổng biên tập và các hoạ sĩ của Charlie Hebdo đã làm hoàn toàn ngược lại: họ không để cho người ta bắt nạt. Họ công khai bảo vệ chính cái quyền tự do dân chủ đang bị nhiều người nghi ngờ và dường như là yếu đuối của chúng ta. Họ nhận ra ý nghĩa của việc làm này, mặc dù biết rằng đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là thành phần không thể tách rời của tự do ngôn luận. Người Hồi giáo có quyền tự do và quyền giữ đức tin của họ. Và cũng công bằng thôi khi họ phải tuân theo những quy tắc dân chủ mà đa số chúng ta đều tuân thủ.

Mới đây, một thanh niên, sống bên ngoài biên giới Cộng hoà Czech, nói với tôi: “Tôi có cảm tưởng là nền dân chủ của chúng ta không biết cách tự bảo vệ”. Anh ta liệt kê mấy trang web vừa xuất hiện ở nước ta và xuất bản cái gọi là thông tin bằng tiếng Séc. Anh ta nói về các các trang aeronet và czechfreepress. “Cần phải cấm, vì họ tấn công quyền tự do, tấn công hệ thống của phương Tây. Tấn công NATO, tấn công EU, tấn công Mĩ. Đấy là những trang thân Nga đến mức khó tin, chắc chắn là Nga cho tiền rồi”, – anh ta tức giận nói. Nếu bạn vào các trang này, bạn sẽ đồng ý với anh ta (chí ít là một số bạn).

Làm việc mà không cần đeo mặt nạ

Nhưng chúng ta tuyên xưng (đấy là niềm tin của chúng ta) quyền tự do ngôn luận. Chúng ta phải chịu đựng cả những thứ chúng ta không thích. Chúng ta nên là những người“yếu đuối”, để cho cả những người mà nhiều người không thích được lên tiếng, để họ có thể tấn công vào hệ thống tự do của chúng ta. Rất đơn giản, vì nếu không thế thì hệ thống sẽ không còn là tự do và sẽ trở thành tương tự như hệ thống ở Nga. Hoặc, trong trường hợp xấu hơn, sẽ hệ thống của IS. Hệ thống này cũng cấm đoán và trừng phạt nhiều quan điểm, nhiều ý kiến và nhiều hành động. Chúng ta hoàn toàn không thích như thế.

Những tên khủng bố, đã giết người trong tòa soạn Charlie Hebdo, đeo mặt nạ. Mặt của họ được che kín. Bộ máy tuyên truyền của Nga ở châu Âu cũng phải che mặt, phải hoạt động ngầm. Còn chúng ta thì không đeo mặt nạ. Bởi vì chúng ta tuyên xưng quyền tự do và nhớ rõ thời kì mất tự do kinh tởm, kinh khủng và làm người ta mệt mỏi đến mức nào.

Những nước đầy sức mạnh, ví dụ như Trung Quốc và Nga, bây giờ nhiều người ở Cộng hòa Séc coi là “hiện đại” và hấp dẫn, đang đàn áp tự do. Nga gây ra những căng thẳng và xung đột trong những khu vực nằm gần biên giới của mình và qua đó thể hiện sức mạnh. Chúng ta, so với Putin cùng với máy bay chiến đấu, vũ khí hạt nhân và xe tăng của ông ta thì trông có vẻ yếu đuối, và ngoài ra – còn do dự và hơi bất lực nữa. Nhưng, dù sao chúng ta vẫn tiếp tục sống trong tự do. Và như những người có đạo thường nói: tự do do Chúa hứa. Hoặc theo lối tôn giáo: Tự do –là điều duy nhất có ý nghĩa, quý giá hơn tất cả mọi thứ trên đời.

So với Nga, người Czech chúng ta chỉ là những con muỗi. Nhưng chúng ta biết rằng các chế độ toàn trị và độc tài bao giờ cũng thất bại. Đấy không phải là những chế độ được Chúa hứa hẹn, những chế độ đó không sống trong tinh thần tự do. Vì vậy không cần phải sợ. Chúng ta tôn trọng những người không sợ hãi khi sống dưới chế độ cộng sản, không sợ hãi khi sống dưới chế độ của Đức quốc xã, những người không sợ trong ngày hôm nay. Khi sợ hãi vượt qua ý chí của con người thì tình trạng nô lệ sẽ bắt đầu. Cứ coi như chúng ta là những người yếu đuối, người ta đang đe dọa chúng ta, nhưng chúng talà những người tự do. Và đấy là điều có giá trị hơn và có ý nghĩa hơn là người có sức mạnh, đủ sức làm cho mọi người sợ hãi và nhưng hành động thì phải đeo mặt nạ. Điểm yếu của chúng ta (tự do) –cũng là sức mạnh của chúng ta.

Nguồn: Slabost a síla svobody na pozadí Charlie Hebdo nebo Putina

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/world/20150114/225539116.html

Comments are closed.