Nhân Việt (nhân cách giáo lý Việt tộc) (bài thứ hai) (*): Chuyển hoá kiếp Đảng (1)

Lê Hữu Khoá

Giáo sư Nhân học tại Đại học Charles de Gaulle,

Giám đốc Ban Cao học châu Á,

Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á,

Giám sát viên Chương trình Chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc

 

Chuyển hoá là đưa một điều mình mong muốn vào hướng hay, đẹp, tốt, lành; kiếp đây một giai đoạn dài của sự sống phải chịu những quy luật vừa khách quan của ngoại giới, vừa chủ quan của chính mình, những quy luật này tác động thẳng lên sức sống của một dân tộc, qua nhiều thế hệ; đảng đây là Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) – một lực lượng chính trị có chỗ đứng trung tâm rồi trở thành độc quyền trong chính trường Việt Nam gần một thế kỷ qua. Sau khi xác nhận ngữ văn và ngữ pháp của bài này, thì tác giả xin đặt chỉ một câu hỏi và tự xem câu hỏi này là định hướng chính của lý luận, lập luận, diễn luận của mình: ĐCSVN đang nằm trong hay nằm trên số phận của dân tộc Việt Nam đang lăn trên con dốc đầy thảm hoạ: suy kiệt về đạo lý, băng hoại về xã hội, thậm chí đang lâm vào vòng diệt vong trước mưu đồ thâm, độc, ác, hiểm của ngoại xâm Bắc Kinh? Những ai có tri thức thì đều tin là: cái lý đủ lẽ để loại cái ngoan cố, cái luận đủ lối để loại cái ngu muội, ý lành của đối thoại đủ lực để loại cái vô lý của bạo quyền. Cân, đo, đong, đếm trong lý luận, lập luận, diễn luận vừa là chuyện khoa học, vừa là chuyện của luân lý; cũng vừa là chuyện của sự thông minh, vừa là chuyện tương lai. Đặt được một câu hỏi, thì đặt được một giả thuyết: nằm trong số phận của Việt tộc thì tồn tại lâu dài trong kiếp người, từ kiếp này qua kiếp khác trong lòng dân tộc; nằm trên số phận của Việt tộc thì tuổi thọ trong kiếp người sẽ yểu đi, chân lý này còn đúng không trong bối cảnh hiện nay? Nếu nó còn đúng, thì một kiếp xấu rồi sẽ biến thành hoạn nghiệp, mà người dân Việt thường dùng từ nghiệp chướng, chóng chầy rồi cũng rơi vào mạt vận. Lịch sử Việt tộc quyện chặt vào đạo thờ tổ tiên từ nhà tới làng, từ làng tới Nước, lý luận rất rành mạch điều này. Dùng kiến thức để lý luận, dùng tri thức để lập luận, tác giả bài chính luận này chỉ làm việc phân tích và dứt khoát không rơi vào thoá mạ, giải thích mà không rơi vào chỉ trích, diễn luận mà không rơi vào bài bác; chủ ý của tác giả dựa trên ý lực của một cá nhân cùng với đồng bào mình, đi tìm một sinh lộ cho Việt tộc; mọi vu khống, chụp mũ đều là những thủ đoạn thấp hèn, không có chỗ đứng trong đối thoại dân chủ và nhân tính giữa các chủ thể có liêm sỉ.

Chuyển kiếp bằng nhân

Các chuyên gia quốc tế theo dõi sát tình hình Việt Nam đã thấy rất rõ những chuyển hoá xấu của chế độ mà trong một chính quyền lại có Bộ Công an, một bộ tiêu hao tiền của của dân nhiều nhất, được sử dụng để đàn áp dân, một chuyện hoàn toàn bất thường trong bối cảnh toàn cầu hoá mà dân chủ và nhân quyền là cơ sở cho mọi việc tự do phát biểu và đi lại. Từ chuyện hoàn toàn bất thường tới chuyện thật sự bệnh hoạn của một Bộ Công an chỉ vài ông tướng trước 1975, giờ đã hơn 200 tướng với một hệ thống tiêu xài phí phạm và bổng lộc dày đặc, càng ngày càng bị nhân dân khinh ghét. Một lực lượng ăn hiếp dân, sẵn sàng chọn đàn áp, hành hung mà không có một hệ thống pháp quyền nào thanh tra, kiểm soát, kiềm chế được. Đối với các chuyên gia quốc tế bám sát chuyển biến của Bộ Công an Việt Nam thì đây là hệ thống gây nhiều tội phạm, nhiều bạo động mà không hề có một khung luân lý về nghĩa nghiệp vụ, một nền đạo lý về định chế vụ. Một nơi mà công an tự do đánh dân, thậm chí đánh chết, gây án mạng mà không hề bị kiểm tra; lộng quyền và lộng hành vì là công cụ đàn áp bảo vệ thế độc quyền, chỗ độc tôn, vị độc tài của ĐCSVN, một công cụ bảo vệ chế độ không có nhân cách luân lý, không có phong cách đạo lý, một hệ thống vô chính phủ mà thực quyền là diễn biến tranh giành quyền lợi, mà bản thân chính quyền không kiểm soát, không khống chế được; cũng theo các chuyên gia quốc tế am tường tình hình hiện nay thì chóng chầy gì rồi cũng sẽ có hiện tượng “retour de bâton (gậy trở ngược); mà ông bà ta diễn luận rất rõ là “gậy ông lại đập lương ông. Bất lý, bất luân sẽ dẫn tới bất nhân, khi đàn áp đồng bào mình như là một phản xạ, bắt bớ trí thức yêu nước như là chuyện rất dễ làm, hãm hại những cá nhân đòi hỏi dân chủ như là chuyện không cần lương tâm, rình rập, đe doạ Việt kiều một cách mờ ám, trừng phạt tàn nhẫn thanh niên, sinh viên yêu tổ quốc, chống bọn trộm, cắp, cướp, giật Bắc Kinh. Không có luân lý thương yêu đồng bào; không có đạo lý bảo vệ nguyên khí quốc gia (trí thức, sinh viên, thanh niên) thì sẽ không có hậu. Triệt hậu. Một hệ thống công an mà các chuyên gia quốc tế về an ninh cho là đã lậm nặng ung thư cơ chế, để du đãng hoành hành trong các đô thị lớn, cùng lúc sử dụng, giật dây, thậm chí mướn du đãng hành hung nông dân nạn nhân các vụ cướp đất, bạo hành với trí thức, với sinh viên, với thanh niên yêu dân chủ, quý nhân quyền. Một lực lượng công an không có một lý luận nào đạo lý của an ninh, lập luận nào về luân lý của trật tự, dùng phản xạ bạo hành như sử dụng một loại đặc quyền bất chấp pháp lý, dùng phản xạ đàn áp như sử dụng một loại ân sủng bất chấp lương tri. Các chuyên gia quốc tế về chính trị an ninh, về quản lý trật tự của các nước phương Tây vừa có văn minh, lại vừa có dân chủ thường tư vấn cho chính quyền của họ là không nên “ăn cùng chiếu, ngồi cùng mâm” với các lãnh đạo công an của ba nước “cộng sản sau cùng” là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam, vì những người này lãnh đạo những guồng máy đầy tội đồ, tội phạm, tội lỗi, càng ngày càng xa đạo lý an ninh, luân lý trật tự. Đây là lúc các lãnh đạo công an Việt Nam hiện nay nên cảnh tỉnh càng sớm càng hay! Hãy bảo vệ tinh hoa nòi giống Việt, tâm nguyện không làm tay sai đánh mướn, giết mướn cho bất cứ tập đoàn nào, cá nhân nào; hãy tự cho mình một nghĩa vụ học an ninh và trật tự nghiêm túc nhất, đừng sống với sự khinh bỉ, chán ghét của dân tộc. Từ khẩu lệnh “ĐCSVN tổ chức mọi thắng lợi cho dân tộc”, mà hiện nay qua miệng dân đã trở thành “ĐCSVN nguyên nhân mọi lụi bại của dân tộc”, trong dân tình đã có những thay đổi vô cùng lớn, trong tâm tư của tất cả các tầng lớp xã hội. Từ “đảng ta” giờ đã đổi qua “đảng chúng nó”, xã hội học chính trị phân tích rõ được điều này: vì “dân ta” trong lúc đấu tranh giành độc lập, giờ đã thành “dân oan”, ngày càng đông trước trăm nghìn bất công của một xã hội nhiễu nhương, dần dần mất đạo lý, mà trước mắt sẽ là “tức nước, vỡ bờ. Có những cá nhân có đạo lý trong nguồn máy công an hiện nay, có những lãnh đạo trong hệ thống công an thương dân, họ phải đứng ra trực diện với thử thách hiện nay để bảo vệ dân, chống lại một lực lượng xấu suốt kiếp làm công cụ, trắng trợn tổ chức các lực lượng “chống biểu tình”, đàn áp biểu tình”, sẵn sàng “dính máu dân. Từ xa xưa tới gần đây, lịch sử nói rất rõ về chân lý an ninh: “giết dân trước là tự giết mình sau”. Đây vừa là chân lý của chính trị, vừa là sự thật của chính trường, vừa là lẽ phải của chính nhân.

Đề nghị 1: Dựng lên một chế độ dựa trên luật để chế tác ra một pháp lý, có nội chất của nhân quyền, thực chất của dân quyền, làm nền cho nhân trí, làm gốc cho nhân sinh. Trong Tuyên bố Nhân quyền, 1948, có câu “Il est essentiel que les droits de l’homme soient protégés par un régime de droit (rule of law)(Vấn đề luôn thiết yếu là nhân quyền phải được bảo vệ bằng một chế độ luật). Trong đó quyền làm người được bảo vệ bằng luật được làm người, luật theo nghĩa luật dân chủ (công bằng, tự do, bác ái), ngược lại với phi luật của công an hiện nay là bừa bãi đàn áp, lạm quyền bắt bớ, lộng quyền giam cầm. Quyền làm người khi trở thành luật được làm người, thì không một chế độ độc tài, độc quyền, độc đảng nào có thể lạm quyền, vượt luật pháp được. Tình trạng lạm pháp luật hiện nay bằng cách cho sinh sôi nảy nở các luật lệ mới mà thực chất là “né luật”, lách luật”, trốn luật”, là điềm báo động về ung thư nội tạng của một chế độ không dân chủ, không nhân quyền, tức là không có pháp quyền. Như vậy phải nhận diện nội chất của luật pháp trong lãnh đạo qua định chế và cơ chế, trong đó mọi tổ chức về pháp chế đều phải dựa trên công lý, một công lý vừa là ước mơ của công bằng, vừa là nguyện vọng của công tâm, mà quy luật của luật pháp là chống cho bằng được cái bất công đang có mặt trong cuộc sống. Cái bất công có thật, cái công lý là ước mơ, nhưng ước mơ cho công bằng phải thắng, phải thành sự thật vì nhân cách làm người làm bằng phẩm cách của nhân trí. Đây là chuyện rất Người, mục súc không lý luận như vậy, súc sinh không lập luận như thế. Cho nên nội chất của một cộng hoà không phải chỉ có tự do, mà còn có công bằng (chống lại với bất công) và bác ái (hỗ trợ cho công bằng để chống lại những cái vô nhân). Vì vậy, Cornelius Castoriadis gọi các các định chế bảo vệ công bằng trong xã hội là các cơ chế tưởng của quyền làm người, cơ chế tưởng không phải là các bộ máy để mộng tưởng, mà thực sự là sức thông minh của con người muốn thoát khỏi bùn lầy của động vật tính chỉ biết “cá lớn nuốt cá bé”, làm Người để hướng thượng, dùng nhân tính để quản lý nhân tình, theo nghĩa cụ thể nhất là dùng định chế dân chủ để bảo vệ an toàn nhân sinh.

Chuyển kiếp bằng dân

Trước sau gì thì ĐCSVN cũng phải trả lại dân chủ cho xã hội dân sự, những kẻ làm trì hoãn quá trình này sẽ có tội với tiền đồ của dân tộc, vì dân chủ dựa trên dân quyền, bảo đảm sự thông minh của dân trí. Nhưng trước mắt và tức khắc bây giờ thì ĐCSVN phải điều chỉnh lại ngay quỹ đạo về các phương sách phát triển đất nước, lấy lại nhân cách của mình bằng việc thay đời đổi kiếp của Việt tộc, đã quá nhục nhằn hiện nay. Từ một người thường dân tới những chuyên gia quốc tế cao nhất về tình hình Việt Nam từ 40 năm qua, từ ngày đất nước thống nhất 1975, đều kinh hoàng với vị thế thấp kém của dân tộc ta so với các nước láng giềng xung quanh, nhất là với các nước cùng nôi văn hoá tam giáo đồng nguyên với Việt Nam. Chỉ cách đây nửa thế kỷ, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, cùng đồng hành với Việt Nam về kinh tế mà bây giờ họ làm chủ, dân ta thì làm công, làm tôi, làm tớ, thậm chí làm mọi cho họ với lương bổng thấp, điều kiện lao động ngặt nghèo, với phản xạ cúi đầu, khom lưng, im tiếng. Không một người lãnh đạo nào yêu nước thương nòi mà có thể ngủ yên trước một thực trạng nô bộc của dân mình như vậy. Những người có quyền lực hiện nay mà để cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào đất nước ta, kéo theo hàng nghìn người Hoa, lập làng xã ngay trên đất nước ta, cùng lúc nhắm mắt trước chuyện buôn người Việt Nam qua Trung Quốc để làm tôi mọi, đầy tớ cho họ; những người có quyền lực này có tội với tổ tiên, với các thế hệ mai sau. Thực trạng hiện nay là chỉ vài người thương gia Trung Quốc vào Việt Nam với hộ chiếu du lịch, xuống tận đồng bằng sông Cửu Long là có thể làm xáo trộn thị trường giá nông sản và thủy sản của ta; cũng chỉ vài con buôn Trung Quốc vào ra mua rồi bán, bán rồi mua với số vốn mơ hồ của họ cộng thêm với các tin đồn xảo quyệt chính họ xếp đặt cũng có thể làm xáo trộn hệ thống xuất nhập khẩu của đất nước. Từ đầu đường cuối phố mọi người dân đều biết, cũng như các chuyên gia quốc tế đã nhận định trong các hội thảo quốc tế về Á châu: Tại sao lãnh đạo của ĐCSVN lại để Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc quá nhiều như vậy? Câu trả lời không chỉ có sức nặng về chính trị và kinh tế, mà nó có trọng lượng cho cả số phận của một dân tộc, nếu không tìm được câu trả lời thì đừng lãnh đạo, lãnh đạo kiểu này chỉ làm triệt hậu Việt tộc. Có một số đông trong các chuyên gia quốc tế về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra phân tích là Trung Quốc có thể xâm chiếm và thôn tính Việt Nam qua đường kinh tế mà không cần dùng vũ lực quân sự. Đã có một nhà lãnh đạo nào của ĐCSVN phân tích xác đáng và minh bạch trên chiến lược nước ngầm kinh tế này chưa của Trung Quốc? Trong các hội thảo quốc tế về Á châu, về Việt Nam, các chuyên gia quốc tế đã kết luận rõ ràng từng điểm một: 40 năm vừa qua dưới quyền lãnh đạo của ĐCSVN, đất nước Việt Nam không hề có một công trình nào đáng kể, để tạo nên sức bật đưa dân tộc Việt Nam vào đúng quỹ đạo phát triển. Thậm chí cũng không có luôn các công trình tối thiểu để ổn định giao lưu, không có được một đường sắt bình thường, một xa lộ bình thường, một mạn bến cảng bình thường trong việc giao thông và vận tải trên một hệ thống bình thường của một quốc gia. Quên hẳn việc luôn phát triển các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố với các chính sách ủng hộ những người dân có lợi tức thấp; cùng lúc hỗn loạn phát triển du lịch trên một hạ tầng kiến trúc vận chuyển lạc hậu.

Đề nghị 2: Nhân quyền là chỗ dựa cho dân quyền để bảo vệ công lý và công bằng qua định chế và cơ chế, trong đó trật tự của luật pháp không tách rời điều kiện vật chất của một dân tộc, nhưng cũng không thể bị bóp nghẹt bởi điều kiện vật chất này; vì nhân quyền bảo đảm cho dân quyền không được định nghĩa bởi vật chất mà bởi đạo lý. Tại châu Mỹ, Costa-Rica đã chọn bảo vệ môi trường sống của muôn loài (con người, động vật, thực vật), tức là chọn lựa bảo vệ môi trường, chứ không chọn tăng trưởng kinh tế qua nhà máy, nhưng là một quốc gia sắc nhọn về các khoa học hiện đại. Trong khi đó thì các nhà lãnh đạo ĐCSVN hiện nay chọn con đường bán năng lượng thô, với bao đe doạ về ô nhiễm môi trường trên toàn quốc, trong lúc thế giới đã đi vào con đường kinh tế tri thức (économie de connaisances). Hãy nhìn lại cái sai lầm lớn về lý luận của vật chất chủ nghĩa, của duy vật lịch sử, đã là nền móng cho cộng sản chủ nghĩa trong thế kỷ qua. Bỏ duy vật kiếp, chọn nhân tính kiếp, là thử thách tư duy lớn của các nhà lãnh đạo ĐCSVN hiện nay, bỏ cái tham quyền cố vị vì tư lợi, chọn kiếp người trong công lý và công bằng. Một lực lượng lãnh đạo thông minh là giữ được dài lâu cái thăng bằng của quyền lực, dựa trên cái công lý và công bằng, tác chế ra cái công tâm trong tư duy lãnh đạo. Còn “cúi đầu, khoanh tay” trước bọn trộm, cắp, cướp, giật Bắc Kinh, thì sẽ bị chúng “nhéo tai, kéo mũi”, vì bọn này chỉ nể những ai không sợ chúng; khi được hỏi về đường lối kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc, thì nhà Trung Quốc học lão thành Jean Domenach phát biểu là: “Nhân loại rất vui khi Trung Quốc thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu nhờ phát triển kinh tế, nhưng thế giới rất khinh Trung Quốc trong cách cư xử với làng giềng, không có chính sách trong ngoại giao, chỉ thấy có thô bạo, thiếu văn minh”. Câu này đã trở thành chiến lược đàm phán, chiến thuật ngoại giao của nhiều nước láng giềng có xung đột lãnh thổ với Trung Quốc, mà Liên Hiệp Quốc đã thông báo là có tới 14 vụ tranh chấp lãnh thổ và biên giới, trong đó Trung Quốc có thái độ thô bạo, vô luân tới 12 vụ. Bắc Kinh chỉ nắm được tâm lý sợ hãi của các lãnh đạo Việt Nam để bạo hành thao túng ĐCSVN, nhưng Bắc Kinh không nắm được lòng dân Việt Nam, nên rất sợ phản ứng yêu nước của Việt tộc. Các lãnh đạo ĐCSVN hãy tâm niệm điều này, hãy dựa lên trí thức Việt để lập ra ngay nhiều viện nghiên cứu, nhiều trung tâm tư liệu sâu sắc và thâm đậm về Trung Quốc, từ quân sự qua ngoại giao, từ quốc phòng tới kinh tế, từ xã hội qua thương mại, từ cổ sử tới cổ văn, như họ đang làm kỹ càng và thâm độc về Việt Nam chúng ta. ĐCSVN đừng để phải nhận lỗi, nhận tội trước Việt tộc là đã hủy sinh lực, diệt sáng tạo, giết thông minh của dân tộc trước thảm hoạ ngoại xâm. Chuyển hoá định chế và cơ chế dựa trên nhân quyền là nền móng của dân quyền để chuyển hoá kiếp đảng, đã quá lâu xơ cứng trong phản xạ độc đảng, qua tư duy độc tôn, trong hành động độc tài, qua đường tắt độc chủ. Hãy chuyển hoá kiếp đảng mình trước, thật nhanh và thật mạnh, trước khi toàn cầu hoá chuyển hoá mình bằng quy luật duy lý chớp nhoáng của nó, lúc đó “nước đến chân mới nhảy”, thì thật là một thảm hoạ cho Việt tộc. Qua nhiều thế kỷ với kinh nghiệm dân chủ, các nước văn minh đã sống ổn định trong luật pháp, chính quyền là một kết hợp toàn diện để chế tác ra mọi định chế, mà mục tiêu chính là phải bảo vệ ba lực lượng khác biệt của xã hội: đa số, thiểu số và cá nhân. Như vậy hệ vấn đề “nắm chính quyền” đã được chuyển sang hệ vấn đề “quản lý chính phủ”, và không một chính phủ nào được quyền đứng trên luật pháp, phương thức này đã thực sự trở thành phương tiện hiệu quả của dân chủ. Phản xạ đàn áp, “cả vú lấp miệng em”, ăn trên, ngồi trốc”, của hệ vấn đề “nắm chính quyền” bị gạt đi, thì nhân-quyền-tạo-dân-quyền chỉ giữ lại đạo lý của công bằng và pháp lý của dân chủ, tiền đề của “thương người như thể thương thân, trong ấm, ngoài êm của hệ vấn đề “quản lý chính phủ.

Chuyển kiếp bằng học

Các chuyên gia quốc tế về Việt Nam học gần đây trong các hội thảo đều đồng ý với nhau về một kết luận là thảm kịch của ĐCSVN không phải chỉ là chuyện thất bại trong kinh tế, mà là chuyện thảm bại trong luân lý chính trị; tức là từ 1975, từ ngày đất nước thống nhất, đã không tìm ra một luân lý mới để lãnh đạo dân tộc, đưa đất nước đi trên con đường nhân phẩm. Phải biết bắt đầu chuyển kiếp qua nhận thức chính trị về giáo dục trên tình hình Việt Nam trong những năm qua, để phân tích rõ một trong những cội nguồn trong chuyện đi sai đường lối giáo dục của các lãnh đạo ĐCSVN, dẫn tới hiện trạng trì trệ, giậm chân tại chỗ của Việt Nam, đã không lấy đúng cái lõi của nhân trí làm nền tảng cho nhân sinh, mà Phan Châu Trinh đặt ra từ đầu thế kỷ qua, hệ vấn đề này không hề bị lỗi thời. Chuyển kiếp bằng tri, chuyện mà ĐCSVN đã không gây dựng được một công trình gì từ 40 năm qua, cùng lúc chặn đường lực lượng trí thức dân tộc, vừa là chỗ dựa cho lương tri, vừa là chỗ dựa cho trí tuệ; ngược lại còn để xảy ra tình trạng cả một nền giáo dục bị ngụp lặn trong học giả, thi giả, bằng giả. Đại học không có viện nghiên cứu, tiến sĩ mà không có công trình, giảng viên không có thông báo kết quả nghiên cứu, đa số lẩn tránh những hội đàm, hội thảo, hội nghị về lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận. Đi công vụ đại học ra nước ngoài mà không thấy có đóng góp với học thuật của thế giới, chỉ thấy xuất hiện thường xuyên ở những nơi mua sắm, tiêu thụ. Còn lãnh đạo thì tìm cho được bằng tiến sĩ mà không ai đọc được luận án, hội đồng giám khảo có những ai? Học hàm, học vị, nhất là học lực ra sao? Không ai biết. Lại còn xuất hiện rầm rộ trong các hội đàm, hội thảo, hội nghị để chào cờ, để đọc đường lối, đến khi vào thảo luận, tức là đến lúc vào lý luận khoa học, lập luận trí thức, thì bỗng nhiên vắng mặt, vắng tiếng. Cấp học bổng nhiều năm liền rồi gửi bừa bãi nghiên cứu sinh qua các nước phương Tây làm luận án tiến sĩ mà không có vốn ngoại ngữ, không có căn bản qua giáo khoa, giáo án, giáo trình của các đại học phổ thông của nước sở tại; viết luận án tiến sĩ mà ngữ văn, ngữ pháp thấp hơn học sinh trung học. Đi du học qua đường “con ông, cháu cha, về lại quê nhà tìm cách thành “quan lại, buôn chức, bán quyền”, Việt tộc này sẽ đi về đâu? Trong chuyến công vụ đại học để nghiên cứu về hệ thống giáo dục và đại học với tôi năm 2007, nhà xã hội học Alain Chenu, Giám đốc Viện Quan sát Xã hội của Đại học Chính trị Paris đã tâm sự: “Những trí thức phương Tây đã ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, họ rất buồn trước thảm cảnh giáo dục Việt Nam, tại đây đại học nhân văn và xã hội chỉ là trung học nối dài, không có trung tâm nghiên cứu, không có kiểm soát khoa học, không có tranh luận trí thức, không có dân chủ truyền thông…. Hãy đặt giáo dục là ưu tiên hàng đầu để cứu tri thức của Việt tộc, hãy tâm nguyện trên chữ học, để cứu nhiều thế hệ mai sau, đừng “học chơi hưởng thật, cũng đừng có phong cách lãnh đạo khoe tiền, khoe của, khoe nhà, khoe dinh thự… mà nên khoe nhau mỗi ngày mình đã học được gì của nhân loại, của thế giới, của láng giềng để đưa dân tộc, cộng đồng, tập thể của mình đi lên, đi về hướng hay, đẹp, tốt, lành, từ tri thức đến đạo lý. Vì từ khi lập quốc, Việt tộc chỉ trân quý hiền sĩ, chứ họ không hề tôn sùng trọc phú. Nếu chỉ thấy duy vật qua của cải của mình thì chỉ là loại duy vật thấp hèn, chứ không còn là duy vật lịch sử có lý, có luận. Phải tìm hiểu gốc, rễ, cội, nguồn của thảm hoạ “khoe khoang thành quả cướp được” này để biết chuyển kiếp từ gốc: nếu bị nô lệ trong bối cảnh ngoại bang là thực dân thế kỷ qua thì chuyện cướp chính quyền là việc tất yếu để tự giải phóng mình; nhưng nhất quyết không để phản xạ cướp điều kiện hoá mình trong quản lý chính trị. Lịch sử của ĐCSVN đã để lại một tiền đề xấu là sau khi cướp chính quyền 1945, cho tới khi thật sự có chính quyền trong tay, đã không tổ chức được những cuộc đối thoại giữa các đảng khác, các lực lượng yêu nước không cộng sản, không cách mạng, nhưng cùng một gốc quốc, cùng rễ quốc, cùng cội tộc với mình. Ngược lại còn rơi vào chuyện thanh toán, thanh trừng, thanh loại, một phản xạ không dân chủ, thiếu văn minh, rợn hình sự và tiếp tục chuyện thanh lọc này trong gần một thế kỷ, cho tới ngày hôm nay, vừa phản nhân quyền, vừa trái ngược lại gốc, rễ, cội, nguồn của hoà hợp, hoà giải của một dân tộc gọi nhau là đồng bào – cùng mẹ và cùng bào thai từ ngày lập quốc. Năm 2007, mời và tổ chức cho thiền sư Thích Nhất Hạnh về lập trai đàn, giải oan sau thảm hoạ huynh đệ tương tàn 1954-1975, sau đó lại tổ chức cho côn đồ, du đãng hành hung các môn sinh của thiền sư này tại thiền đường Bát Nhã, tại sao phong cách lãnh đạo lại mờ ám như vậy? Gần đây lại chặn quỹ ngân hàng của nhà dân chủ Nguyễn Thanh Giang, tại sao nhân cách lãnh đạo lại thấp kém như vậy? Nếu muốn làm lãnh đạo liêm chính, thì hãy tự hứa là sẽ không còn thảm kịch đưa một ý thức hệ ngoại lai, buộc dân tộc phải chịu cảnh gà nhà bôi mặt đá nhau, mà thật sự được bảo vệ bằng luân lý cội của tổ anh em như thể tay chân. Hãy chuyển kiếp Đảng bằng một vũ trụ quan mới! Những lực lượng lãnh đạo mới đứng trước tiền đồ nguy khốn của đất nước, hãy mau tìm ra một quốc sách để định hướng lối đi trước mắt của Việt tộc. Nếu không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ đất nước thì chỉ là một loại lãnh đạo vô tri. Nếu không bảo vệ được hệ thống giáo dục và y tế để đưa hai ưu tiên này theo hướng thiện, chỉ là một loại lãnh đạo vô tuệ. Nếu không tức khắc tạo được một, hai thế hệ chủ động và sáng tạo trong công nghiệp hiện đại, để đưa dân tộc vào quỹ đạo đúng của toàn cầu hoá, chỉ là một loại lãnh đạo vô minh.

Đề nghị 3: Phân ranh giữa chính phủ và quyền lực qua tổ chức pháp lý của xã hội dân sự, được hỗ trợ bởi một liên minh giữa các đạo lý khác nhau (quốc gia, cộng đồng, tập thể, thống tộc, gia đình, cá nhân), từ đó chọn ra được một mô hình dân chủ khai thác từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã làm được, không nhất thiết phải theo Âu Mỹ, nhưng hằng số dân chủ dân quyền không thay đổi: chính phủ và chính quyền luôn được quản lý, kiểm soát, thanh tra bởi tam quyền phân lập. Ở đây, phân tích về pháp lý phải làm rõ, một chuyện chưa bao giờ rõ tại Việt Nam là tính tương đối thuộc về địa lý và lịch sử của một quốc gia không phải là thước đo phổ quát và khách quan, tính tương đối này phải dựa trên tính trung tâm của pháp lý mà nền gốc của nó là: nhân phẩm tạo ra lương tâm, lương tâm tạo ra ý thức, và ý thức tạo ra công minh, công minh tạo ra luật pháp. Vì vậy, có những khúc mắc về luân lý, có những bức xúc về đạo lý, thì luật pháp xử lý những khúc mắc, những khó khăn này bằng công minh, dựa trên công lý và công bằng của luật. Luân lý có thể chống ly hôn, đạo lý có thể ngăn ly thân, thì luật pháp cho phép ly dị, vì sống chung mà biến gia đình thành địa ngục, thì luật pháp được quyền làm trọng tài để bảo vệ tự do cá nhân của mỗi bên. Thí dụ này không khác gì những cá nhân trên đất nước Việt Nam hiện nay không đồng ý với ĐCSVN, những cá nhân đó phải được bảo vệ từ hiến pháp tới luật pháp, từ an toàn tính mạng tới an ninh của gia đình họ, thân thuộc họ. Như vậy, yêu cầu hiện nay là trước mắt không những gạt bỏ Điều 4 của Hiến pháp là ĐCSVN độc quyền lãnh đạo dân tộc, mà còn phải thêm vô một điều mới nữa là: bất cứ những cá nhân, những tập thể, những thành phần xã hội nào không đồng ý với ĐCSVN đều được sống và được bảo vệ từ an toàn tính mạng tới an ninh của gia đình trên đất nước Việt Nam; vì đây là định nghĩa chính thống của dân chủ, là gốc, rễ, cội, nguồn của pháp lý của xã hội dân sự.

Chuyển kiếp bằng tạo

Nước Việt Nam hiện nay đã bị xếp hạng vào các nước du lịch mà khách tới một lần thì không muốn trở lại, vì giao thông dở, vì dịch vụ kém, vì nhân viên du lịch yếu tay nghề, nhất là vì lãnh đạo quyết định các chính sách du lịch chỉ thấy tư lợi trước mắt, trong đó khách du lịch không thấy rõ phong cách, phẩm cách, nhân cách của Việt tộc trong du lịch. Hãy tự chuyển hoá mình bằng cách tạo cho mình một tư duy mới: tư duy của những kẻ làm chủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhất quyết rời kiếp làm công, làm tôi, làm tớ, làm mọi, càng sớm càng hay. Việc đầu tiên là loại ra khỏi bộ máy lãnh đạo các cá nhân vì tư lợi đã dễ dàng ký giấy, đóng mộc mở cửa cho các tập đoàn ngoại quốc vô đạo lý đầu tư và sau đó là nô bộc hoá dân tộc ta. Đây là chuyện khả năng và tài năng trong bổ nhiệm mà thực chất của học hàm, học vị phải qua học lực, tức là chỉ chọn người có khả năng, loại ra những kẻ lãnh đạo bằng đường tắt: quen biết, hối lộ, mua chức, bán quyền… Việc thứ hai là bằng đường lối thượng nguồn lập ra và tạo nên phong cách tự chủ trong khoa học kỹ thuật để thực sự làm chủ, tự sáng tạo trong kỹ nghệ, công nghiệp, truyền thông… qua học hỏi, thể nghiệm, nghiên cứu. Dân tộc Việt Nam cũng biết “thức khuya dậy sớm”, một nắng hai sương” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, chỉ lo là những kẻ lãnh đạo không thấy, không hiểu, không tin dân tộc này mà thôi! Đừng biến những nơi giàu đẹp của đất nước thành những nơi ăn chơi cho người ngoại quốc, nhất là bọn người trong đầu chỉ có câu “có tiền mua tiên cũng được. Đừng biến đảo Phú Quốc thanh bình thành một nơi ăn chơi mới, hãy biến nó thành một trung tâm nghiên cứu, khám phá và ứng dụng của khoa học kỹ thuật, của kỹ nghệ, công nghiệp, truyền thông… như Mỹ đã có Silicon Valley, như Pháp đã có Sophia-Antipolis, như tất cả các nước láng giềng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc… đã có những vùng sáng tạo, những khu vực thông minh, những lãnh thổ của sáng tác, tạo điều kiện cho chuyện làm chủ, quyết không làm tôi tớ, nhất định không làm tôi mọi. Đừng biến Côn Đảo, ngục tù của thực dân thế kỷ qua thành một nơi du lịch bừa bãi, hãy biến nó thành một trung tâm chất xám của Việt tộc bằng cách lập nên những đại học xuất sắc, những trung tâm nghiên cứu chủ đạo trong sáng tạo, từ nghệ thuật tới nhân văn, để làm sáng, làm rõ, làm cho ra hồn: nhân cách giáo lý Việt tộc. Cách đây nửa thế kỷ, Hàn Quốc và Việt Nam song đôi về mức sống, bây giờ tại Hàn Quốc có khoảng 20000 người Việt sống trái phép, không có thẻ cư trú, chấp nhận sống chui rúc trong số phận tôi mọi. Có vài lãnh đạo đã biết công nhận là hiện nay trên nhiều phương diện là Việt Nam còn thấp hơn Campuchia và Lào. Tại sao số kiếp dân ta tụt hậu đến như vậy? Nếu lãnh đạo sáng suốt, “nhìn xa trông rộng”, thì những năm tới những thành phần xuất sắc của dân tộc phải có mặt trong các mạng lưới đầu tư, từ cổ phần kinh tế tới khoa học hiện đại, từ công nghệ tới thương mại, từ nghệ thuật tới nhân văn, trong bối cảnh toàn cầu hoá vừa gay gắt, vừa rất thuận lợi cho dân tộc ta; để ta không còn chịu cảnh “ít hơi, ngắn tiếng” như hiện nay trước bọn trộm, cắp, cướp, giật Bắc Kinh. Ý thức làm chủ qua sáng tạo là ý thức làm chủ vận mệnh của chính mình, sống với láng giềng, với nhân loại không cúi đầu, không mặc cảm, đây là sứ mệnh hàng đầu của những người lãnh đạo còn liêm sỉ của ĐCSVN.

Đề nghị 4: Pháp quyền, dân chủ, nhân quyền là một tổng thể, không cắt rời được, một thống hợp hoàn chỉnh để thực hiện tam quyền phân lập có thực chất, nó vừa dựa trên văn hoá, văn minh, văn hiến của một dân tộc, vừa dựa trên sức biểu hiện thông minh của dân tộc qua các cá nhân lãnh đạo nắm chính quyền, và tất cả dựa trên vốn liếng đấu tranh vì độc lập, vì nhân phẩm của dân tộc này. Đấu tranh vì độc lập đã trở thành bản sắc của Việt tộc, đây là hằng số, không biết, không nắm hằng số này thì đừng lãnh đạo. Vì trong chủ quan của các lãnh đạo, luôn có một cái bẫy, như Jean-Pierre Vernant đã phân tích từ khi chính quyền nằm trong tay các nhà lãnh đạo: “Cái bẫy được giăng ra tới độ mà các lãnh đạo muốn sử dụng chính quyền cách nào cũng được, cho tới ngày tận thế đến đột xuất với mình mà không biết, vì trên thượng nguồn cái bẫy này rất vô hình”. Phân tích này đúng từ thượng cổ chính trị của nhân loại, càng đúng hơn với bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay mà trong đó có ẩn chứa một cái bẫy khác là: trình độ hiểu biết và mức độ thông suốt các kiến thức chân lý thuộc về khoa học xã hội và nhân văn. Không có kiến thức dựa trên chân lý các khoa học này trong bối cảnh hiện nay thì không gỡ được các loại bẫy này, nếu không biết chuyển hoá kiếp lãnh đạo của mình thì chỉ đưa dân tộc Việt từ nơi “khốn nạn” qua chốn “khốn kiếp” mà thôi.

Chuyển kiếp bằng đa

Hàng chục ngàn kiến nghị của hiền tài, hiền sư, hiền sĩ mỗi năm yêu cầu nhanh chóng và triệt để cải tổ bộ máy chính quyền để cải cách đất nước, đều không được lắng nghe, không được đưa ra bàn cãi; đây là thái độ vừa là vô tri, vừa là bất chính, vì không có tư cách lãnh đạo trong sáng, vì không có nhân cách chính quyền trong sạch. Tệ hơn là từ 40 năm thống nhất đất nước không có một hội nghị, hội thảo nào mà các nhà lãnh đạo trực diện với trí thức, với chuyên gia để cùng nhau tìm cách đưa đất nước đi lên. Trong khi đó các quốc gia thực sự dân chủ thì mỗi ngày các lãnh đạo phải làm nhiệm vụ giáo khoa chính trị để giải thích trước công chúng qua truyền hình, phát thanh, báo chí về đường lối và phương pháp lãnh đạo của mình. Hàng tuần đối thoại với trí thức, với chuyên gia để thực sự gặp được kiến thức mới, được tư vấn hay, được chuyên môn giỏi. Hãy cùng nhau đi tìm một sinh lộ cho Việt tộc bằng cách thành lập một chế độ mà chính quyền theo số đông, chính phủ theo số nhiều, trong đó đa số không phải chỉ là vấn đề định lượng, mà số đông và số nhiều là một hệ vấn đề định chất, quyết định năng lực chính quyền và kỹ năng của chính phủ. Khi mà số đông và số nhiều được hiểu qua “an cư lạc nghiệp”, sung túc, ấm no, thì hạnh phúc đã có mặt trong cuộc sống. Người hiểu quy luật số đông và số nhiều một cách cặn kẽ không ai khác hơn là Đặng Tiểu Bình, đã dùng cải cách kinh tế từ 1979, dẫn tới hiện đại hoá Trung Quốc, đưa đất nước này từ nghèo nàn lạc hậu qua sung túc của số đông và số nhiều, với tốc độ nhanh nhất chưa hề có trong lịch sử của nhân loại[**]. Chỉ qua một chuyến “Nhật du, rồi một chuyến “Mỹ du”, mà nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan của một cá nhân lãnh đạo đã thay đổi toàn bộ, từ đó thay đổi cả số kiếp của một dân tộc hàng tỷ người. Giờ đây chế độ chính quyền theo số đông, chính phủ theo số nhiều đã thành mô hình, rồi thành phương hướng, trở nên một hệ vấn đề nghiên cứu sôi nổi trong giới học thuật hiện nay. Riêng tôi, hệ vấn đề minh quân, minh chúa, minh chủ không hề bị lỗi thời, vì minh quân, minh chúa, minh chủ không theo nghĩa hủ bại của một chế độ phong kiến độc quyền; mà chuyện chính ở đây là chủ từ: minh, vừa là tính từ, vừa là trạng từ trong câu chuyện dân tộc này của chúng ta. Vì chính cái thông minh cá nhân làm gốc cho cái sáng suốt trong chính quyền, làm cội cho cái tỉnh táo trong chính phủ, làm rễ cho cái “nhìn xa, trong rộng” của mọi lực lượng lãnh đạo, vì tất cả chuyện “vật đổi sao dời” đều từ cá nhân mà ra. Vì cá nhân vừa là giá trị sắc bén của tập thể, vừa là mũi nhọn sáng tạo của dân tộc; vì cá nhân vừa thể hiện bổn phận qua chế tác, vừa thực hiện trách nhiệm qua cải cách, đưa tập thể theo hướng thăng hoa, đưa cộng đồng theo hướng thiện mỹ, để số đông và số nhiều được sống trong cái hay, đẹp, tốt, lành giữa hiện tại, trong hiện thực. Ở đây phải nói thật, mặc dầu “sự thật mất lòng”, còn có thể dẫn tác giả bài này tới chuyện bị đe doạ, bị khủng bố, bị ám hại, nhưng sự thật-chân lý-lẽ phải là một tổng thể thuần nhất: hiện nay Việt tộc không hề thiếu hiền tài, hiền sư, hiền sĩ, mà chỉ có ĐCSVN không có minh quân, minh chúa, minh chủ. Triết gia sáng suốt và là nhà Trung Quốc học tỉnh táo François Jullien, Giám đốc Viện Tư tưởng Đương đại của Pháp, cùng đi liên tục công vụ đại học với tôi trong nhiều năm liền tại Việt Nam, trên cả ba miền đất nước, đã thổ lộ, đã tâm sự khi nhìn thấy cảnh khốn cùng của dân chúng ta trên đoạn đường xe hoả từ Hà Nội lên Sapa: “Sau bao nhiêu năm dài mà Việt Nam không có một thay đổi theo hướng phát triển đúng, trong khi đó thì Trung Quốc thay hồn đổi xác hằng năm, rời kiếp nghèo nàn lạc hậu, giờ lại vào được khu vực tiên tiến, văn minh, không thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc trên rất nhiều lãnh vực; cùng trong khu tam giáo đồng nguyên, nhưng lạ là Việt Nam vẫn lạc hậu. Nếu các lãnh đạo Việt Nam chưa hiến tặng cho dân tộc Việt Nam: nhân quyền, thì ít ra họ cũng phải hiến tặng dân tộc này: khả năng lãnh đạo của họ, cái xuất sắc nhất của họ, để đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi lạc hậu, không bị bỏ rơi quá xa sau Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) thẩm định GDP bình quân đầu người năm 2013 của Việt Nam chỉ trên 1000 USD/người, thì ta không nên hãnh diện, vì đó là mức thấp của thu nhập trung bình. Về nợ công thì Chủ tịch nước đưa ra một con số, Thủ tướng đưa ra một con số khác, với hai nhận định đối nghịch nhau, một chuyện không hề có trong một chính quyền có đường lối. Thông báo quốc tế thì rất rõ là Việt Nam phải dành khoảng 25% tiền thu về cho ngân sách để trả nợ trong năm 2015, với 75% phải nuôi bộ máy nặng nề của nhà nước qua lương bổng, không còn đủ 5% để đầu tư vào các kế hoạch phát triển. Một cổ mà đã hai tròng: phải vay mới để trả nợ cũ, trong một nền kinh tế không có phương hướng chính, không có lý luận về hiệu quả, và rơi nặng vào gia công, tức là rơi vào kiếp làm tôi, làm tớ, làm công, làm mọi cho ngoại quốc. Nếu lãnh đạo mà đưa dân tộc vào kiếp này thì đừng lãnh đạo. Tổ chức Đại hội Đảng để đưa dân tộc ra khỏi kiếp tôi, tớ, công, mọi thì nên tổ chức, chớ tổ chức Đại hội Đảng để tranh giành quyền bính, củng cố tư lợi thì đừng tổ chức Đại hội Đảng, nhục lắm! Mất nhân cách lãnh đạo lắm!

Đề nghị 5: Sự chủ động sáng tạo của nguyên tắc bình đẳng để chống lại cái lạm quyền, tức là phạm luật, vì lạm quyền của chính quyền là một trong những nguyên nhân chính trong quá trình sụp đổ của hệ thống cộng sản ở cuối thế kỷ qua. Nguyên tắc bình đẳng không có sẵn trong văn hoá, trong xã hội, chuyện bất bình đẳng giữa nam nữ, chuyện bất bình đẳng giữa giàu nghèo vẫn còn trước mắt chúng ta. Nhưng nhân phẩm của nguyên tắc bình đẳng là động cơ sáng tạo, thúc đẩy chúng ta dùng đạo lý, dùng luật pháp, dùng kiến thức, dùng khoa học, để giải quyết bất bình đẳng, thay thế bằng cái hay, đẹp, tốt, lành của bình đẳng. Cho nên có văn hoá, chưa chắc có văn minh, vì muốn có văn minh thì phải có một hệ thống pháp lý chống bất bình đẳng. Giữa văn hoá và văn minh, Việt tộc còn có thuật ngữ văn hiến, chúng ta nên cho nó một nội dung chính đáng, vì với số lượng bất bình đẳng ngập trời hiện nay, số lượng bất công tràn đất hiện tại, thì Việt tộc có còn giữ được bốn ngàn năm văn hiến của mình không? Luật là hệ thống của quy tắc, vừa để bảo vệ quyền lợi của mỗi cá nhân, vừa để đảm bảo đa nguyên trong khác biệt về quyền lợi giữa các cá nhân, bè nhóm, đảng phái… trong đó mỗi cá nhân có tự do thực hiện quyền lợi của mình và tổng thể của các quyền lợi của một dân tộc chính là hạnh phúc của dân tộc đó nếu được một chính phủ đủ trình độ thực hiện, một chính quyền đủ năng lực hoàn thành sứ mạng này. Như vậy, pháp lý sinh ra luật pháp không bằng giáo điều cứng ngắc, mà bằng một hệ thống nhân bản trong đó lý luận sinh ra lập luận, lập luận dẫn tới giải pháp, giải pháp chế tác ra kỹ thuật quản lý, để quyết định kỹ năng của các lãnh đạo trong chính quyền. Bổn phận của pháp lý không phải để quản lý các dữ kiện xã hội, mà để bảo đảm quyền làm người của chủ thể, được định nghĩa từ cá nhân, giờ đây đã biết sáng tạo ra quyền lợi của chính mình bằng tự do cá biệt của mình mà cùng lúc nhận trách nhiệm, bổn phận của mình đối với xã hội.

Chuyển kiếp bằng minh

Các chuyên gia quốc tế về y khoa và sức khoẻ cộng đồng đã có điền dã, điều tra trên tình hình sức khoẻ xã hội Việt Nam những năm qua, đều nhận định cùng một hướng là ĐCSVN rất mơ hồ về hệ vấn đề sức khoẻ của dân tộc Việt Nam; không có chính sách rõ ràng về các tệ nạn xã hội (ma tuý, rượu bạc, mãi dâm…), thậm chí còn có các lãnh đạo dính vào các chuyện hối lộ, tham nhũng qua các tệ nạn này. Chưa kể tới câu chuyện môi trường, ĐCSVN không hề có một chính sách nghiêm minh về lâm trường và ngư trường, nhiều thông báo quốc tế báo động trầm trọng về ngư trường với cách đánh cá, giết hại bừa bãi như hiện nay, thì sau 2050 Việt Nam cũng sẽ không còn cá cơm để làm nước mắm, hậu quả là sẽ mất quốc hồn, quốc tuý trong ẩm thực dân tộc, tại sao dân chúng ta hiện nay không được biết đến các báo cáo quốc tế này? Có những giai đoạn minh bạch để đánh giá một dân tộc có văn minh hay không, qua các thể hiện, dựa trên các chỉ báo xã hội. Một dân tộc được hưởng văn minh là dân tộc có được một chính quyền, ngoài chuyện lo về ấm no, hạnh phúc, chính quyền đó đặc biệt chăm sóc những người già nua, những kẻ tàn tật, không quên cương quyết bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Qua mắt các quan sát viên quốc tế trước thực trạng của Việt Nam hiện nay, thì chính quyền không làm được ba việc này; đây chính là định nghĩa của cụm từ nhân sinh. Trong chuyến công vụ đại học để nghiên cứu về tâm lý xã hội Việt Nam với tôi năm 2010, nhà tâm lý học Marie-Rose Moro, Giám đốc Viện Tâm lý Thiếu niên và Thiếu nhi của Đại học Sorbonne, Paris tâm sự: “Các thiếu niên và thiếu nhi của đất nước này nếu không được chăm lo kỹ lưỡng về giáo dục và sức khoẻ, lại còn bị rơi vào thảm trạng nghèo đói đe doạ, thì đất nước này khó thoát khỏi lạc hậu, tương lai chưa có đã bị đe doạ. Trước đó, năm 2008, một nhà tâm lý học khác, Alain Blanchet, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Tri thức của Đại học Paris 8-St Denis, cùng tôi tham gia trong các cuộc điền dã trên ba miền đất nước về điều kiện xã hội và nghề nghiệp của phụ nữ Việt Nam đã phân tích rất sâu: “Tại sao lãnh đạo quốc gia này lại để phụ nữ Việt Nam một lực lượng thông minh sắc sảo của dân tộc này phải làm những việc vô cùng cực nhọc, nhục nhằn về thể lực, khốn đốn về điều kiện lao động. Tại sao giới lãnh đạo và đàn ông của xứ này lại để phụ nữ của mình trong thảm cảnh như vậy? Cách mạng ở đâu?. Không những không có cách mạng mà ngược lại là phản cách mạng trong nhân tính và nhân đạo. Muốn làm được việc nhân sinh rồi thì phải quyết tâm đi tới để giải quyết giai đoạn hai là: dân chủ, nhân quyền và pháp quyền, dựa trên tam quyền phân lập; đây chính là định nghĩa của cụm từ nhân lý. Vì đây là bản đại hoà tấu của một nhân loại tốt lành trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, mà ĐCSVN không đi ra ngoài được, nếu muốn tiếp tục tồn tại trên chính trường Việt Nam, vì Việt tộc phải được quyền nghe, để tận hưởng bản đại hoà tấu nhân phẩm này. Muốn bảo đảm dài lâu được việc nhân lý, thì phải luôn dựa vào lực lượng trí thức; trí thức là tri thức của một quốc gia, vào lực lượng thanh niên là nguyên khí của một dân tộc, từ đó tìm ra một lực lượng lãnh đạo tỉnh táo về đạo lý, sáng suốt về chuyên môn, vì đạo lý là nguồn cội của chính sách, và chuyên môn là gốc rễ của mọi đường lối. Muốn lập đảng nào cũng được, muốn giữ đảng nào cũng được, nhưng những người lãnh đạo của mỗi đảng phải là những chủ thể đúng nghĩa nhất, vì chủ thể dùng kiến thức để sáng tạo ra phương án, dùng phương án để sáng tạo ra chiến lược, dùng chiến lược để sáng tạo ra cái hay, đẹp, tốt, lành cho dân tộc, chớ không phải cho riêng đảng mình, cho bè nhóm mình, hay cho cá nhân mình. Hãy dùng tiêu chuẩn chủ thể này để loại ra khỏi lực lượng lãnh đạo hiện nay những kẻ phản chủ thể, nhất là những con ký sinh trùng bòn rút sinh khí của dân tộc qua tham nhũng, những con đỉa đói hàng ngày chấm mút tài lực của quốc gia qua hối lộ. Ở đây vai trò của cá nhân vô cùng quan trọng; trong chính trị thì mọi việc luôn bắt đầu bằng một cá nhân, vì một cá nhân có thể làm thay đổi số kiếp của một dân tộc, làm chuyển hoá được thực trạng của một quốc gia.

Đề nghị 6: Quản lý quyền lực qua pháp luật và pháp quyền, trong đó định chế văn minh là định chế thật sự dân chủ, có bầu cử hoàn toàn từ đa nguyên-tạo-ra-đa-đảng, do dân kiểm soát vì dân được chọn lựa từ pháp luật tới định chế, với nội lực công minh của tư pháp. Nhân loại đã từ từ rời bỏ quan niệm chính quyền-là-chính-phủ, quá thô sơ dựa trên hai hình thái cũ kỹ là quản lý thiên nhiên và quản lý chiến tranh, đã được định hình quyền lực theo mô hình của Locke (Traité du gouvernement civil, 1690); mà hiện nay thế giới đã dần dà đi tới quan niệm: thực-hiện-chính-quyền-qua-năng-lực-chính-phủ.Chính-phủ (gouvernement) như vậy đã được “thay hình đổi xác” bằng kỹ năng mới: năng-lực-chính-phủ (gouvernementalité), một quan niệm mà Michel Foucault đòi hỏi là định nghĩa đầu tiên của các kẻ muốn lãnh đạo một chính quyền. Tình hình lãnh đạo chính trị ngày càng phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hoá, vì nó đã cho xuất hiện hai loại chính phủ, chính phủ nổi của mỗi quốc gia và chính phủ chìm từ các tập đoàn kinh tài quốc tế, ngày đêm thao túng các chính phủ nổi bằng sức ép của lợi nhuận, sẳn sàng tổ chức mạng lưới hối lộ tinh vi trên bình diện toàn cầu. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn này, để tha hoá các chính phủ nổi trên nhiều lục địa qua hệ chìm của các tập đoàn doanh nhân gốc Trung Quốc; và Việt Nam sẽ là nạn nhân trực tiếp, lãnh trọn vẹn mọi hậu quả xấu nhất, nếu các lãnh đạo Việt Nam không có nội công của một pháp luật mới, không có bản lãnh của một pháp quyền mới. Chuyện minh quân, minh chúa, minh chủ luôn là hằng số thượng nguồn cho mọi việc hay, đẹp, tốt, lành của dân tộc. Minh quân không theo lối định nghĩa của một định chế quân chủ hẹp hòi, minh chúa không theo lối định nghĩa của một bè phái đóng kín, minh chủ không theo lối định nghĩa của một tướng lĩnh độc tôn. Hãy bắt đầu bằng chữ minh và chấm dứt cũng bằng chữ minh; minh là lãnh đạo trong tỉnh táo về đạo lý của phương hướng và trong sáng suốt về chuyên môn của chính sách. Như vậy, sau chữ minh, thì các từ vương, chúa, chủ chỉ là phụ so với điều kiện tiên quyết là minh. Hãy cùng nhau kết luận: Việt Nam hiện nay chỉ thiếu minh quân, minh chúa, minh chủ, không hề thiếu hiền tài, hiền sư, hiền sĩ, vì trí thức của Việt tộc có, nhưng không hề được các kẻ lãnh đạo vô minh, vô tri, vô giác tận dụng. Vì sau lưng mọi chính sách kinh tế, mọi đường lối chính trị, luôn có một thực chất là: trình độ của chính sách sẽ quyết định mức độ của đường lối, vì trình độ là kiến thức, là tri thức, nền của ý thức, gốc của cái khôn, muốn làm người khôn phải hàng ngày mài nhọn tri thức, vì “người khôn chưa đắn đã đo, chưa ra tới biển đã dò nông sâu.

*******

Việt tộc biết tôn thờ các minh quân (Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông…), biết tôn vinh các minh vương (Trần Hưng Đạo, Quang Trung…), biết quý trọng các minh sư (Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…), còn biết yêu kính các minh mẫu (Nguyên Phi Ỷ Lan, Huyền Trân công chúa…) đã nhận đầy đủ trách nhiệm, bổn phận với non song đất nước. Những ai có ý định làm lãnh đạo trong thời gian tới hãy tâm niệm chữ minh, tâm nguyện chữ nhân, chữ dân, tâm thức chữ học, chữ tạo, để tâm đắc hơn với chữ đa.

(Tổ tiên, liệt sĩ, phụ lão, hiền tài, thanh niên, sơ nhi… cùng một dòng sinh mệnh với Việt tộc).

30/04/2015


[*] Xin xem bài http://vanviet.info/thao-luan/thao-luan-thoat-trung-ve-van-hoa-4-nhan-viet-nhan-cach-giao-ly-viet-toc/ (chú thích của Văn Việt).

[1] Nhân trí vị nhân sinh, nghiên cứu về văn hoá, giảng dạy về nhân học, trong học thuật động cơ học hỏi của tôi luôn dựa trên tự do cá nhân tôi; tôi yêu nhân tính, quý nhân sinh, trọng nhân quyền, không bị đảng phái nào thao túng, không bị bè nhóm nào khống chế, không bị một ý thức hệ nào điều khiển; tri thức luận là động cơ khởi đầu cho tôi suy nghĩ; thương nước, yêu nòi là sức nội kết giữa tư duy và diễn luận khi tôi viết bài này.

[**] Về mặt trái của Đặng Tiểu Bình, xin xem bài Đặng Tiểu Bình đã góp phần tạo ra một nước Trung Hoa tham nhũng như thế nào của Bào Đồng (chú thích của Văn Việt).

Comments are closed.