Nhờ họ thực thi quyền im lặng

Phạm Đoan Trang

 

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng thì sáng 27/11/2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi đã được thông qua, công nhận QUYỀN IM LẶNG: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

Nhưng có hai công dân đã thực thi quyền im lặng của họ suốt một năm rưỡi qua, trước cả khi Quốc hội công nhận nó. Đó là hai blogger Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy.

Nhờ họ thực thi quyền im lặng, mà một số nhân sĩ – trí thức được cho là “có quan hệ” với họ từ trước đó đã… thở phào vì “may quá, chúng nó không khai mình ra”.

Nhờ họ thực thi quyền im lặng, mà cơ quan an ninh điều tra lúng túng, loay hoay cả năm trời vẫn không kết tội được họ, khiến vụ án bị đình trệ, không đạt được mục đích răn đe các blogger khác và dập tắt tiếng nói phản biện, đối kháng.

Nhờ họ thực thi quyền im lặng, mà chúng ta hiểu được rằng, rất có thể từ trước đến nay, ngành hành pháp và tư pháp Việt Nam đã để xảy ra hàng trăm, hàng nghìn vụ án oan sai, do nạn nhân nhận tội trước bức cung, nhục hình; và câu chuyện “lên truyền hình đọc lời nhận tội” trở thành một minh chứng cho sự man rợ của luật pháp khi nó không công nhận quyền im lặng.

Dù sao đi nữa thì với việc thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi này, lập pháp-hành pháp-tư pháp Việt Nam cũng đã tiến lên một bước mới, gần với sự văn minh hơn.

Nguồn: FB Doan Trang

Comments are closed.