Những người “đập đá ở Côn Lôn” thời đại mới

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Khi được tin Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chấm dứt hoạt động, giữa những nỗi phân vân, suy ngẫm, tôi thốt nhiên nhớ lại một chuyện có liên quan tới cụ Phan Tây Hồ vào hồi đầu năm…

Hôm đó, trong cuộc gặp mặt thường niên giữa các nghệ sĩ và cán bộ công tác tại ngành điện ảnh do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức, giữa những tốp người vui vẻ trò chuyện, tôi chợt thấy, trong một góc phòng rộng, nhà văn PV đang đứng đọc say sưa cho một ông bạn lớn tuổi nghe bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của cụ Phan Châu Trinh, và giảng giải bài thơ một cách tận tụy, đầy nhiệt huyết.

Bài thơ từng quen thuộc từ thuở học sinh phổ thông, bất ngờ được nghe lại qua giọng đọc của một người bạn vốn chỉ quen biết nhau qua các bài viết trên mạng, giữa khung cảnh ấy, không hiểu sao khiến tôi chợt lặng người đi… Thực tế, tôi biết anh, nhưng anh không biết mặt tôi, tuy thế tôi vẫn kín đáo quan sát, lắng nghe anh. Cách đây không lâu, chỉ vì những bài viết về cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc và những phản biện đầy lương tâm về chính sách, đường lối chung, anh đã bị mất tự do mười mấy tháng trời; rồi khi ra tù lại bị lãnh đạo ngành Bảo hiểm xã hội cúp lương hưu một cách phi pháp và đểu cáng. Anh đã phải vất vả phát đơn kiện mấy lần, bởi đó là nguồn sống chủ yếu của một người cầm bút lương thiện như anh, nhưng cũng vì những người khác nữa nếu lâm vào cảnh ngộ tương tự, và cũng vì sự công chính cần có của luật pháp…

Giữa thời tiết lạnh giá, người tôi lại nóng bừng, không phải bởi ly rượu vang người bạn đồng nghiệp mang tới chúc tụng mà bởi một cảm xúc thực lạ lùng, hiếm thấy… Sau hơn một thế kỷ, những tưởng cái điều cụ Phan Tây Hồ và các đồng chí của cụ bộc bạch sẽ mãi mãi chỉ nằm trong sách vở dành cho học sinh sinh viên các thế hệ hậu sinh, ngờ đâu giờ lại hiển hiện trở về cuộc sống thực tại, nóng bỏng, nhức nhối như xưa, thậm chí hơn xưa… Giữa trời biển bao la mịt mùng, trong thân phận người tù lãnh án chung thân, người chí sĩ yêu nước thân hình tiều tụy bởi cảnh tù đày nghiệt ngã và lao động khổ sai cực nhọc vẫn ngẩng cao đầu, đôi mắt rực sáng, dõng dạc nói quốc dân đồng bào đang sống cảnh lầm than, nô lệ về thái độ sẵn sàng xả thân để cứu nước, lòng sắt son thủy chung với dân tộc của mình và các đồng chí:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chi kể việc con con.

Cái khí phách hiên ngang, tâm thế bất khuất trước uy vũ, chí khí kiên cường chấp nhận mọi cảnh ngộ, quyết tâm thách thức với bạo lực đó đã sừng sững tựa một bức tượng đài kỳ vĩ in bóng tới tận hôm nay, và chắc chắn tới cả mai sau. Cụ Phan Bội Châu, khi “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” cũng đã ngạo nghễ trước gông cùm, xiềng xích:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đối với một sự nghiệp đội đá vá trời – như sự nghiệp cứu nước cứu đời – thì những gian khổ mà các chí sĩ yêu nước phải chịu đựng, kể cả những bản án tử hình mà họ đang mang, nào có đáng kể gì: Gian nan chi kể việc con con! Thái độ ấy kết tinh từ khí phách và tâm thế của những con người đứng cao hơn cái chết. Bởi họ tin ở chính mình và ở sự chính nghĩa mà họ theo đuổi; như cụ Phan Sào Nam đã tâm niệm:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!

Tôi thầm cảm ơn anh. Thì ra, trong cái cuộc đời loạn xị, nhớn nhác, tơi tả này, vẫn có không ít người nhớ tới và trọng thị tinh thần bất khuất của các cụ Phan Tây Hồ, Phan Sào Nam, và cái tinh thần ấy đã nằm ẩn kín song thường trực ở trong tôi, trong rất nhiều người lương thiện và tử tế sau bao nhiêu bầm dập, thất vọng, đau đớn, tủi nhục của số phận đất nước này cũng như của bản thân. Trong những lời thơ xúc động đêm đó, tôi chợt nhận thấy bóng dáng của biết bao người “đập đá ở Côn Lôn” thời hiện đại: Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ, Chu Hảo, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Hải, AnhbaSàm, Tạ Phong Tần, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Lê Thị Công Nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, v.v. Họ đã và đang xuất hiện ngày một đông đảo, bất chấp sự kỳ thị, tẩy chay, đe dọa, khủng bố của một số người trong chính quyền – những người mà cụ Phan có sống lại cũng sẽ phải nhổ nước miếng khinh bỉ và quay mặt đi. Ngày hôm nay, những lời thách thức kẻ cầm quyền, cái khí phách vượt lên trên sự đe dọa tính mệnh, nỗi đày đọa về thể chất, tinh thần của Cụ cùng các đồng chí đã trở về với cháu con, không thể bị chìm ngập đi mà ngược lại càng thêm đau đáu giữa tiếng vỗ tay của giới showbiz, giữa tiếng khóc tiếng cười của “Tinh thần thể dục” hay Túc cầu vui buồn… Tiếp theo các thế hệ cha anh “đập đá mở đường” cho dân tộc vươn ra biển lớn, phần đông thế hệ trẻ Việt Nam hiện tại đang trông chờ, hy vọng vào cái Chính phủ Kiến tạo & Hành động được phát động xây dựng mấy năm nay không phải là một trò chơi chữ nghĩa để vui tai, một mô hình ảo đèm đẹp đánh lừa con mắt mà là một thực thể có thật xuất phát từ nhu cầu bức bách sinh tử của chính cuộc sống, một Chính phủ có khả năng góp phần quan trọng tạo ra một lớp người mang tinh thần của Cụ Phan, nhằm trước hết cứu vớt đất nước này thoát khỏi vực thẳm của sự đổ vỡ, hỗn loạn và hàm răng sói dính đầy máu suốt mấy ngàn năm của “người Bạn vĩ đại”, rồi sau đó phát triển theo chí hướng mà vì chúng cụ đã bị chính quyền thực dân kết án tử hình vắng mặt: Khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh. Và họ đúng là cái mẫu người của thời hiện đại mà Chính phủ Kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang cần tới.

Comments are closed.