Những yếu tố Lịch sử trong vụ án Hoàng Công Lương (bài 1)

GS Nguyễn Ngọc Lanh

tuyen-an-hoang-cong-luong_mhci.png

Lời giới thiệu:

– Hiện tại, vụ án xử BS Hoàng Công Lương đang gây xôn xao dư luận (2018-2019). Nhưng đây cũng là thời điểm VN sắp kết thúc Chiến lược 15 năm Cải cách tư pháp (2005-2020). Do vậy, cách thức tiến hành vụ án này và kết quả của nó (thành công hay thất bại) có thể coi là sự thể hiện những kết quả cơ bản nhất của chiến lược nói trên.

– Ngoài ra, dưới nhãn quan lịch sử, có thể rút ra những bài học khác từ vụ án. Nếu lịch sử của nền tư pháp Việt Nam có thể tạm phân thành các thời kỳ: Quân chủ (trước 1884) – Thuộc địa Pháp (1884-1945) – Áp dụng chuyên chính vô sản (từ 1951, khi ĐCS ra công khai) – Đổi mới và Hòa nhập (từ 1986)… thì Chiến Lược (nói trên) là để đối phó với những đòi hỏi của Hòa nhập, trong đó Việt Nam phải thực hiện nhiều điều khoản trong các công ước và hiệp định mà nước ta tham gia. Chẳng hạn, để đối phó với quyền thành lập nghiệp đoàn của công nhân…

Theo tác giả, vụ án có đủ tiêu chuẩn đi vào Lịch Sử tư pháp nước ta vì nó đem lại nhiều bài học cho hiện tại và tương lai. Mặt khác, nếu đặt vụ án vào đúng vị trí của nó trong tiến trình lịch sử, lại có thêm những bài học khác nữa.

I.Cần đặt vụ án vào tiến trình Lịch Sử Tư Pháp nước ta để khảo sát

Cải cách tư pháp và vụ án Hoàng Công Lương

Ngày 02-6-2005 Bộ Chính Trị ĐCSVN ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách Tư pháp (thời hạn 2005-2020=15 năm) do tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký.

– Về ý nghĩa, đây là cuộc cải cách tư pháp đầu tiên khi VN hội nhập quốc tế. Do vậy, khi kết thúc, ngoài đánh giá nội bộ, thành quả của cải cách còn mong được quốc tế thừa nhận. Hơn nữa, cải cách tư pháp còn để Việt Nam thực hiện nhiều điều khoản trong các Hiệp Định và Công Ước mà VN tham gia.

– Về phạm vi và mức độ, đây là cuộc cải cách rất hệ thống và rất sâu sắc, không những phải tiếp thu các yếu tố tiên tiến và văn minh của nhân loại, mà còn phải thanh toán những tàn dư lạc hậu – mang tính lịch sử – đã một thời ngự trị. Đây cũng là lý do quan trọng để loạt bài này được viết ra.

– Thời điểm này (2019) chỉ còn một năm nữa hoàn thành sự thực hiện. Tuy nhiên, trong 14 năm qua (2005-2019) vẫn có nhiều hội nghị sơ kết, đánh giá tiến độ. Quốc Hội cũng thông qua nhiều điều luật liên quan, ví dụ:

     – Luật về quyền im lặng (của bị cáo),

     – Nguyên tắc suy đoán vô tội (để công tố viên phải tuân theo);

     – Khi hỏi cung phải có mặt luật sư hoặc phải ghi âm, ghi hình (dành cho cơ quan điều tra);

     – Phải có sự bình đẳng giữa luật sư gỡ tội và công tố viên buộc tội (dành cho chánh án điều khiển phiên tòa)… vân vân.

Nói khác, bị cáo có thêm Quyền; còn 3 cơ quan tư pháp bị chế tài bởi Luật.

Qua những bổ sung nói trên, có thể nhận định về sự lạc hậu trước đây của nền tư pháp VN.

  – Ngay cả việc sắp đặt vị trí của các thành phần tham gia một phiên tòa cũng được thay đổi theo thông lệ quốc tế, để phiên tòa có điều kiện diễn ra một cách dân chủ, công bằng. Một bài báo gần đây (2018) coi đó là “giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng xét xử“.

– Cũng thời điểm này (2018 và 2019) có phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Tai biến “chạy thận” làm chết 9 bệnh nhân tại Khoa Cấp Cứu thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Vụ án lớn, chết nhiều người, nhưng số người trực tiếp gây tội không nhiều, không cố ý, nhân thân bị cáo đều tốt… Do vậy, tuy đây là trọng án, nhưng việc phán xử khá đơn giản, ít tình tiết phức tạp, dễ xác định tội danh. Hơn nữa, công cuộc cải cách tư pháp đã đi sắp hết chặng đường ấn định cho nó, do vậy các thành quả của nó có thể áp dụng vào vụ án này để người dân và quốc tế thấy được VN đã tiến bộ vượt bậc thế nào về tư pháp – trên con đường Đổi Mới và Hòa Nhập toàn diện.

Khỏi cần nói, sự chỉ đạo từ cấp tối cao đối với vụ án ắt là phải rất sát sao, chặt chẽ để đạt mục tiêu quan trọng nói trên.

Cả nước thất vọng và phẫn nộ

– Chỉ đạo từ cấp cao ra sao chưa rõ; nhưng ngay khi vừa mới có Quyết Định khởi tố (2017) – dư luận chưa cần đợi phiên tòa khai mạc, chưa cần đợi công bố bản cáo trạng, chưa cần biết mức án ra sao… đã lập tức phản đối, khởi nguồn từ ngành Y Tế lan nhanh ra khắp xã hội. Nguyên nhân? Đó là do Viện Kiểm Sát đã đưa BS Hoàng Công Lương vào danh sách 3 bị cáo – mặc dù sau này biết rằng vị BS chỉ bị đề nghị một mức án khá nhẹ so với 2 bị cáo còn lại. Trước ngày mở phiên tòa đã có 20.000 chữ ký đòi phải xử “vô tội” cho nạn nhân.

Bài sau (nói về phiên sơ thẩm) sẽ bàn đầy đủ hơn. Nhưng ngay tại đây có thể kết luận bằng hai chữ: Thất Bại.

Phải đặt vụ án vào tiến trình Lịch Sử Tư Pháp VN để phân tích

– Chế độ quân chủ không thể có Tam quyền phân lập, nên tư pháp cũng lạc hậu (đồng nghĩa với khắt khe, tàn bạo) và phải đào thải theo quy luật Lịch Sử. Tuy nhiên, thời xưa ở nước ta đã từng có luật: Luật Hồng Đức, Luật Gia Long. Đó là sự tiến bộ; nhưng chỉ là tiến bộ nếu so với các triều vua khác, chứ không phải so với nước khác, nhất là so với châu Âu.

– Thời thực dân Pháp cai trị nước ta, luật của Nam Triều vẫn lạc hậu (tàn bạo) rất nhiều so với luật của nước Pháp được thực dân áp dụng – ở nhiều mức độ – cho nước ta. Cụ Phan Châu Trinh bị triều đình xử án tử, nhưng khi được xem xét theo quan điểm luật tư bản, cụ chỉ bị an trí ít lâu; sau đó được sang Pháp sinh sống. Đây không phải là trục xuất, vì ở Pháp cụ vẫn hoạt động chính trị; sau đó (do thích) cự cứ về VN để hoạt động chính trị tiếp…

– Sau năm 1945, chế độ mới được thành lập. Trường Luật bị giải thể. Năm 1946 tư bản Pháp – được Mỹ giúp tiền và vũ khí – trở lại xâm lược nước ta, cũng là lúc thế giới hình thành hai phe đối lập: Tư Bản và XHCN. Đương nhiên, nước VN kháng chiến do ĐCS lãnh đạo đứng vào phe XHCN. Và do vậy sẽ tới lúc phải thực hiện chuyên chính vô sản trong pháp luật. Đó là từ khi thực hiện Cải cách ruộng đất trở đi.

– Khi Liên Xô tan rã, chính quyền VN tự nguyện liên kết với Trung Quốc (để giữ chế độ); đồng thời miễn cưỡng hòa nhập quốc tế. Sự giằng co này đến nay vẫn còn – kể cả về tư pháp. Vụ Hoàng Công Lương ra nông nỗi này ít nhiều thể hiện sự giằng co đó.  

Vẫn phải hòa nhập quốc tế

– Cuối thế kỷ XX, Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Lớp đảng viên CS kỳ cựu (nay trở thành) U100 đã đưa ra những răn đe – nghiêm khắc, nhưng không che được nỗi lo âu – dành cho thế hệ sau mình (nay là) U90, U80… Lời răn là: “Hòa Nhập, mà không hòa tan!Đổi Mới, chớ có đổi màu!…“. Rõ ràng, trong nội dung lời răn, có sự miễn cưỡng, nhưng chẳng đặng đừng.

Muốn thật sự hiểu tâm trạng và suy nghĩ của lớp đảng viên (nay là) U100, cứ tham khảo tiểu sử của cụ Nguyễn Đức Bình – một đảng viên liêm chính, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa mà mình tự chọn suốt từ thuở còn là học sinh trung học đến khi từ trần. Cụ ra đi, mang theo nỗi lo canh cánh: Liệu con cháu có giữ được những giá trị mà cha ông đã suốt đời vun đắp?

– Nhưng, thế hệ trước nữa (nay là U110-120) lại không có nỗi lo trên, vì các vị không hình dung nổi sự sụp đổ của Liên Xô – bức trường thành sừng sững – như hình mẫu để ta noi theo. Họ ra đi thanh thản vì tin vào lớp kế cận.

– Thế hệ U90 thưa thớt còn lại đến hôm nay, nói chung bị phân hóa, tùy theo quan điểm về hội nhập: Hoặc là, cần phải hội nhập (càng sớm, càng nhiều, càng tốt). Đây là lớp “tự diễn biến”. Hoặc là, miễn cưỡng hội nhập – với sự cảnh giác cần thiết. Đây là lớp thủ cựu, không thể tự diễn biến. Dẫu vậy, U90 vẫn là lớp người có cuộc sống cá nhân lành mạnh, trong sạch – khác với các thế hệ sau họ.

– Nhiều cụ U90 đủ trải nghiệm để so sánh về hai nỗi lo: Xưa và Nay. Xưa lo nguy hiểm từ ngoài vào (khi hội nhập). Còn Nay, sự nguy hiểm phá từ trong ra – do “tự diễn biến, tự chuyển hóa”… Tuy nhiên, lo suôi, lo ngược, lo kiểu gì cũng thua Quy Luật. Nhưng đây thuộc chủ đề khác, trong dịp khác.

Còn nguyên nhân?

Vẫn là nguyên nhân cũ rích, nhưng ngộ ra không dễ. Đó là, trước sức cuốn hút của làn sóng dân chủ thứ ba không một chế độ phi dân chủ nào có thể chống lại, kể cả khi chúng co cụm lại với nhau để duy trì chế độ – dù dưới cái nhãn dân chủ.

Có chế độ – do quyết liệt chống lại – bị làn sóng dân chủ dềnh lên, dập xuống, vỡ tan tành. Ví dụ, nước Lybia XHCN do lãnh tụ “tự kính yêu mình” Gaddafi sáng lập. Đây là nước cực giàu, nguyên thủ nắm trong tay mọi nguồn khổng lồ, lại rất lão luyện mỵ dân – cũng không thể cưỡng nổi. Huống hồ nước nghèo, nguồn thu quan trọng là đào tài nguyên đem bán và xuất khẩu lao động giá bèo…

Câu nói của lãnh tụ Gaddafi

– Vị lãnh tụ này không thèm nhại lại Lenin “Chế độ ta dân chủ gấp triệu lần…” mà tự tạo danh ngôn. Đó là “Khắp hành tinh, không nước nào có một nền dân chủ, ngoại trừ Libya“.

– Ông không cần ai tuyên truyền để dân yêu ông, mà nói luôn:

Kẻ nào không yêu tôi thì đều không đáng sống“…

Do vậy, dân chủ hóa và Hội Nhập là xu hướng toàn cầu – mang tính quy luật.

Nhưng với riêng một số nước – vốn lạc lõng với thế giới – thì hội nhập đầy miễn cưỡng, do vậy rất trầy trật. Trong đó hội nhập tư pháp lại càng khó.

Đúng vậy:

– Trong Hội Nhập, khó nhất là tự thay đổi tận gốc để được người ta chơi với…

– Trong Đổi Mới, khó nhất là đổi mới thể chế – vì liên quan ý thức hệ.

– Trong Đổi Mới thể chế, khó nhất là đổi mới Tư Pháp – vì nó gắn liền với chuyên chính vô sản (CCVS). Mà… CCVS là lý thuyết cốt lõi trong lý luận về nhà nước và pháp luật của Mác, sau khi Mác mất còn được Ăng-ghen phát triển. Đã có thời, trong phong trào Cộng Sản quốc tế, người ta phân biệt chủ nghĩa Mác-Lenin “chân chính” hay “giả hiệu”… bằng tiêu chuẩn “nắm vững” hay “buông lỏng” CCVS (!).

Từ chỗ miễn cưỡng (thập niên 90), chung cuộc, nước CHXHCNVN vẫn phải hội nhập quốc tế. Và sẽ tới lúc phải hội nhập tư pháp. Đó là năm 2005.

Câu hỏi: Cải cách tư pháp năm 2005 là sớm (do nhìn xa trông rộng) hay là muộn (do chần chừ)? Câu trả lời không khó, nhưng không thuộc nội dung bài này.

Tại sao chọn vụ án Hoàng Công Lương?

– Trước hết, vì tên vụ án là Hoàng Công Lương. Nếu gọi đúng tên, nó phải thể hiện nội dung sự việc xảy ra: Thảm họa có tới 9 bệnh nhân tử vong do tai biến “chạy thận” ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình…

– Cơ mà, ngay khi Viện Kiểm Sát tỉnh này đưa BS Hoàng Công Lương vào danh sách bị cáo, lập tức bị dư luận ầm ầm phản đối. Mọi người không thèm nhớ cái tên chính thức của mà dùng luôn tên nạn nhân làm tên vụ án. Tiền lệ này có từ lâu, với các tên gọi: vụ án Thị Kính, vụ án Nguyễn Trãi…. Cứ thế, tới khi đồng chí Nguyễn Hòa Bình (UVTW, đại biểu QH, chánh án Tòa Tối Cao) cũng dùng cái tên do dân đặt để gọi vụ án này… thì ai cũng nhận ra: Vụ này sẽ đi vào Lịch Sử.

Thứ hai, vì nó rất thời sự. Đây là vụ án cả nước và quốc tế quan tâm. Chỉ riêng cái chuyện công an ta ngắt sóng internet ở phiên tòa sơ thẩm tháng 5-2018 (chuyện rất nhỏ, nếu là trước đây) mà đài BBC đã đưa tin ầm ỹ. Dân chất vấn cả vị viện trưởng Viện Kiểm Sát tối cao. Quốc hội đang họp chuyện khác, vẫn phải dành thời gian trao đổi chuyện này. Hàng ngàn bài báo đưa tin. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, số chữ ký ủng hộ Hoàng Công Lương đã tiệm cần 50.000. Có lẽ không cần diễn giải thêm về sự quan tâm trong nước và quốc tế. Hy vọng các bài sẽ được sự quan tâm chung, được dư luận bàn bạc, khen chê…

Ngoài ra, nó “thời sự” còn vì nó thể hiện kết quả của chiến lược 15 năm cải cách tư pháp.

– Thứ ba, trong quá khứ, nền tư pháp nước ta có rất ít niềm tự hào về các thành tựu liên quan tới dân chủ, nhân quyền trong xét xử.

Chưa nói tới các phiên tòa tàn bạo thời cách mạng ruộng đất (diệt địa chủ), hoặc các phiên tòa bạo lực thời Nhân Văn – Giai Phẩm (trấn áp trào lưu đòi tự do, dân chủ của giới văn nghệ sĩ, trí thức)… Chỉ nói về cái thời các giai cấp địa chủ, tư sản đã bị xóa bỏ, mọi người trong xã hội đều cùng đứng trong “hàng ngũ nhân dân”, là anh em một nhà – tức là thời rất gần đây. Khốn nỗi, đó cũng là cái thời… hễ đã ra tòa, hầu hết là có án. Chuyện trắng án (vô tội) là quá hãn hữu. Đã bị giam, là phải có tội. Bị tra khảo khi tạm giam không phải chuyện hiếm. Không thiếu gì các vụ án mà bị cáo được tuyên án tù bằng đúng thời gian tạm giam (tha ngay tại tòa)… Rõ ràng, đó là oan, nhưng vẫn là may mắn nhất đố với người oan. “Cúi đầu nhận tội” được coi là “thành khẩn”, hy vọng được hưởng “lượng khoan hồng”. Nếu tự thấy mình vô tội, cố giãi bày, cố tự báo chữa, sẽ bị coi là “ngoan cố”; án sẽ thêm nặng. Ông Đinh La Thăng, nguyên UV Bộ Chính trị, khi đứng trước tòa phải kêu lên “tôi càng cố trình bày để nhẹ tội, lại càng bị nặng tội”. Bởi vậy, khi thấy vị chánh án vụ này chê Hoàng Công Lương “chưa thành khẩn”, chúng ta thấy ngay: Di họa của chuyên chính vô sản từ quá khứ lịch sử vẫn chưa thể tiệt nọc. Đây cũng là một quan tâm của bài.

– Thứ tư, vụ án Hoàng Công Lương đủ tiêu chuẩn để đi vào Lịch Sử tư pháp nước nhà – nếu chúng ta so sánh nó với các vụ Trần Dụ Châu, Tạ Đình Đề, Nguyễn Thị Năm, Hoàng Minh Chính… vân vân. Đó là nói về mặt tư pháp. Ngoài ra, vụ án này còn phản ánh rất nhiều mặt của xã hội đương thời và cũng sẽ là bài học lịch sử cho tương lai.

Ví dụ, bài học về mị dân rất dễ đưa đến oan sai khi xử án. Với lập luận “chả lẽ” (chỉ nhằm “lấy lòng” người dân trong nhất thời) người ta dễ tuyên bản án nặng hơn mức thông lệ.

– Chả lẽ, một thảm họa chết tới 9 bệnh nhân ngay tại khoa Cấp Cứu… mà lại không có bác sĩ nào bị kết tội hay sao?

– Chả lẽ, tới 9 người chết do tai biến ở bệnh viện, mà giám đốc bệnh viện lại vô can? Đây là quan điểm của vị công tố viên phát biểu với truyền thông.

Đây là lối tư duy khiến tòa án sẽ xử “nghiêm minh” để mua lòng dân.

Ví dụ khác. Cái vụ tai nạn lùi xe” trên đường cao tốc cũng chết nhiều người. Để mỵ dân, phải tăng số bị cáo lên, tăng số năm tù lên; do vậy tránh sao khỏi oan ức?.

– Nhưng, có lẽ thời nay đã khác. Chính dư luận đã ngăn bớt oan sai ở cả hai vụ án này. Có người nhận xét: CNCS dù hết sức nhân bản, nhân ái – nhưng không nhiều thì ít – vẫn mang trong bản chất của nó tư tưởng mỵ dân.

Xin nói ngay: Đó không phải nội dung muốn bàn ở bài này.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2019/04/12/nhung-yeu-to-lich-su-trong-vu-an-hoang-cong-luong-bai-1/#respond

Comments are closed.