Nên tiêm loại vaccine nào?

Nguyễn Đức Tùng

image

 

Ở Việt Nam hiện nay chuyện nên tiêm vaccine loại nào coi bộ là câu hỏi quan trọng. Sở dĩ tôi biết như vậy, vì có những phản ứng bất bình của dân chúng trong việc được hay bị chích vaccine Trung Quốc.

Đến nỗi nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng mới đây phải ghi lại trên FB của anh: “Trong một video phổ biến trên mạng xã hội (có lẽ quay ở công viên Tao Đàn, quận 1, TP HCM), người dân khi đến tiêm mới được phổ biến vaccine Vero Cell của hãng Sinopharm. Đối với dân bình thường, không phải ai cũng biết Sinopharm là hãng dược phẩm Trung Quốc. Nhưng có một người dân cảnh giác hỏi lại: Sinopharm là của nước nào? Và khi nhân viên y tế trả lời nước sản xuất là Trung Quốc, thì họ kéo nhau ra về, sau khi buông ra vài câu chửi bới!”.

Thực ra, ngay từ đầu, Trung Quốc đã kịch liệt chống lại các vaccine dung phương pháp mRNA như Pfizer hay Moderna, hay viral vector như Moderna, ra sức gièm pha, có lẽ với dụng tâm quảng cáo cho các vaccines của họ, Sinovac và Sinopharm, mà việc chế tạo vốn dựa trên những cơ chế khác, không phải mRNA.

Nhưng tại Canada, nơi tôi ở, người dân không có nhiều lựa chọn như vậy. Hơn thế nữa, trong hầu hết trường hợp mà tôi được biết, người được chích thuốc không biết mình sẽ chích loại gì trước khi đến địa điểm y tế.

Khi đến lượt tôi, lần đầu, khá sớm vì dành cho nhân viên y tế, tôi không hề biết trước loại thuốc dành cho mình, mặc dù có thể đoán chừng một trong ba hay bốn loại lúc đó, Moderna, Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson. Tôi có tìm hiểu kỹ các loại vaccine ấy, vì đó là nhiệm vụ, nhưng không quan tâm lắm đến việc chính tôi sẽ chích loại nào. Vì tôi tin rằng sự chỉ định của nhân viên y tế là đúng đắn, công tâm, bình đẳng. Vả lại tôi không có cơ hội nào để chọn lựa. Sau này những người chích AstraZeneca được quyền chọn giữa hai thứ vaccine dành cho họ, nhưng đó là chuyện khác.

Phải nói rằng việc chế tạo thành công các vaccines phòng COVID-19 là một trong những thành tựu kỳ vĩ của khoa học. Thành công ấy diễn ra trong vòng dưới một năm, và đó là việc chưa từng có trong lịch sử chế tạo vaccines. Chúng ta nhớ rằng trong lịch sử y học, loại vaccine được chế tạo nhanh nhất là vaccine quai bị cũng mất hơn 4 năm. Đó là lý do vì sao FDA của Mỹ thoạt đầu đã sử dụng nhóm từ “cho phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp” với vaccine Pfizer và sau đó nhiều nước cũng dùng khái niệm ấy. Tuy vậy tốc độ phát triển nhanh của việc chế tạo vaccine làm nhiều người vẫn còn nghi ngờ tính chất an toàn và hiệu dụng (effectiveness) của chúng. Có nhiều ý kiến yêu cầu FDA chuyển qua cấp phép toàn phần, nhưng đó là về sau.

Trong trường hợp bình thường, các vaccine mất mười đến mười lăm năm để chế tạo vì phải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm và thử nghiệm cộng đồng.

Giai đoạn 1 của nghiên cứu tập trung vào tính chất an toàn của vaccine thử nghiệm, khi các liều ngày càng tăng lên của vaccine được tiêm cho những thiện nguyện viên để tìm các tác dụng phụ và sức chịu đựng của cơ thể.

Giai đoạn 2 mở rộng số lượng người thử nghiệm, bao gồm những người có bệnh kèm theo như tiểu đường, mập phì, ung thư. Trong giai đoạn này các nghiên cứu cần nêu được tính chất an toàn và tính hiệu quả lên hệ miễn dịch (efficacy).

Giai đoạn 3 là giai đoạn quyết định, mở rộng ra hàng chục ngàn người tham dự để đo lường tính hiệu quả.

Việc chế tạo vaccines rất đắt tiền, trung bình một loại vaccine tiêu tốn từ năm mươi triệu đô la trở lên, chỉ riêng cho nghiên cứu. Vì vậy sự phối hợp giữa các chính phủ và tư nhân là hết sức cần thiết. Liên minh Châu Âu đã chi ngân quỹ khổng lồ đến tám tỷ Mỹ kim cho công việc này. Việc thử nghiệm vaccine tìm ra hiệu dụng của chúng phải qua ba giai đoạn bắt buộc. Kỹ thuật mới nhất chế tạo vaccine là kỹ thuật mRNA, tiêu biểu là Pfizer, Moderna, hoặc viral vector như AstraZeneca. Tuy nhiên hai nhóm này cũng không phải toàn hảo. Nhiều người hiểu lầm rằng các mRNA vaccine hay viral vector không thể chống lại các biến thể của virus. Ngoài ra, liệu một miễn dịch tự nhiên có thể mạnh mẽ hơn một miễn dịch gây ra bởi chích ngừa hay không? Chúng ta chưa có bằng chứng về điều này. Tuy nhiên đây là một tuyên bố không có cơ sở khoa học của trường phái (miễn dịch cộng đồng) (herd immunity).

Sau khi được phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, tất cả các vaccine đều phải chịu trải qua một giai đoạn nữa đó là sự theo dõi trong các cộng đồng trong vòng hai năm để tìm ra các tác dụng nguy hại về lâu dài. Sự hiểu biết của quần chúng, việc nắm vững kiến thức chuyên môn của các bác sĩ trong các cộng đồng, sự hợp tác giữa chính phủ và một xã hội dân sự, sự huy động các nguồn lực xã hội rộng khắp và tập trung, được điều tiết, sự cộng tác giữa các quốc gia xuyên biên giới là bí quyết thành công của việc chống đại dịch trên thế giới.

Vì vậy chính sách bí ẩn, các thông tin không trung thực, tính chất không minh bạch của Trung Quốc và một số chính phủ khác hiện nay đang làm giới khoa học hết sức lo ngại.

Việc trì hoãn thậm chí cấm sử dụng AstraZeneca ở Canada có hai nguyên nhân: một số biến chứng nguy hiểm xảy ra ở những người tương đối trẻ tuổi và một số chi tiết về nghiên cứu khoa học không được giải thích rõ ràng. Ví dụ những người được chích ngừa hai mũi đầy đủ cách 1 tháng hiệu quả là 62%. Trong khi đó những người chỉ tiêm một nửa liều đối với liều 1, do một nhầm lẫn hoàn toàn tình cờ, và liều thứ 2 đầy đủ, cũng cách nhau 1 tháng, hiệu quả nhảy vọt lên 90%. Tuy vậy những người theo dõi kỹ đã thấy rằng nhóm người chích ngừa Astra đầy đủ, chưa thấy trường hợp nào phát triển bệnh COVID-19 trầm trọng.

Cho đến hiện nay, Pfizer vẫn được xem là có tỉ lệ hiệu quả cao nhất, khoảng 95%. Việc bảo quản của chúng rất khó khăn vì đòi hỏi giữ ở nhiệt độ -70 độ. Moderna khắc phục được nhược điểm này với hiệu quả 94.1%, dễ bảo quản hơn. Tại Canada những cộng đồng ở xa, các vùng ở phía Bắc, các cộng đồng dân bản địa, đều được chích ngừa Moderna. Moderna ít khi dùng cho dân thành phố. Những người chích ngừa Astra thứ nhất được quyền chọn lựa giữa Pfizer và Moderna.

Một người tài xế da đen vui tính, lái Uber ở Houston than với tôi rằng con trai cả của ông không chịu chích ngừa. Ông nói thêm, tất nhiên bằng tiếng Anh. “Young black people, you know”. I know it: nhiều người Mỹ từ chối chích ngừa. Rebecca Weintraub, Harvard, có nói (*):

“Trước hết chúng ta phải làm cho việc chích ngừa trở nên hết sức thuận tiên, sau đó thì hãy làm cho việc không chịu chích ngừa trở nên hết sức bất tiện.”

Nếu sự phân phối là công bằng, việc quyết định mua loại vaccine nào thuộc về trách nhiệm của chính phủ, thì người dân không phải lo đến chuyện ấy. Nhưng đó là một xã hội dân sự, tuân thủ kỷ cương phép nước. Ở Việt Nam, tình hình khác. Hình như sự phân phối không dựa trên những dữ kiện khoa học và khi phân phối người dân không tin rằng có sự công bằng.

“Loại vaccine tốt nhất là loại đang có”. Ai nói câu ấy?

Các loại vaccine không được công nhận ở Canada gồm có các vaccine từ một số nước: Trung Hoa, Ấn Độ, Cuba. Có hai loại vaccine: loại bất hoạt và loại kết hợp.

Các vaccine bất hoạt:

Sinopharm, từ Bắc Kinh hay Vũ Hán, Sinovac từ Thượng Hải, Tovaxin từ Ấn Độ. Chúng được phát triển từ siêu vi toàn phần, bị làm cho bất hoạt để không còn độc hại, thường là bằng việc sử dụng một chất hóa học. Các virus bị làm cho bất hoạt, mặc dù không chết, được đưa vào cơ thể để làm tăng phản ứng miễn nhiễm, lợi thế của loại vaccine này là không cần bảo quản trong nhiệt độ rất lạnh.

Sinovac cho một tỉ lệ bảo vệ 50.4% ở Brazil, 91% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc thử nghiệm ở người có vấn đề, ví dụ trong khi các vaccine khác được thử trên người tình nguyện có triệu chứng COVID thì chúng được thử ở những người tình nguyện không có triệu chứng.

Sinopharm tuyên bố rằng vaccine của họ có hiệu lực 79%. Có thể cho rằng các loại vaccine này cũng có một tác dụng nào đó trong việc tăng miễn nhiễm nhưng tác dụng của chúng không có gì chắc chắn. Trong khi Moderna mà Pfizer được báo cáo là có một hiệu dụng 94% trở lên với các báo cáo khoa học đầy đủ. Hầu hết các công ty chế tạo tại Trung Hoa không báo cáo các kết quả của họ, thậm chí chúng được mang ra sử dụng trước khi giai đoạn nghiên cứu cuối cùng kết thúc.

Mặc dù tác dụng có thể kém, các vaccine này có một thuận lợi là ít gây ra tác dụng phụ, ví dụ sốt có tỉ lệ 2%, trong khi Pfizer là 15. 8 %, trong một báo cáo riêng lẻ.

Loại vaccine kết hợp:

Cuba chế tạo loại vaccine này: Soberana, được chế tạo bởi học viện Phần Lan tại thủ đô Habana.

Vaccine này sử dụng các protein làm kháng nguyên. Đây là một kỹ thuật thường được dùng ví dụ trong một số vaccine ngừa viêm màng não. Hiện nay vaccine này đang ở vào giai đoạn 3 của nghiên cứu, chưa qua giai đoạn thử nghiệm (mù đôi), double blind, vốn là tiêu chuẩn ngặt nghèo của nghiên cứu y học.

Trong khi những kết quả nghiên cứu chưa rõ ràng, việc chọn mua loại vaccine nào cần dựa trên sự cân nhắc của nhiều yếu tố, khả năng tài chánh, khả năng vận chuyển, những quan hệ thương mại mà chỉ chính quyền mới nắm vững và yếu tố địa lý chính trị. Tuy nhiên việc quyết định không qua sự chia sẻ với các cộng đồng, sự phân phối một cách độc đoán và có thể không bình đẳng giữa các vùng miền làm tăng sự bất an trong dân chúng, thậm chí sự phân biệt hay kỳ thị ở ba mức độ:

giữa người giàu và người nghèo;

vùng miền;

giữa giai cấp quyền lực và dân chúng.

Tính chất không công khai của các loại vaccines Trung Quốc không những gây ra sự bất an trong dân chúng mà còn gây hại đến uy tín của chính phủ và làm tổn thương các giá trị nếu có của bản thân các loại vaccine ấy, vốn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng không có nghĩa là khi nào cũng xấu. Nói cho cùng, đó là một chính sách tai hại.

Việc chích vaccine cần ưu tiên hướng đến những nhóm dân chúng ưu tiên: những người có khả năng nhiễm bệnh nặng và khả năng chết nhiều hơn vì bệnh, những người có khả năng lây nhiễm nhiều hơn cho người khác, các nhân viên y tế và những người săn sóc người già, những người sống gần những người có khả năng bị bệnh, những người giảm miễn dịch. Đó là những đối tượng ưu tiên, chứ không phải là những người mạnh hơn hoặc quyền thế hơn.

Tai họa của một đất nước là khi tất cả những người có hiểu biết đều nghi ngờ, còn những người không hiểu biết đều tuân lệnh.

 

(*) “The first thing [we] need to do is make vaccination highly convenient,” Harvard’s Rebecca Weintraub says. “Then we need to make it highly inconvenient to be unvaccinated.” New Yorker, August 3, 2021.

Comments are closed.