Nỗi buồn của người đọc văn học Việt Nam hiện đại

Lê Phú Khải

Là một người đọc chăm chỉ của Văn học hiện đại Việt Nam suốt nữa cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ 21 này, tôi thấy buồn, rất buồn, khi thấy tuyên bố tập thể của 13 nhà văn Việt Nam (trên trang mạng Văn Việt ngày 12/5/2015) vừa qua và trước đó là 7 người đã tuyên bố cá nhân ra khỏi Hội .
Buồn, vì toàn là những tên tuổi lớn của Văn học Việt Nam. Buồn, vì chẳng những các anh chị là những tên tuổi lớn, mà còn là những nhân cách lớn, những con người được bạn đọc và xã hội kính trọng, ngưỡng mộ, trong đó có tôi.
Marx từng viết: “Văn học nghệ thuật là niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình”.
Quả như lời Marx, chẳng có ai “ép buộc” mà tôi đã nhập tâm những câu thơ của Bùi Minh Quốc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường:
“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên Miền Tây vời vợi nghìn trùng.
Ôi hai tiếng Miền Tây ở dưới xuôi nghe nói lạ lùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy.
Cái tuổi 20 khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn…”
Sức nặng trí tuệ của thơ Nguyễn Duy khiến một nhà báo tài năng như Huy Đức khi viết thiên hồi ký “Bên thắng cuộc” đã phải lấy hai câu thơ của Nguyễn Duy làm đề từ cho tác phẩm đồ sộ của mình:
“Xét cho cùng sau một cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại!”.
Văn xuôi ư? Đúng vậy, nó không phải là văn vần dễ nhớ, vậy mà tôi đã đọc đến thuộc lòng nhiều đoạn trong tùy bút bất hủ “ Đường chúng ta đi” của Nguyên Ngọc:
“Nếu phải minh họa lịch sử nước ta thì mỗi trang phải tô đậm một thanh gươm và tô đậm một dòng máu. Máu thấm đượm con đường nơi mẹ tiễn ta ngày ấy. Máu thấm đượm mảnh sân nơi em ta nô đùa ngày nhỏ. Máu thấm đượm bờ ao nơi em ta ngồi giặt trên chiếc cầu nhỏ gập ghềnh …”.
Những năm gần đây, khi văn xuôi nước ta trở nên nhạt nhẽo, vô hồn thì tiểu thuyết “Thời của thánh thần” đã gây một dư chấn trong bạn đọc cả nước. Có người đã ví Hoàng Minh Tường là BalZac của Việt Nam, khi cuốn tiểu thuyết của ông đã làm được công việc của “nhà toán học của ý chí, nhà hóa học của những dục vọng, nhà thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội …” (Lời Stefan Zweig nói về BalZac).
Cứ mỗi lần bước chân lên tàu hỏa để đi đâu đó, tôi lại nhớ đến “Người không đi cùng chuyến tàu” của Nguyễn Quang Thân mà tôi đọc đã lâu lắm rồi, không còn nhớ đến thời gian, nhưng nội dung câu chuyện lại cứ nhớ như in!
Chính các anh các chị đã làm nên chân dung của văn học Việt Nam hiện đại mà không một “thế lực thù địch” nào có thể phủ nhận được.
Vậy mà các anh chị lại tuyên bố tập thể ra khỏi căn nhà Hội nhà văn mà các anh chị đã từng ở đó nhiều năm (Nguyên Ngọc ở đó từ năm 1957).
Nhưng xét cho cùng, cho thật công bằng, với tư cách một người đọc thì tôi cho rằng, việc ra đi của các anh chị là có lý và cần thiết vì ngôi nhà Hội nhà văn Việt Nam đã quá rách nát bệ rạc lắm rồi. Vẫn với tư cách một người đọc, tôi thấy việc hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận, và việc ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam còn làm hồ sơ để gửi Thuỵ Điển xin giải Nobel cho “nhà thơ” Hoàng Quang Thuận thì sự trơ trẽn và lố bịch đã lên đến tột đỉnh. Không một nhà văn có nhân cách nào có thể ở trong một tổ chức như thế.
Nhưng một người bạn đã nói với tôi, các anh chị nhà văn vừa qua không ra đi, họ chỉ rẽ dòng mà thôi. Những gì mà các anh chị làm được trong quá khứ vẫn còn đó, vẫn được lịch sử và bạn đọc Việt Nam ghi nhận.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nhắc lại lời thi hào Ta-go: “Ở đâu mọi con đường được vẽ sẵn thì tôi đi lạc”. Người ta đang vẽ sẵn một con đường “danh vọng” tài lộc cho những con người mang sứ mạng làm “con chim báo bão” cho đất nước, cho dân tộc thì các anh chị phải rẽ dòng là đúng quy luật. Khi tôi thấy nhiều nhà văn nói với tôi rằng “Vui là chính”, và hỉ hả khoe với tôi rằng, đi họp Đại hội nhà văn, xe đưa nhà văn đi họp có xe công an hú còi mở đường ở phía trước, vân vân và vân vân. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Phùng Quán:
“Tôi có quyền gì lên xe xuống ngựa
Khi gót chân nhân dân nứt nẻ bụi đường”.
Là một bạn đọc, tôi chúc các anh chị “đi lạc” mọi con đường có xe công an hú còi dẹp đường đi trước. Con đường của các anh chị là “suy nghĩ đến số phận dân tộc mình trong sự so sánh đối chiếu với những giá trị toàn nhân loại” (Viện sĩ hàn lâm Nga N. Moseev)
L.P.K.

Comments are closed.