NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN
(GDVN) – Sự vội vàng gây cảm giác rõ rệt: này đây, xong rồi, đem về làm. Ai có ý kiến gì thêm không? Không hả, cơ bản đồng ý rồi hả, ô kê.
Báo chí nhất loạt đưa tin về cuộc họp ngày 30/5 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Có ba tin nổi bật trong một tin:
Một là, cái tít bài “Chương trình giáo dục phổ thông mới có thể chưa áp dụng từ năm 2018”…
Hai là, nhấn mạnh ý của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “Trong trường hợp chưa thực sự yên tâm về chất lượng và điều kiện thực hiện thì Bộ sẽ báo cáo để Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm áp dụng chương trình mới.”
Và ba là, dẫn lời “đặc biệt lưu ý” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Tinh thần là phải bảo đảm chất lượng là trên hết. Chúng ta làm khẩn trương nhưng phải chắc chắn”.
Nhân ngày Tết Thiếu nhi mồng Một tháng Sáu, nghĩ đến cải “lợi ích trồng cây cho trăm năm cho nghìn năm”, nghĩ đến cái rừng cây mênh mông trẻ nhỏ của Dân tộc ta, xin mạnh dạn viết bài này, với lời khuyên rõ ràng (1) Phải dừng Chương trình tổng thể lại, và (2) Cần làm những gì trong thời gian dừng lại.
1. Phải dừng Chương trình tổng thể lại!
Phải dừng Chương trình tổng thể dự thảo lại, vì những lý do sau đây:
Lý do thứ nhất: Tư tưởng và phương pháp xây dựng Chương trình của bản dự thảo chưa tốt. Chưa tốt ở chỗ nào?
Đã gọi là một cuộc “thay đổi toàn diện và triệt để” nhưng bản dự thảo chưa nêu rõ được cơ sở tư tưởng và phương pháp xây dựng.
Cơ sở đó ở bản dự thảo mới dựa trên các nghị quyết chứ chưa dựa trên những tổng kết đúng/sai từ những cuộc thay sách hoặc cải cách đã tiến hành.
Trong cuộc sống, điều bất biến để dựa vào mà hành động là cuộc sống thực. Còn các nghị quyết vẫn chỉ là những khả biến.
Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng phải dừng Chương trình tổng thể dự thảo lại. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Người Việt Nam chúng ta từng thấy những thay đổi lớn, đôi khi rất lớn liên quan đến sống còn trong nhiều nghị quyết.
“Khoán 10” là một thí dụ: từ chỗ đói ăn, vậy mà chỉ trong vòng hai ba năm Việt Nam có gạo xuất khẩu.
Cơ sở xây dựng dự thảo Chương trình tổng thể cũng không thể là những bài học từ bên ngoài. Giáo dục Nhật Bản tốt là tốt với người Nhật, song vẫn còn vô số điều người Nhật đang muốn chữa.
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, có nên bỏ biên chế đối với giáo viên không?
Có
Không
Nền giáo dục của người Phần Lan, người Hà Lan, người Pháp, người Singapore… cũng vậy thôi. Học ở đâu cũng có vô số bài học hay.
Nhưng các bài học đó sẽ chỉ hay trong bối cảnh một cái bất biến – đó là cội nguồn văn hóa và trình độ phát triển của các quốc gia, các dân tộc đó.
Chưa kể là, đang “học” họ, bỗng họ thay đổi một cái, khi đó bắt đền họ à?
Bài học VNEN còn sờ sờ ra đó: học của Columbia, rước cái chương trình cho vùng núi lạc hậu của họ về định dùng tràn ngập lãnh thổ – miệng nói tinh thần dân tộc, nhưng sao chóng quên cái cây rau má cái lá rau muống cái cuộng rau đay thế nhỉ?
Lý do thứ hai: Sự vội vàng đến lạ kỳ khi trình xã hội bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.
Chính sách giáo dục đang được tư duy từ những góc nhìn nào?
Vội vàng: lý ra, bản dự thảo đó phải được trình ra cho giới chuyên môn trước khi đưa ra toàn xã hội.
Nhưng nó đã chỉ được phổ biến ở cuộc họp báo. Các vấn đề cơ sở về tư tưởng và phương pháp (như đã nói ở lý do thứ nhất bên trên) không hề được đề cập.
Ngay cả việc phân phối 80 triệu đô la Mỹ vào các chương mục cũng không nói rõ được vì sao, dựa trên cơ sở nào mà định ra tỷ lệ nào đó.
Dự thảo đem phổ biến vào giữa tháng Tư năm 2017, thế mà lại dự kiến “dành cả tháng Tư” cho toàn dân góp ý kiến – may quá, sau có chỉnh lại thêm vài chục ngày nữa.
Trên mặt báo, chỉ thấy những lời giải thích thêm, kiểu nói thêm cho rõ và do một người nói – hoàn toàn vắng bóng các đồng tác giả bản dự thảo giải thích phần trách nhiệm của riêng mình cho đầy đủ.
Cũng hoàn toàn vắng bóng những biện luận đáp lại những phản biện, trong đó có những bài phản biện quan trọng của những tác giả lý ra không nên bị “đánh bài lờ” như thế.
Đặc biệt, không thấy công khai công bố các bản thảo sách sẽ đem dùng cho năm học sắp đến. Việc này đâu có khó khăn gì: đưa lên mạng, và những ai quan tâm sẽ tải về nghiên cứu.
Sự vội vàng gây cảm giác rõ rệt: này đây, xong rồi, đem về làm. Ai có ý kiến gì thêm không? Không hả, cơ bản đồng ý rồi hả, ô kê.
Một công việc quốc gia đại sự mà tiến hành như vậy chỉ có thể gọi là cẩu thả, quá đỗi coi thường dư luận xã hội.
Lý do thứ ba: Sự thiếu tin cậy vào tác giả dự thảo. Do chỗ không thấy xuất hiện các đồng tác giả, nên xã hội chỉ còn một ông Tổng chủ biên đứng mũi chịu sào.
Nên chi, cũng cần suy nghĩ xem vận mệnh trăm năm nghìn năm của dân tộc trao vào tay Tổng chủ biên đã xứng chưa?
Nên nhớ, ông Tổng chủ biên từng là nhân vật khá quan trọng trong bộ chương trình năm 2000 (mã số CT-2000).
Chương trình này đã quá nổi danh một cách bi thảm (lấy lại một cách diễn đạt đa cảm xúc của người Pháp: tristement célèbre).
CT-2000 ra đời chưa kịp ấm chỗ đã bị chê, và đã kịp có ngay kế hoạch làm lại. Cơ sự tại sao lại ra vậy?
Để bạn đọc có cứ liệu, xin trích đoạn sau trên tạp chí Thế giới mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo số 553 ra ngày 15/9/2003, trang 6 kể chuyện “Làm sách giáo khoa nặng nhọc, công phu”. Trích đoạn đầu:
“Để chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên, tôi đọc lại những tài liệu đã xếp vào ngăn lưu trữ, rồi đến mấy trường quốc tế mượn sách giáo khoa họ đang dùng. […]
Vì thời gian gấp, tôi chỉ kịp dịch mục lục và khoảng mươi trang những cuốn sách lớp 2 rồi photo cho mỗi anh em một tập, kèm theo đề cương ban đầu.
Tại cuộc họp đầu tiên, anh NT cũng đem tới một tập sách giáo khoa Trung Quốc đã dịch một số trang. Như vậy là […] số tài liệu tham khảo cũng đã đủ cả Âu Á Đông Tây” (Hết trích).
Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới
Tác giả những dòng trên chính là ông Tổng chủ biên dự thảo Chương trình tổng thể mới 2017. Xin không bình luận về sự nông cạn hoặc sự sâu sắc, về sự nghiêm túc của người vui tính, hay cái gì đó ngược lại.
Nhưng có điều này thì rõ: phẩm chất của người làm Chương trình năm 2000 hình như đang thể hiện lại ở Chương trình năm 2017.
Nó đang trở lại trong tuyên bố của Tổng chủ biên: “các nơi đều làm sách giáo khoa thì có mà loạn à?”
Chỉ một chương trình và một bộ sách như CT-2000 có đủ để gây “loạn” chưa? Không “loạn” sao mới vài năm đã phải làm lại, làm mới, và làm “toàn diện, triệt để”?
Tóm lại, ít nhất vì ba lý do đã nêu, Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2017 phải được dừng lại.
2. Làm gì khi dừng Chương trình tổng thể 2017?
Xin nói luôn quan điểm của người viết bài này. Chuyện “dừng lại” đây không giống như đến ngã tư có đèn đỏ xe tạm dừng lại, người lái xe nhổ râu hoặc ngáp vặt, đèn xanh lại đi.
Quan điểm của tác giả với dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2017 là: dừng lại có nghĩa là dỡ ra làm lại.
Và để làm lại thì cần xác định chung những điều có tính nguyên lý, để khi khởi động lại thì có sẵn những chuẩn mực cho sự đồng thuận.
Nếu bạn đọc đồng ý với cách suy nghĩ đó, xin bạn cùng đọc tiếp và suy nghĩ tiếp với tác giả. Tác giả sẽ không bàn tiếp dông dài, mà chỉ bàn tới việc làm cụ thể.
Việc cụ thể sẽ chỉ nằm trong một thách thức: hãy trình ra xã hội các sản phẩm mang tầm tư tưởng mới của dự thảo Chương trình mới.
Có nhiều ý kiến đề nghị một cuộc đại tổng kết tất cả những việc đã làm. Nhưng tổng kết để đi đến đâu, hay chỉ đi đến những điều chung chung như xưa nay từng thấy: “cơ bản tốt”, “tuy nhiên”, và “vài điều tồn tại” …
Đứng ra tổng kết phải là người mang một tư tưởng mới đủ xác định nền Giáo dục phổ thông sẽ đưa Dân tộc này đến đâu.
Chỉ nói chung chung thay đổi toàn diện và triệt để là chưa đủ định hướng cho vô số việc làm cụ thể của công cuộc đổi thay nền Giáo dục.
Cần những tổng kết định lượng – và cần cả những tổng kết định tính.
Nhà tư tưởng Jean-Paul Sartre đã nói về định lượng như sau: thống kê cho thấy tất cả thiên nga đều lông trắng, nhưng vẫn không loại trừ có thiên nga lông màu đen!
Và nhiều nhà thống kê cũng nói: thống kê nào thì cũng chỉ nhằm một mục đích bênh vực ý kiến mình mà thôi. Tổng kết cách này chưa bảo đảm sẽ dẫn đến một cách làm Giáo dục mới.
Trong Giáo dục, đánh giá định tính là vô cùng quan trọng.
Có một tổng kết định tính ai ai cũng có thể chấp nhận ngay: trẻ em đang học vất vả quá, mà kết quả lại tầm thường.
Hoặc đây nữa: thể chế đánh giá vừa tốn kém và căng thẳng, mà chẳng đánh giá được đúng người học, nhất là chẳng giúp gì cho sự phát triển của con em và hạnh phúc từng gia đình có con em đi học.
Vậy nên, trong Cải cách Giáo dục, còn có cách làm khác, đó là tạo ra những sản phẩm mới thể hiện hoặc bao hàm sự phê phán định tính cách làm giáo dục cũ.
Tư tưởng mới không nằm trong tuyên ngôn hoặc trong các phản biện. Tư tưởng giáo dục mới phải thể hiện ra thành sản phẩm.
Sản phẩm mới đòi hỏi nhà cải cách phải trình ra là Chương trình và sách giáo khoa. Trong sản phẩm này thể hiện rõ tầm tư tưởng và năng lực tổ chức thực thi tư tưởng cải cách nền Giáo dục.
Trong sản phẩm mới, sẽ thấy rõ đó là một nền giáo dục tự do và khai phóng hay vẫn chỉ là sự nhồi nhét, áp đặt mang danh “cải cách”.
Sản phẩm mới (chương trình và sách giáo khoa) sẽ cho thấy rõ cách tổ chức việc học của học sinh – cách tổ chức người học tự đến với tri thức mới mẻ và hoàn thiện tư duy con người thời hiện đại của mình.
Đó rất nên như là tư tưởng của mục sư John Harvard Mens et Manus (“Trí óc và đôi tay”) chứ không thể là “bàn tay nặn bột”.
Thay đổi cách học theo lối “học nhóm” như cách làm VNEN vẫn chỉ có thể là thay đổi diện mạo bên ngoài chứ chưa là hình hài bên trong của cách học.
Cách học mới là người học được thực hiện những việc làm và những thao tác học để sau cuộc ra đời lần thứ nhất mang tính sinh vật thì nay sẽ phải được ra đời lần thứ hai mang tính tinh thần.
Vai trò giáo viên rất quan trọng khi thông qua phương thức nhà trường mà tổ chức bước nhảy sinh mệnh của từng em nhỏ cho tới độ trưởng thành.
Người giáo viên sẽ dùng sách giáo khoa như người bạn kiêm nhà hướng dẫn sư phạm tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ. Sách giáo khoa mới sẽ phải dễ dùng cho mọi giáo viên.
Đừng ảo tưởng đòi hỏi điều kiện tiên quyết quá cao là một cuộc “cải cách trường sư phạm”. Sách giáo khoa mới sẽ vừa tổ chức việc học của học sinh vừa làm thay đổi lối làm việc của từng nhà giáo còn đam mê nghề trồng người.
Tóm lại, thời kỳ dừng lại sẽ không phải là thời kỳ trau chuốt các tuyên ngôn.
Ban soạn thảo phải hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa và trình xã hội. Để xã hội thấy những “năng lực” và những “giá trị” sẽ hình thành và thể hiện ra sao ngay trong sách giáo khoa.
Để sách giáo khoa mới chỉ rõ cách thực hiện hướng nghiệp ra sao và học môn tự chọn như thế nào.
Ngay trong sách giáo khoa mới sẽ thể hiện tư tưởng tự học, tự đánh giá, và dự kiến được cách thay đổi chế độ thi cử như thế nào.
Qua các sản phẩm mới đó, xã hội sẽ đồng thuận nếu thấy chúng tạo được người học với những phẩm chất hứa hẹn.
3. Nhưng mà … để thay lời kết
Nhưng mà, thực lòng tác giả không tin Ban soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2017 sẽ nhận thách thức.
Vì nghe đồn hình như sách mới chỉ là sách VNEN và sách CT-2000 đã xào xáo lại. Lời hứa có sách dùng năm 2018 vô tình công nhận lời đồn là không sai. Mong rằng Bạn soạn thảo sẽ cho xã hội thấy lời đồn là sai lạc.
Mà tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không có lời mời dưới hình thức cuộc thi cho các tổ chức gửi đề án và cả chương trình cùng sách giáo khoa tham gia cuộc thay đổi lớn nền giáo dục nước nhà nhỉ?
Toàn thế giới văn minh, không nước nào có bộ phận soạn sách giáo khoa tại Bộ Giáo dục cả. Người ta có ban thẩm định các bản thảo.
Thẩm định xong, sẽ đóng một trong hai loại dấu: được dùng chính thức và được dùng tham khảo.
Hình thức Ban Tu thư có từ năm 1920 dưới thời Pháp thuộc với các cụ Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Ngọc.
Lúc đó, xã hội vốn quen dùng sách giáo khoa Tứ thư, Ngũ kinh, lực lượng làm sách giáo khoa mới còn rất mỏng.
Sau năm 1945, lực lượng chuyên nghiệp cao cũng đều yếu. Ngay ở Bộ Giáo dục, cũng không có nữ Trưởng ban Mẫu giáo, chỉ có cụ Trần Đình Bảo. Nên mới có câu ca Việt Nam dân chủ cộng hòa, Trưởng ban Mẫu giáo lại là đàn ông…
Ban Tu thư 1954 thời Giáo sư Hoàng Tụy ngồi chưa kín ngôi nhà số 4 phố Lê Thánh Tông, các môn Toán và khoa học tự nhiên chủ yếu dịch sách tiếng Nga.
Ngày nay, lực lượng chuyên nghiệp cao trong ngạch biên soạn sách giáo khoa đâu đến nỗi như nửa thế kỷ trước.
Tại sao không tổ chức cho các lực lượng xã hội làm sách giáo khoa nhỉ? Để Bộ Giáo dục làm nhiều công việc lớn khác. Người của Bộ làm sách giáo khoa vừa khó lại vừa … khó ăn khó nói.
Vâng, tại sao nhỉ?
Nhà giáo Phạm Toàn
[i] Tựa để của Văn Việt