Phải học Tú bà

Nguyễn Hoàng Văn

Ghê thì ghê nhưng chớ vội khinh thường, đừng máy móc nghe theo những gì Nguyễn Du nói mà hãy nhìn kỹ những gì Tú bà làm: bà hoàn toàn xứng đáng để dạy bảo khối người, thậm chí cả một guồng máy nhân sự dày cộm bằng cấp và cao ngất năng lực “lý luận chính trị”.

Ngòi bút của Nguyễn Du khiến chúng ta tởm. Cây cọ của Tô Ngọc Vân, dù là diễn tả lúc “người” nhất, thư thái nhất – “Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong / Tú bà ghé lại thong dong dặn dò” – lại khiến chúng ta kinh bà. Tởm và kinh nên chẳng ai muốn dây nhưng thật sự là phải học bà.

clip_image002

Phải học thôi để đất nước có thể bước qua cái thời lụn bại. Lụn bại với sự lạm phát của vĩ tố “tặc” trong ngôn ngữ mà vẫn thấy thiếu thiếu và lụn bại với bộ máy công quyền hằng lạch bạch chạy theo báo chí hay cả tin ngồi lê trên mạng xã hội để “nắm tình hình”. Khai thác, sử dụng cái gì đó bất hợp pháp là “tặc” – từ “cát tặc” đến “lâm tặc”, “thổ tặc”, “tin tặc” – nhưng, bao trùm nhất mà vẫn còn khuyết danh, lại là “quyền tặc”, cái giới được luật pháp ban bố quyền hành nhưng lại sử dụng thứ quyền này để buôn lậu… pháp luật. Còn cái bộ máy công quyền thì xem như bất lực, hoàn toàn đui điếc như, mới đây, trước những dự án “làm nghèo đất nước” với hết ngàn tỷ này đến ngàn tỷ kia ném qua cửa sổ: phải đợi đến khi những tờ báo đói tin moi ra thì mới “yêu cầu làm rõ”, lạch bạch và lật đật, như vịt. [1]

Những chuyện ấy mà vào tay Tú bà khắc khác. Bằng khả năng nắm bắt tình hình, bằng sự quyết đoán với chủ quyền, bằng tinh thần biết… sợ pháp luật, Tú bà sẽ hành động đâu vào đó, hoàn toàn không có chuyện lội ngược thời gian để… sửa sai.

Tôi không hề phóng đại. Tú bà phải giỏi tổ chức, phải cực kỳ bén nhạy với tình hình thì mới có thể thu thập thông tin như là… thời đại thông tin, bất kể cái khoảng cách đường trường kéo dài đến một tháng:

Những là lạ nước lạ non

Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi

Đó là chặng hành trình Bắc Kinh – Lâm Truy của Mã Giám Sinh và Thúy Kiều với tốc độ mơ ước của thời đó, “Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Phải “bay” cả tháng trời mới đến nên nghĩa là xa lắm, vậy mà bà nắm rõ hầu như ngay lập tức tin Thúy Kiều bán mình để phái họ Mã, vốn ngụ tại “Lâm Thanh cũng gần”, đến nơi trả giá.

Chỉ chi tiết nhỏ này thôi chúng ta thấy khả năng dạy bảo của bà. Nếu bộ máy công quyền kia bén nhạy như thế thì đất nước đâu có lụn bại với những chuyện “thường ngày ở huyện”, ở tỉnh và cả ở trung ương. Mới đây, ở Lào Cai, một nhóm lợi ích tỉnh lẻ – quyền tặc bắt tay với khoáng tặc – ăn trộm tài nguyên quốc gia, trộm đến một triệu rưỡi tấn quặng mới bị phanh phui. [2] Ở trung ương thì, như mới đây, “giáo tặc” Phùng Xuân Nhạ bị kết án sai phạm sau suốt sáu năm trời… phi vô giáo dục hóa nền giáo dục quốc gia, vốn dĩ đã thoái hóa lắm rồi trong cái đà phi giáo dục. [3] Một triệu rưỡi tấn quặng đâu phải là cây kim dưới đáy bể? Một thầy giáo hay hiệu trưởng sai thì sẽ tác hại cho hàng chục, hàng trăm hay cả ngàn học trò mà, đằng này, chúng ta có một ông Bộ trưởng Giáo dục sai đến những sáu năm trời. Y thoải mái làm bầy hầy thêm nền giáo dục giữa hàng loạt lời chỉ trích và tố cáo đạo văn cùng bằng giả, vậy mà phải đợi hơn cả một “kế hoạch năm năm” mới có thể đánh hơi. [4]

Lạch bạch “nắm” thông tin theo kiểu vuốt đuôi, guồng máy ấy còn ì ạch co kéo thời gian để sửa sai, tước bỏ quyền buôn lậu pháp luật những kẻ đã thực sự không còn cái khả năng ấy nữa; như trò sửa sai khôi hài với ông Vũ Huy Hoàng, “cách chức cựu bộ trưởng” sau khi y đã hoàn tất công cuộc “chư hầu hóa” nền kinh tế quốc gia trong cả một thập niên, biến đất nước thành một thuộc địa kinh tế của Tàu.

Bén nhạy với tình hình, Tú bà còn mạnh mẽ trong ý thức chủ quyền khi gằn giọng rằng đã bước vào nhà của bà thì phải theo luật của bà:

Con kia đã bán cho ta

Nhập gia, phải cứ phép nhà tao đây

Sự việc diễn ra sau khi bà “nắm” được rằng Mã Giám Sinh, một “đối tác” làm ăn, đã xâm phạm vào tài sản của mình là sự trinh nguyên của Thúy Kiều: “Màu hồ đã mất đi rồi / Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma”. Có thể là quá ác nghiệt với Kiều, bà vẫn khiến chúng ta chạnh lòng nghĩ đến “phép nhà” của mình khi bị “đối tác” xem thường, liên miên xâm phạm chủ quyền. Nếu guồng máy công quyền nhanh nhạy trong việc nắm thông tin và cứng rắn khẳng định “phép nhà” thì những nông dân hay ngư dân chúng ta đâu có bị lừa đảo, bị gạt gẫm liên miên, nào là nuôi đỉa hay trồng dưa, trồng khoai để đổ đi hay làm phân? Ngư dân thì liên miên bị chấn lột ngay trên vùng biển của mình để rồi, giải pháp duy nhất mà họ nhìn thấy là những cái “biên bản” chỉ để lưu trữ của guồng máy công quyền ấy.

Mạnh mẽ về chủ quyền của mình, bà lại, nếu không tôn trọng thì, ít ra, cũng là biết sợ luật pháp. Để cứu Kiều, Thúc Sinh đã mượn cớ đưa nàng đi giấu rồi dọa kiện vì tội mua gái nhà lành làm kỹ nữ, bà ta đã đồng ý cho Thúc Sinh chuộc Kiều ngay lập tức:

Chiến hòa sắp sẵn hai bài

Cậy người thầy thợ, mượn người dò la

Bắn tin đến mặt Tú bà

Thua cơ, mụ cũng cầu hòa dám sao

Không nói đến ý thức tôn trọng luật pháp, nếu những thành viên của cái guồng máy công quyền kia biết sợ như bà, làm gì có cái kỹ nghệ ăn cắp của quốc gia đến hàng triệu tấn quặng? Làm gì có cái kỹ nghệ cách chức… cựu bộ trưởng, chủ tịch, bí thư hay tổng giám đốc, cả khi đã mãn nhiệm rồi mới bị cách chức? Làm gì có cảnh thiên nhiên bị tàn phá, có việc sơn lâm bị phá và hà bá bị đâm, từ Nam chí Bắc?

Đừng cứng nhắc nghe những gì Nguyễn Du nói mà hãy nhìn thật kỹ những gì Tú bà đã làm rồi nhìn kỹ những nhân vật tạm gọi là thành phần tinh hoa của xã hội thời ấy – từ Thúy Kiều đến Kim Trọng hay Vương Quan. Họ cũng thua xa bà. Tú bà đáng để học nhưng mấy nhân vật này chẳng có gì để học.

Đầu tiên là Thúy Kiều. Có thể nàng vẹn toàn tài sắc nhưng cái chuyện văn chương đàn địch này, nếu không học được từ Kiều sẽ có khối thầy khác và vấn đề ở đây là cách sống ở đời. Cái tệ nhất của Kiều, có lẽ, là cách nhận diện kẻ thù. Không ai máy móc bám theo sách giáo khoa chính thống, hằng dạy dỗ lớp trẻ rằng cái “xã hội phong kiến thối nát” chính là “thủ phạm đẩy Kiều vào cảnh đoạn trường”, để rồi đòi hỏi nàng, lẽ ra, phải thúc Từ Hải làm cách mạng nhằm… quét sạch nó đi. Có nhìn vào cảnh Kiều báo ân báo oán sẽ thấy cái khiếm khuyết lớn nhất là triết lý về kẻ thù.

Đầu tiên, việc báo ân báo oán này là lỗi của Nguyễn Du, trong triết lý về kẻ thù. Nếu sự thể là do cái số, là do “mệnh “Trời” – “Mới hay muôn sự là tại Trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân” – thì nguyên do là tại Trời, và những kẻ bị báo thù kia cũng là tay sai của Trời, tại sao phải dàn dựng cảnh trả thù?

Mà trong việc báo thù thì Kiều lại sai. Có người trách Kiều nhỏ nhen trả thù hai tên tôi tớ Khuyển, Ưng là hạng sai vặt nhưng chưa có ai trách nàng không nhìn ra cái thù to tát, cái mối thù gốc. Thảm cảnh của gia đình Kiều xuất phát từ thằng bán tơ “xưng xuất” và quyền quyết định nằm trong tay tên tham quan “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, lẽ ra nàng phải nhìn lại từ đây để truy ra tận gốc thế nhưng nàng lại không thấy, nói chi là làm!

Thúy Kiều đã vậy, hai nhân vật thuộc hàng Nho gia là Kim Trọng và Vương Quan cũng là thứ không ra gì, là hạng người chỉ biết học để đi thi, để làm quan.

Kim Trọng từng ước thề với Thuý Kiều và, từ cái cảnh Kim Trọng vật vã:

Đau đòi đoạn ngất đòi thôi

Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê

khi nghe tin Thuý Kiều bán mình cho đến cảnh Kim vinh quy, yên bề gia thất với Thuý Vân để rồi:

Cầm đường ngày tháng thanh nhàn

Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao

mà không thể hiện một nỗ lực tìm kiếm nào, ngoài việc đi đây đi đó dò la, đã thấy lạ.

Mà có đi tìm thì Kim kia cũng chỉ “nhân thể”, là “tiện đường”… công tác, sau khi đã lấy vợ, đã yên ấm cửa nhà, và đợi khi giặc giã đã yên:

Được tin Kim mới rủ Vương

Tiện đường, cùng lại tìm nàng sau xưa

mới càng lạ hơn!

Còn Vương Quan, người em mang nặng nghĩa chị, thế nhưng công việc đầu tiên của gã đàn ông này sau khi hiển đạt là… cưới vợ, chỉ biết chăm lo cho mình:

Chàng Vương nhớ đến xa gần

Sang nhà Chung lão, tạ ân chu tuyền

Tình ưa, ân trả, nghĩa đền

Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần

Mà cái cách Vương Quan lấy vợ, gọi là “tạ ân” với Chung lão, cho thấy kẻ “nối dòng Nho gia” này không nhìn ra đâu là cái “ân” lớn của đời mình. Là kẻ “lại già” mách mối “Tính bài lót đó luồn đây / Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, họ Chung bất quá chỉ là một kẻ môi giới hối lộ trong khi cái “ân” lớn không chỉ của Vương mà của cả nhà chính là chị mình, người đã chấp nhận bán mình cứu cha và cứu em. Ân nghĩa lớn này Vương không nghiêm túc báo đền, chỉ lo báo đền cho một tên cò mồi!

Không rõ có phải qua những việc như thế mà, xem ra, đến cả Nguyễn Du cũng đã một thoáng đánh mất chính mình trong cái cảnh đoàn tụ này. So với cảnh chia tay đau đớn vô cùng đẹp đẽ trong ngôn ngữ:

Đoạn trường thay lúc phân kỳ!

Vó câu khấp khểnh bóng xe gập ghềnh.

thì, cũng trên khía cạnh ngôn ngữ, cái cảnh chuẩn bị đoàn tụ trông nhếch nhác, vô duyên thế nào:

Cùng nhau lạy tạ Giác Duyên,

Bộ hành một lũ theo liền một khi

Truyện Kiều là cả một sự chắt lọc ngôn ngữ mà, nói theo Phan Kế Bính, là “không có một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non” thế nhưng cái câu trên, câu tám, nghe cũng đục đục thế nào. [5] Nó quá mức thật thà, thật thà đến ngô nghê, y như cái cảnh ngô nghê lúc Lục Vân Tiên hối người đẹp làm thơ, “Vân Tiên ngó lại rằng ừ / Làm thơ cho kịp bấy chừ chớ lâu”, hay lúc hành động như đấn anh hùng: “Phong Lai chẳng kịp trở tay / Bị Tiên vật xuống bẻ ngay một giò”.

“Bộ hành một lũ” là toàn gia cha mẹ dâu rể. Hẳn nhiên, “lũ” ngày ấy không như là “lũ” thời nay, như trong “bè lũ bành trướng bá quyền Bắc Kinh” hay trong “bè lũ diệt chủng Pôn Pốt Iêng-xa-ri” của cuối thập niên 1970. Dẫu biết rằng “lũ” ngày ấy ngụ ý tôn trọng – như là “Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ” khi Nguyễn Đình Chiểu chiêu hồn những nghĩa sĩ trận vong ở Cần Giuộc – nhưng cái cảnh “một lũ theo liền một khi” này trông vẫn lôi thôi, nhếch nhác thế nào mà, thậm chí, còn làm chúng ta liên tưởng đến một đám đá cá lăn dưa hê nhau đi hôi của, đi liền kẻo hết.

Hẳn nhiên không ai có thể bắt nhân vật này phải hành động thế này hay thế kia nhưng vấn đề là “văn hoá ân oán”, đề tài muôn thuở của nhân loại. Thúy Kiều không nhìn ra đầu mối của cái oán trong khi Vương Quan không nhìn được cái ân. “Theo chữ nối dòng Nho gia” nhưng “Nho” đã không dạy Vương nhìn cho đúng cái ân và cũng không dạy Vương cùng Kim Trọng một triết lý hành động. Họ chỉ đau đớn suông, chỉ yên lặng chờ thời chứ không hề chủ động dấn thân, không thể hiện sự quyết đoán nào.

Đó có phải là nền tảng của những “Nho gia” thời nay, thứ “tân Nho gia” làm nên cái guồng máy nhân sự ăm ắp bằng cấp và cao ngất năng lực lý luận chính trị? Cũng na ná một thứ triết lý về ân oán, cũng mù mờ trong việc xác định kẻ thù, cũng lơ ngơ trong những giềng mối ân nghĩa nhưng lại kém xa Tú bà trong khía cạnh quản trị và thông tin hay ứng xử với pháp luật. Nhìn từ Truyện Kiều, nó có thừa những cái dở của mấy nhân vật hay mà lại thiếu cái hay của nhân vật dở.

Học Tú bà là học Truyện Kiều. Học cái hay của nhân vận dở và học để đừng lặp lại cái dở của những nhân vật… hay, những thành phần tinh hoa của xã hội. Nếu năng lực quản trị và thông tin chỉ là yếu tố kỹ thuật thì, ý nghĩa hơn, là triết lý hành động, triết lý về kẻ thù, là văn hóa ân nghĩa. Ngày nào những thành phần tinh hoa của xã hội vẫn tiếp tục là lớp người học để làm quan hay kiếm chác, ngày đó đất nước còn chậm tiến. Và ngày nào chưa thể hay chưa dám xác định kẻ thù – mối đe doa chung cũng như lợi ích – ân nghĩa chung – ngày đó đất nước sẽ còn đi lạc.

Chậm tiến và lạc hướng là điều không ai muốn nên phải hành động mà, trước mắt, về mặt kỹ thuật, là học chính Tú bà!

Tham khảo

[1] https://thanhnien.vn/bo-xay-dung-de-nghi-4-tinh-lam-ro-cong-trinh-lam-ngheo-dat-nuoc-ma-thanh-nien-phan-anh-post1508440.html

Và:

https://thanhnien.vn/lam-ro-trach-nhiem-nhung-cong-trinh-lam-ngheo-dat-nuoc-post1442069.html

[2] https://tienphong.vn/vu-dao-trom-15-trieu-tan-quang-apatit-cuu-giam-doc-cong-ty-lilama-da-rua-tien-the-nao-post1466451.tpo

[3] https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/ong-phung-xuan-nha-sai-pham-den-muc-bi-xem-xet-ky-luat.html

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Professor-nguyen-tien-zung-talks-about-the-document-of-phungxuannha-fake-science-research-02232018111151.html

[5] Dẫn theo Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu):

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6845&rb=08

Comments are closed.